Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

CEO 9X của Netlink bỏ thi đại học làm giàu từ internet

Nguyễn Văn Dũng, người sáng lập kiêm chủ tịch của Netlink cho biết việc bỏ thi đại học, bước vào 'trường đời' sớm là quyết định khó khăn nhất của anh.

Nguyễn Văn Dũng tự nhận mình không phải là một người giỏi điều hành nhưng trong tay anh đang có một đội ngũ nhân sự khoảng 150 người. Nguyễn Văn Dũng tự nhận mình không phải là một người giỏi điều hành nhưng trong tay anh đang có một đội ngũ nhân sự khoảng 150 người.
Sinh năm 1989, ở cái tuổi mà không ít người còn chưa có định hướng gì cho tương lai, Nguyễn Văn Dũng đã là ông chủ của một công ty Internet với đội ngũ nhân viên gần 150 người.

Netlink Online Communication, công ty do Dũng sáng lập ra, đồng thời giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, hoạt động trong lĩnh vực Truyền thông và Internet. Cho đến nay, công ty của Dũng đã phát triển được khoảng 10 dự án online lớn, trong đó có những website truyền thông nổi tiếng như Tin Mới (www.tinmoi.vn), Yêu laptop (www.yeulaptop.com) hay Yêu trẻ thơ (www.diendan.yeutretho.com).

Dũng tình cờ làm quen với máy tính từ cơ quan của mẹ năm học cấp hai, với tài sản ban đầu là một vài tờ báo về tin học mà anh thu thập được. “Chiến tích” đáng nhớ nhất của cậu học sinh cấp II Nguyễn Văn Dũng là việc nối mạng trộm qua đường điện thoại (vì những năm đó chưa có ADSL) và những lần giật mình thon thót vì sợ bố mẹ phát hiện trong những lần thanh toán hóa đơn điện thoại.

Khi những quán Internet đầu tiên xuất hiện cũng là lúc Dũng thường xuyên đạp xe 5 cây số ra huyện để truy cập mạng. Khác hẳn với những cậu bé cùng lứa tuổi của mình ra quán net để chơi game, Dũng mày mò lập ra những website hay trang blog và bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ những cá nhân hoặc tổ chức thuê anh làm website.

Tuy nhiên, phải đến khi lên cấp III, đi học xa nhà, Dũng mới có điều kiện để tiếp cận một cách toàn diện với nguồn thông tin khổng lồ trên Internet và tự dung nạp kiến thức cho mình, đồng thời niềm đam mê Internet mới thực sự ngấm vào máu.

Thời điểm này, Dũng cùng với một người bạn thành lập công ty chuyên chuyên về thiết kế, code, vận hành web và một số công việc marketing online khác. Tại đó anh kiêm nhiệm mọi việc từ A-Z, thậm chí, tối làm bảo vệ và ngủ ngay tại trụ sở của công ty. Công ty của anh thời điểm đó liên tục vấp phải những vấn đề về tài chính còn bản thân Dũng bị gia đình chỉ trích rất nhiều.

CEO 9X của Netlink bỏ thi đại học làm giàu từ internet (1)
"Bí quyết thành công của nhiều 'đại gia' ngành Internet là lúc nào cũng phải giữ cho mình có suy nghĩ như một người mới khởi nghiệp. Nên nếu bạn đang là người mới khởi nghiệp thì ko phải ngại gì cả".

Quyết định được xem là khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh, theo chia sẻ của doanh nhân trẻ tuổi này, là việc bỏ thi đại học để theo đuổi ước mơ lập nghiệp dựa vào Internet. “Bỏ thi đại học là một quyết định khó khăn và là sự đấu tranh tư tưởng lớn đối với bản thân, khi mà chính con đường sự nghiệp còn đang loay hoay chưa có gì thuận lợi. Gia đình và mọi người xung quanh phản đối kịch liệt, khiến cho tôi gặp phải áp lực vô cùng lớn thời điểm đó. Tuy nhiên, chính sự phản đối đó cũng thúc đẩy tôi phải quyết tâm thành công nhiều hơn và cũng như một bài học thử thách về tâm lý để tôi vượt qua được những áp lực lớn hơn sau này”, Dũng chia sẻ.

Dũng quyết định bước vào "trường đời" tích lũy kinh nghiệm bằng cách đi làm thuê, thay vì tiếp tục làm "ông chủ kiêm nhân viên". Do đó, anh đã bỏ cả thi đại học, lẫn công ty để nộp đơn xin việc làm. Tại thời điểm đó, Dũng chưa hoàn toàn tin vào con đường mình đi, thâm tâm cảm thấy lo sợ. Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình khi trở thành trưởng phòng CNTT của một công ty tổ chức sự kiện chỉ sau vài tháng làm việc.

Dũng sau đó tiếp tục đầu quân cho một số đơn vị khác, nhưng do cảm thấy môi trường “chật hẹp” không đủ cho mình thỏa sức vẫy vùng, anh đã bỏ việc để tự do làm những gì mình thích. Thời gian này, Dũng bắt đầu quan tâm đến các chương trình quảng cáo của Google và không lâu sau đó, trở thành nhà phân phối của Google với mức thu nhập cao gấp rất nhiều lần so với một nhân viên bình thường trước khi tự mình thành lập công ty.

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc điều hành và làm việc với các đối tác do tuổi đời còn quá trẻ, Dũng tỏ ra tự tin cho biết, bất cứ người thiếu kinh nghiệm nào cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng điều đó sẽ trở thành lợi thế của những người trẻ nếu chứng minh được khả năng và tư duy của mình.

CEO 9X của Netlink bỏ thi đại học làm giàu từ internet (2)
"Các chuyên gia trên thế giới thường nói lúc kinh tế khủng hoảng thì Internet lại lên ngôi. Tôi cảm thấy điều đó hoàn toàn đúng trong quá trình phát triển của mình".

Anh cũng cởi mở chia sẻ, công ty của mình sẽ triển khai hai dự án lớn trong vòng hai năm tới. Nhận định về thị trường CNTT trong nước, vị CEO trẻ tuổi cho biết thị trường Internet nước ta đã sôi động hơn nhiều so với khoảng thời gian 5 năm về trước, và cần thêm vài năm nữa để phát triển bùng nổ.

Theo Thành Duy
Zing/Infonet

9X học trái ngành, lập shop ảo, sở hữu chuỗi 20 cửa hàng

Sinh năm 1990, vừa mới tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Linh Cát có trong tay chuỗi 20 cửa hàng ở một số tỉnh - thành.

Ảnh: Quý HòaẢnh: Quý Hòa
Có những ngày phải vất vả làm thêm để có vốn nuôi giấc mơ nhưng sức trẻ đã giúp Nguyễn Linh Cát vượt mọi khó khăn và sự sáng tạo là chất liệu để cô nàng 9x này thành công trên thương trường.

Sinh năm 1990, vừa mới tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, trong tay là chuỗi 20 cửa hàng ở một số tỉnh - thành nhưng Linh Cát không khoác lên mình sự chững chạc của một doanh nhân. Nụ cười trong veo, tinh nghịch nhưng ánh mắt lại đầy tự tin của cô khiến người đối diện dễ băn khoăn, không biết cô làm thế nào để tính bài toán kinh doanh có thể dễ dàng đến như vậy.

Lên mạng lập shop

Chuyện bắt đầu từ chuyên ngành học không đúng như sự nghiệp kinh doanh mà Linh Cát đã chọn từ những ngày còn là học sinh: Công nghệ sinh học. Vì không muốn làm trái ý phụ huynh, Linh Cát chấp nhận dành bốn năm cho việc học trái ngành.

"Nhiều người sẽ nghĩ tôi uổng phí bốn năm nhưng tôi lại thấy mình gặt được nhiều thứ. Trong đó, lớn nhất là bài học phải làm theo những gì mình yêu thích để có được đam mê và sẵn sàng dốc sức", Linh Cát chia sẻ.

Lớn lên cùng internet và máy tính, Linh Cát sớm biết kinh doanh qua mạng là mảnh đất tốt lành cho những người thế hệ sau như cô nhưng mãi cho đến năm thứ hai đại học, Cát mới chọn được con đường.

Cát kể, cách đây hai năm, rất nhiều người đổ xô sang Trung Quốc, Thái Lan... tìm nguồn hàng rồi mang về Việt Nam rao bán trên mạng. Trào lưu này khiến nữ sinh viên như cô được dịp sắm sửa vì giá sản phẩm khá mềm, có rất nhiều mẫu mã dù chất lượng không cao.

Tuy nhiên, nam sinh viên thì lại đứng ngoài phong trào này. Không phải vì các bạn nam không thích thời trang mà nguồn hàng kinh doanh trên mạng phục vụ đối tượng này có nhưng ít và chưa thực sự hấp dẫn. Muốn sắm sửa, họ phải chấp nhận mua hàng ở các shop với giá cao mà không có nhiều lựa chọn.

Quyết tâm thử sức ở đại dương xanh này, Linh Cát gom góp số tiền dành dụm được trong suốt cả năm làm thêm trước đó, đến chợ Tân Bình, lùng chọn những mẫu vải phù hợp với những mẫu thiết kế mà cô thích khi lướt web, tham khảo thời trang nam, rồi đặt may gia công.

Theo tính toán của Linh Cát, giá bán ở các chợ đầu mối hay đặt hàng từ nước ngoài về, trung bình một áo sơ mi nam đã lên đến 180.000 đồng, bán ra phải trên 200.000 đồng mới có lãi.

Nếu tự đặt may, giá bán chỉ bằng giá lấy hàng về mà lại đảm bảo được chất lượng và nhất là kiểu dáng không đại trà. "Điều này sẽ tạo nên thế mạnh cạnh tranh cho Catsashop", cô khẳng định.

Khi đã có sản phẩm, Cát bắt đầu lên mạng lập cửa hàng. Trang web 123mua.vn là điểm đến đầu tiên của cô. Linh Cát tiết lộ: "Mới bắt đầu kinh doanh, lập website riêng khó thu hút người truy cập. Cách tốt nhất là dựa vào thế mạnh cộng đồng của những trang thương mại điện tử lớn".

9x trổ tài

Mô hình kinh doanh của Cát khá đơn giản. Sau khi chọn và đặt hàng trên shop điện tử, khách hàng sẽ được giao hàng tận nơi hoặc đến nhà của Cát để thử và chọn lựa.

Cái khó của cô chủ nhỏ là vốn quá ít, phải xoay vòng nên bán hết hàng Cát mới có điều kiện đầu tư thêm mẫu mới. Cát kể, vừa kinh doanh, vừa đi học nhưng cô vẫn phải đi làm PG (nhân viên chào mẫu sản phẩm) để kiếm thêm vốn đầu tư cho sản xuất.

Bên cạnh đó, sản xuất số lượng không nhiều nên việc in, thêu hay thêm thắt các họa tiết vào sản phẩm cũng bị hạn chế. Tuy vậy, đúng như cách tính của Linh Cát, sản phẩm chất liệu tốt, thiết kế trẻ trung lại bán với giá thành rẻ hơn nên được đón nhận rất nhiều.

"Chỉ sau 2 tháng chính thức bán hàng, tháng 11, tháng 12 năm đó, có ngày, doanh thu của Catsashop lên đến hơn 5 triệu đồng", Cát khoe.

Sự phát triển này buộc Cát phải tính toán lại bài toán kinh doanh. Một mặt đẩy mạnh quảng bá trên web, phát tờ rơi giới thiệu tại các trường đại học..., mặt khác, Cát mạnh dạn mở shop thực để có nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm.

Cửa hàng đầu tiên của Cát ra đời sau shop ảo bốn tháng. Nhờ quảng bá tốt, khách hàng tìm đến Catsashop ngày một nhiều hơn. Cát phải đầu tư thêm cửa hàng mới phục vụ đủ nhu cầu.

Biết được tiềm năng của Catsashop, nhiều người, trong đó có cả người thân của Cát ngỏ ý làm đại lý. Cô đồng ý nhượng quyền thương hiệu với giá 0 đồng để có thể mở rộng kinh doanh. "Nguyên tắc để làm đại lý cho Catsahop, ngoài vị trí không làm ảnh hưởng đến các shop hiện có thì chỉ cần bán đúng sản phẩm, đúng giá”, Cát cho biết.

Chưa đầy 2 năm nhưng chuỗi Catsashop đã lên đến con số 20, trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh - thành lớn. Trung bình, mỗi tuần Catsashop cho ra thị trường 20 mẫu thiết kế mới.

Cát trăn trở "Vốn đầu tư có hạn, phải đợi xoay vòng nên khả năng sản xuất của Catsashop không đủ phục vụ nhu cầu thị trường". Đó chính là lý do Cát dù đang ấp ủ rất nhiều dự định nhưng vẫn chưa thể thực hiện.

"Mọi thứ đang diễn ra quá nhanh, tôi sẽ phải rà soát để quản lý tốt hơn. Ước mơ của tôi là đưa sản phẩm của Catsashop đi xa hơn nữa", Cát nói vậy.

Theo Đặng Quý Yên
Doanh nhân Sài Gòn
Flag Counter