Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Dân công sở đi buôn để... giảm stress

Đi buôn ngoài giờ ngồi văn phòng không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là phương pháp giảm stress hiệu quả của chị em công sở.

Dân công sở đi buôn để... giảm stress
Lãi dăm chục ngàn mà phấn khởi cả ngày
Lương tháng hơn chục triệu, lại chưa lập gia đình nên chị Lê Thúy (chuyên viên thiết kế của một công ty phần mềm trên đường Duy Tân, Cầu Giấy) vẫn sống khá thoải mái mặc “bão giá” hoành hành. Thế nhưng, ngoài 8 tiếng ngồi văn phòng, cứ có thời gian rảnh là chị Thúy lại lọ mọ đi lấy hàng, giao hàng như một bà buôn thực thụ.
Chị Thúy cùng một người bạn nữa góp vốn định mở cửa hàng bán măng tây xanh, sau một thời gian bán thử nghiệm trên mạng thấy “không ăn thua” nên người bạn kia rút. Chị vẫn tiếp tục làm một mình, mở rộng mặt hàng kinh doanh sang các loại nông phẩm Tây Bắc như mật ong, rượu ngô, lá nếp cẩm, trám, lá thuốc tắm của người Dao,…
Người ngoài nhìn vào bảo chị “ham làm giàu” nhưng thực chất số tiền lãi chị kiếm được chả đáng là bao, có khi tiền lãi cả tháng chỉ bằng ba ngày lương. Nhưng chị lại tìm thấy niềm vui ở công việc tay chân này.
Chị chia sẻ: “Buổi trưa người ta ngủ, mình lọ mọ đi 10km giao hàng. Cái cảm giác bán được hàng nó rất khó tả, cảm giác này người làm kỹ thuật không bao giờ có được. Tiền lãi có khi chỉ ngồi cafe tý là hết nhưng thực sự mình cảm thấy rất sung sướng”.
Chị bảo công việc của chị là thiết kế đồ họa đòi hỏi sự sáng tạo, lại phải ngồi máy tính nhiều nên đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn. Việc buôn bán giống như một thú vui, giúp chị giải tỏa stress.
“Kể ra cũng thấy mình hơi điên điên, an nhàn không muốn lại cứ tự làm khổ mình. Nhưng không hiểu sao kể từ lúc đi buôn lại thấy vui hẳn lên. Cứ hôm nào có người đặt hàng là phơi phới cả ngày”, chị Thúy nói thêm.
Cũng tìm vui ở việc “buôn thúng bán mẹt”, chị Kim Oanh (giao dịch viên một ngân hàng trên đường Trần Thái Tông) lại chọn cách bán sang tay đồ thời trang. Chị thích mua sắm, hay đi lùng sục ở các shop thời trang nên tìm được đồ độc, lạ. Lắt nhắt dăm ba chiếc áo, váy độc cũng khiến facebook và các topic bán hàng của chị râm ran cả ngày.
“Mình thích thời trang lắm nhưng lại phải học ngân hàng theo chỉ thị của gia đình. Công việc cũng không vất vả lắm, thu nhập cũng cao nhưng không hiểu sao mình cứ thấy chán chán. Thế là chọn cách buôn bán như thế này để thỏa lòng đam mê”, chị Oanh nói.
Chỉ nên là thú vui
Với quan niệm “phi thương bất phú”, nhiều chị em công sở ham hố làm giàu tìm đủ mọi cách để buôn bán. Thậm chí có những người còn bỏ việc để theo hẳn con đường buôn bán. Thế nhưng không phải ai đi buôn cũng thuận lợi, nhất là trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
“Thu nhập của mình cũng ổn định nhưng vì ham thích kinh doanh nên góp đầu tư mở quán cà phê với một người bạn. Được bốn tháng thì bắt đầu oải và mình rút vốn vì nhiều vấn đề đau đầu như việc quản lý nhân viên, chia chác lãi lỗ”, chị Lan Anh (Mỹ Đình, HN) chia sẻ.
Chị Lan Anh bảo kinh doanh bây giờ không đơn giản, nhất là đối với dân văn phòng, cả ngày bận rộn công việc ở cơ quan, về nhà lại tính toán buôn bán sẽ rất mệt mỏi.
“Đúng là buôn bán thì dễ giàu hơn là lương công sở nhưng nghĩ học hành bao năm rồi vứt cái bằng đi để thành “con buôn” thì không đáng. Mà ham cả hai việc thì mệt mỏi lắm, không có thời gian cho gia đình, bản thân. Thế nên mình nghĩ có buôn cũng chỉ làm nho nhỏ cho vui thôi, kiếm đôi ba đồng uống cafe chứ làm giàu thì khó lắm”, Lan Anh chia sẻ.
Theo La Hoàn
Vietnamnet

Trào lưu 9X: Kiếm chục triệu đồng/tháng bằng đồ handmade

Nhiều chủ shop thu về hàng chục triệu đồng, thậm chí có trường hợp kiếm tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ các nguyên liệu đơn giản như vải nỉ, vải dạ và giấy...

Trào lưu 9X: Kiếm chục triệu đồng/tháng bằng đồ handmade

Trần Anh Dũng, sinh viên năm thứ 3 Đại học Ngoại Thương, một trong những người sáng lập 4handy và Bánh đa shop chia sẻ, nhờ bán hàng handmade, tổng doanh thu của 2 shop mỗi tháng lên tới cả trăm triệu đồng. Công ty của Dũng không tập trung vào sáng tạo các sản phẩm handmade làm sẵn mà sản xuất những bộ kit bao gồm vải dạ, các dụng cụ và hướng dẫn để tạo ra một sản phẩm handmade. Shop có đội chuyên môn chỉ 2 - 3 người có nhiệm vụ thiết kế và chế tạo sản phẩm mẫu và nhóm đã sáng tạo khoảng 200 bộ kit hướng dẫn làm các sản phẩm từ móc khóa, bánh ga tô bằng vải dạ cho đến thiệp giấy.

Với doanh thu khiêm tốn hơn, khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng, I-karo, một shop gồm 8 nhân viên với 3 cửa hàng tại Hà Nội lại có cách kinh doanh khác. I-karo shop không sản xuất các bộ kit hàng loạt mà làm các sản phẩm handmade theo yêu cầu của khách hàng. Điều đặc biệt trong phương thức kinh doanh của shop này là làm ra sản phẩm “xinh y chang” với tưởng tượng của người đặt.

Zonnyshop lại là cửa hàng chỉ kinh doanh online, với 6 nhân viên, chuyên buôn bán các sản phẩm từ len. Mới thành lập 4 tháng, mỗi ngày shop nhận trung bình 10 - 20 đơn đặt hàng. Anh Nguyễn Văn Chung, chủ Zonnyshop tiết lộ: "Có những đợt, shop nhận order của các diễn đàn từ 100 đến 200 sản phẩm". Với mỗi sản phẩm có giá trung bình là 40.000-50.000 đồng, cửa hàng có thể thu được trung bình 4-10 triệu mỗi tháng, một con số không nhỏ đối với cửa hàng online mới thành lập.

Tuy nhiên, để kinh doanh handmade có lãi như vậy, chủ cửa hàng cũng phải trả những giá không nhỏ. Vào những ngày đầu, 4handy đã từng thu hồi hàng nghìn sản phẩm do không nắm bắt được thị trường kinh doanh, đánh giá không đúng nhu cầu khách hàng. Trần Anh Dũng, ông chủ 9X tâm sự: “Cho tới bây giờ, tôi tưởng như shop đã kinh doanh ổn định, nhưng mọi mục tiêu đều có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào. Những kế hoạch vạch ra cho một năm có thể không trụ nổi trong vòng một tháng vì thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục”.

Chủ shop I-karo, Nguyễn Thùy Linh nhìn nhận, hiện handmade đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong giới trẻ. Càng ngày càng có nhiều cá nhân và các shop online bán nguyên liệu cũng như các sản phẩm handmade. Cửa hàng kinh doanh handmade để thành công phải nghiên cứu và cập nhật thường xuyên nhu cầu khách hàng.

Còn Trần Anh Dũng cho rằng có 3 nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm handmade. Nhóm một là những người thích mua những sản phẩm handmade làm sẵn, nhóm 2 là những người mua bộ kit về làm theo hướng dẫn. Nhóm còn lại là những người chỉ mua nguyên liệu, tự thiết kế sản phẩm.

Để thành công, các shop không chỉ bán các sản phẩm phục vụ cả 3 nhóm khách hàng mà còn tổ chức các lớp học dạy làm đồ handmade. I-karo còn tạo thiết lập mô hình café handmade, tạo ra một không gian để các tín đồ handmade có thể thoải mái chia sẻ sở thích: vừa uống café, vừa mua, vửa làm, vừa học handmade tại chỗ. Một số cửa hàng còn phải bỏ ra rất nhiều công sức để phát các survey ở các trường học, lập các survey online để tìm hiểu thói quen mua hàng của giới trẻ.

“Handmade là một xu hướng tất yếu với hai giá trị to lớn của nó là tiết kiệm chi phí và tạo ra giá trị của sản phẩm" - Dũng chia sẻ. Đó là một trong những lí do mà các shop thành công và lấy lại vốn trong một thời gian ngắn.

Theo Hảo Linh
vnexpress
Flag Counter