Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Làm liều thắng lớn

Không chỉ đưa doanh nghiệp trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nước uống đóng chai tại thị trường TP.HCM, mới đây, Trần Ngọc Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hoàng Trần, vừa hoàn thiện nhà xưởng sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm phân phối. Đó là những thành quả “ông chủ trẻ” đạt được sau 7 năm gầy dựng sự nghiệp.

Tập tành kinh doanh khi còn là sinh viên năm 3 khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trần Ngọc Bình khởi đầu bằng việc cung cấp nước uống đóng chai cho các bạn sinh viên ở cùng dãy trọ. Lợi nhuận mỗi tháng thu về khoảng 300.000 đồng, số tiền không lớn nhưng cũng giúp Bình trang trải sinh hoạt phí. Ước mơ xây dựng hệ thống phân phối và cung cấp nước uống đóng chai cho toàn thành phố cũng từ đó nhen nhóm trong chàng trai trẻ.

Một năm sau, năm 2006, Trần Ngọc Bình đã mở rộng quy mô kinh doanh thành đại lý cung cấp nước uống đóng chai với tổng vốn đầu tư là 7 triệu đồng (bản thân tự tích cóp được 2 triệu và xin thêm gia đình 5 triệu), đặt trụ sở tại Bình Triệu (Q. Thủ Đức). Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hoàng Trần do Trần Ngọc Bình làm chủ cũng chính thức được thành lập vài tháng sau đó, khi đại lý chuyển địa điểm từ Thủ Đức về Ngã tư Hàng Xanh (Q. Bình Thạnh) với đội ngũ nhân sự gồm... ba người: giám đốc kiêm tiếp thị, giao hàng và giao dịch viên.


Thời gian đầu, chưa có nhiều khách hàng, không tên tuổi, Hoàng Trần bắt đầu bằng cách gõ cửa từng nhà tiếp thị, thậm chí cho khách hàng dùng thử sản phẩm miễn phí. Tất nhiên, nước uống đóng chai của Hoàng Trần lúc đó thuộc loại “không thương hiệu”, nên chi phí vẫn nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Sau thời gian triển khai bằng cách tiếp thị trực tiếp, chấp nhận tốn khá nhiều tiền, danh sách khách hàng cũng dần dài ra. Và lúc đó Bình mới bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho Hoàng Trần.


Hơn ba năm hoạt động liên tục (2006 - 2009), cũng là giai đoạn thị trường nước uống đóng chai bị “càn quét” do vi phạm những quy định về an toàn thực phẩm nên mức lợi nhuận thời điểm này không đáng kể. Thế nên, chàng trai trẻ Trần Ngọc Bình bắt đầu xây dựng dự án “hệ thống phân phối và cung cấp nước uống”, với mục đích xốc lại hệ thống phân phối của Hoàng Trần, cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp.


Sau 3 - 4 năm vun trồng, rồi cũng đến lúc Hoàng Trần hái những quả ngọt đầu tiên. Tuy nhiên, “Dù kinh doanh đã có lãi, song do chưa biết tính toán, cân đối trong thu chi, cụ thể là thu ít, chi nhiều, chủ yếu là các khoản chi cho hoạt động tiếp thị, lương nhân sự, nên Hoàng Trần lại rơi vào tình trạng lỗ lã”, Bình chia sẻ.


Sau những lần thất bại, Bình mới “sáng ra”: “Thấy tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống, tôi bắt đầu lập lại kế hoạch kinh doanh một cách nghiêm túc hơn. Đặt ra mục tiêu rõ ràng cần phải đạt được trong thời gian cụ thể”. Nhờ cách làm đó, Hoàng Trần đã được vực dậy.

Sau gần 7 năm hoạt động, giờ đây, ngoài cơ ngơi khá khang trang tại đường Mê Linh (Q. Bình Thạnh), Hoàng Trần đã xây dựng được cửa hàng trưng bày sản phẩm tại quận 3 và 5 chi nhánh phân phối nước đóng chai của trên 10 thương hiệu nổi tiếng có mặt tại thị trường Việt Nam, với đội ngũ gần 50 cán bộ, công nhân viên, phục vụ trên 12.000 khách hàng...

Đến nay, doanh thu của doanh nghiệp đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Hoàng Trần còn cung cấp máy làm nước nóng, lạnh của các thương hiệu cả ngoại lẫn nội như: Sukara, CNC, Aquapower... và dịch vụ bảo hành - bảo trì đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng sử dụng nước uống đóng chai. Hoàng Trần vừa mới hoàn thiện nhà xưởng sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm phân phối và đang nhập thêm máy làm nước nóng, lạnh để phân phối ra thị trường...

Nhìn lại quãng đường đã qua, Trần Ngọc Bình, chia sẻ: “Bây giờ khi xem lại dự án “hệ thống phân phối và cung cấp nước uống” mới thấy có nhiều điều thú vị. Bởi, định hướng “hệ thống” vẫn còn đó, nhưng so sánh những gì mình viết và những gì đã làm thì thấy khác nhau nhiều. Mặc dù học quản trị kinh doanh, song những kinh nghiệm tích lũy được từ kinh doanh chủ yếu do tự học”.

Giờ đây, khi sự nghiệp đã tương đối ổn định, “ông chủ trẻ” Trần Ngọc Bình lại hoạch định tiếp kế hoạch của đời mình. Trong đó, “sở hữu 1 triệu đô la vào năm 30 tuổi” đang là mục tiêu thúc đẩy Bình bước tiếp. Liệu hai năm nữa có đủ cho Bình chinh phục mục tiêu?

NAM AN

Lập“sàn”cho hàng“handmade”

Sở hữu giải II tại Hội trại Khởi nghiệp VYE2012, Mintown, nhóm chủ nhân của mô hình sàn thương mại đồ thủ công, chỉ ra hướng đi chiến lược cho ngành hàng giàu tiềm năng nhưng lại ít phát triển nhất Việt Nam hiện nay: hàng thủ công.
Mintown là tên gọi của nhóm bốn sinh viên Hà Nội. Nghiêm Minh Hoàng, cựu sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, cho biết, ý tưởng lập sàn giao dịch đồ thủ công của nhóm hình thành trong thời gian cả nhóm thử kinh doanh một số mặt hàng thời trang và tham gia các hội chợ của các bạn trẻ.

Đam mê lĩnh vực thương mại điện tử, Hoàng đã dành thời gian tìm hiểu khá nhiều mô hình của nước ngoài. Theo đánh giá của Hoàng về thị trường Việt Nam, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng luôn ưu tiên các mặt hàng giá cả hợp lý. “Điều này tạo nên chiều đi lên của thương mại điện tử, nhất là khi niềm tin vào phương thức mua bán này tăng dần”, Hoàng nhấn mạnh. Từ điểm thuận lợi này của thị trường, cả nhóm nảy ra ý tưởng về một sàn giao dịch đồ thủ công.
Đối tượng Mintown nhắm tới trước hết là những mặt hàng“handmade”hiện tại của các bạn trẻ. Sau khi ổn định được phân khúc này sẽ phát triển nhánh các mặt hàng có giá trị cao hơn, như sản phẩm nghệ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ...
“Mong muốn của chúng tôi là giúp được các cá nhân nhỏ lẻ có thể bán được những món đồ do mình sáng tạo ra, vì thực tế có nhiều bạn thích làm đồ thủ công nhưng hầu hết không thể coi nó là nghề vì không có nơi “dụng võ”, các thành viên Mintown cho biết. Theo Minh Hoàng, tính khả thi và khả năng cạnh tranh của dự án này khá cao là bởi vì thương mại điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự phát triển, do đó vẫn còn các thị trường ngách cho các công ty nhỏ đầu tư.

Đồng thời, yếu tố “trẻ” giúp Mintown gần gũi và hiểu các “chủ xưởng” làm đồ “handmade” hơn so với công ty chuyên nghiệp, bởi rất khó để làm được những hội chợ mang tính sinh viên. Hoàng tự tin: “Mô hình của chúng tôi có khả năngmở rộng rất cao do nhu cầu về quà tặng và thời trang vẫn rất lớn”. Điểm đặc biệt của dự án này là lượng vốn bỏ ra không quá lớn, do vậy, sau khi kết thúc Hội trại VYE, Mintown đã bắt tay chuẩn bị thực hiện, bắt đầu từ việc tìm chỗ làm văn phòng và tiến hành dần các công việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin thị trường.

“Ngày 14/10 tới sẽ là thời điểm Hội chợ Handmade đầu tiên của Mintown ra đời tại Hà Nội”, Hoàng tiết lộ. Bắt tay vào hiện thực hóa dự án, Mintown cũng không tránh được khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Theo các thành viên, Mintown gặp khó khăn về kiến thức công nghệ thông tin do họ đều là sinh viên ngành kinh tế. “Nếu có thêm nhà đầu tư và người hướng dẫn thì tuyệt vời, con đường phát triển của chúng tôi sẽ tiết kiệm được thời gian hơn”, Hoàng chia sẻ.

Kêu gọi đầu tư như vậy nhưng trước mắt cả nhóm vẫn miệt mài tự học, tự tìm hiểu để làm chủ những bước đi của mình. Biết trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng Mintown vẫn xác định dự án này là con đường dài của các thành viên. “Chúng tôi tin vào khả năng phát triển của dự án. Đó chính là lý do khiến tôi quyết định dừng công việc tại công ty cũ và tạm gác chuyện du học để tập trung vào dự án”, Hoàng tự tin.

Quý Yên
Flag Counter