Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Trò chuyện với người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk được tạp chí Forbes xếp vị trí thứ 35 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.


 
     Tạp chí này dành lời ngắn gọn ca ngợi bà Mai Kiều Liên: Sinh ra ở Pháp và được đào tạo ở Matxcơva, bà đã trở về Việt Nam sau chiến tranh, vào năm 1976, góp phần hiện đại hóa quy trình sản xuất sữa của nước nhà.
 
     Sau năm 2003, bà đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Vinamilk và xây dựng nó trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á.
 
     Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Mai Kiều Liên ngay sau khi bà được tạp chí Forbes vinh danh.

 
Bà Mai Kiều Liên, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Vinamilk
 
Chúc mừng bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của tạp chí Forbes. Bà có bất ngờ không và cảm xúc của bà khi đón nhận tin này, người đầu tiên mà bà gọi điện báo tin vui là ai?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Tôi hoàn toàn bất ngờ về tin này. Cách đây mấy ngày, phóng viên tạp chí Forbes từ New York có xin ban đối ngoại một cái ảnh, lúc đó chúng tôi có hỏi mục đích xin ảnh thì được trả lời rằng họ không được tiết lộ, nhưng cứ yên tâm, là một tờ báo lớn và uy tín thì đưa ảnh doanh nhân không có việc gì phải lo ngại.
 
     Cho đến ngày hôm qua mới biết được họ dùng ảnh đó để làm gì. Tôi được một người bạn thông báo tin này qua điện thoại. Cảm xúc thì chỉ có thể nói ngắn gọn rất là vui. Người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là ông xã (cười).
 
     Cũng như năm 2010, khi Vinamilk được lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp châu Á xuất sắc năm 2010 của tạp chí Forbes thì phía tạp chí cũng không hề thông báo trước, một ngày đẹp trời họ công bố vậy thôi.
 
Theo bà, trong số những tiêu chí tạp chí Forbes đưa ra, bà đáp ứng tốt nhất tiêu chí nào?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Thứ nhất về tiêu chí vốn, họ yêu cầu doanh nghiệp phải có tối thiểu doanh thu là 100 triệu đô la thì Vinamilk có doanh thu 1 tỉ đô la.
 
     Thứ hai là công ty có lợi nhuận, hiện trên sàn chứng khoán, Vinamilk là một trong 15 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1000 tỉ đồng.
 
     Thứ ba là khả năng lãnh đạo rồi các hoạt động cộng đồng của công ty có tính nhân văn lớn, có yếu tố sáng tạo…
 
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khủng hoảng hoặc phá sản thì bà có bí quyết nào khiến cho công ty vẫn đứng vững và phát triển như vậy?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Yếu tố đầu tiên mà tôi cũng như 4000 người làm việc ở Vinamilk là phải làm việc hết sức mình, cường độ cũng như ý chí làm việc rất cao.
 
     Một điều vô cùng quan trọng nữa là phải có tính sáng tạo, không theo lối mòn, không đi theo xu hướng đám đông, nhiều khi đi ngược lại xu thế nếu mình cảm thấy tin tưởng là có hiệu quả.
 
     Trong xu thế hiện nay, doanh nghiệp nào có tính sáng tạo càng nhiều thì thành công càng lớn.
 
Danh hiệu này có tạo áp lực cho bà không và mang lại thuận lợi gì cho công ty?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Tôi nghĩ điều thuận lợi là thương hiệu Vinamilk sẽ được thế giới quan tâm, đặc biệt là giới doanh nhân.
 
     Còn áp lực thì lúc nào cũng thường trực để duy trì mức tăng trưởng của công ty, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và người tiêu dùng: chất lượng ngoại, giá nội và phong cách phục vụ phải tốt nhất!
 
Có lúc nào bà phải đối mặt với thất bại chưa và bà giải quyết ra sao?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Cách đây một thời gian thì chúng tôi có dự định mở rộng kinh doanh thực phẩm ngoài sữa. Các tập đoàn đa quốc gia cũng ít khi kinh doanh mỗi một mình sữa, mà có thêm bánh kẹo, đồ uống…
 
     Nhưng đầu tư hai năm không triển vọng nên tôi bán, không lỗ nhưng điều đó cũng thể hiện mình suy nghĩ chưa tới. Đó là một bài học và bây giờ thì tập trung chuyên sâu về mặt hàng sữa.
 
     Tuy nhiên, nếu sau này có một mặt hàng nào có thể sinh lời tốt thì Vinamilk vẫn có thể mua lại để kinh doanh.
 
Bà từng nói tâm nguyện lớn nhất của mình là làm thế nào để tạo vùng nguyên liệu cơ bản không phải nhập khẩu nữa, tạo công ăn việc làm cho người nông dân. Nhưng đến giờ vẫn còn tình trạng nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài, trong khi từng có những nông dân phải rơi nước mắt đổ sữa đi vì doanh nghiệp không thu mua. Doanh nghiệp sữa như Vinamilk sẽ làm gì để đảm bảo cân bằng lợi ích trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Nhiều người hỏi tôi là tại sao đi chăn nuôi bò làm gì? Sản xuất sữa thì chỉ việc nhập sữa về là xong.
 
     Thực ra từ năm 1990, Vinamilk đã gắn bó với bà con nông dân rồi. Tuy nhiên người nông dân mình vốn ít, đất đai chật chội, quy mô chăn nuôi rất nhỏ, trong khi công ty phải cần quy mô sản xuất lớn thì mới cạnh tranh về giá.
 
     Hiện giờ Vinamilk vẫn chia sẻ khó khăn với người dân nuôi bò sữa bằng cách luôn mua sữa giá cao hơn so với các công ty của Mỹ, Úc, New Zealand. Cho nên, lợi nhuận của mặt hàng sữa tươi 100% không cao bằng các sản phẩm khác, nhưng vẫn chấp nhận để chia sẻ với bà con nông dân.
 
    Nếu không làm như vậy thì khi giá nguyên liệu lên cao, bà con có khi phải bán bò. Nuôi một con bò cho ra sữa phải mất 3 năm. Hiện Vinamilk ký hợp đồng trực tiếp với 5000 hộ gia đình (với 61.000 con bò sữa). Trước đây có hộ chỉ có một hai con bò nhưng giờ có hộ đã có từ 10 đến 200 con. Thông thường, để có lời cao thì mỗi hộ cần phải nuôi nhiều, ít nhất từ 10-20 con.
 
     Nguồn nguyên liệu sữa Vinamilk có được trong nước chiếm khoảng 25%, còn 75% vẫn phải nhập khẩu.
 
     Tuy nhiên, để chủ động nguồn nguyên liệu thì Vinamilk cũng phải tự nuôi bò sữa ở các trang trại. Chúng tôi cũng tuyển các cháu học giỏi ngành nông nghiệp đưa sang Nga đào tạo chuyên về ngành chăn nuôi bò sữa.
 
     Khi các cháu đi học về, cố gắng trong 7 năm nữa mở rộng trang trại nuôi bò sữa để tự túc nguyên liệu 40%.
 
Là phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà thấy phụ nữ có ưu thế gì?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Phụ nữ thì thường có tính chi tiết. Là người lãnh đạo thì bắt buộc phải có tầm nhìn rồi, nhưng cũng cần phải rất chi tiết để thực hiện được tầm nhìn đó.
 
     Nhưng tôi chỉ chi tiết trong công việc chứ không chi tiết trong quan hệ. Đối với mội người thì tôi đối xử giống nam giới nhiều hơn. Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đạo tạo họ chứ không bỏ người.
 
     Thứ hai nữa là tôi rất lo xa, nghĩ tới nghĩ lui, giả định trường hợp xấu nhất thì phải làm sao, để phòng ngừa rủi ro.
 
     Nhưng quan trọng nhất là tôi thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể.
 
Xin hỏi bà một câu riêng tư, bà cân bằng giữa công việc bận rộn và gia đình như thế nào? Nghe nói, gia đình bà không có người giúp việc?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông. Tôi có hai con, con thứ nhất là bác sĩ chuyên về nhi, đang học sau tiến sĩ bên Mỹ, con thứ hai học về ngành tài chính, đã tốt nghiệp và đi làm mấy năm rồi.
 
     Về nhà tôi là ô sin (cười). Chúng tôi là bạn học nên thực ra mọi việc chia sẻ rất thoải mái. Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình.
 
     Cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn. Chúc bà tiếp tục lãnh đạo công ty Vinamilk trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
 
------------------------------
 
    Vinamilk đã vượt qua 12.000 doanh nghiệp có niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch với doanh thu dưới 1 tỉ USD, để lọt vào top 151 doanh nghiệp được chọn của Forbes Asia. Về doanh số, Vinamilk đứng thứ 16 trong top, về lợi nhuận đứng thứ 18 và vốn hoá thị trường đứng thứ 31, đạt 1,56 tỉ USD.
 
    Năm 2012, Vinamilk thuộc top những doanh nghiệp dẫn đầu trong 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST 500). Người đứng đầu của nó được Forbes tôn vinh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
 
     Ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu chủ tịch PepsiCo khu vực Đông Dương, chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh Hội Nhập Toàn Cầu (GIBC): “Tôi thật sự ngưỡng mộ chị, người đã bền bỉ xây dựng một thương hiệu Việt có đẳng cấp trên thị trường quốc tế, với một xuất phát điểm không được ưu đãi gì nhiều. Đó là cả một quá trình sóng gió đi lên. Một người biết đột phá, rất đổi mới, cấp tiến, dám phá vỡ trật tự cũ để tìm ra những chiến lược mới cả về kinh doanh lẫn con người. Dám đầu tư xây dựng cả phần cứng lẫn phần mềm, dù trong quá trình đầu tư có những lúc phải hy sinh, nhưng rất quyết liệt. Tôi đánh giá cao chuyện chị đổi mới nguồn nhân lực, chấp nhận trả lương cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ – nhân viên phát huy vai trò của mình”.
 
     Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tổng giám đốc công ty cà phê Trung Nguyên:“Một nữ tướng hiếm hoi của thời nay, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết chơi và biết thắng. Một tấm gương không chỉ với phụ nữ, mà cả những đấng mày râu phải nể phục”.
 
Theo VietNamNet

Từ học sinh nghèo hiếu học trở thành nữ doanh nhân thành đạt

Không chỉ là doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, chị còn là Tiến sỹ Viện Hàn lâm khoa học Nga, thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga nhưng ít ai biết rằng chị xuất thân từ một gia đình nghèo hiếu học.


 
    Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
“Ẵm” hàng chục giải thưởng lớn
 
    Gặp chị Nhàn, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ này, hàng chục năm qua đã có nhiều dự án kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực “khó nhằn” như xuất khẩu lao động, môi trường, y tế, giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ… Chị đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tặng huân, huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Giải Sao đỏ, Giải Bông hồng vàng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng thương hiệu xuất sắc quốc gia…
 
    Mỗi lĩnh vực kinh doanh, chị đều có những ý tưởng mới đem lại ý nghĩa lớn cho xã hội. Cụ thể, về lĩnh vực xuất khẩu lao động, chị Nhàn là người đã đưa ra ý tưởng để đề xuất các chương trình hỗ trợ sinh viên, đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đưa các chương trình tuyển dụng về tận các địa phương, trường học, hỗ trợ người nghèo về vốn và trang bị các kiến thức cần thiết để họ có thể sang nước ngoài làm việc tốt. Với lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, từ nhiều năm trước đây khi người Việt Nam chưa chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm môi trường, chị đã kiên trì cùng với các đối tác nước ngoài đến từng địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo nói về các tác hại của việc ô nhiễm môi trường, các bài học kinh nghiệm của các nước phát triển về vấn đề môi trường và tư vấn các giải pháp để bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Chị đã đưa các công nghệ tiên tiến của thế giới vào xử lý môi trường tại Việt Nam và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực gai góc này các dự án lớn theo hình thức BT, BOT.
 
    Đối với lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, AIC là doanh nghiệp đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai các chương trình đồng bộ như: Đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên tại nước ngoài, cung cấp các trang thiết bị tiên tiến để giảng dạy, các phần mềm giảng dạy cũng như đưa các giáo viên nước ngoài vào Việt Nam để đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường học tại Việt Nam.
 
    Để thành công trên lĩnh vực nào đó, đều đòi hỏi người đó phải có sự đam mê và cống hiến hết mình. Đối với nữ thì công việc này lại càng khó khăn hơn bao giờ hết nhất là lĩnh vực kinh doanh đầy “cạm bẫy”.
 
    “Tôi cho rằng làm công việc gì cũng vậy muốn làm tốt thì đều khó khăn và vất vả chứ không riêng gì các hoạt động mà chúng tôi đang làm. Tuy nhiên nếu các hoạt động kinh doanh mà lại có ý nghĩa xã hội thì tôi thấy rất nên làm. Các hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều là những vấn đề nóng mà xã hội chúng ta cần giải quyết ngay” - chị Nhàn cho hay.
 
    Chia sẻ về thành công mà công ty đã đạt được, chị Nhàn khiêm tốn cho biết: “Những thành công mà chúng tôi có được chỉ là bước khởi đầu mà thôi, tôi và anh em trong công ty cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể làm tốt những việc chúng tôi cần làm và muốn làm. Để có thể làm được một công việc tốt, điều quan trong mà tôi nhận thấy đó là phải có phương pháp tốt, tổ chức bài bản, khoa học, phát huy sức mạnh tổng thể, tiến hành các giải pháp đồng bộ, không ngừng học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến và Việt nam, của những người xung quanh, có quyết tâm cao và có tâm trong công việc”.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn dự lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn.
 
 
Ý chí của một cô gái nghèo hiếu học
 
    Có lẽ truyền thống gia đình hiếu học đã hun đúc lên con người chị. Niềm đam mê học tập đã đưa chị từ một cô gái nghèo vùng quê Bắc Ninh trở thành một doanh nhân thành đạt với 2 bằng đại học, Thạc sỹ tốt nghiệp tại trường Latrobe của Úc. Nhưng ít ai biết rằng, chị đã có học hàm Tiến sỹ, Viện Hàn lâm khoa học Nga và sử dụng thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga.
 
    “Tôi không có hậu thuẫn từ gia đình, bạn bè hay bất cứ cơ hội tốt nào từ bước khởi nghiệp của mình, tôi tự biết điều đó và vì vậy mà tôi luôn phải tự cố gắng, cũng có lẽ chính vì điều đó mà tôi có ý trí cao trong công việc của mình là phải vượt qua mọi khó khăn. Đến bây giờ, khi xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước luôn động viên hỗ trợ tôi trong công việc nhưng tôi luôn biết điều quan trọng nhất để thành công đó phải chính là ý chí của bản thân mình và luôn phải vượt qua được chính mình trong mọi hoàn cảnh. Tôi cần phải cố gắng và luôn cố gắng” - chị Nhàn tâm sự.
 
    Hoạt động kinh doanh, đôi khi không thể tránh khỏi sự thất bại. Những thất bại đó chính là bài học kinh nghiệm cho người đam mê ngành mình theo đuổi. Chị Nhàn luôn ghi nhớ những thất bại của mình: “Đó là những bài học lớn giúp cho tôi nhìn lại mình để có thể thành công hơn trong công việc. Thất bại lớn nhất mà tôi gặp phải đó là việc sử dụng con người trong công việc”.
 
Chưa bao giờ hài lòng với chính mình
 
    Thông thường những doanh nhân thành đạt luôn bị công việc cuốn đi, ít có thời gian trau dồi kiến thức trong sách vở. Nhưng với chị Nhàn, đam mê kinh doanh, đam mê học tập luôn thường trực. Chị  Nhàn tâm sự: “Việc học tập để nâng cao kiến thức đối với tôi cũng là một công việc hết sức quan trọng. Các kiến thức mà tôi có được đều giúp cho tôi có thể triển khai điều hành các hoạt động của tôi tốt hơn. Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh có thể cố gắng thu xếp được tôi đều thu xếp để dành thời gian học tập. Bởi rất nhiều điều tôi muốn học hỏi mà tôi chưa có thời gian và cơ hội để học”.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa học Dorokhov Igor N.
Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga ký kết đào tạo.
 
    Ngoài việc đưa ý tưởng vàotổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh giúp cho doanh nghiệp liên tục phát triển trong nhiều năm qua, chị Nhàn luôn quan tâm đến vấn đề con người. Hiện Công ty AIC có đội ngũ cán bộ trẻ hàng ngàn người được đào tạo bài bản, khoa học. Năm 2011,trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có tiền trả lương cho nhân viên nhưng Công ty AIC vẫn tăng trưởng 183% và lương của các cán bộ trong công ty đều được tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2010.
 
    Song hành cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty AIC cũng luôn có các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ các địa phương bằng các hoạt động có ý nghĩa lớn như đưa các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam với nhiều dự án lớn hàng đầu Việt Nam, hỗ trợ tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương và nhiều hỗ trợ có ý nghĩa khác với giá trị nhiều tỷ đồng mỗi năm. Hiện Công ty AIC có gần 20 công ty thành viên và có quan hệ hợp tác kinh doanh với hơn 30 nước trên thế giới và có hoạt động trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.
 
    Trong buổi ký kết giữa Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga (MASI) về đào tạo hợp tác trong các lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học Công nghệ và Đào tạo nhân lực cho Việt Nam, Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa họcDorokhov Igor N. Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga nhận xét về chị Nhàn: “Đây là người phụ nữ thông minh, làm việc có trách nhiệm cộng đồng. Chính vì điều đó Viện Hàn lâm khoa học Nga đã thực hiện hỗ trợ cho Việt Nam các chương trình đào tạo cán bộ tại Nga và đưa các chuyên gia sang Việt Nam đào tạo nhân lực Việt Nam thông qua bên Công ty AIC”.
 
    Được Chính phủ ghi nhận những công lao đóng góp nhưng chị vẫn chưa bằng lòng với bản thân mình. Chị cho rằng: “Cuộc sống ai cũng đều có ước vọng và mong muốn. Nếu như điều tôi tham lam mà có thể làm cho tôi tốt hơn, có thể giúp ích được cho xã hội, cho những người thân yêu và bạn bè của tôi thì tôi thấy đó không phải là điều xấu. Tôi chưa bao giờ hài lòng với chính mình cả, đó chính là động lực để tôi phải phấn đấu trong cuộc sống”.
 
Theo Dân trí
Flag Counter