Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Từ cô giáo mầm non trở thành triệu phú




Deanna Jump đã trở thành một cô giáo mầm non kiêm triệu phú đô la nhờ bán các kế hoạch bài giảng của mình trên trang web Teachers Pay Teachers.

Deanna Jump, một cô giáo mầm non 43 tuổi chỉ kiếm được chưa đến 30.000 đô la/ năm. Nhưng năm nay, cô đã kiếm được tới 1 triệu đô la. 

Cô đã làm điều đó như thế nào? TeachersPayTeachers.com (TPT), trang web mua sắm trực tuyến là nơi các giáo viên có thể bán các kế hoạch bài giảng cho các giáo viên khác. Jump đã trở thành giáo viên đầu tiên trên trang web này kiếm được hơn 1 triệu đô la bằng cách bán các kế hoạch bài giảng phục vụ cho việc dạy học sinh mẫu giáo của cô.

Cô Jump cho hay: "Dạy học giờ đây đã thành một thú vui của tôi. Hiển nhiên là tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn trên TeacherPayTeachers. Tôi không cần phải dạy học nữa, nhưng dạy học đã trở thành niềm đam mê của tôi. Tôi không thể tưởng tượng được là mình sẽ không dạy học nữa”. 

Jump là người bán lớn nhất của TPT với biên độ mua bán rất rộng. Theo người sáng lập nên TPT- Paul Edelman, trang web hiện đang có 15.000 người dùng tải lên các kế hoạch bài giảng và 10.000 người trong số đó bán chúng. Hai người dùng đã bán được hơn 300.000 đô la trị giá các tài liệu và hơn 20 người đã bán được hơn 100.000 đô la thông qua trang web này.

Edelman  cho hay: "Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Xu hướng này bắt đầu từ năm 2010 khi Deanna đã kiếm được khoảng 27.000 đô la trong quý 4 của năm. Chúng tôi đã từng nghĩ đây chỉ là sự đột biến nhưng hóa ra đó mới chỉ là bước khởi đầu. Trong quý này, cô ấy đã kiếm được đến 1 triệu đô la". 

Vậy điều gì đã khiến các kế hoạch bài giảng của Jump trở nên nổi tiếng? 

Edelman chia sẻ: "Các bài giảng được thiết kế cẩn thận với các hoạt động hiệu quả, được đầu tư suy nghĩ, và có tính sáng tạo cao dành cho các bé 5 tuổi. Và cô ấy là một chuyên gia quảng bá và tiếp thị giỏi và đầy hiểu biết của các bài giảng do chính cô tạo ra”.  

Phần cốt lõi của chiến dịch marketing của Jump là trang blog nổi tiếng chuyên về việc giảng dạy của cô với tiêu đề Mrs. Jump's Class—đây là cách để cô quảng bá các kế hoạch bài giảng của mình.  

Các kế hoạch bài giảng của Jump có các mức giá dao động từ miễn phí cho tới gói poster trị giá 100 đô la để sử dụng suốt cả năm học. Trang thông tin cá nhân của cô cho thấy cô có hơn 17.000 người dõi theo trên mạng và mức điểm dành cho người dùng là 4. Khi Jump tải lên một bài giảng mới, những người theo dõi cô sẽ nhận được một email thông báo.

Jump cho biết "Tôi mà đăng cái gì đó là trong vòng một giờ đồng hồ thứ đó sẽ được bán hết”.

TPT đưa ra 2 gói đăng ký thành viên, một gói miễn phí và một gói đăng ký với mức phí 59,95 đô la/năm. Trang web trích 40% tiền hoa hồng đối với tất cả các giao dịch mua bán giữa những người dùng trang web miễn phí nhưng chỉ thu 15% tiền hoa hồng đối với các kế hoạch bài giảng do người dùng có trả phí bán.

Edelman, từng là một giáo viên tiếng Anh trung học tại thành phố New York đã lập nên TPT từ năm 2006 với mong muốn giúp các giáo viên tiết kiệm thời gian soạn các kế hoạch bài giảng. Mặc dù nhiều trang web tương tự khuyến khích các giáo viên chia sẻ miễn phí các kế hoạch bài giảng, nhưng Edelman nghĩ rằng để các thầy cô kiếm được tiền thì họ sẽ cung cấp các kế hoạch bài giảng có chất lượng cao hơn và ưu đãi nhiều người dùng tiềm năng hơn.

Ông đã bán công ty này cho Scholastic với mức giá khoảng 500.000 đô la ngay sau khi thành lập, và mua lại với mức giá thấp hơn năm 2009. TPT sẽ xử lý xấp xỉ 30 triệu đô la tiền giao dịch các kế hoạch bài giảng trong năm nay.

(Dịch từ Inc)

Tạo động lực với chi phí bằng không!




Giao cho nhân viên một sứ mệnh lớn sẽ chỉ giúp họ dậm chân ở vị trí hiện tại. Để tạo động lực cho nhân viên hằng ngày, bạn phải làm nhiều hơn một chút.


 
Hầu hết các doanh nghiệp mới thành lập không có dư dả tiền mặt để trả lương và thưởng cao. Họ có thể đưa ra phương án thay thế là cấp cổ phần công ty như là một hình thức khen thưởng để giữ chân các nhân sự chủ chốt và cũng để những người này có thêm động lực làm việc hàng ngày.

Sau khi phỏng vấn khoảng 180 người sáng lập nên các công ty để thực hiện cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề là Hungry Start-up Strategy, tôi đã rút ra kết luận là đối với các nhân viên của một công ty mới thành lập thì chẳng có động lực nào mạnh mẽ hơn là một sứ mệnh khiến họ tin tưởng một cách say mê.

Nhưng để mọi người luôn làm những việc đúng đắn hàng ngày, hãy giao cho họ một nhiệm vụ hấp dẫn khiến họ say mê.  

Hơn thế, tôi đã phát hiện ra 4 cách sẽ thực sự giúp biến niềm đam mê đó thành hành động hiệu quả.

1. Đánh giá hàng năm thôi thì không đủ.

Hầu hết các công ty tổ chức các cuộc họp giữa những người quản lý và nhân viên hàng năm để đánh giá xem họ đã hoàn thành các mục tiêu của năm ngoái tốt đến đâu. Những cuộc họp kiểu này chẳng tạo được chút động lực nào cho nhân viên cả, nhất là những người đang làm việc trong các công ty mới mở.

Vì sao vậy? Công ty mới thành lập của bạn có thể thay đổi các mục tiêu ngắn hạn hầu như hàng ngày để thích ứng với những nhu cầu luôn thay đổi một cách chóng mặt của khách hàng, những động thái của đối thủ cạnh tranh và những khám phá về điểm mạnh và yếu của chính bạn.

Vì vậy nếu bạn muốn nhân viên của mình cảm thấy đang làm đúng việc, thì mỗi người trong số họ cần phải đặt ra các mục tiêu cụ thể và thương lượng với các sếp và các nhân viên khác về các mục tiêu này. Các mục tiêu này cần phải cụ thể và có thể đong đếm được, ví dụ như tăng doanh số bán hàng thêm 20% so với năm ngoái. 

2. Đừng trì hoãn việc thưởng cho những thành công nhỏ.

Không chỉ mỗi người đều phải có các mục tiêu ngắn hạn được nhiều người biết đến mà nếu mọi người đạt được mục tiêu của họ thì công ty cần phải thưởng cho họ ngay khi họ làm được điều đó. Những phần thưởng này cần bao gồm giấy khen, những lời khen ngợi và những tặng thưởng có giá trị như một chuyến đi tới một địa điểm đẹp hoặc một chiếc điện thoại iPhone.

Những phần thưởng kịp thời này cũng sẽ là tín hiệu để nhân viên đó hiểu rằng các mục tiêu của anh/cô ấy quan trọng đối với công ty và bạn rất chú ý tới cách làm việc của họ. Ai cũng biết bản chất của con người là ai cũng ao ước được sếp chú ý-nhất là khi đã đến lúc họ cần một phần quà có ý nghĩa và kịp thời để thưởng cho một công việc họ đã làm tốt.

3. Sử dụng truyền thông xã hội để công ty biết đến nhân viên nhiều hơn.

Nếu bạn đang điều hành một công ty mới thành lập, thì sẽ rất hay nếu mọi người đều biết những việc mà các nhân viên khác đang làm. Nếu họ không biết, bạn nên lắp đặt một cổng thông tin khen thưởng mang tính xã hội – một mạng xã hội của công ty giống như Facebook do các công ty mới như Achievers và TemboSocial cung cấp.

Khi toàn bộ công ty biết đến tiến độ đạt được mục tiêu của họ, bạn có thể tạo ra những lời khen bất tận dành cho các nhân viên. Đơn giản hơn, những nhân viên ngưỡng mộ những thành tựu của đồng nghiệp có thể phát đi một phần thưởng mang tính xã hội. Và điều đó chắc chắn sẽ làm tăng thêm động lực cho những người được nhận đồng thời dạy cho họ lợi ích của việc trao đi và nhận lại.

4. Tránh thất thoát tiền vào cà phê và áo T-shirt.

Nghiên cứu chỉ ra rằng kiểu thất thoát này sẽ tiêu tốn từ 1-2% số tiền công ty phải chi trả- qui đổi ra con số là 38 tỷ đô la/năm. Nhưng nếu bạn điều hành một công ty mới, bạn có thể giữ lấy số tiền đó và dùng nó để lắp đặt các cổng thông tin giúp nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.

Công ty Achievers đã xây dựng một cổng thông tin cam kết dành cho nhân viên và đã được nhiều công ty đón nhận vì nghiên cứu cho thấy nó làm giảm 31% thu nhập của nhân viên  và khiến mức tăng trưởng doanh số tăng chóng mặt.

Hoặc bạn có thể thử The Hive của công ty TemboSocial. CEO của TemboSocial's, Steven Green, đã gọi ứng dụng này là “một hệ thống phi tiền tệ của sự thừa nhận mang tính xã hội đã giúp thay đổi cách các công ty tạo động lực và giữ chân nhân viên, cách họ tán dương thành công và cách họ củng cố các giá trị và văn hóa doanh nghiệp”. 

Theo ông Green, trang Hive giúp các nhân viên “công nhận một đồng nghiệp, bình luận về câu chuyện của những người khác và ấn nút “thích” hoặc chia sẻ câu chuyện.”

Nó đưa ra các phẩm chất “tạo nên di sản cá nhân của một nhân viên trong một tổ chức”, ông cho hay. Những phần thưởng này cũng bao gồm cái gọi là “Các email được gửi tới các sếp hàng ngày để họ có thể cập nhật về những đóng góp của nhân viên dưới quyền mình”. 

Ông cho rằng nó cũng tạo ra các báo cáo quản lý về “ai đang được ghi nhận về việc gì” và điều đó giúp các lãnh đạo cấp cao nhận diện lĩnh vực đang có vấn đề ví dụ như “các phòng ban hay những điều mới thu nhận được thiếu sự gắn kết”. 

Để thu hút và tạo động lực cho những nhân viên tài năng nhất thì không có cách nào có thể thay thế được việc giao phó cho họ một sứ mệnh đầy sức mạnh. Nhưng nếu bạn muốn mỗi nhân viên đều làm tốt phần việc của họ hằng ngày, thì bốn bước trên đây sẽ giúp công ty non trẻ của bạn bỏ xa đối thủ.

(Dịch từ Inc)
Flag Counter