Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Có phải VNPT, Viettel, FPT đầu tư ngoài ngành?


Viettel, FPT, VNPT chỉ vi phạm đầu tư ngoài ngành nếu chuyển sang sản xuất nội dung, kênh chương trình giống như các đài VTV, VTC... đang làm. (Ảnh minh họa)














Ba doanh nghiệp (DN) Viettel, FPT, VNPT vừa nhăm nhe nhảy vào thị trường truyền hình cáp lập tức bị các đối thủ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền "tố" là đầu tư ngoài ngành. Vậy đâu là sự thật?

VTV như... "ngồi trên đống lửa"

Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… đã đồng loạt có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT lên tiếng đòi "ngăn sông, cấm chợ" đối với VNPT, Viettel, FPT.

Tại Công văn số 1474/THVN-VP ngày 24/8/2012, VTV cho rằng việc các Tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT, FPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp hiện nay là chưa phù hợp vì Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành. 

Hơn nữa, các đơn vị này không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình - một yếu tố quyết định sự thành bại của dịch vụ truyền hình trả tiền. Quan trọng hơn, điều này dễ gây ra lãng phí nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài.

Ngày 23/8/2012, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có văn bản chính thức đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép triển khai thêm mạng cáp truyền hình cho các đơn vị mới. Nguyên nhân sâu xa là nếu đầu tư thêm một mạng cáp truyền hình mới sẽ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, hiệu quả sử dụng thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, hiện tượng chồng chéo mạng sẽ gây mất mỹ quan đô thị, điện năng sử dụng cho mạng cáp gây lãng phí nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các DN đang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phản ứng như vậy bởi việc thêm người chơi mới trên thị trường sẽ đẩy cạnh tranh quyết liệt hơn. Trong đó, nhiều DN truyền hình cáp đang có thị phần lớn như VTV có nguy cơ bị mất thị phần khi Viettel, VNPT và FPT nhập cuộc. Như vậy, chắc chắn VTV sẽ là đơn vị phản ứng mạnh nhất khi các DN viễn thông muốn tham gia vào thị trường này.

VNPT, Viettel, FPT không đầu tư ngoài ngành

Những lý lẽ mà các DN truyền hình "tố" các DN viễn thông có vẻ như mang tính chủ quan áp đặt, đưa đến tư tưởng ngăn cản thị trường phát triển. Theo các quy định của pháp luật, toàn bộ việc đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả viễn thông, Internet, truyền hình (có dây và không dây)… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông. Còn việc sản xuất nội dung chương trình, kênh chương trình… thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí.

Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT, AVG... khi tham gia vào thị trường truyền hình cáp, nếu chỉ dừng lại ở mức làm hạ tầng, triển khai mạng, cung cấp dịch vụ thì vẫn theo phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông và là ngành cốt lõi của họ. Họ chỉ vi phạm đầu tư ngoài ngành nếu chuyển sang sản xuất nội dung, kênh chương trình… giống như các đài VTV, VTC... đang làm. Tuy nhiên, theo Luật Báo chí thì chỉ có các cơ quan báo chí mới được đầu tư xây dựng kênh chương trình, DN không được cấp phép làm việc này.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&&TT) cho biết, việc Viettel, FPT xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp không phải là đầu tư ngoài ngành. "Trên hạ tầng mạng nếu DN cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt. Cục Viễn thông khuyến khích DN tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó kể cả truyền hình cáp vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. 

Bởi vậy, Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch vụ khác chứ không riêng gì truyền hình. Cục Viễn thông xem xét thấy khả năng hạ tầng mạng của các doanh nghiệp đó đáp ứng được yêu cầu và theo quy định mới là đầu tư vào dịch vụ gì thì phải cam kết trong mấy năm đầu làm đến đâu, đầu tư bao nhiêu - nếu xác định các DN có đủ điều kiện này thì cho phép cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, việc họ có được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hay không còn phải có ý kiến của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử", ông Phạm Hồng Hải nói.

Tại hội thảo của Bộ TT&TT được tổ chức vừa qua về quy hoạch truyền hình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết đến thời điểm hiện nay, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến các hộ gia đình trung bình là cách khoảng 350m, sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200m, thậm chí chỉ còn 100m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát mỗi gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể lan đến vùng sâu, vùng xa.

Rõ ràng là việc các DN truyền hình cáp "tố" những DN viễn thông đầu tư vào lĩnh vực truyền hình cáp là "đầu tư ngoài ngành" không hề có cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất là phải quy hoạch tốt thị trường này cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ và duy trì cạnh tranh tốt trên thị trường chứ không phải là khư khư giữ "mảnh đất riêng" của mình.

Trong công văn gửi Bộ TT&TT, các DN truyền hình cáp còn cho rằng, các nhà mạng sẽ cạnh tranh giành giật bản quyền giải trí thể thao, chương trình truyền hình từ nước ngoài, dẫn đến phí bản quyền truyền hình sẽ tăng cao, chảy máu ngoại tệ, gây thiệt hại cho kinh tế Nhà nước. 

Các đơn vị sẽ đua nhau đặt hàng sản xuất phim truyền hình, sản xuất kênh truyền hình trong bối cảnh mà số lượng đạo diễn, quay phim, diễn viên có tay nghề quá ít, tạo ra hiện tượng chạy show, nâng giá cát-xê, gây ra cơn sốt giá trị ảo, số lượng phim Việt được sản xuất ra nhiều nhưng không có chất lượng, làm cho nền điện ảnh nước nhà ngày càng đi xuống.

Nhưng theo quy định thì các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu tham gia triển khai hạ tầng, còn khi muốn mua bán bản quyền thì vẫn phải phân phối qua hệ thống kênh chương trình của các đài truyền hình (thực tế là họ không có kênh riêng để phát). 

Như vậy, mối quan hệ mua bán phân phối bản quyền chương trình giữa DN hạ tầng truyền hình cáp và các kênh nội dung là mối quan hệ hợp đồng mua bán nội dung các kênh. Thực tế cả bên truyền dẫn và sản xuất nội dung đều cần đến nhau. Hơn nữa, thế mạnh về mua bán chương trình bản quyền là của nhà đài chứ không phải của nhà mạng nên chuyện ép giá bản quyền rất khó xảy ra.

Theo Thái Khang
ICT News/Báo Bưu điện Việt Nam

Vì sao tỷ phú Trung Quốc ghét bị xếp hạng mức độ giàu có?


Zong Qinghou đã giành lại ngôi người giàu nhất Trung Quốc












Với những người giàu có trên thế giới, việc được lọt vào bảng xếp hạng các tỷ phú của các tạp chí quốc tế là một vinh dự lớn. Tuy nhiên với giới nhà giàu Trung Quốc đây lại bị xem như “điềm” chẳng lành khiến họ rất “ghét”.

Và bảng xếp hạng mới nhất “Những người giàu nhất Trung Quốc 2012” được công bố ngày 24/9 không phải ngoại lệ. Theo đó năm nay ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc đã thuộc về “ông trùm” ngành đồ uống Zong Qinghou, chủ tập đoàn Wahaha Group. Đây là vị trí ông từng nắm giữ năm 2010 trước khi bị mất hồi năm ngoái.

Tổng tài sản của ông Zong được ước tính vào khoảng 12,6 tỷ USD, vượt xa mức 10,3 tỷ USD của đối thủ xếp thứ hai là Wang Jianlin, chủ của tập đoàn bất động sản và chuỗi rạp chiếu phim Dalian Wanda Group.

Với những thông tin tỷ mỉ và liên hệ lí thú, bảng xếp hạng năm nay đem đến nhiều điều thú vị không chỉ bó hẹp ở những con số. Trong đó điều đáng chú ý nhất đó là các tỷ phú ngành sản xuất đang phất lên, vượt qua các “ông trùm” bất động sản để trở thành lực lượng đa số trong nhóm 1000 người được xếp hạng.

Đáng ngạc nhiên nhất là lần đầu tiên kể từ năm 2005, số lượng người Trung Quốc sở hữu từ 1 tỷ USD trở lên giảm 20 người so với năm ngoái, xuống còn 251 người. Gần một nửa số triệu phú và tỷ phú được xếp hạng vẫn trụ vững trong danh sách dù phú quý thụt lùi, trong đó có 37 người chứng kiến tài sản “bốc hơi” mất 50%.

Ngoài ra còn có một sự trùng lặp thú vị đó là có tới 12,8% người được xếp hạng sinh năm Mão. Trong khi đó những người sinh năm Sửu có vẻ là ít phát tài nhất khi chỉ chiếm 6%. Theo tạp chí Hồ Nhuận, từ trước đến nay những người sinh năm Mão luôn lấn lướt bảng xếp hạng này, ngoại trừ năm 1999.

Trong khi những người khác phải ghen tỵ với các “đại gia” trên bảng xếp hạng của Hồ Nhuận thì không ít người lại xem đó là “điềm xấu”. Suy nghĩ này không phải bây giờ mới xuất hiện. Ngay từ năm 2009, trong cuốn sách “Lời nguyền của tạp chí Forbes”, tác giả Wang Gang đã miêu tả những rắc rối có thể giáng xuống đầu bất kỳ người Trung Quốc nào có tên trên bảng xếp hạng các triệu phú, tỷ phú thế giới của Forbes.

Những rắc rối đó bao gồm sự “dò xét” kỹ lưỡng hơn không chỉ từ cơ quan thuế mà còn từ cả cơ quan chống tham nhũng và công chúng nói chung. “Nếu bạn có tên trong danh sách của Forbes, bạn sẽ sớm mang họa vào thân”, bài viết của ông Wang dự đoán.

Một nghiên cứu mang tính học thuật mới đây đem đến một cái nhìn có tính logic hơn về vấn đề này nhưng kết luận thì cũng tương tự. Trong cuốn: “Cái giá của việc trở thành tỷ phú tại Trung Quốc: Bằng chứng dựa trên danh sách người giàu có của Hồ Nhuận”, một số học giả Oliver Rui, Xianjie He và Xiao Tusheng chỉ ra rằng: trong số các công ty niêm yết có chủ là người được Hồ Nhuận xếp hạng, giá cổ phiếu của họ đã sụt giảm đáng kể 3 năm trở lại đây.

Dựa trên phân tích các bảng xếp hạng của Hồ Nhuận từ năm 1999 đến 2007, các tác giả chỉ ra rằng cả những cá nhân lẫn các doanh nghiệp mà những người được xếp hạng sở hữu đều bị chính phủ “soi” kỹ hơn. Những khoản trợ cấp, trợ giá của chính phủ cho các công ty liên quan đến các “đại gia” được Hồ Nhuận xếp hạng cũng sụt giảm. Các công ty này cũng có xu hướng che giấu nhiều hơn đối với lợi nhuận của mình.

“Nhà đầu tư tại Trung Quốc xem việc các chủ doanh nghiệp bị đưa vào danh sách người giàu của tạp chí Hồ Nhuận là tin xấu”, các tác giả kết luận. Nhưng còn có tin xấu hơn cho các “đại gia” này đó là theo các học giả trên, tỷ lệ người bị kết tội, điều tra hoặc bắt giữ sau khi có tên trong bảng xếp hạng mức độ giàu có lên tới 16,95%, cao gấp 3 lần mức 6,84% của những chủ doanh nghiệp khác không có tên trong bảng xếp hạng trong cùng thời kỳ.

Theo Thanh Tùng
Dân Trí/Business Insider
Flag Counter