Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Mô hình quản trị mới mẻ quyết định thành công của Harvard

Vào năm 1636, Harvard được chính quyền Khu Vịnh Massachusetts thành lập như là một cơ sở công lập. Ảnh: wikipedia
Không nước nào thống trị nền công nghiệp nào nhiều như là Mỹ thống trị giáo dục đại học. Ví dụ như, trong Bảng xếp hạng các đại học Thế giới của đại học Jiao-Tong (Thượng Hải, Trung Quốc), 17 trong số 20 trường đại học tốt nhất thế giới là của Mỹ, với Harvard đứng đầu danh sách với một khoảng chênh lệch đáng kể.

Cách giải thích thông thường cho hiện tượng này bao gồm: sự giàu có của Mỹ, dân số đông, hào phóng tài trợ nghiên cứu, tư nhân hoạt động từ thiện rộng rãi, và khả năng thu hút học giả khắp thế giới. Nhưng giải thích như vậy vẫn không đủ. Cho dù khoe là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ chỉ chiếm một phần tư GDP toàn cầu với khoảng 1/20 dân số thế giới. 

Và không chỉ duy nhất Mỹ hỗ trợ nghiên cứu. Hơn nữa, với cách giải thích như trên thì các nước lớn như Pháp, Đức, Nhật, và thậm chí Trung Quốc và Ấn Độ, lẽ ra cũng phải có đại diện ở những hạng đầu trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu. Thế nhưng các nước này chỉ xuất hiện đâu đó trong các bảng xếp hạng, thậm chí còn không hề có mặt.

Thật ra, những nước này thiếu một mảng quyết định trong câu đố khó: mô hình quản trị mới mẻ của Mỹ trong giáo dục đại học.

Vào năm 1636, Harvard được chính quyền Khu Vịnh Massachusetts thành lập như là một cơ sở công lập. Giá trị của Harvard đối với Massachusetts được ghi trong hiến pháp bang thông qua vào năm 1780, bao gồm một đoạn về chức năng và ranh giới của đại học này.

Khi sinh viên Harvard chi phối hệ thống lập pháp của Massachusetts, đại học này được chiếu cố hỗ trợ. Nhưng, trong thập niên 1840, tình trạng nhập cư hàng loạt, được thúc đẩy bởi nạn đói ở Ireland, đã làm thay đổi sự thăng bằng nhân khẩu trong bang, cho phép các nhà hoạt động dân túy lấy lại quyền kiểm soát hệ thống lập pháp.

Gần như ngay lập tức, Harvard bị công kích là quá tự phụ, quá đặc quyền và quá đắt tiền. Ngay cả chương trình giảng dạy cũng bị chỉ trích. Trong hai thập niên sau đó, bang ngày càng cản trở hoạt động của Harvard, ví dụ như từ chối tài trợ và ngăn cản chỉ định giảng viên. Tình trạng này đạt đỉnh điểm vào năm 1862, khi cơ quan lập pháp chặn việc bổ nhiệm một hiệu trưởng đại học.

Đáp lại, Harvard yêu cầu trường được đặt “ngoài phạm vi của những tranh chấp và thay đổi chính trị thông thường” để “nằm trong tay của các sinh viên quan tâm đến giáo dục nhiều nhất.” Vào ngày 29.4.1865, đề xuất cấp tiến này được Tòa án Tối cao Massachusetts (cơ quan lập pháp lưỡng viện của bang) thông qua, nhờ vận động hành lang ráo riết và thiện chí đến từ hoạt động nghiệp đoàn nổi trội của sinh viên Harvard trong thời Nội chiến. Kể từ đó, ban quản trị Harvard dành cho sinh viên kiểm soát.

Thành công của Harvard thôi thúc các đại học khác ở Mỹ có hành động tương tự, bắt đầu là đại học Yale và trường William & Mary. “Phương pháp Mỹ đích thực” này – theo cách gọi của Charles William Eliot, hiệu trưởng nhiều năm nhất của Harvard - trở thành tiêu chuẩn không chỉ của các đại học tư, mà còn của các trường công, như Michigan và  Purdue, và ngay cả những trường tôn giáo, như là Notre Dame và Duke.

Hiện nay, 19 trong top 20 đại học Mỹ trong bảng xếp hạng của US News and World Report – bảng xếp hạng được theo dõi nhiều nhất – được sinh viên kiểm soát (đại diện sinh viên chiếm từ 50% trở lên trong ban quản trị). Ngoại lệ duy nhất là viện Công nghệ California, với một ban quản trị có 40% đại diện sinh viên. 

Trong top 5, ba đại học (Harvard, Yale và Columbia) do sinh viên quản lý hoàn toàn, và hai trường (Princeton và Stanford) do sinh viên kiểm soát 90%. Các sinh viên điều hành ngay cả ở trường công, như Purdue (90%) và Michigan (63%). Trung bình, thành phần sinh viên chiếm 63% ban quản trị của top 100 đại học Mỹ, cả trường công và tư.

Nói chung, một tỉ lệ sinh viên cao hơn trong ban quản trị gắn với một thứ hạng cao hơn của trường, tính chọn lọc tăng và một sự ủng hộ rộng lớn hơn. Sau cùng, không tập thể nào chăm sóc cho uy tín của một trường đại học nhiều hơn là sinh viên của trường, những người được hay mất sự quí trọng khi thứ hạng của trường mình học tăng lên hay giảm sút.

Sinh viên thực sự có nhiều động cơ nhất để dành công sức và quản lý trường có hiệu quả. Nhờ hiểu biết và gần gũi trường, sinh viên cũng là những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất. Thông qua các hệ thống sinh viên, các thành viên ban quản trị có thể nhanh chóng nắm thông tin và hành động ngay không trì hoãn.

Tất cả các đại học lớn là những tổ chức phi lợi nhuận, được sáng tạo để thực hiện giáo dục, và tạo lợi ích cho cả xã hội. Nhưng các đại học Mỹ đã tìm thấy một cách để đưa những lợi ích của cạnh tranh vào trong ý niệm châu Âu về những tập đoàn phi lợi nhuận hay cái gọi là miễn phí. 

Việc thiếu lợi nhuận không làm giảm bớt động cơ tranh đua vì uy tín trường của một ban quản trị chủ yếu là sinh viên, chẳng hạn trong việc thuê đội ngũ giảng dạy nổi tiếng, tuyển lựa những sinh viên xứng đáng và nỗ lực đạt những thành tựu về thể thao hay nghệ thuật.

Sử dụng sinh viên để đưa những lợi ích của cạnh tranh vào trong các thể chế phi lợi nhuận là ví dụ cho tài thích nghi của Mỹ. Và đây là điều mà những nước mong muốn cạnh tranh với các đại học Mỹ nên ghi nhận.

Theo Võ Phương
Sài Gòn Tiếp thị

Nghệ nhân biến rễ cây vứt đi thành đồ tiền tỉ

Biến gốc cây vô tri vô giác thành những tác phẩm điêu khắc hàng đầu.
Những “kiệt tác” làm từ gốc gỗ thô của ông Vỹ.
Những gốc cây vô tri, vô giác, không có giá trị về kinh tế, qua bàn tay của ông, trở nên có "hồn", thành những tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật cao, được nhiều người ưa thích.

"Cái duyên đưa tôi gắn với nghề mộc"

Ông là Lê Đình Vỹ (SN 1951), trú tại xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

Được nghe nhiều người truyền tụng về tay nghề của ông, chúng tôi tò mò và quyết định ngược một chuyến về quê lúa Yên Thành để được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác “con đẻ” do ông sáng tạo ra.

Vừa bước vào khu xưởng sản xuất các sản phẩm nghệ thuật từ gỗ của ông Vỹ, người ta đã nghe mùi thơm của gỗ, sơn mài bốc lên thoang thoảng. Âm thanh “cọc, cạch” nghe chan chát của tiếng đục, chạm, trổ vang lên rộn rã. Tiếp chúng tôi giữa bộn bề các tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây, ông Vỹ cho biết mình đến với nghề mộc như là một cái duyên trời sắp đặt.

Từng là bộ đội cụ Hồ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê nhà lập gia đình và làm ăn. Thời điểm này ở quê ông có ít người làm nghề mộc, nhu cầu thì lại lớn. Nhận thấy đây là một cái nghề có thể kiếm sống cộng với bàn tay tài hoa trời phú, ông quyết định mở xưởng mộc.

Gắn bó với cái đục, cái bào, tâm huyết với nghề nhiều năm, nhưng rồi ngày càng có nhiều xưởng khác mọc lên, việc kiếm sống từ nghề cũng dần trở nên khó khăn. Trong thời gian làm mộc ông nhận thấy quê mình có nhiều gốc cây có thể làm nên những đồ dùng đẹp như bàn, ghế… mà lại chỉ được dùng để làm củi đun.

Trong khi đó, xã hội bấy giờ đời sống được nâng cao, nhiều người có xu hướng chơi những tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây. Từ suy nghĩ đó ông đã quyết định khăn gói lên đường học hỏi cách thổi “hồn” cho những thớ gỗ vô tri vô giác. Khi có ít kinh nghiệm, ông trở về quê sưu tầm, tìm mua những gốc cây bỏ đi về làm thử.

Những gốc cây khô thế này qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Vỹ đều thành tác phẩm nghệ thuật.

Thời gian đầu do chưa quen nên những tác phẩm làm ra không được như ý muốn. Không nản chí, ông tiếp tục bỏ tiền túi đi tham quan học hỏi cách làm ở các xưởng gỗ nghệ thuật Đồng Kỵ, Huế… Từ những đam mê, say sưa học hỏi, ông từng bước cải tiến, rút kinh nghiệm, bắt đầu làm vật nhỏ đơn giản đến những đến những vật dụng lớn có chi tiết phức tạp.

Và rồi các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ được ông trình làng, nhiều người bắt đầu để ý đến kiệt tác của ông. Từ gốc cây thô, ông Vỹ miệt mài tạo dáng, tạo hình các con vật làm ra các sản phẩm từ đơn giản như: bình đựng tăm, bình hoa, bình hương, rồi đến các đồ dùng lớn như bàn, ghế…

Giờ đây ông đã có một xưởng chuyên tạo ra các sản phẩm nghệ thuật từ gỗ khá rộng, thu hút nhiều lao động vào làm và là nguồn thu nhập chính của gia đình ông.

Thành công từ nghề thổi "hồn" vào những thớ gỗ vô tri, vô giác

Miệt mài, yêu nghề, ông Vỹ say mê đục, đẽo, bào, gọt, đánh bóng… để thổi “hồn” vào những gốc cây vô tri, vô giác ấy, biến chúng thành những tác phẩm đẹp mắt mang giá trị nghệ thuật cao.

Ông Vỹ đang hướng dẫn các học viên tạo hình nghệ thuật từ gốc cây.

Giờ đây, trải qua bao thăng trầm, ông đã có trong tay bộ sưu tập những sản phẩm làm từ gỗ được nhiều người biết đến. Tay nghề, danh tiếng của ông được nhân dân cũng như các tay chơi đồ gỗ truyền tụng, ca ngợi rất nhiều.

Tiếng lành đồn xa, cơ sở sản xuất gỗ nghệ thuật của ông được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Có những người trong tỉnh và các tỉnh lận cận nghe tiếng ông cũng đến “mục sở thị” những “kiệt tác” của ông và khi ra về không quên kèm theo đơn đặt hàng. Sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng đủ nhu cầu người mua.

Tác phẩm của ông Vỹ được nhiều chuyên gia mỹ nghệ đánh giá cao. Mỗi tác phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng, có hồn và đặc biệt là ẩn chứa triết lý nhân sinh của cuộc sống. Ông vui vẻ cho biết: “Nhiều hôm phải động viên anh em làm thêm giờ, tăng ca để kịp giao hàng cho khách. Hầu hết các sản phẩm làm ra đều xuất ngay, không có tồn kho”.

Ông Vỹ bên "kiệt tác" bộ bàn 12 con giáp.

Trong số các “kiệt tác” ấy, giá trị nhất là bộ salon 12 con giáp, bộ cửu long, cây tre trăm đốt, thần Tài, ông Thọ, cá Chép vượt vũ môn…, đó là những tác phẩm mà ông cho là tâm đắc nhất. Chúng được chạm trổ tỉ mỉ, kỳ công.

Để làm cho những gốc cây khô có hồn, ông Vỹ cho biết người thợ phải có con mắt nghệ thuật cộng với bàn tay có “hoa”. "Từ những gốc cây, người thợ phải nhìn ra được cách tạo dáng, tạo hình cho nó, cái rễ này phù hợp để tạo ra con gì, thế gì cho đẹp. Đồng thời phải tính toán khéo léo, thừa thì có thể gọt, đẽo đi còn thiếu thì không có cách gì mà bù lại được cho nó tự nhiên như gốc cây ban đầu.

Hơn nữa còn phải khéo léo, cẩn trọng thổi cái “hồn” làm sao thật sinh động cho chính sản phẩm mình muốn tạo ra, làm cho nó có sức sống. Muốn tạo một bức tượng cần phải hiểu được cái tâm, tính cách của nhân vật thì mới tạo nên được cái “hồn” trong tác phẩm", ông nói.

Hàng ngày ông Vỹ vẫn đang miệt mài với nghề.

Thầy Cung Đình Đại, một giáo viên trong huyện nghe danh ông Vỹ đã mời ông và các thợ về tận nhà để làm những sản phẩm gỗ lũa cho riêng gia đình. “Những tác phẩm của ông Vỹ đều mang trong đó sự ngộ nghĩnh trong các bức tranh dân gian. Từ con chim, con hổ, con tắc kè, con rắn, hay con khỉ… đều thể hiện một cách sinh động đến từng chi tiết nhỏ nhất trong từng thớ gỗ”, thầy Đại cho biết về tài nghệ của ông Vỹ.

Với niềm đam mê nghề thực sự, ông Vỹ cho biết mình chưa một ngày chán nản với công việc. Chính những sản phẩm từ tay làm ra lại làm cho ông càng thêm gắn bó với nghề hơn. Thế nhưng rồi đây khi tuổi đã cao ông cũng phải nghỉ “hưu”.

Vì vậy ông đã truyền nghề cho con trai đầu Lê Đình Kỷ cũng là người có niềm đam mê sáng tạo những tác phẩm ghệ thuật từ gỗ. Ngoài ra ông còn đào tạo cho nhiều thanh niên trong xã có niềm đam mê với nghề. Xưởng của ông lúc nào cũng có gần chục lao động vừa làm thuê vừa học nghề.

Theo Phạm Hòa
Zing/Infonet
Flag Counter