Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Bí quyết kinh doanh của “vua chuối”

Bạn bè và đối thủ của Samuel Zemurray đều gọi ông là Sam “vua chuối”. Ông đã khởi nghiệp từ việc buôn chuối chín, thứ làm nản lòng các thương nhân hoa quả cỡ bự vì chuối chín dễ dàng trở thành món hàng đổ đi nếu bán không kịp.

Với nguyên tắc “một đốm, chuối sắp chín; hai đốm, chuối đã chín”, các nhà buôn chuối bỏ hàng đống chuối chín khổng lồ tại cảng. Ở đó, đống chuối chỉ có nước chờ thối rữa hoặc bị đẩy xuống biển.

Vào khoảng năm 1895, Sam, một người Nga nhập cư trẻ tuổi, đã lần đầu nhìn thấy đống chuối chín bị bỏ ở cảng Mobile, bang Alabama. Và ông đã tìm thấy cho mình một cơ hội. Đối với một người lớn lên trong một trang trại lúa mì tồi tàn ở Bessarabia, đống chuối chín này đúng là một đống của. Đem chuối này đi bán, đến năm 1903, ông đã trở thành một nhà buôn cỡ nhỏ, với tài sản 100.000USD trong nhà băng.

Kể từ đó, Sam bắt đầu buôn cả chuối ương lẫn chuối chín. Vào năm 1909, ông tới Honduras, bỏ tiền mua và cho phát quang một diện tích rừng nguyên sinh lớn để trồng chuối. Sau đó, ông dùng một đội lính đánh thuê từ New Orleans lật đổ chính phủ Honduras và thành lập một chính phủ mới thân thiện với ông hơn. Sam thành lập một công ty chuối chất lượng cao tại đây và cuối cùng đã thâu tóm được một hãng hoa quả lớn có tên United Fruit vào tháng 12/1932. Cho tới khi qua đời vào năm 1961 trong dinh thự tư nhân lớn nhất ở New Orleans, Sam đã trải qua những công việc bao gồm thợ vận chuyển, người chăn bò, nông dân, thương nhân, nhà hoạt động chính trị, nhà cách mạng, nhà từ thiện, và giám đốc điều hành (CEO).

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của Sam “vua chuối”, tờ Wall Street Journal đã rút ra một số bài học đã đưa ông tới “mỏ vàng” từ đống chuối sắp thối rữa.

1. Tự mình xem xét mọi việc

Khi Sam quyết định trở thành một chủ trang trại chuối ở Honduras, ông đã chuyển tới sống trong rừng. Ông tự tay trồng chuối, đi xem từng vị trí trên cánh đồng chuối và xếp chuối lên thuyền. Ông tin rằng, đây là lợi thế lớn của ông so với các sếp của United Fruit, hãng chuối lớn nhất thời đó mà ông đang cạnh tranh. United Fruit lớn hơn công ty của Sam, nhưng được điều hành từ một văn phòng ở tận Boston. Sam thì khác, ông gắn với cánh đồng chuối, hiểu các công nhân của mình đang nghĩ gì, tin gì và sợ hãi điều gì.

2. Đừng tìm cách phức tạp hóa vấn đề

Vào cuối những năm 1920, United Fruit và công ty của Sam cạnh tranh nhau để giành quyền mua một mảnh đất màu mỡ nằm giữa biên giới Honduras và Guatemala. Mảnh đất này có hai chủ sở hữu, một ở Honduras và một ở Guatemala. Trong khi United Fruit thuê luật sư, tiến hành điều tra nhằm xác định xem đâu là chủ sở hữu thực sự của mảnh đất, thì Sam làm rất đơn giản: ông mua mảnh đất hai lần, mỗi lần từ một chủ sở hữu. Một vấn đề đơn giản nên được giải quyết đơn giản.

3. Tự mình tìm hiểu thực tế

Vào thập niên 1930, United Fruit khốn đốn vì đại suy thoái, với giá cổ phiếu giảm từ 100 USD/cổ phiếu xuống còn hơn 10 USD/cổ phiếu. Trong nỗ lực tìm kiếm một kế hoạch nhằm thay đổi cục diện tình hình, lãnh đạo của hãng này tham vấn các chuyên gia và nhà kinh tế, rồi nghiên cứu các báo cáo. Sam lúc này đã là cổ đông lớn nhất của United Fruit và cũng muốn có câu trả lời cho những vấn đề tương tự. Nhưng thay vì hỏi chuyên gia, ông đi tới tận bến tàu của New Orleans, tìm hiểu tình hình thông qua các thuyền trưởng và các nhà buôn hoa quả. Đó là những người hiểu tình hình thực tế.

Sam đã phát hiện ra nhiều điều. Chẳng hạn, các thuyền trưởng chở chuối đã được yêu cầu đi qua Vịnh Mexico với tốc độ chỉ bằng một nửa nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Ông cũng được biết, trong thời gian mấy ngày kéo dài thêm trên biển đó, một phần lớn lượng chuối trên tàu chuyển từ ương sang chín. Một trong những mệnh lệnh đầu tiên của Sam khi ông tiếp quản United Fruit vào năm 1932 là không được giảm tốc độ và giảm quãng đường đi lòng vòng. Trong vòng 6 tháng sau đó, giá cổ phiếu của United Fruit đã phục hồi liên tục và đạt mức 50 USD/cổ phiếu.

4. Tiền mất có thể kiếm lại được, nhưng uy tín thì một đi không trở lại

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Sam hợp tác với United Fruit. Công ty lớn này hứa sẽ hỗ trợ tài chính và giúp Sam phân phối sản phẩm. Đổi lại, Sam cho họ sử dụng các con tàu chở hàng của ông. Một năm nọ, khi công nhân trồng chuối ở Nicaragua đình công và phong tỏa các dòng sông ở nước này, United Fruit đã phá vỡ thế phong tỏa này bằng các con tàu của Sam. Do logo công ty của Sam được in bằng chữ lớn ở thành tàu, nên Sam đã trở thành cái tên bị căm ghét ở Nicaragua. Đó là một trong những chuyện khiến Sam quyết định “giải tán” mối quan hệ đối tác với United Fruit, cho dù ông đã phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tài chính của công ty này. Với Sam, một người không kiểm soát được tên tuổi và hình ảnh của mình sẽ chẳng có thứ gì.

5. Nếu bị hoài nghi, hãy làm việc gì đó

Khi Sam tiếp quản United Fruit vào năm 1932, công ty này sắp sửa sụp đổ. Giá cổ phiếu của United Fruit khi đó đang hướng về mốc 0 USD, những công nhân giỏi nhất thì bỏ đi. Ngay khi tiếp quản công ty, Sam đã lập tức thực hiện những chuyến đi con thoi giữa Trung và Nam Mỹ, gặp gỡ công nhân trên các cánh đồng chuối và thăm dò ý kiến của họ. Ông hiểu rằng, các công nhân làm việc trên cánh đồng chuối cần phải biết là đang có một người quản lý họ. Nếu họ biết những gì mà ông đang làm, thì họ sẽ theo ông tới bất kỳ đâu.

Wall Street Journal kết luận, những bí quyết kinh doanh của của Sam “vua chuối” có thể gói gọn lại trong một câu nói: Quyền lực đến từ tri thức, thông tin và kinh nghiệm. Những điều này gắn với thực tế như cây chuối mọc lên từ mặt đất. Nếu tách rời thực tế, thì bạn sẽ thất bại.
Theo kienthuckinhte

Doanh nhân đi xe gì?

Chẳng kể ở xứ ta, từ Tây cho tới Tàu, ở đâu xe hơi cũng luôn đóng vai trò đồng hành và gián tiếp thể hiện vị thế, đẳng cấp của chủ nhân.
“Ăn chắc mặc bền thì đi xe Nhật/Tính tình chân thật mua xe Hoa Kỳ/Phong cách cầu kỳ sắm xe Đức quốc”



Muốn thể hiện mình là doanh nhân, trước tiên phải có xe hơi, mà tốt nhất là xe hơi sang. Việc đầu tiên sau khi lập doanh nghiệp là phải mua ô tô, đó là luật bất thành văn. Cứ nhìn vào số lượng doanh nghiệp đăng ký và số xin giải thể là có thể biết “sức khỏe” của thị trường xe hơi, nhưng đó là chuyện “vĩ mô”, ta nên quay về với chủ đề chính của bài viết “Doanh nhân đi xe gì”?

Vào thời bắt đầu đổi mới, nói đến xe hơi nghĩa là xe Nhật. Thời nay, cho dù xe Nhật vẫn chiếm thế phần lớn nhưng các hiệu xe Âu châu, Mỹ quốc cũng đã trở nên thông dụng.


Mới đây, trên thị trường lại xuất hiện các mẫu xe đến từ các “con rồng”, “con cọp” Trung, Hàn, Mã, Ấn với giá cả “dễ chịu” và mẫu mã khá tân thời. Việc có nhiều mẫu xe để chọn cũng rất tốt, nhưng nhiều quá đâm ra khó chọn, nhất là đối với các doanh gia lần đầu mua xe. 


“Người làm sao của chiêm bao làm vậy”, hay diễn nôm ra là nhìn chiếc xe sẽ biết anh là người như thế nào. Trước hết, chiếc xe thể hiện mức độ giàu có của chủ nhân, sau đó là phong cách và thậm chí một phần tính cách. Vì vậy, nên chọn xe theo đúng nhu cầu, và hay hơn nữa - đúng sở thích. 


Doanh nhân tính toán chi li thường chọn xe Nhật bởi giá vừa phải, dễ bảo dưỡng và dễ bán lại. Trẻ trung hơn một tí có thể chọn xe Mỹ, vừa thể hiện sự cách tân mà lại ít sợ đụng hàng.


Còn việc bán lại ư? Dân chơi đâu có sợ mưa rơi. Xe Âu châu chủ yếu dân làm “sở Tây” hay dính dáng ít nhiều “Tây học” ham thích. Cũng như xe Mỹ, chúng giúp chủ nhân thể hiện cá tính nhưng lại hơi đỏng đảnh trong chuyện bảo dưỡng. Xe Hàn Quốc và số còn lại thường chỉ bán cho “ngoại kiều yêu nước”, họ làm ăn ở xứ ta nhưng vẫn một lòng yêu thờ đất mẹ, nôm na là như vậy.


Có thể phân tích cụ thể hơn một chút về các dòng xe theo mác hiệu. Tuy Toyota vừa rồi có xảy ra nhiều vụ lùm xùm cả ở hãng mẹ lẫn liên doanh tại Việt Nam, nhưng vẫn là mác xe bán chạy đầu bảng. Doanh nhân thành đạt một chút thường chọn Camry, ít tiền hơn thì Corolla hay Innova.


Ai đi xe hiệu này, và cả “con cùng mẹ” Lexus, đều là những người căn cơ. Các thương hiệu xe Nhật khác như Honda, Mazda, Mitsubishi, Suzuki hay Subaru thực ra cũng na ná nhau cả về kỹ thuật lẫn thiết kế. Riêng Nissan, sau khi liên doanh với Renault có hơi hướng Âu châu một chút, cá tính một chút.


Xe Mỹ một thời đã khá thịnh hành, nhất là trong các tỉnh phía Nam, nhưng sau bị người tiêu dùng “ngoảnh mặt” vì lý do đã xấu mã lại ngốn xăng. Từ khi Ford đặt nhà máy tại Việt Nam, bộ mặt xe Mỹ có được cải thiện đôi chút, nhưng bán chạy cũng chỉ có thương hiệu này do giá hợp lý, tính năng cũng tương đối ổn và cái chính là có hệ thống dịch vụ tốt.


Còn các hiệu xe khác từ Hoa Kỳ như Chrysler, bao gồm cả Dodge, Jeep, hay toàn bộ dòng tộc GM từ Cadillac, Buick, Opel... đều rất hiếm ai chọn mua. 


Xe Pháp thì đã từ lâu vắng bóng dần tại Việt Nam. Cả ba thương hiệu mạnh nhất là Peugeot, Renault và Citroen đều không còn chỗ đứng, mặc dầu không ít lần các nhà nhập khẩu cũng như chính hãng đã có những cố gắng để ít nhiều gầy lại “một thời vang bóng”.


Xe Ý cũng ở tình trạng như vậy, dù đó là Fiat, Alfa Romeo hay xe hạng sang Maserati. Các thương hiệu khác như Volvo của Thụy Điển, Mini, Vauxhall Anh hay Seat Tây Ban Nha cũng hiếm khi được người Việt biết tới, xe Đông Âu thì còn xa lạ hơn.


Chỉ có xe Đức là ngày càng thắng thế tại xứ ta. Nếu cách nay vài năm, Mercedes làm chủ hoàn toàn “trận địa” thì giờ đã có thêm BMW, Audi, Volkswagen và cả dòng xe thể thao sang trọng Porsche nữa. Các dòng xe Đức tuy giá đắt nhưng hội tụ tương đối đầy đủ các thế mạnh từ tính năng kỹ thuật, thiết kế đến độ an toàn và tiện ích.
Flag Counter