Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Bất ngờ tình hình tuyển dụng của ngành ngân hàng nửa đầu năm 2012


Techcombank giảm nhân sự, một số ngân hàng lớn tuyển thêm không đáng kể.
Nửa đầu năm nay, số lượng nhân viên tuyển dụng thêm của một số ngân hàng lớn đã có phần chững lại.
Số liệu do CafeBiz thu thập từ 14 ngân hàng cho thấy tổng số lượng nhân viên của các ngân hàng này chỉ tăng 2.661 người trong nửa đầu năm nay. Trong cả năm 2011, các ngân hàng trên tăng thêm hơn 11.100 người.
Chỉ có duy nhất một ngân hàng có lượng nhân viên giảm đó là Techcombank: từ 8.335 người xuống còn 7.873 người, tức giảm 462 người. Năm ngoái, ngân hàng này tuyển thêm 854 người.
Nửa đầu năm nay, TCB đạt 1.630 tỷ đồng LNTT, tăng 14% so với cùng kỳ.
Hai ngân hàng quốc doanh lớn là BIDV và Vietinbank chỉ tăng thêm vỏn vẹn 34 và 24 người.
Những năm vừa qua, Vietinbank là ngân hàng có thu nhập bình quân cao nhất khối ngân hàng. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, ngân hàng này đã cắt giảm mạnh lương thưởng cho nhân viên khi mà hợp nhất giảm 28% so với nửa đầu năm ngoái
Một số ngân hàng nhỏ khác như Kiên Long, Bảo Việt, PGBank và Navibank cũng tuyển thêm không đáng kể.
 
Biến động nhân sự của 14 ngân hàng trong nửa đầu năm 2012
(hn): số lượng nhân viên của ngân hàng mẹ và các công ty con
Ở phía ngược lại, ACB là ngân hàng tuyển dụng mạnh nhất với 867 người, nâng tổng số nhân sự của ngân hàng này lên 9.480 người. Năm ngoái, ACB cũng là một trong số những ngân hàng được tuyển dụng mạnh nhất. Lợi nhuận của ACB tăng 25% so với nửa đầu năm ngoái.
Ngân hàng mẹ Sacombank cũng tuyển thêm gần 700 người, lên 10.289 người. Sacombank là ngân hàng có lượng nhân viên đông nhất trong khối ngân hàng ngoài ngoài quốc doanh.
Nhân sự của hệ thống Ngân hàng Quân đội (MB) tăng thêm 400 người. Nếu tính riêng ngân hàng mẹ thì số lượng nhân viên tăng đến 500 người.
Số liệu hợp nhất thấp hơn số liệu của ngân hàng mẹ do công ty con của MB là Chứng khoán MB (tên cũ là Chứng khoán Thăng Long) giảm 120 nhân sự.
Trong khi BIDV và Vietinbank tuyển thêm không đáng kể thì Vietcombank vẫn tăng 336 người. Hiện tại thì số lượng nhân viên của Vietcombank (12.900 người) vẫn còn kém xa so với 2 ngân hàng kia. Số lượng nhân viên của Vietinbank là hơn 18.600 người còn BIDV là 17.900 người.
Năm ngoái, theo số liệu từ 28 ngân hàng thương mại thì các ngân hàng này đã tuyển thêm hơn 18.500 người với tổng số nhân viên đến cuối năm là 127 nghìn người.
Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) giữ ngôi quán quân tuyển dụng với hơn 2.100 người. Ngoài ra còn có 7 ngân hàng tuyển trên 1.000 người.
 
KAL
Theo TTVN

Thế giới gọi, còn ai ngoài Vinamilk?

Một trong những yếu tố giúp Vinamilk mang tầm quốc tế hơn các doanh nghiệp đồng hương là việc họ không lún sâu vào nợ nần.
Vinamilk (VNM) lại một lần nữa nổi lên một cách hoành tráng. Đó là khi tạp chí Mỹ Forbes cho biết mặc dù năm nay chưa có đại diện nào của Việt Nam nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương (Fab 50), nhưng trong tương lai gần, Vinamilk là cái tên có khả năng lọt vào danh sách này.

Fab 50 năm nay khảo sát 1.295 công ty có doanh thu hoặc giá trị vốn hóa trên 3 tỉ USD. Sau đó, các nhà phân tích sẽ so sánh doanh thu, lợi nhuận, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, biến động giá cổ phiếu và triển vọng tăng trưởng của các công ty trên. Nếu có quá nhiều nợ hoặc được Chính phủ sở hữu từ 50% trở lên, công ty đó sẽ bị loại.

Với Việt Nam, Vinamilk có thể nói đã lọt vào tầm ngắm của các nhà tài phiệt quốc tế, quỹ đầu tư và các đối tác tiềm năng.

Cổ phiếu VNM hiện đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc từ nhiều tháng qua không cổ đông ngoại nào buông cổ phần của mình tại VNM cũng phần nào cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu này đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế của Vinamilk chắc chắn sẽ cao hơn so với nhiều công ty khác của Việt Nam.

Để có thể lọt vào tầm ngắm của thế giới tài chính bên ngoài, một công ty Việt Nam cần đáp ứng đủ những tiêu chuẩn quốc tế, cũng như biết phát huy thế mạnh để có thể sớm bứt phá.

Ra ngoài không mang theo Nhà nước

Hiện tại, giá trị vốn hóa của VNM vào khoảng 2,7 tỉ USD, khá gần với con số mà các công ty toàn cầu thường có để có thể lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư lớn. Dựa trên giá cổ phiếu và khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, một số doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đang trên đường tiệm cận mức vốn hóa này như VietinBank (CTG) 2,57 tỉ USD, Tập đoàn Masan (MSN) hơn 2,3 tỉ USD.

Thậm chí, có 2 doanh nghiệp còn khá hơn cả Vinamilk về tiêu chí vốn hóa. Đó là Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) với vốn hóa khoảng 3,4 tỉ USD và Vietcombank (VCB) gần 3,1 tỉ USD. Tuy nhiên, trong mắt thế giới, họ không “hot” được như Vinamilk, vì còn các tiêu chí khác phải đáp ứng, dễ thấy nhất là vấn đề cổ đông Nhà nước.

Cụ thể, Nhà nước đều nắm phần lớn cổ phần tại 2 ngân hàng VCB và CTG, lần lượt là 77,11% và 80%. Còn tại GAS, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, đại diện Nhà nước nắm tới 52,36%. Do vậy, chỉ riêng tiêu chí này đã đủ loại GAS, VCB và CTG ra khỏi tầm ngắm của nhà đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, ở Vinamilk, Nhà nước chỉ nắm 47%, nhà đầu tư nước ngoài nắm 49%, còn lại là cổ đông cá nhân và tổ chức Việt Nam. 

Một trong những yếu tố giúp Vinamilk mang tầm quốc tế hơn các doanh nghiệp đồng hương là việc họ không lún sâu vào nợ nần. Tính đến ngày 30.6.2012, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Vinamilk chỉ 0,3.

Bên cạnh đó, để lọt vào mắt xanh của giới đầu tư và doanh nghiệp toàn cầu, các công ty phải có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn qua các năm. Đa số các công ty được giới tài phiệt quan tâm đặc biệt đều có doanh số tăng 30-40% trong 3 năm qua. Nhiều công ty có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tăng trưởng 50% trong cùng thời gian. Doanh thu của các doanh nghiệp đều trên mức 1 tỉ USD.

Trong giai đoạn từ 2006-2011, doanh thu của Vinamilk tăng bình quân 29%/năm và lợi nhuận tăng 50%/năm. Đến năm 2011, doanh thu của Công ty đã đạt trên 1 tỉ USD.

Một điểm quan trọng nữa là các công ty được chọn thường có nhân lực chủ chốt có năng lực quản lý và kỹ năng kinh doanh tốt. Đó phải là những người năng động, vượt qua những mô hình làm việc cũ, tạo ra thị trường mới, tạo niềm tin và truyền cảm hứng cho người khác. Chính vì vậy mà cùng với việc Vinamilk lọt vào tầm ngắm của thế giới, Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, cũng nổi lên như một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Ngoài ra, để được giới đầu tư ưu ái, doanh nghiệp phải niêm yết tối thiểu trên sàn chứng khoán trên 1 năm và có lịch sử tài chính lành mạnh.

Làm ngành gì dễ lọt vào tầm ngắm của thế giới?

Trong danh sách năm nay của Forbes, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin đã hiện diện áp đảo với 11 đại diện. Tiếp đến là ngành hàng tiêu dùng lâu bền (điện lạnh, điện tử, xe) và thứ ba là bán lẻ.

Có thể thấy, đây là 3 ngành ở châu Á vẫn đi ngược chiều suy thoái trong năm qua. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn hưởng lợi từ trào lưu công nghệ, tự động và số hóa ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng hơn trong thời khủng hoảng khi các công ty toàn cầu muốn dùng công nghệ để giảm nhân công và chi phí sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng cao ở các thị trường mới nổi châu Á là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các công ty sản xuất hàng tiêu dùng lâu bền lẫn các nhà bán lẻ.

Có thể thấy, kinh tế suy giảm là cơ hội tốt nhất để phân biệt được đâu là “vàng thật”. Do vậy, danh sách năm nay chính là những cái tên thực sự có nền tảng để trụ vững trong bối cảnh kinh tế châu Á giảm tốc và châu Âu dần lún sâu vào suy thoái.

Một điều dễ thấy nữa là các công ty tận dụng được lợi thế cạnh tranh quốc gia sẽ dễ tăng trưởng. Ấn Độ nổi lên chủ yếu nhờ sự bứt phá của các công ty trong ngành công nghệ thông tin. Truyền thống làm ngành này nhiều năm qua cùng đội ngũ kỹ thuật có trình độ cao và kinh nghiệm đã giúp họ cạnh tranh tốt ở khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng Trung Quốc lại tận dụng được công cuộc đô thị hóa và xây dựng ở đại lục để phát triển mạnh mẽ. Tuy bong bóng bất động sản Trung Quốc đang có dấu hiệu xì hơi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mất đi lợi thế nhờ sự bùng nổ xây dựng ở quốc gia tỉ dân này.

Nói tóm lại, doanh nghiệp nào muốn sớm được lọt vào mắt xanh của giới đầu tư toàn cầu, cần nhắm tới những ngành nghề không bị giảm tăng trưởng ngay cả khi kinh tế suy thoái và đó nên là ngành tận dụng được lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Thế giới đang gọi tên Vinamilk. Tuy nhiên, các công ty lớn và giàu tiềm năng của Việt Nam cũng đã nghe tiếng. Ai sẽ là người sớm đáp lời? 

Theo Nhịp cầu đầu tư
Flag Counter