Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Kiếm bộn tiền từ tình yêu của người khác

Nắm bắt thị trường từ trào lưu hai người yêu nhau mặc quần áo giống nhau đang khiến nhiều chủ cửa hàng “hốt” bạc.
Hiện nay, dọc các con phố thời trang của Hà Nội đang rộ lên các shop thời trang đôi, gia đình... thu hút rất nhiều khách hàng. Các mẫu hàng hấp dẫn người mua nhưng sâu bên trong là một loạt chiêu bán hàng “tinh quái” rút hầu bao của khách.
Đồ đôi một thị yếu mới thu hút giới trẻ hiện nay.
Kết hợp đôi để bán hàng
Các con phố thời trang đồ đôi ở khu vực Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân vào buổi tối luôn tấp nập người đến mua sắm. Nhân viên của các cửa hàng này cũng khá đặc biệt. Chủ yếu là các bạn tuổi teen, sinh viên, học sinh. Nhiều cửa hàng thuê một đôi nam nữ để vừa bán hàng vừa kiêm luôn người mẫu cho shop.
Tạt vào một shop đồ đôi ở đường Trường Chinh (Hoàng Mai, Hà Nội), sau câu nói bâng quơ của tôi: “Cặp uyên ương bán hàng ăn ý quá” thì đôi bạn trẻ dè chừng thổ lộ “là chị em thôi”. Qua tìm hiểu được biết, người con trai là con chủ cửa hàng, kém Mai Hoa (cô sinh viên năm nhất Đại Học Văn Hóa 2 tuổi) là “cặp đôi hoàn hảo” trong từng ý tưởng bán hàng của chủ quán. Theo lời kể của Mai Hoa, để thu hút được khách hàng cô chủ “quán triệt” rất gắt gao chuyện ăn mặc đến cách chào mời và cách “diễn” đôi ăn ý để “câu” khách.
Hoa được thuê bán hàng từ 15 giờ chiều đến 22 giờ 30 phút đêm với thù lao là 3,5 triệu/ tháng. Với mức lương đó, Hoa thấy công việc “diễn” bán hàng của mình là khá ổn. Nhưng khó khăn nhất với Hoa là bài toán “kẻ tung, người hứng” với cậu con trai cô chủ để đủ đạt doanh thu yêu cầu. Hoa phải làm mọi chiêu trò để khách rời khỏi quán mà phải tay xách theo hàng.
Đến một shop đồ đôi khác nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) khách hàng bị hấp dẫn bởi sự đa dạng của các mốt đôi. Ở đây có những mẫu quần áo dựa theo phim chuyện tình nổi tiếng Hàn quốc, hay những biểu tượng tình yêu bất diệt, những câu khẩu ngữ ngẫu hứng về tình yêu của giới trẻ... Ở shop này không chỉ đa dạng về mặt hàng mà còn đa dạng trong nhãn hiệu hàng hóa. Điểm qua một dãy hàng đôi trong shop có tới gần chục nhãn hiệu khác nhau mặc dù cửa hàng quảng cáo “tất cả là hàng hiệu”. Và bằng cách làm “mát lòng” người mua với thẻ ưu đãi giảm giá từ 20% đến 40% thì nhiều cửa hàng dễ “câu, dụ” khách hàng có tâm lí ham rẻ mua số lượng lớn.
Hiện nay thời trang đôi không chỉ là quần áo mà còn phổ biến với các mặt hàng giầy dép, thời trang mũ, nón các loại. Thậm chí không chỉ độc, lạ với đồ đôi, các shop thời trang còn thu hút khách với một chuỗi đồ cho cả gia đình. Xu hướng thời trang gia đình này mặc dù mới du nhập từ nước ngoài về nhưng đã khiến nhiều người “điên đảo”.
Những mánh lới “móc túi” khách hàng
Khảo sát giá một số shop đôi “đắt khách” ở khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy ( Hà Nội) thì các bộ áo đôi thường có giá từ hơn 200 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/ bộ. Các cửa hiệu đồ đôi hầu hết mới ra đều quảng cáo là hàng Quảng Châu (Trung Quốc) để đánh vào tâm lí ham rẻ của sinh viên. Nhưng thực chất khi ứng với những mặt hàng cùng loại tại các chợ đêm sinh viên thì giá đã được đội lên gấp đôi. Và những cặp áo đôi đó là những cặp áo một mẫu nhưng khác size (kích cỡ). Như vậy, thay cho việc bán một chiếc áo thì họ sẽ bán được hai chiếc áo cùng loại với giá được đội lên gấp đôi thậm chí gấp ba, tùy ý của chủ cửa hàng.
Qua cuộc khảo sát, PV có những khám phá không ngờ từ shop đến chợ đêm. Cùng một loại áo phông cổ tròn trắng với họa tiết một đôi nam nữ đang ngồi ngắm trăng ở cửa hàng đồ đôi trên đường Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) nhãn feiel có giá 450 nghìn đồng/đôi nhưng đến chợ đêm sinh viên Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội) chiếc áo nam này được bán phổ biến ở tất cả các gian hàng với giá 85.000 đồng/ chiếc. Và như vậy với cách này thì chủ cửa hàng có thể thu một nguồn lợi rất khủng từ những bộ đồ đôi “rởm”.
Mặt khác thì theo hình thức online, các shop thời trang đôi có điều kiện trưng diện những mẫu hàng “hot” rên các trang mạng trên các trang rao vặt bán hàng. Thông qua hình thức này, khách sẽ tự gọi đến cửa hàng để đặt. Giá cả có thể đội lên tùy theo… hứng của chủ shop dựa vào cớ “phí vận chuyển”, hoặc “hàng khan hiếm” để chặt chém khách. Hay thông qua các trang mạng cá nhân, các cửa hàng có thể tưng bừng khai trương, khuyến mại giảm giá để bán chạy hàng. Cũng do bán hàng trên mạng nên người mua không biết được chất liệu thực của áo, quần. Vì thế khi sử dụng được một thời gian ngắn áo đã xù lông, nhăn nhúm. Vì thế, sau khi sử dụng đã có không ít comment phản hồi theo hướng tiêu cực. Email hanhhanhtanh@gmail.com bày tỏ bức xúc trên trang muasamla.net : “Hàng chất liệu quá bình thường, “chém” phí dịch vụ đắt mà không bằng hàng chợ”.
Để tìm hiểu nguồn gốc của những bộ thời trang “hot” này, phóng viên đã có cuộc khảo sát tại các chợ đầu mối chuyên bán buôn, bán lẻ quần áo “giá mềm nhất” ở Hà Nội. Tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) các mẫu đồ đôi “độc” hàng Quảng Châu ở các shop thời trang đôi trong nội thành được bày bán “nhan nhản”. Trong khi đó giá thành ở đây chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 giá đồ đôi cùng một mẫu tại các shop đôi trong nội thành khi mua với hóa đơn từ 5 bộ trở lên. Một bộ đôi, áo kẻ ngang của nam và áo váy nữ kẻ ngang mã TN 089 tại shop đôi Thanh Xuân có giá 400 nghìn đồng trong khi cũng bộ đồ đó ở chợ Ninh Hiệp chỉ có giá 130 nghìn đồng.
 
Theo NĐT

Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm viên : Ý thức doanh nhân ASEAN +1...

(DĐDN) Đi khắp trong và ngoài nước ngay từ đầu năm 2012, có vẻ như Nguyễn Lâm Viên - ông chủ Vinamit đang ấp ủ những kế hoạch nào đó. Liệu đây có phải là thời điểm Vinamit sẽ làm nên một bước đột phá mới trên bước đường vốn dĩ đã thành công ? Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch kiêm TGĐ Vinamit.
Phải “đánh” xong thị trường Asean...
- Trong bối cảnh khó khăn của năm 2012, tình hình ở Vinamit như thế nào, thưa ông ?
Như mọi DN, Vinamit cũng có sự sút giảm. Nhưng may mắn là kiểu kinh doanh của Vinamit có phần khác biệt với nhiều DN khác. Thị trường nội địa chỉ chiếm 50% doanh số nên chúng tôi vẫn còn 50% thị trường bên ngoài có thể đỡ lại. Tôi đang xách giỏ đi nhiều hơn. Thị trường trong nước bảo hòa và suy yếu thì ta phải đẩy mạnh khai thác thị trường bên ngoài. Tuy vậy, về nguyên tắc chúng tôi cũng phải co lại, thắt lưng buộc bụng. Giữ lực và chờ khi thị trường khởi sắc trở lại là yếu tố sống còn của hầu hết các DN, bao gồm cả Vinamit lúc này.
- Nhưng thị trường bên ngoài cũng đang suy yếu ?
Tôi tập trung vào thị trường Trung Quốc. Thật ra, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm doanh số lớn nhất trong xuất khẩu của Vinamit. Trước đây, chúng tôi vẫn chưa đẩy mạnh toàn phần, chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này.  Hàng hoá của Vinamit đã có vị trí tại Trung Quốc nên việc tiếp cận và đẩy mạnh hơn nữa sẽ không tốn quá nhiều công sức, nguồn lực lẫn thời gian. Do đó, nếu đẩy mạnh việc khai thác thị trường thì hiệu quả cũng sẽ dễ thấy được nhanh và rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, với thị trường này, chúng tôi luôn nghĩ ra những phương thức  thay đổi mới để thị trường bắt chước, nhái, giả không theo kịp.
- Để in dấu một hệ thống nhận diện thương hiệu tại thị trường này hẳn cũng không dễ dàng ?
Thay đổi nhưng lại phải biết tiết giảm ở mức độ vừa đủ, sao cho hàng giả không giả được mà người tiêu dùng cũng không thấy cũ kỹ, nhàm chán. Về cơ bản là phải giữ một sự cân bằng giữa truyền thống và đổi mới để sao cho vẫn giữ được các ký hiệu giúp người tiêu dùng nhận diện được thương hiệu. Đó là cả một nghệ thuật sáng tạo.
- Vinamit có dành “ưu tiên” đầu tư cho những thị trường nào khác ?
Vinamit đang xuất hàng qua Philippine, Singapore, Thái Lan và một số địa bàn khác.  Nhưng năm nay tôi vẫn tập trung cho thị trường Trung Quốc . Tôi quan niệm rằng phải “đánh” xong thị trường ASEAN thì mới bung ra bên ngoài. Tất nhiên, ở các thị trường khác, cũng phải đặt chân và giữ vị trí thông qua các đại lý phân phối, thì khi bung ra mới không mất quá nhiều công sức.
Không giới hạn sản phẩm
- Về  sản phẩm, Vinamit có bung ra theo từng dòng sản phẩm và ưu tiên những mũi nhọn nhất định ?
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, tôi chủ trương mở rộng trong giới hạn các sản phẩm đều sẽ là thuần tuý nông nghiệp. Hiện nay, Vinamit đang mở ở Trung Quốc Cty phân phối hàng nông nghiệp VN, bao gồm những gì người Trung Quốc thích và ta cung ứng được như sữa, gạo, cà phê, các loại ngũ cốc …Với hình thức trung gian phân phối, các sản phẩm này được Vinamit triển khai ra thị trường theo hình thức tập trung khâu bảo quản nhằm tạo ra giá trị gia tăng.
Vinamit là DN chế biến và bảo quản sau thu hoạch tất cả mọi loại sản phẩm nông nghiệp là sức mạnh truyền thống của Vinamit, thành ra khi đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới, chúng tôi không hề e ngại sẽ xa rời sức mạnh truyền thống của mình.  Về nguyên tắc, mọi hoạt động kinh doanh đều do thị trường quyết định. Mình phải chọn cách đầu tư phù hợp với bối cảnh và đặc trưng của từng thị trường. Khi mới bắt đầu thì mọi chủ ý có thể sẽ không như mong muốn, thị trường chưa chắc ổn định và nuôi thị trường là điều ta phải chấp nhận. Tin rằng làm được như vậy thì khi kinh tế toàn cầu tốt hơn, mọi việc sẽ thuận lợi. DN không thể ngồi một chỗ, chờ lãi suất hạ thấp mới vay tiền đầu tư, có nhà máy mới chịu đi bán hàng…
- Hiện nhiều DN chọn cách quay về với thị trường nội địa. Quan điểm của ông và Vinamit ?
Tôi đâu có quên thị trường nội địa. Đây mới chính là thánh địa, lãnh địa, hậu phương của DN Việt. Nhưng tôi tiếp cận thị trường nội địa luôn theo một cách riêng, không ồ ạt và to tát. Cứ từ từ mà mọi thứ sẽ loang ra. Chắc chắn Vinamit sẽ có một bước ngoặt quan trọng trong tiếp cận thị trường nội địa ở một ngành hàng mới: Café.
- Đây vốn là một thị trường đã có nhiều thương hiệu lớn với áp lực cạnh tranh không hề nhỏ, thưa ông ?
Thứ gì không phải thế mạnh của mình thì mình sẽ không tham gia, nhưng thứ gì mà nông nghiệp VN đang có, ngon và nổi tiếng trên thế giới, thì mình sẽ không bỏ qua – đó là nguyên tắc của tôi. Ví dụ như khi ra thị trường quốc tế, tôi giới thiệu gạo, café, tiêu, điều, cao su... của VN thì người tiêu dùng quốc tế tin.  Cánh cửa cho thị trường này theo tôi còn rất rộng. Tuy nhiên, trong danh sách những sản phẩm nông nghiệp đó, tôi chọn cafe vì tôi đã có sự chuẩn bị kỹ về nhiều mặt.
- Được biết, một số mặt hàng Vinamit đang  tiếp thị và phân phối, không do chính Vinamit sản xuất. Điều này có khiến những sản phẩm mới yếu đi sức lan toả ?
Nguyên tắc của người tôi trong ngành nông nghiệp là chỉ làm chặng đầu và chặng cuối, chặng giữa thì từ từ chuyển giao cho các DN sản xuất trong ngành khác. Điều này giúp tôi có kế hoạch ổn định, tránh chuyện triển khai các vùng trồng không có kế hoạch trước, không định vị được thị trường.
Càng không có gì, đường đi càng thẳng !
- Để thành công trong một quy trình mới và có sự chuyển giao cho các DN sản xuất những chặng giữa, theo ông,  yếu tố then chốt sẽ là gì ?
Con người! Sự đam mê, ý chí của con người đó. Phải có niềm tin, trải nghiệm và nuôi dưỡng để thành 1 thương hiệu mà nhìn là thích, nghe là tin.
Để làm tốt thì mình phải xây dựng hệ thống kiểm soát lẫn nhau, mình có thể đầu tư vào các DN chế biến và đứng ở góc độ nhà đầu tư mà giám sát. Trong tương lai nếu có bán cổ phần Vinamit tôi cũng sẽ tìm các nhà đầu tư có thể giúp mình cùng quản trị, giúp Vinamit làm tốt hơn nữa đầu vào và đầu ra của một sản phẩm.
- Nói đến Nguyễn Lâm Viên, ông muốn mọi người sẽ nói đến điều gì ?
Năm 1987 tôi là người phát hiện ra ngành chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Lúc đó người ta rất ngạc nhiên vì người ta nghĩ bao nhiêu đời nay họ vẫn gặt, bảo quản phơi ra đường, không cần xa xỉ phơi sấy theo công nghiệp chế biến. Nhưng nếu nhìn xa,  xác định nông nghiệp là một trụ cột kinh tế của đất nước, thì bây giờ và trong tương lai, không có lý do gì khiến ta xa rời điều đó.
- Nhưng, tại VN việc khắc phục được đầu vào thị trường để triển khai bảo quản, chế biến sau thu hoạch là cả một vấn đề ?
Trước đây, tôi triển khai hàng ngàn hécta trồng mít để đảm bảo chất lượng đầu vào sản phẩm. Việc quản lý chất lượng, sản lượng sản phẩm theo tôi không hẳn là quá khó khăn. Chúng ta có thị trường giao dịch hàng hoá quốc tế, DN có thể thu mua ngay trên sân nhà hoặc cũng có thể nhập hàng nếu cần thiết. Cần nhớ rằng mình không chỉ là DN VN mà là DN ASEAN +1, DN WTO. Không cần phải co cụm, tự ti. Chúng ta càng không có gì, đường đi càng thẳng.
Flag Counter