Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Phát triển thương hiệu bằng "vũ khí" YouTube - Tại sao không ?

Có một thực tế không thể phủ nhận: Nhiều người khắp thế giới hiện đang sử dụng hàng giờ mỗi ngày lang thang trên YouTube. Do vậy, đây quả là môi trường tuyệt vời để nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bạn.

Cùng với Facebook và Google, YouTube là một trong những trang mạng được ghé thăm nhiều nhất trên Internet. YouTube đã công bố rằng website của họ hiện có tới hơn 4 tỷ lượt xem video hàng ngày và thu hút hơn 800 triệu người truy cập mỗi tháng.

Nếu bạn tận dụng trang mạng này đúng cách, bạn và doanh nghiệp của mình có thể thu hút được một lượng người hâm mộ khổng lồ. Một khi đã gây dựng được sự chú ý của mọi người đối với thương hiệu, bạn có thể sử dụng YouTube để giữ liên lạc với người xem cũng như cập nhật cho họ thường xuyên về định hướng sản phẩm cũng như hướng đi trong tương lai của công ty.

Không nhất thiết phải “phủ sóng” 100%

                       


Một số công ty nhỏ thành công nhất trên YouTube chưa bao giờ cầu toàn trong việc thu hút sự chú ý của tất cả mọi người truy cập. Baljeet Singh, nhân viên phụ trách quản lý nhóm sản phẩm trên YouTube đã chỉ ra rằng “Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng lý do đơn giản nằm ở nguyên tắc cơ bản của marketing - thấu hiểu người nghe”. Bạn không cần tiếp cận tất cả các cá nhân. Bạn chỉ cần đến với đúng người mà thôi.

Singh đưa ra một ví dụ: “Vào các buổi chiều, khi các cửa hàng đồ chơi bắt đầu đóng cửa, hãng Rokenbok Toys mới bắt đầu sử dụng YouTube để đến với từng gia đình. Hiện nay, một nửa những người biết tới Rokenbok Toys chính là qua con đường YouTube. Những video của họ, không nhất thiết phải phủ sóng tới tất cả người dùng trên YouTube, nhưng vẫn giúp doanh nghiệp tăng cường hình ảnh một cách mạnh mẽ.

Giúp mọi người giải trí

Chuyên mục quảng cáo trên kênh YouTube của bạn sẽ là một công cụ đắc lực. Singh nói: “Lấy ví dụ như những video quảng cáo của TrueView luôn nằm trong top đầu trang khi mọi người gõ những từ khoá có liên quan. Công ty này còn luôn hiển thị một list các video có mối liên hệ với nhau trước khi người xem click chọn 1 video cụ thể. “Tuy nhiên bạn cũng đừng để các video của mình đơn thuần chỉ là quảng cáo cho sản phẩm. Hãy xây dựng những bộ sưu tập video mang tính giải trí cao, điều này sẽ hàm ý với người xem rằng: thương hiệu của bạn thật tuyệt vời và “dễ mến”.

Mang tính chất giáo dục

                       

Một lý do khác để mọi người tham gia YouTube đó chính là để học hỏi thêm những thứ đơn giản. Những thứ này có thể là những video các buổi tranh luận lịch sử hay triết học, hoặc các video hướng dẫn thắt cavat hay sửa đồ gia dụng. Nếu bạn tạo nên những video mang tính giáo dục hay hướng dẫn, có liên quan trực tiếp đến thương hiệu hay sản phẩm của bạn, điều đó sẽ mang lại tác dụng tuyệt vời.

Ceilume là một doanh nghiệp chuyên bán gạch đá trang trí. Các kênh video của họ đã “dạy” khách hàng cách phân biệt các loại đá lát khác nhau. Những video hướng dẫn cách lau dọn ga-ra hay sửa toilet lại hấp dẫn khách hàng đến với chuyên mục chuyên về chăm sóc nhà cửa The Homeowner Series của hãng New City Studios. Nếu thực hiện tốt việc tạo dựng video theo tiêu chí này thì kết quả là bạn sẽ làm tăng hiệu quả mối tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, từ đó càng thu hút hơn nhiều người đến với công ty.

Tham gia vào cộng đồng

YouTube vốn là một cộng đồng trực tuyến, do vậy, bạn nên tham gia vào cộng đồng này tốt nhất có thể. Hãy dành thời gian để cảm ơn những người gửi những ý kiến đóng góp cho video của bạn và thậm chí hãy xem qua các dự án của họ. Những người xem tiềm năng đến với bạn bao gồm những các nhân đơn thuần dùng YouTube để giải trí bằng video, nhưng cũng có thể gồm cả những người có mục đích kinh doanh tương tự. Nếu chúng ta hỗ trợ họ, họ sẽ có thể sẽ trợ giúp lại chúng ta.

Khuyến khích tạo dựng thêm nội dung

                       

Nếu khích lệ những người xem tự tạo những nội dung riêng về thương hiệu của bạn, theo sở thích và suy nghĩ của cá nhân họ, bạn sẽ khiến mọi người cảm thấy gắn kết với sản phẩm hơn. Những ý tưởng của họ có thể đưa thương hiệu của bạn tới những chân trời mà bạn chưa từng tưởng tượng trước đây. GoPro, một công ty chuyên về máy quay phim công nghệ HD trong một thời gian ngắn đã thu hút được tới 100 triệu lượt xem trên YouTube.

Suzanne Watson, Phó tổng giám đốc phụ trách Sales và Marketing của GoPro giải thích “Những nội dung ban đầu trong video của GoPro đơn thuần lấy hình ảnh từ những môn thể thao mạnh mẽ như trượt tuyết hay lướt sóng. Khi người dùng sử dụng GoPro và chia sẻ niềm đam mê của họ trên mạng bằng những thước phim họ quay, kênh YouTube của chúng tôi đã có những nội dung phong phú trải dài từ những chuyến bay trên không đến những robot đồ chơi trong vũ trụ. Điều này đã mở rộng cộng đồng người xem cũng như người hâm mộ, vượt xa với việc chỉ bám chặt vào các khung hình thể thao trước đây.”

Hướng người xem tới trang web

Bạn chắc không hề muốn những người xem kênh YouTube của mình cảm thấy lạc lối sau khi tận hưởng xong đoạn video. Hãy cho họ chỉ dẫn. Hãy để họ biết cách vào trang web chính của công ty bạn thế nào bằng việc đưa những đường link vào video cũng như phần giới thiệu clip. Nhưng lưu ý rằng khách hàng tiềm năng thường có xu huớng nghi ngờ đối với những động thái hay chiến lược marketing quá đà. Do vậy hãy làm điều này một cách thật tự nhiên để cho người xem hiểu rằng: Chỉ khi họ thực sự muốn tìm hiểu thêm thông tin, hãy vào website chính !
Kết nối thương hiệu với cảm xúc người xem

                          
Mẫu sản phẩm đồ chơi của Rokenbok

Mọi người thường lên YouTube thường để tìm những nội dung họ ưa thích. Một cách hữu hiệu để đến với họ chính là kết nối sản phẩm với sở thích của người xem.
Paul Eichen, người sáng lập ra Rokenbok nói rằng: “YouTube cho phép chúng tôi tập trung vào những người thích thú với thể loại các sản phẩm mà chúng tôi kinh doanh. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều người chỉ ưa thích xem những video có chủ đề về các loại máy móc như tàu hoả, xe ủi đất, ô tô tải, v..v….và sau đó, chúng tôi hướng họ đến với clip của Rokenbok.
“Hãy chọn lựa các từ khoá tìm kiếm thật cẩn thận nhằm tạo nên những mối liên quan mật thiết giữa thói quen của người xem với sản phẩm của bạn, đó chính là ‘chìa khoá vàng’ giúp thương hiệu của doanh nghiệp lan toả rộng rãi ra công chúng.”

Theo TTVN/Foxbusiness

Sony và bài học đa ngành

Sony, thương hiệu từng là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử công ty.


Các sản phẩm đa dạng của Sony
Sony là một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản và thế giới, từng là biểu tượng kinh tế của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, Sony đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử công ty. Nguyên do sự trượt dốc này xuất phát từ đâu?

Trong những năm qua, Sony liên tục gặp phải những khó khăn với sự sụt giảm chưa từng thấy của cổ phiếu Sony trên sàn chứng khoán. Dù đã liên tục cắt giảm 10.000 nhân sự, tiết kiệm chi phí, nhưng viễn cảnh trước mắt của Sony khá ảm đạm với mức lỗ khoảng 6,4 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua. Tại sao một tập đoàn hùng mạnh một thời giờ đây lại đối mặt với nhiều khó khăn đến vậy?

Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đề cập đến những sai lầm của Sony từ góc nhìn marketing. Trên thực tế, những sai lầm của Sony đang bị lặp lại ở khá nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay.

1. Bản sắc thương hiệu nhạt nhòa 

Một doanh nghiệp mạnh phải là một doanh nghiệp có bản sắc thương hiệu mạnh.

Vậy, bản sắc thương hiệu của Sony là gì? 

Có thể nói, Sony đã từng là một đại diện mạnh của dòng sản phẩm điện máy giải trí, trong đó dấu ấn lớn nhất là sản phẩm TV. Cùng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp truyền hình, nhu cầu sử dụng TV phát triển rất nhanh. TV Sony nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, là thương hiệu mạnh, là con "gà đẻ trứng vàng" của Sony. Đây cũng là sản phẩm “xương sống” mang lại thành công trên toàn cầu cho hãng này.

Tuy nhiên, như rất nhiều công ty thành công khác, Sony không thoát khỏi cám dỗ của việc mở rộng sản phẩm. Hãng này sản xuất hàng loạt dòng sản phẩm thuộc nhiều chủng loại khác nhau cùng mang thương hiệu Sony. Có thể kể ra một số sản phẩm Sony phái sinh (line extention) như máy vi tính, chò trơi điện tử, máy nghe nhạc, sản xuất điện ảnh, sản xuất âm nhạc, dịch vụ tài chính, chuỗi cung ứng dịch vụ, ngân hàng, cung ứng nhân lực, hóa chất v.v…

Sony đã phát triển hàng loạt ngành nghề hoàn toàn khác biệt và thiếu sự liên kết. Chính điều này đã làm lu mờ đi bản sắc thương hiệu của tập đoàn.

Nếu như Microsoft là đại diện cho phần mềm máy tính, CocaCola đại diện cho nước giải khát có gaz, Facebook đại diện cho mạng xã hội…, thì Sony đại điện cho quá nhiều thứ. Điều này đồng nghĩa với việc là nó không đại diện cho điều gì cả.

Sự mở rộng không ngừng và thiếu kiểm soát trên một bình diện rộng là tổn thất lớn khiến Sony gặp nhiều khó khăn và làm người tiêu dùng không còn nhận ra bản sắc thương hiệu Sony. Một công ty khi mất đi bản sắc thương hiệu đồng nghĩa với sự ra đi của một số lượng lớn khách hàng.

Cổ phiếu Sony tụt dốc trong những năm gần đây. Nguồn: Yahoo Finance

2. Sai lầm trong việc tạo dựng thương hiệu con

Thực ra, trong số những sản phẩm phái sinh của Sony, có nhiều sản phẩm đã gặt hái được những thành công lớn. Trong số đó, phải kể đến máy nghe nhạc bỏ túi Walkman và trò chơi điện tử Play Station.

Tại sao hai sản phẩm này lại thành công hơn những sản phẩm khác của Sony? Ta thử nhìn từ góc độ marketing, hẹp hơn là cách đặt tên thương hiệu.

Máy nghe nhạc bỏ túi Walkman từng là một trong những sản phẩm nghe nhạc bán chạy nhất thế giới. Nó chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nghe nhạc toàn cầu khi người tiêu dùng lúc đó còn sử dụng đĩa CD để nghe nhạc. Nó đáp ứng nhu cầu của con người - vừa muốn thưởng thức âm nhạc chất lượng cao, vừa có thể di chuyển. Khi đó, thị trường cũng đã có những máy nghe nhạc cassette di động nhưng Walkman quả là một bước đột phá.

Từ góc nhìn marketing, sản phẩm này có sự khác biệt với đa số các sản phẩm khác của Sony, đó chính là cách đặt tên.

Nếu như các sản phẩm khác của Sony đều gắn với chữ Sony thì Walkman được đặt một cái tên hoàn toàn mới. Và nó đã nhanh chóng định hình với bản sắc thương hiệu là một chiếc máy nghe nhạc di động trẻ trung.

Nếu Walkman được đặt tên với cái tên Sony CD Player? Những hình ảnh của Sony trước đó sẽ làm mờ đi nhận thức của khách hàng đối với sản phẩm mới này.

Một sản phẩm cách mạng cần có một cái tên mới. Đó là lý do tại sao Steve Jobs lại lấy tên iPod, iPhone, iPad chứ không lấy tên Apple MP3 Player, Apple Mobile hay Apple PC Pad. Đáng tiếc là do không bắt kịp với thời đại số hóa, Walkman đã trở thành lịch sử cùng với kỷ nguyên đĩa CD.

Với trò chơi điện tử Play Station, câu chuyện không quá khác biệt. 

Nếu thực sự Sony nhìn thấy sự phát triển và tiềm năng ở những sản phẩm khác với sản phẩm cốt lõi của mình, Sony cần phải dùng một thương hiệu mới cho sản phẩm đó. Giá đó là máy tính Vaio, chứ không phải là Sony Vaio. Phải chi không phải máy ảnh Sony mà là một cái tên khác...

Sản phẩm của Sony theo thời gian

3. Thiếu sự tập trung

Sony đã mở rộng một cách quá mức và mất đi định hướng tập trung. Việc mất đi định hướng và sự tập trung là một sai lầm mà nhiều công ty lớn trên thế giới đã vấp phải.

Dường như việc mở rộng quy mô công ty kèm theo đó là việc mở rộng sản phẩm là một hấp lực không thể cưỡng lại đối với các CEO. Tuy nhiên, những công ty mất tập trung vào sản phẩm cốt lõi sẽ nhanh chóng mất đi vị thế dẫn đầu.

CocaCola cũng như Sony, đã từng muốn mở rộng sản phẩm và mua hãng phim Columbia Pictures. Sau một thời gian, CocaCola đã phải chấp nhận bán hãng phim này đi, tập trung vào sản phẩm nước ngọt (Điều oái oăm là Columbia Pictures giờ lại nằm trong Sony Pictures Entertainment). Hiện giờ, CocaCola vẫn là thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới.

Như câu ngạn ngữ Tây phương: “Cỏ bên kia bờ sông luôn trông xanh mướt hơn”, mở rộng sản phẩm luôn là một cám dỗ khó cưỡng. Đó là lý do một doanh nghiệp sau khi thành công với sản phẩm cốt lõi thường không tập trung vào việc khai thác tối đa sản phẩm cốt lõi mà chuyển sang một ngành nghề mới với một sản phẩm mới để rồi mất đi thế mạnh của mình.

Khổng Tử đã nói: “Ai đi săn cùng một lúc hai con thỏ, sẽ trở về nhà với hai bàn tay trắng”. Giờ đây, Sony đã phần nào nhận ra điều này, đã cắt giảm nhân sự, nhưng điều đáng kể mà Sony đã làm đó chính là việc định hướng tập trung hơn bằng việc bán bớt một phần công ty thiết bị, công ty hóa chất v.v… Tuy nhiên, với việc mở rộng quá nhiều ngành nghề trong quá khứ, việc tái cấu trúc lại của Sony hiện nay sẽ là một bài toán không đơn giản.

 Bài học của Sony và thị trường Việt Nam


Sự thiếu tập trung, gắn thương hiệu một cách vô tội vạ lên những sản phẩm con làm lu mờ đi bản sắc thương hiệu cốt lõi xảy ra khá phổ biến ở thị trường Việt Nam: một công ty đóng tàu làm cả dịch vụ taxi, tài chính và nhân sự; một công ty phần mềm làm cả dịch vụ giáo dục và tài chính chứng khoán...

Mở rộng lĩnh vực kinh doanh ban đầu có thể đem lại những lợi nhuận ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó sẽ gây nên hậu quả lớn. Khi thị trường ngày càng chuyên biệt hóa và phân cấp, doanh nghiệp càng phải tập trung cao. Sự tập trung trong một thị trường cạnh tranh là một yếu tố tiên quyết và trọng yếu để có thể giúp một doanh nghiệp thành công.

Nhà quản trị hiện đại Peter Drucker đã từng nói: “Tập trung là một yếu tính mang lại thành quả kinh tế lớn. Thắng lợi kinh tế đòi hỏi các nhà quản trị phải tập trung nỗ lực vào một số ít những hoạt động mang lại hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nguyên tắc căn bản về sự tập trung đang bị yếu thế. Dường như các doanh nghiệp đang theo quan niệm “Hãy làm mọi thứ, mỗi thứ một ít”. Và điều này thường sẽ dẫn đến những sai lầm lớn”.

Đây là bài học mà những doanh nghiệp đang xa rời sản phẩm cốt lõi, mở rộng kinh doanh đa ngành phải nghiền ngẫm thấu đáo.

Theo Doanh nhân Sài Gòn
Flag Counter