Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Chuyên gia "hiến kế" lấy lại thương hiệu Việt


Thời gian qua, nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng thế giới như: café Buôn Ma Thuột, café Đắk Lắk, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… lần lượt bị "đánh cắp" bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Marie-Vivien "hiến kế" để lấy lại thương hiệu Buôn Ma Thuột
Tuy vậy, việc dùng pháp luật quốc tế để buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải trao trả lại thương hiệu là hoàn toàn có thể nếu doanh nghiệp Việt hiểu biết và quyết tâm.

Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc hội thảo Bảo hộ chỉ dẫn địa lý do Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace và Nhà Pháp luật Việt Pháp tổ chức, với sự với sự tham gia của các chuyên gia về sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, tại Hà Nội hôm qua 23/5.

"Chỉ dẫn địa lý"- quân át chủ bài     

Theo Cục sở hữu trí tuệ, "Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó". Bởi vậy, trong cuộc hội thảo, các chuyên gia đều nhất mạnh tầm quan trọng sống còn của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong cạnh tranh quốc tế.

Cuộc hội thảo cũng đề cập đến vấn đề mà dư luận trong nước đang xôn xao bất bình gần đây: vụ việc thương hiệu café Buôn Ma Thuột nổi tiếng của Việt Nam bị công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd. (Trung Quốc) "cướp trắng". Điều này đẩy café Buôn Ma Thuột vào thảm cảnh: xây dựng trăm năm mất một ngày!

Đáng buồn là thương hiệu này được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2005 song các doanh nghiệp địa phương cũng như chính quyền tỉnh không biết làm gì với chỉ dẫn địa lý đó. Cho đến khi phát hiện thương hiệu café này bị các công ty nước ngoài "khoác áo" bảo hộ và khai thác kinh doanh trên đất người. 

Điều này đã khiến một thương hiệu phải mất cả gần trăm năm xây dựng rơi vào tình cảnh trớ trêu. Loại café trồng và sản xuất ở Buôn Ma Thuột sẽ bị chặn ngay ở cửa khẩu nếu đóng mác café Buôn Ma Thuột khi xuất khẩu sang quốc gia mà công ty nước ngoài đã đăng ký bảo hộ độc quyền. Cuộc "ăn cướp" trắng trợn và ngoạn mục đã đẩy thương hiệu Việt bị thu hẹp thị trường. Nguy hiểm hơn, loại café "ăn theo" kia với chất lượng không được đảm bảo, rất có thể sẽ làm hoen nhòa uy tín của café Buôn Ma Thuột. Trong cơn nguy biến này, điểm tựa lớn nhất của các doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền nên vin vào để xoay chuyển tình thế là "bảo hộ chỉ dẫn địa lý".

Và những bài học

Bà Marie-Vivien, thuộc Trung tâm hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp cho phát triển của Pháp (CIRAD), chuyên gia trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý cũng đã bày tỏ rõ quan điểm trong vụ việc café Buôn Ma Thuột. Theo bà, Trung Quốc là thành viên WTO nên phải tôn trọng WTO. Bởi hành động đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp Trung Quốc với café Buôn Ma Thuột rất dễ gây nguy cơ nhầm lẫn cho người tiêu dùng.  

Bà cũng nhấn mạnh để lấy lại được thương hiệu café Buôn Ma Thuột, Việt Nam cần chứng minh đầy đủ những tiêu chí bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng thời chứng minh phía doanh nghiệp nước ngoài cố ý gây hiểu nhầm thương hiệu. 

Cùng với quá trình lập hồ sơ chứng minh, bà Marie-Vivien cũng tư vấn giới truyền thông Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa. Để người tiêu dùng nước sở tại biết loại café mang tên Buôn Ma Thuột đang lưu hành ở Trung Quốc không phải café sản xuất ở Việt Nam.

Theo Thể thao& Văn hóa

Những nữ doanh nhân quyền lực trong ngành ngân hàng V

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, những nữ doanh nhân này còn thành công trong rất nhiều những lĩnh vực kinh doanh khác.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (42 tuổi)
Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), Chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank.
Trước khi tham gia vào HĐQT của Maritime Bank, bà Hường đã từng tham gia vào HĐQT của Ngân hàng nông thôn Hải Hưng và Phó Chủ tịch Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Từ tháng 2/2011-2/2012, bà Hường đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất của Maritime Bank.
“Học” theo mô hình của ACB, một số thành viên HĐQT chủ chốt của Maritime Bank đã rời khỏi HĐQT và tham gia vào “Hội đồng sáng lập”. Qua đó, bà Hường, đại diện phần vốn góp của VID Group đã được bầu làm chủ tịch hội đồng này.
Tuy nhiên, vị nữ đại biểu quốc hội này được biết đến nhiều hơn với vai trò là người đã gây dựng nên một loạt khu công nghiệp lớn như KCN Quang Minh, KCN Hà Nội – Đài Tư, KCN Đồng Văn II...
Năm 2006, Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) chính thức được thành lập sau 12 năm xây dựng và phát triển các công ty riêng lẻ (được thành lập tại các địa phương để thực hiện các dự án đầu tư các khu công nghiệp cụ thể). Hiện tại VID đang quản lý 9 khu công nghiệp tại miền Bắc.


Bà Nguyễn Thị Nga (57 tuổi)
Chủ tịch Seabank, Intimex Việt Nam, BRG Group
Bà Nga sinh ngày 17/8/1955 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân.
Bà bắt đầu đầu tư vào ngân hàng Techcombank từ năm 2000. Năm 2002-2005 là Phó Chủ tịch của Techcombank. Từ 2005-2006, bà Nga là Chủ tịch của ngân hàng này.
Từ năm 2007, bà Nga đã chuyển sang ngân hàng Seabank và giữ chức vụ chủ tịch Seabank từ đó đến nay.
Bà Nga cũng là người đứng đầu của BRG Group, một tập đoàn chuyên về đầu tư bất động sản, sân golf như sân golf Đồng Mô, sân golf Sóc Sơn, Khách sạn 5 sao Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Sông Nhuệ…
Bà Trần Thị Hường (76 tuổi)
Chủ tịch Công ty TNHH Hoàn Cầu, cố vấn HĐQT ngân hàng Nam Á.
Năm nay đã 76 tuổi, bà Trần Thị Hương (Tư Hường) là một trong những doanh nhân cao tuổi nhất vẫn còn miệt mài với hoạt động kinh doanh.
Từ đầu những năm 90, bà Hường đã nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó. Đó là phi vụ bà đầu tư 15 triệu USD để xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD...
Hiện tại, gia đình bà Hường tham gia chủ yếu vào 2 lĩnh vực bất động sản (Công ty Hoàn Cầu) và ngân hàng (Ngân hàng Nam Á).
Gia đình bà hiện nắm quyền chi phối đối với Ngân hàng Nam Á với hơn 31% cổ phần. Các con của bà Hường là ông Nguyễn Quốc Mỹ và bà Nguyễn Thị Xuân Loan đã lần lượt giữ chức chủ tịch của Nam Á. Cá nhân bà chỉ giữ chức vụ cố vấn hội đồng quản trị.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (38 tuổi)
Phó Chủ tịch thường trực HDBank, Chủ tịch điều hành Sovico Holdings, Tổng giám đốc Vietjet Air
Bà Thảo đã từng tham sáng lập và quản trị tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) và ngân hàng Techcombank.
Từ năm 2008, bà Thảo tham gia hội đồng quản trị của HDBank và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT từ năm 2009 đến nay.
Bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng – những lãnh đạo cao cấp của Sovico Holdings - trực tiếp nắm giữ gần 6% cổ phần của của HDBank.
Hầu hết các lãnh đạo cấp cao của HDBank là những người trong ban lãnh đạo của Sovico Holdings.
Sovico Holdings đầu tư trên nhiều lĩnh vực như bất động sản (Furama Resort, Địa ốc Phú Long…), hàng không (Vietjet Air), tài chính (HDBank, PVFC Capital), thủy điện…
Bà Thái Hương
Phó Chủ tịch/TGĐ Ngân hàng Bắc Á
Cả ngân hàng Bắc Á cũng như bà Thái Hương đều khá “kín tiếng”, vì vậy, giới kinh doanh hầu như không biết nhiều về nữ doanh nhân này, ngoài việc bà là TGĐ Ngân hàng Bắc Á cùng dự án bò sữa đầy tham vọng (TH Milk).
Bà Hương cũng được gọi là “bầu Hương” với tư cách là đại diện ngân hàng Bắc Á làm nhà tài trợ cho đội bóng đá Sông Lam Nghệ An. Tuy nhiên, vẫn với phong cách bí hiểm, “bà bầu” này hầu như không xuất hiện mỗi khi đội nhà thi đấu. Khi bầu Hương nắm SLNA cũng không yêu cầu phải gắn tên doanh nghiệp vào tên đội bóng hoặc đòi quyền lợi về hình ảnh, kể cả việc quảng cáo trên áo đấu.

Theo TTVN
Flag Counter