Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Đặt tên doanh nghiệp theo kiểu nào?


Dự thảo mới đây của Bộ KH&ĐT về tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty có quy định về điều kiện đặt tên DN có chữ “tập đoàn”, “tổng công ty”. Dự thảo này cũng đưa ra hai cấu trúc đặt tên DN.
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM

Lâu nay chỉ một cách
Dự thảo này cho phép đặt tên theo cấu trúc: Loại hình doanh nghiệp + tổng công ty/tập đoàn + tên riêng của doanh nghiệp. Ví dụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thương mại và Dịch vụ ABCD. Đây là cách đặt tên doanh nghiệp thực tế hiện áp dụng.

Thế nhưng dự thảo này còn cho phép đặt theo cấu trúc ngược với thực tế hiện nay là “Tổng công ty/tập đoàn + tên riêng của doanh nghiệp + loại hình doanh nghiệp”. Ví dụ Tập đoàn Thương mại và Dịch vụ ABCD Công ty Cổ phần! Với cách đặt này thì chữ tập đoàn hay chữ tổng công ty gây ấn tượng hơn vì đứng đầu, đập vào mắt trước tiên, được đọc trước tiên.

Dự thảo nếu được ban hành thì sẽ có hình thức văn bản là quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc đưa ra cách đặt tên ngược nói trên hiện gây băn khoăn về tính chất pháp lý.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, tên doanh nghiệp gồm ít nhất hai thành tố, a) Loại hình doanh nghiệp và b) Tên riêng.
Nghị định 43/2010 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp thì quy định cụ thể hơn. Phần a sẽ bao gồm “công ty trách nhiệm hữu hạn”, “TNHH”, “công ty cổ phần”, “công ty CP”, “doanh nghiệp tư nhân”… Đây là các cụm từ chỉ loại hình doanh nghiệp. Trong phần tên riêng có thể có thêm các từ chỉ ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghệp có đăng ký ngành nghề thì mới được sử dụng từ đó để đưa vào tên riêng.

Ví dụ tên của một doanh nghiệp cụ thể như sau: Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ ABCD. Trong đó, “công ty cổ phần” là loại hình doanh nghiệp, tên riêng là “Thương mại và Dịch vụ ABCD”, trong đó các từ “thương mại” và “dịch vụ” là từ chỉ ngành nghề hoạt động.
Lâu nay doanh nghiệp vẫn đặt tên theo cấu trúc này.

Vấn đề ở đây là nếu đặt ngược như dự thảo cho phép thì liệu có trái với Luật Doanh nghiệp hay không?

Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết hiện có hai luồng quan điểm. Luồng không đồng thuận thì cho rằng Luật Doanh nghiệp quy định hai thành tố “a” và “b”, như vậy khi đặt tên doanh nghiệp thì “a” đứng trước “b”.
Luồng đồng thuận thì cho rằng Luật Doanh nghiệp quy định hai thành tố “a” và “b” nhưng không có quy định nào về việc thành tố “a” phải đứng trước thành tố “b”, cho nên đặt a-b hay b-a thì đều được cả, miễn sao không thiếu thành tố nào.

Cục cũng cho biết đây là dự thảo và đang tiếp nhận ý kiến đóng góp.

Cho ngược thì… rối!

Tiếng Anh cũng viết được bằng tiếng Việt

Cũng liên quan đến đặt tên doanh nghiệp, quy định của Luật Doanh nghiệp là “phải viết được bằng tiếng Việt”. Như thế nào là viết được bằng tiếng Việt thì chưa rõ ràng. Đến Nghị định 43/2010 về đăng ký doanh nghiệp thì hướng dẫn là viết được bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W. Có vẻ hơi “nghịch” với Luật Doanh nghiệp nhưng đây là một quy định thông thoáng và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vì theo đó, doanh nghiệp có thể đặt tên riêng là các từ tiếng Anh.
Vậy thì vấn đề tiếp theo là khi hiểu Luật Doanh nghiệp theo cách “ngược xuôi đều được cả”, chấp nhận cả a-b lẫn b-a, thì không riêng gì các tập đoàn, tổng công ty mới được đặt theo cấu trúc này mà phải thấy rằng tất cả doanh nghiệp đang đặt tên theo Luật Doanh nghiệp sẽ đều có quyền đặt theo kiểu “ABCD Công ty Cổ phần”!

Vậy thì vấn đề tiếp theo là liệu nền kinh tế có thể dung nạp hàng trăm ngàn doanh nghiệp tên xuôi, kèm theo hàng trăm ngàn doanh nghiệp tên ngược hay không? Và giải quyết thế nào nếu có một công ty cổ phần ABCD lại có thêm một ABCD công ty cổ phần?
Luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật Phước & Partners, cho rằng thực tế đều đang đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt theo cách xuôi, tên tiếng Anh đi kèm và tên viết tắt thì được doanh nghiệp đặt theo ngữ pháp tiếng Anh. Ông Tùng cho rằng hiểu Luật Doanh nghiệp theo cách nào cũng được nhưng phải áp dụng thống nhất cho toàn bộ doanh nghiệp chứ không thể cho phép tập đoàn thì được, còn doanh nghiệp khác thì không. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng cần phải tôn trọng thực tế. Thực tế lâu nay doanh nghiệp vẫn đặt chỉ một cách xuôi. “Ngay ngày mai thử đi đăng ký thành lập một doanh nghiệp có tên ngược xem có Sở KH&ĐT nào giải quyết không thì biết!”.

Theo QUỲNH NHƯ
 PHÁP LUẬT TP.HCM

7 bí quyết đặt tên đẹp, tên hay cho công ty


Một điều khá ngạc nhiên là một cái tên hay đôi khi khiến mọi thứ trở nên khác biệt hơn. Đôi khi, khi nó giúp doanh nghiệp thành công hơn là chỉ… hăm hở làm việc.

Tên công ty phải gây ấn tượng mạnh. Tôi từng là chuyên gia viết bài pr. Tôi biết từ ngữ quan trọng dường nào. Mỗi từ đều có một sự khác biệt rõ rệt. Khi sở hữu một cái tên đẹp, cũng là lúc bạn sẵn sàng gây dựng thương hiệu và dùng nó như một sản phẩm để quảng bá.

Dưới đây là 7 điều bạn nên cân nhắc khi đặt tên cho doanh nghiệp mình: 

1. Tên cần nghe rõ khi nói to. Tôi rất “cuồng” trước những cái tên lặp đi lặp lại âm đầu, sử dụng từ ngữ bắt đầu với một phụ âm như Coca-Cola hay Jimmy John’s. Hãy chắc chắn rằng khi phát âm to, nhất là qua loa đài với sức vang lớn, mọi người phải nghe rõ. 

2. Một cái tên ý nghĩa, truyền đạt một thông điệp. Khi bạn nghe, bạn sẽ biết ngay nó là gì. Ví dụ, cuốn sách đầu tiên của tôi có tên “Moonlighting on the Internet” (Làm thêm trên internet). Từ “Moonlighting” lập tức truyền đạt việc sử dụng thời gian trống trên internet để kiếm thêm tiền. Ngoài ra, phải chắc chắn cái tên đó không được quá chung chung. 

Cá nhân tôi cho rằng hãng đồ ăn nhanh Boston Chicken sai lầm khi thay đổi tên thành Boston Market. Trước đây, Boston Chicken là nhà hàng thức ăn nhanh đầu tiên tập trung vào món gà rôti dành cho khách mua bữa ăn tối mang về nhà. Nhưng thay vì tiếp tục phát triển món gà rôti, hãng đổi tên và cho thêm món gà tây, dăm bông vào thực đơn. Hãng này lập tức gặp vấn đề khi 100% thị phầm ban đầu giảm xuống 90%, 80%, rồi 70% xuống. Do vậy, bạn đừng tham làm mọi thứ dưới cái tên của mình.

3. Tránh hội chứng web 2.0. Tôi vẫn chưa biết liệu bạn có đánh vần từ “Flickr” với một chữ “er” hay không. Và tôi cũng không hình dung nổi làm thế nào mọi người có thể đánh vần từ “delicious” (thơm ngon) mà không nhìn nó. Những từ phát âm khá rối rắm này kéo dài đến hàng thập kỷ. Nhiều khách hàng tiềm năng của “Computer4You” đôi khi vẫn phải hỏi Google vì không biết từ cuối là “you” hay viết tắt là “u”.

4. Coi chừng từ viết tắt. Chúng thực sự tẻ nhạt. IBM và 3M bắt đầu bằng những phụ âm nhưng đây là những tập đoàn triệu đô đã tồn tại từ vài thập kỷ. Bạn có thể làm tương tự khi bạn kiếm hàng tỷ đôla trong hơn 100 năm. Nếu không muốn chờ cho đến ngày đó, hãy nghĩ ra một cái tên thú vị hơn.

5. Sử dụng những từ mang tính đặc trưng. Không dùng một tên chung chung không có nghĩa gì cả. Tôi thích những cái tên tận dụng được nhiều chi tiết như các con số hoặc ngày. Bạn thân của tôi, Tim Feriss đã chọn một cái tên khá ấn tượng làm tựa đề cho cuốn sách của mình “The 4-Hour Work Week” (Tuần làm việc 4 giờ). Một số nhan đề sử dụng các con số đặc trưng như “8 Minute Abs” (8 phút tập cơ bụng) và “5-hour Energy” (Năng lượng 5 giờ).

6. Tránh trùng lặp. Tùy thuộc vào độ lớn thương hiệu bạn muốn xây dựng, nhưng bạn nên “nhìn xa trông rộng” trên quy mô toàn cầu. Hãy kiểm tra cặn kẽ trước khi quyết định một cái tên.

7. Kiểm tra trên Google AdWords. Một trong những tính năng tuyệt vời của công cụ tìm từ khóa trên AdWords là nó sẽ liệt kê các cụm từ tìm kiếm giống nhau, cùng với số lượng tìm kiếm trên toàn cầu và địa phương. 

Cuối cùng, hãy cố gắng tìm một cái tên có thể được sử dụng như một động từ hoặc nỗ lực tạo ra một cái tên mang bản sắc của riêng bạn. Mọi người khi đến với TED, hội thảo về công nghệ, giáo dục và thiết kế thường thấy họ tự gọi mình là “TEDsters”. Công ty tôi, Maverick Business Adventures thường được gọi là “Maverick Moments” khi chúng tôi nói về hành trình phát triển của mình.

Tân Hoa
Theo TTVN/Yanik Silver, CEO Maverick Business Adventures
Flag Counter