Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Nguyễn Trần Bạt: Lương thiện là đức tính nhất định cần phải có của các doanh nhân


Chuyên nghiệp là bài học đầu tiên khi tôi làm việc với các đối tác nước ngoài. Người nào muốn kinh doanh thành công phải hiểu rằng kinh doanh là một hoạt động chuyên nghiệp
Trở thành doanh nhân thành đạt là mong muốn chính đáng của nhiều người trong xã hội. Tuy nhiên để là doanh nhân là chặng đường khó khăn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Bạt xoay quanh vấn đề này.
Con đường để ông trở thành một doanh nhân như thế nào? Liệu ông có nghĩ là ngẫu nhiên trở thành doanh nhân hay không?
Con người ta sống trong hoàn cảnh nào thì phải cố gắng tìm cho mình một hướng đi, một lối thoát nào đó. Thời trước người ta tranh nhau đi nghiên cứu sinh nước ngoài và lấy đấy làm lối thoát cho bản thân. Cụ thể thì tùy từng hoàn cảnh, từng người mà cách lựa chọn khác nhau.
Đối với xã hội thì lối thoát bắt đầu từ chính sự chuyển biến trong chính sách vĩ mô, cụ thể ở đây là chính sách đổi mới, mở cửa. Chúng ta không thể tách rời thành tựu cá nhân với nhưng trào lưu chính trị của đời sống xã hội. Chính sự chuyển biến trong chính sách của nhà nước tạo cơ hội cho sự xuất hiện những doanh nhân như tôi.
Nếu không có đổi mới, mở cửa xem kinh doanh là hoạt động chính đáng thì chắc chắn sẽ có buôn lậu. Đấy là một lối thoát. Lối thoát của kẻ buôn lậu và lối thoát của của việc hình thành doanh nghiệp công khai đều có chất lượng và động cơ giống nhau. Nhưng rõ ràng kiếm tiền với sự đồng thuận của xã hội khác hẳn, tốt hơn rất nhiều so với lối thoát kia.
Cụ thể như tôi là người buôn bán các quan hệ quốc tế. Đất nước mở cửa , hội nhập thì công ty của tôi là công ty tư vấn, còn nếu đóng cửa thì hoạt động của tôi sẽ là môi giới đen, nếu không may có khi bị coi là gián điệp.
Theo ông, đâu là phẩm chất cần có của người doanh nhân trong điều kiện hiện nay?
Tôi cho rằng lương thiện là đức tính nhất định cần phải có của các doanh nhân trong bất kỳ điều kiện nào. Lương thiện là một phẩm hạnh của con người và doanh nhân là một con người nên tự nhiên có đòi hỏi về sự lương thiện. Vậy lương thiện trong kinh doanh là thế nào? Là không cho chất độc hại vào sản phẩm, là bán sản phẩm dịch vụ đúng như quảng cáo. Lương thiện nó có mặt ở mọi hành vi, nhưng tựu trung lại thì lương thiện chính là trân trọng và bảo vệ các giá trị sống của con người trong khi mình cung cấp các dịch vụ và các sản phẩm cho nó
Theo tôi kinh doanh không được sát hại nhân tính, do đó phải lấy lương thiện làm cội nguồn cho bất kỳ hành động nào.
Lương thiện là đức tính nhất định cần phải có của doanh nhân. Ngoài ra còn cần có yếu tố nào nữa không, thưa ông?
Chuyên nghiệp. Đó là bài học đầu tiên khi tôi làm việc với các đối tác nước ngoài. Người nào muốn kinh doanh thành công phải hiểu rằng kinh doanh là một hoạt động chuyên nghiệp.
Ví dụ khi tôi được chọn cung cấp dịch vụ tư vấn cho một ngân hàng nước ngoài, họ đã yêu cầu tôi ký vào một bản hợp đồng với các điều khoản đảm bảo giữ đúng phầm hạnh của một người làm kinh doanh. Cụ thể như là giữ bí mật các điều khoản giữa tôi và họ.
Hoặc khi cung cấp dịch vụ cho một công ty sản xuất máy bay lớn trên thế giới, tôi đã chấp thuận ký cam kết là từ trước đến nay chưa bao giờ sử dụng ma túy, và không tiềm ẩn những khả năng trở thành tôi phạm hình sự trong những điều kiện pháp lý cụ thể.
Nói như vậy để thấy rằng trở thành một doanh nhân, một nhà kinh doanh thành công thì chuyên nghiệp là một đòi hỏi tất yếu.
Được biết để có thể cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp như ông nói, thì ông luôn yêu cầu các cán bộ, nhân viên của mình luôn thực hiện “đô thị hóa” bản thân. Ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu này không?
Đúng vậy. Tại công ty chúng tôi việc đô thị hóa cán bộ là một đòi hỏi và yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên không nên hiểu khái niệm “đô thị hóa” là Hà Nội hóa hay Sài Gòn hóa. Chúng tôi là một đơn vị kinh doanh quan hệ quốc tế nên chúng tôi thực hiện việc đô thị hóa theo nghĩa rộng của nó.
Trong những ngày đầu hoạt động, chúng tôi nhận thấy sự nhà quê trong giao tiếp quốc tế của mình. Chính vì lẽ đó buộc chúng tôi phải rèn luyện để thực hiện đô thị hóa bản thân mình. Quá trình đô thị hóa này không trừ một ai, dù người đó là người Hà Nội, Sài Gòn, Hà Nam hay ở bất kỳ vùng miền nào. Việt Nam khi mới mở cửa là “nhà quê” trong giao tế quốc tế, vì vậy nếu nhân viên của tôi không được rèn luyện để chuyên nghiệp thì làm sao họ có thể tiếp xúc với những khách hàng quốc tế đến từ những tập đoàn lớn như GM, GE, HSBC, Citi Bank, Coca Cola…
Cũng chính nhờ yêu cầu đô thị hóa này mà những nhân viên của tôi, đang làm hay đã làm một thời gian ở công ty tôi đều có giá trị thị trường cao hơn trong mặt bằng thị trường lao động Việt Nam.
Steve Jobs người sáng lập ra tập đoàn Apple, được coi là thiên tài sáng tạo trong công nghệ đã có lời khuyên với các bạn trẻ “Sống khát khao, sống dại khờ”. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Tôi rất thích lời khuyên này của Steve Jobs. Trong một bài viết tôi đã nói sự chai sạn của con người có cùng với thời gian, nhưng cái ngây thơ, trong sáng sẽ mất đi cùng thời gian. Vì vậy người ta giữ cái sẽ mất đi, chứ không ai giữ cái sẽ có.
Trong sáng, công bằng, lương thiện là phẩm hạnh tiên đề để làm người. Kinh doanh để làm gì nếu sau một quá trình kinh doanh chúng ta không còn là con người.
Đóng góp xã hội lớn nhất là đóng góp bản năng, ngây thơ, vô tư. Mọi sự sáng tạo vĩ đại khi con người vô tư, trong sáng nhất. Mọi sự lóng lánh khoác lên sự sáng tạo đều không phải sáng tạo.
Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn khi quả táo rơi xuống đầu ông.
Con người là sinh vật có năng lực trí tuệ, năng lực tri giác. Vì thế giữ sự hồn nhiên, sự cân bằng tự nhiên, giữ được lương thiện có chất lượng bản năng chính là bản lĩnh. Tôi rất sợ những người giở giọng chai sạn, kinh nghiệm, bản lĩnh. Những thứ như vậy rất phản con người. Đó là biểu hiện già và tha hóa của con người theo thời gian.
Vậy làm thế nào để giữ được sự ngây thơ, trong sáng như ông nói?
Khó để giữ được điều đó. Nếu nó dễ thì không còn gì để chúng ta phải bàn cãi. Tôn giáo được sinh ra vì lẽ đó. Đó là công cụ mà loài người sử dụng nhằm duy trì trạng thái bản năng, ngây thơ và vô tư của mình.
Vậy với các doanh nhân thì làm sao để giữ được sự cân bằng cần thiết đó?
Doanh nhân bám chắc lấy những nghĩa vụ của mình. Hoàn tất những nghĩa vụ làm cha, làm chồng làm thủ trưởng. Những nghĩa vụ được  xã hội quy định hình thành do phát hiện tự nhiên và cân bằng của loài người để giữ gìn sự vô tư trong sáng.
Ví dụ, đóng thuế là nghĩa vụ. Đóng thuế là dấu hiệu công bằng. Anh không tự nhiên tạo ra dịch vụ của anh được, mà anh phải sử dụng dịch vụ của phần còn lại đời sống để tạo ra dịch vụ của mình
Đóng thuế là công bằng chứ không phải đóng góp như mọi người nói. Đôi khi chúng ta cường điệu nhằm động viên một công việc, một hành vi nào đấy mà nhân tạo hóa các khái niệm hết sức tự nhiên mà loài người có.
Với bản thân, ông đã làm thế nào để giữ được sự cân bằng đó?
Học tập không ngừng. Luôn rèn luyên, chống lại sự lão hóa nhất là lão hóa tinh thần. Tôi coi việc rèn luyện bản thân là cảm hứng tự nhiên, uốn nắn và kiểm điểm hằng ngày như một khoái lạc. Chúng ta không nên xem việc rèn luyện bản thân là điều gì đó ghê gớm, hay đấu tranh lớn lao.
Tốt nhất nên giữ cho mình một tinh thần tự làm mới mình, tự hoàn thiện mình một cách vui vẻ. Tự cười, tự chễ giếu các nhược điểm của mình. Tự cười cợt với những thành công của mình làm ngăn chặn căn bệnh kiêu ngạo, bởi nó là biểu hiện của lão hóa.
Bên trong của mọi sự thất bại đều là những sai lầm, là những khuyết tật trí tuệ, và ta chế giễu nó, nhưng chúng ta không chỉ trích, không đay nghiến. Con người không được đay nghiến các khuyết tật của mình, cũng không được nói to, hát vang lên trước thành công của mình
Hãy bình thản trước những trạng thái khác nhau, những hiện tượng khác nhau trong không gian tinh thần của mình.
 
Thanh Hải
Theo TTVN

Phẩm chất gì làm nên một doanh nhân chân chính?

..."Doanh nhân chân chính thu hoạch món quà của sự khiêm nhường, đặt câu hỏi, tìm kiếm lời khuyên, công nhận và tôn vinh người khác"...

Doanh nhân giỏi kiếm tiền. Doanh nhân vĩ đại kiếm tiền chân chính. Tuy nhiên, các doanh nhân chân chính làm nhiều hơn kiếm tiền. Họ là số ít những người sở hữu nhiều phẩm chất ưu tú. Họ có thể không xuất hiện trên bảng cân đối ngân sách nhưng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân viên, ngành công nghiệp và cộng đồng.

Dưới đây là 9 phẩm chất nổi bật của doanh nhân:

1. Tìm thấy niềm vui trong thành công của người khác

Nhiều doanh nghiệp thành công vì những thành viên tài năng nhất của công ty sẵn sàng hi sinh cho hạnh phúc của người khác. Những đội nhóm này hình thành từ những con người sẵn sàng giúp đỡ nhau, biết vai trò, đặt lợi ích cá nhân sang một bên và nhận thức được thành công của nhóm quan trọng hơn hết.

Thái độ đó trước tiên phải đến từ người đứng đầu tổ chức. Mọi doanh nhân vĩ đại đều trả lời được câu hỏi này. Bạn có lựa chọn cách nghĩ niềm vui của bản thân đến từ thành công của người khác?

2. Không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới

Tìm kiếm sự mới lạ, khiến nhiều người dễ dàng cảm thấy buồn chán và ném mình vào những mưu cầu và hoạt động mới, thường liên quan đến cờ bạc, ma túy, rối loạn, mất tập trung,…

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Robert Cloninger, “tìm kiếm sự mới mẻ là một trong những đặc điểm giúp bạn sống khỏe, hạnh phúc và nuôi dưỡng nhân cách phát triển theo độ tuổi. Nếu bạn kết hợp sự phiêu lưu, tò mò với sự bền bỉ và ý thức rằng đó không phải là tất cả về bản thân, khi đó bạn sẽ làm việc sáng tạo và mang đến nhiều lợi ích cho tập thể”.

Cũng theo ông Cloninger, “để thành công, bạn nên điều chỉnh những thứ xung quanh, đồng thời hình dung về tương lai nếu bạn thử một điều gì đó mới mẻ”.

Vậy hãy tiến về phía trước, nắm chặt kẻ đi tìm sự mới lạ bên trong bạn. Bạn sẽ khỏe hơn, có nhiều bạn bè hơn và nhìn chung hài lòng hơn với cuộc sống.

3. Không cố cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mà tất cả chỉ là cuộc sống

Thật khó mà giữ vững một ranh giới vững chắc giữa cuộc sống và công việc. Vì sao? Bạn là doanh nghiệp của bạn. Doanh nghiệp của bạn là cuộc sống của bạn, giống như cuộc sống của bạn là doanh nghiệp của bạn. Điều này cũng đúng với gia đình, bạn bè và những mối quan tâm khác. Vì vậy, bạn không nên có sự phân biệt, vì tất cả hội tụ nên con người bạn.

Doanh nhân chân chính biết cách quan tâm đến gia đình thay vì chỉ chăm chăm vào công việc. Họ cũng dành thời gian cho những thú vui, đam mê và các giá trị cá nhân khác trong cuộc sống thường nhật.

Nếu bạn không thể dung hòa điều này, tức là bạn không sống, bạn chỉ làm việc.

4. Học cách cảm thông

Để thông hiểu nhân viên, khách hàng, đối tác, doanh nhân phải có khả năng đặt mình vào vị trí của họ. Đó là dấu hiệu của một doanh nhân thành công.

Tuy nhiên, doanh nhân chân chính đi những bước xa hơn. Họ thường xuyên đặt mình vào vị trí của người khác.

Thành công không phải là một đường cong đi lên. Thành công là một vòng tròn. Dù doanh nghiệp của bạn phát triển, thương hiệu cá nhân nâng lên, thành công vẫn đến khi bạn luôn sát cánh cùng nhân viên.

5. Chứng minh năng lực bản thân

Nhiều người khao khát chứng minh người khác sai. Đó là một động cơ tốt. Tuy nhiên, là doanh nhân, bạn cần suy nghĩ sâu sắc hơn. Hãy điều chỉnh đường hướng, cam kết và những cống hiến bản thân để chứng minh điều gì đó quan trọng trong mắt mọi người.

6. Từ bỏ suy nghĩ tuần làm việc 40 giờ

Các nghiên cứu cho thấy, làm việc trên 40 giờ một tuần làm giảm năng suất công việc. Các chủ doanh nghiệp thành công làm việc khôn ngoan, chín chắn, nhưng cũng giải quyết công việc nhanh hơn đối thủ cạnh tranh. 

Tuy nhiên, xung quanh sẽ luôn có những người thông minh và tài năng hơn bạn. Những doanh nhân chân chính làm việc nhiều hơn bình thường. Đó là bí mật cho thành công của họ.

7. Tiền là trách nhiệm, không phải phần thưởng

Báo chí đăng tải câu chuyện về những người tiêu tiền như nước. Họ mua ô tô, xài hàng hiệu với giá cắt cổ, nhập khẩu thông Noel và chi 40.000 USD mỗi năm cho một nhân viên massage. Đó là hình ảnh người sáng lập công ty truyền thông Adelphia John Rigas.

Doanh nhân chân chính không nhìn nhận tiền như một phần thưởng cá nhân. Họ xem tiền là phương tiện phát triển kinh doanh, tưởng thưởng và khuyến khích nhân viên làm việc, mang giá trị cho cộng đồng,… chứ không phải chỉ để làm cuộc sống của mình tốt lên. Sứ mệnh của doanh nhân là cải thiện đời sống của người khác.

Và điều quan trọng hơn hết, họ không phô trương, vì phần thưởng thực sự luôn là hành động, không phải sự công nhận.

8. Không nghĩ mình nổi bật

Trong thế giới của các phương tiện truyền thông xã hội, mỗi người đều có thể tự đánh bóng bản thân. Thật dễ dàng cho bất cứ ai muốn thổi phồng bản thân, phơi thành tích của mình trước bàn dân thiên hạ.

Doanh nhân chân chính thì không. Họ tin rằng thành công của mình dựa trên tham vọng, lòng kiên trì và hành động… nhưng họ cũng thừa nhận, những cố vấn giỏi, nhân viên ưu tú và cơ duyên đóng vai trò quan trọng.

Doanh nhân chân chính thu hoạch món quà của sự khiêm nhường, đặt câu hỏi, tìm kiếm lời khuyên, công nhận và tôn vinh người khác…

9. Thành công là phù du, nhưng nhân cách và sự tôn trọng là trường tồn

Việc chi trả cho nhân viên mức thu nhập cao, đi kèm với các lợi ích xã hội và cơ hội thăng tiến tốt vô cùng quan trọng. Nhưng không có mức thù lao và lợi ích nào có thể vượt qua lòng tự trọng và giá trị bản thân.

Điều quan trọng nhất doanh nhân chân chính trao cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp,… là chân giá trị.

Và khi bạn làm được những điều này, những thứ khác sẽ tự động tìm đến bạn.

Tân Hoa
Theo TTVN/INC
Flag Counter