Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Thành công của “ngài” giám đốc đi… xe đạp

Nếu muốn kiếm tiền, nhưng chưa có kinh nghiệm, chưa có vốn, hàng ngày vẫn còn phải lên giảng đường đại học, không thể làm việc fulltime, bạn sẽ làm gì? Trong tình cảnh đó, nếu xin một lời khuyên, 99,99% những người được hỏi sẽ nói: Hãy tìm một việc làm thuê bán thời gian. Và sự thực, 99,999% những người rơi vào hoàn cảnh này đã đi theo con đường đó.
Đinh Khắc Tuấn

Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu với các bạn một người đặc biệt - nằm trong nhóm thiểu số khi rơi vào trường hợp trên. Anh là Đinh Khắc Tuấn – Giám đốc Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN (www.dichthuatcnn.com). Người đã quyết định thành lập công ty để làm… giám đốc nhằm giải quyết vấn đề thời gian khi rơi vào tình huống trên.

Hiếu học ăn vào trong máu

Sinh ra trong gia đình tại Hải Phòng có tới 7 anh chị em, Đinh Khắc Tuấn là con út và cũng là người duy nhất trong nhà tốt nghiệp đại học. Bố anh là giáo viên dạy toán tại một trường xa nhà, mẹ suốt ngày bận bịu buôn bán ngoài chợ, không có nhiều thời gian dành cho con. Bù lại, Tuấn lại là đứa trẻ hiếu học và biết tự quan sát cuộc sống xung quanh để định hướng cho các hành động của mình.

Anh cho biết, suốt thời gian học cấp I và đầu cấp II, anh học chưa giỏi. Năm lớp 6, Tuấn dự một buổi lễ khen thưởng 2 học sinh giỏi cùng trường, một trong số 2 bạn đó lên chia sẻ về quá trình học tập của mình. Chợt nhận thấy, những gì bạn làm là không khó, anh quyết tâm noi gương bạn và sau đó anh luôn là học sinh đứng đầu lớp. Động lực và quyết tâm đã làm cho con người thay đổi, đặc biệt nếu có mục tiêu rõ, hành động sẽ đến với bạn rất tự nhiên.

Một lần, nhìn thấy một chị ngồi đọc một cuốn sách nước ngoài trong sân trường, nhìn chữ thấy lạ, Tuấn đến gần làm quen và mượn cuốn sách để xem. Lần đầu tiên, đứa trẻ ở một huyện nhỏ, biết trên đời còn có một ngôn ngữ nữa ngoài tiếng Việt. Phần tò mò, phần bị những chữ viết không quen đó cuốn hút, cậu học sinh lớp sáu tự tìm hiểu và xin tiền bố mẹ để đăng ký vào một khóa học tiếng Anh. Tính tò mò đã giúp anh rất nhiều trong quá trình kinh doanh sau này. Cá tính đó “buộc” anh luôn cải tiến trong công việc và giúp anh trở thành một trong số những người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Sáng đi học ở trường, chiều đạp xe 15km vào thành phố Hải Phòng để học thêm tiếng Anh và một số môn học khác. Tối sau bữa ăn, không bị ai thúc ép, tự ngồi vào bàn làm bài tập là chu trình khép kín của Tuấn những năm cấp II, cấp III. Quá trình tìm lớp và liên hệ với thày cô giáo để xin học thêm, đều do Tuấn tự chủ động, không hề có sự can thiệp hay hướng dẫn của bố mẹ. Kiến thức thu nhận được luôn là niềm đam mê của anh từ nhỏ cho đến tận bây giờ.

Anh cho biết, 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học, anh vẫn… rất thích học. Riêng năm ngoái, anh đã chi tới 250 triệu VND cho các khóa học trong và ngoài nước. Đây là các khóa học nhằm thay đổi tư duy và nâng cao khả năng lãnh đạo trên mọi lĩnh vực dành cho một chủ doanh nghiệp.

Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để kết nối các mối quan hệ và tạo ra xung quanh mình một môi trường thành công để giữ lửa đam mê.

Có khả năng marketing trời phú

Khả năng kinh doanh của anh sớm bộc lộ ngay từ thời còn là một sinh viên. Mặc dù rất bận rộn với việc học (anh học 2 ngành cùng một lúc biên/phiên dịch tiếng Trung và quản trị kinh doanh, trong đó quản trị kinh doanh học hoàn toàn bằng tiếng Anh) nhưng cứ có cơ hội là anh lại tổ chức những “phi vụ” kinh doanh ngay trong trường.

Vụ ấn tượng nhất là kinh doanh Earphone. Anh cho biết, về mặt tổ chức, vụ này tốt không thua kém gì so với… Công ty CNN hiện tại. Tất cả các sinh viên ngoại ngữ đều phải dùng Earphone cho công việc học tập của mình. Đồ xịn thì đắt, đồ Tàu thì chóng hỏng. Một lần Tuấn ra chợ Sắt nơi bán đồ second-hand nhập từ Nhật về ở Hải phòng. Anh mua được một cái Earphone, về dùng thử thấy rất tốt.

Nhận thấy đây là cơ hội tốt để kinh doanh, Tuấn nằm vắt trán, thức thâu đêm để suy nghĩ cách tiếp thị tới các bạn sinh viên trong trường. Mặc dù, chưa từng học qua một khóa học nào về marketing, nhưng anh đã đưa ra một phương án mà dưới con mắt của một người đã 5 năm lăn lộn trên thương trường và kinh qua nhiều khóa đào tạo là anh-bây-giờ phải thấy “nể”.

Anh đặt tên đó là chiếc earphone tình yêu, được minh họa bằng hình trái tim nằm ngay giữa tờ giấy khổ A4. Từ trái tim tỏa ra những tính chất hấp dẫn như: Êm ái; Theo bạn trên khắp chặng đường …Tất cả được thực hiện trên file word, in ra rồi copy thành nhiều bản để dán ở những nơi có thể đập được vào mắt các bạn sinh viên. Ngoài ra, anh còn liên hệ với lớp trưởng các lớp để nhờ tiếp thị hộ có chiết khấu % đàng hoàng. Thậm chí, Tuấn còn đến các buổi sinh viên học trên các giảng đường lớn, chờ đến giờ giải lao để giới thiệu “tình yêu” của mình.

Hệ thống phân phối cũng được tổ chức bài bản, mỗi khu nhà sinh viên ở, Tuấn đều “cài” các đại lý của mình và có chế độ hoa hồng rất rõ ràng. Công việc kinh doanh rất tiến triển, mỗi chiếc earphone giá 15.000 VND được bán với giá 45.000VND, trừ phần tiền cho các đại lý, Tuấn vẫn còn được lãi 25.000 VND. 2 tuần/1 lần anh phải về Hải Phòng để “nhập hàng”, mỗi lần ít nhất 200 cái, “phi vụ” kéo dài gần nửa năm, số tiền Tuấn thu về không nhỏ so với mức chi tiêu 500.000 VND/1 tháng của các sinh viên thời bấy giờ.

“Tiếng lành đồn xa”, sau đó các bạn sinh viên khác có mối kinh doanh nào nhưng lúng túng không biết tổ chức “buôn bán” ra sao đều đến mời Tuấn hợp tác. Tiếp theo là các vụ kinh doanh từ điển tiếng Trung và copy bán tạp chí tiếng Trung mang về từ Trung Quốc khiến Tuấn nổi tiếng là một sinh viên năng động không những trong trường Đại học Hà Nội (trước là Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân, Hà Nội) mà còn lan cả sang các trường khác.

Kinh nghiệm thu lượm được từ những phi vụ này thực sự hữu ích đối với anh trong những ngày đầu thành lập công ty.

Nhân viên duy nhất trong công ty đi xe đạp là…ngài giám đốc

Tháng 06/2005, Tuấn tốt nghiệp Khoa tiếng Trung Đại học Hà Nội, nhưng vẫn còn là sinh viên năm thứ 3 Khoa Quản trị Kinh doanh, đã đến lúc phải tìm một công việc ổn định để tự nuôi thân, nhưng do vẫn còn bó buộc bởi những giờ học ở trường, để có thể làm chủ thời gian của mình, Tuấn quyết định mở công ty… làm giám đốc.

Trong thời gian còn học ở khoa ngoại ngữ với không ít lần đi làm phiên dịch, Tuấn đã nhận thấy đây là thị trường tiềm năng. Vì vậy, khi quyết định mở công ty, anh chọn ngay lĩnh vực này để khởi nghiệp mà không phải trăn trở nhiều.

Thời gian làm việc trước cũng tích lũy được một số vốn nho nhỏ, Tuấn vay thêm được 15 triệu VND, cộng với số tiền của một người bạn cùng hợp tác là 15 triệu VND, tổng cộng là hơn 50 triệu VND. Đây là toàn bộ vốn đầu tư ban đầu của Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN – được thành lập vào 19/08/2005, chưa đầy 2 tháng sau khi Tuấn tốt nghiệp đại học.

Trả 3 tháng tiền thuê văn phòng, mua 2 cái máy tính, 1 máy in với vài đồ lặt vặt khác là vừa hết vốn. Tuấn là giám đốc, bạn góp vốn là phó, cùng với 2 nhân viên là cơ cấu nhân sự ban đầu của công ty. Thời gian đầu, do dồn hết tiền để đầu tư vào công ty và không được gia đình ủng hộ, nên anh là nhân viên duy nhất trong công ty không có xe máy, phương tiện di chuyển của anh là xe đạp. Khi có việc phải đi gặp đối tác/khách hàng, Tuấn mượn xe của các nhân viên khác trong công ty. Tuy nhiên, “ngài” giám đốc trẻ 22 tuổi luôn giữ được phong thái tự tin.

Ngay từ lúc đó, anh đã nhận thức được, đối với người đứng đầu, thì công việc tổ chức mới là quan trọng. Vì thế, mặc dù giỏi chuyên môn, Tuấn không “tiếc tiền” lao vào làm các công việc dịch thuật như nhiều giám đốc khác trong cùng trường hợp sa vào. Các nhân viên trong công ty, phần lớn cũng chỉ làm kinh doanh và quản lý đội ngũ dịch giả. Với tư tưởng đó, Tuấn bắt tay vào xây dựng mạng lưới cộng tác viên ngay từ những ngày đầu thành lập công ty. Tới nay, CNN đã có mạng lưới hơn 1.000 công tác viên.

Vốn có khả năng marketing, việc tìm khách hàng đối với Tuấn không quá khó. Anh dán tờ rơi quảng cáo trên phố Nguyễn Trường Tộ, nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống (thời mới thành lập mũi nhọn của CNN là dịch thuật tiếng Trung, đến nay CNN là đơn vị dịch thuật  35  ngôn ngữ với 58 chuyên ngành khác nhau. Ngoài ra còn cung cấp các dịch vụ gia tăng cho người nước ngoài tại Việt Nam); quảng cáo trên 1080 và cuốn Những trang vàng Việt Nam. Tiếp thị trên internet cũng là hướng Tuấn sử dụng triệt để.

Nhìn lại quãng đường đã đi của mình, Tuấn khẳng định cái khó hơn đối với anh vẫn là việc quản lý và định hướng cho sự phát triển của công ty, chứ marketing chưa bao giờ là vấn đề cấp bách phải đặt ra.

Thành quả và hướng phát triển sắp tới

Sau hơn 5 năm phát triển, hiện tại, CNN đã có danh tiếng và định vị được thương hiệu trên thị trường Việt Nam. Công ty có trụ sở chính tại Hà Nội và các chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, và các đại lý tại Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Mục tiêu đến hết năm 2010 sẽ mở được 10 chi nhánh trên toàn quốc.

Quỹ lương trả cho nhân viên và cộng tác viên một tháng của CNN hiện tại xấp xỉ 400 triệu VND. Doanh thu của công ty năm 2009 là 9 tỷ VND, dự tính năm nay sẽ là 14 tỷ VND.

Trên cơ sở CNN, sắp tới Tuấn sẽ phát triển các trung tâm chuyên đào tạo luyện thi TOEFL, TOEIC, IELTS, tiếng Anh chất lượng cao với người bản xứ. Với phương châm “Tiếng Anh trên mọi nẻo đưởng”,  anh muốn góp phần vào việc giúp người dân Việt Nam tự tin khi sử dụng tiếng Anh trong công việc, đồng hành cùng chương trình ''Ngoại ngữ Quốc gia 2020'. Hiện tại, một trung tâm như thế đã được triển khai tại Nam Định. Với kế hoạch này, anh kỳ vọng doanh thu năm 2011 của CNN sẽ là 50 tỷ VND.

Tuy nhiên, anh cho biết thị trường dịch thuật tại Việt Nam về quy mô quá nhỏ, chưa đủ rộng để anh thỏa sức thể hiện năng lực của mình, anh dự định cuối năm nay sau khi đã đào tạo được một giám đốc điều hành để thay thế, anh sẽ rút ra và dồn sức vào những lĩnh vực kinh doanh khác. Bước đầu tiên sẽ là việc thành lập một tổng đài tư vấn cho mọi người nước ngoài tới Việt Nam, cũng như mọi người Việt Nam khi ra nước ngoài. Khi có vấn đề cần thắc mắc, 2 loại đối tượng này có thể gọi điện đến tổng đài để xin giải đáp. Mọi việc đã chuẩn bị xong, đầu năm tới tổng đài sẽ được khai trương.

Sau một số thất bại, do đầu tư dàn trải mà không chuyên tâm vào hướng kinh doanh mới mở vào năm 2007, Tuấn rút ra bài học, chỉ có thể thành công được khi để tâm vào đó, giống như anh đã từng làm như thế đối với CNN. Đối với mọi công việc phải kiên trì hành động, khi kiên trì chắc chắc kỳ tích sẽ xuất hiện. Anh xác định, đối với mỗi mảng kinh doanh, sau khi ổn định, mọi việc chạy đều theo quy trình, bàn giao được cho người khác, anh mới bắt tay khai mở một hướng mới. Và đó sẽ là con đường mà anh sẽ còn gắn bó nhiều năm nữa.

Ngoài CNN, hiện tại Tuấn còn tham gia một số hoạt động đầu tư. Anh được bạn bè đánh giá cao khi luôn đưa ra được những phương án tốt nhất giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của họ. Điều này đã khiến anh quyết định sẽ bước chân vào lĩnh vực kinh doanh mới là hoạt động M&A trong tương lai gần.

Tuấn cho biết hiện nay thu nhập của anh vào khoảng 20 nghìn USD/tháng. Hướng phấn đấu của anh, trong 2 năm tới sẽ nâng con số này lên mức 100 nghìn USD/tháng.

Tiễn tôi ra thang máy, anh tâm sự: mọi thứ đối với em mới chỉ là bắt đầu, chưa có gì đáng nói. Điều quý nhất mà em đã thu nhận được trong những năm qua chính là những mối quan hệ vô giá và trang bị được cho bản thân tư duy của một người giàu có.
 
Nguồn: Hoclamgiau.vn

“Đường là do đi mãi mà có”

Tự nhận là mình chưa thành công, cũng chưa giàu có và con đường phía trước phải đi còn rất dài, nhưng khi nói chuyện, lối tư duy rất sắc, góc nhìn mới lạ cùng những phân tích thấu đáo của anh trước mọi câu hỏi, mọi vấn đề được đặt ra lại làm người đối diện thấy đáng nể. Anh là Đinh Đức Trọng - Tổng Giám đốc Công ty Vietraining.

Muốn giàu trước tiên phải… thoát nghèo

Tôi “bắt” được góc nhìn lạ trong suy nghĩ của anh khi nghe anh giải thích về sự khác biệt giữa tư duy giàu và tư duy nghèo trong cách quản lý tiền bạc. Anh hình dung giống như một cái cân, một bên là khả năng quản lý tiền bạc và bên kia là số tiền tương ứng. Với người nghèo, khi có được một số tiền lớn hơn khả năng quản lý của họ, họ có xu hướng cân bằng lại bằng cách đẩy mạnh chi tiêu để giảm đi số tiền mình có. Còn với người giàu thì cách tư duy lại khác hẳn, họ sẽ tìm cách nâng cao trình độ quản lý tiền bạc của mình lên mức cân bằng.

Câu chuyện tư duy giàu - nghèo được Trọng nhắc tới hoàn toàn ngẫu nhiên khi kể cho chúng tôi nghe về gia đình và những kỷ niệm thời thơ ấu. Là con út trong một gia đình thuần nông, kinh tế  không mấy dư dả, chị cả lập gia đình sớm, hai anh lại đi học xa nhà nên từ rất sớm, Trọng đã có ý thức ép mình phải tự lập, tự lo cuộc sống cho bản thân. Hồi lớp 8 - 9, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, ngoài giờ học, Trọng đã đi đào đất, vác đá, phụ việc cho người trong làng để lấy tiền chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân như mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, quà sinh nhật cho bạn bè,… Số tiền công ít ỏi 2 - 3 nghìn đồng/buổi với Trọng là cả một “gia tài” lớn bởi thời đó vá săm xe đạp chỉ mất có 100 đồng một lần vá. Cũng từ ngày đó cậu bé Trọng đã hiểu thế nào là đồng tiền mồ hôi công sức và biết cách chi tiêu thế nào cho hợp lý. 

Thời cấp 3, trường cách nhà gần chục cây số, ngày 4 lượt Trọng đạp xe đi đi, về về. Sáng phải dậy sớm để còn chuẩn bị tới trường, chiều học thêm rồi lại sấp sấp ngửa ngửa về phụ giúp công việc đồng áng cho gia đình. Những dịp vào vụ mùa, chiều học xong Trọng lại về làm đồng đến tận 9h tối mới về nhà ăn cơm, học bài đến 11-12h đêm mới đi ngủ. Vất vả là thế nhưng Trọng vẫn luôn là người dẫn đầu lớp trong ba môn thi đại học là Toán, Lý, Hóa. Trọng lý giải, nếu biết xác định cho mình mục tiêu rõ ràng và dồn sức để hoàn thành mục tiêu đó sẽ tốt hơn rất nhiều là phân tâm cho quá nhiều mục tiêu mà không đem lại hiệu quả cao.

Thấm thía nỗi vất vả chân lấm tay bùn, ám ảnh về cảnh nghèo, về cái vòng vay nợ luẩn quẩn của gia đình, cậu bé Trọng khi đó đã tự đặt ra cho mình một mục tiêu: phải thoát nghèo trước đã rồi mới tính đến chuyện làm giàu.  Cái nghèo theo cách hiểu của cậu không chỉ là cái nghèo về vật chất mà còn là cái nghèo về tư duy, về trình độ quản lý tiền bạc như đã nói ở trên.

Thời sinh viên và những phi vụ kinh doanh đầu tiên

Chân ướt, chân ráo lên Hà Nội học đại học, trong khi những bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ chu cấp toàn bộ, từ tiền ăn, tiền học thì với bản tính tự lập, Trọng đã tấp tểnh đi làm thêm để không phải xin tiền gia đình. Chưa có vốn, chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu Trọng phụ buôn hoa, sau một thời gian mới tách ra làm riêng cùng với 2 người bạn. Và thế là, lại bắt đầu một chu trình khép kín, sáng dậy sớm đi lấy hoa ở Tây Tựu, ban ngày mài đũng quần trên giảng đường và tối đi bán hoa ở khu Đại học Thương mại. Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc buôn hoa chia cho 3 người cũng được khoảng 500 - 700 nghìn đồng, đủ để trang trải cho việc học hành.

Ôm mộng kiếm tiền, Tết năm đầu tiên đại học, Trọng đánh liều vay 700 nghìn đồng để nhận pháo hoa về bán mặc dù thừa biết lúc đó Nhà nước đang có lệnh cấm bán pháo. Đánh đúng thị hiếu nên pháo bán rất chạy. Lấy được 2 lần hàng thì đầu mối lấy pháo bị bắt, công an tìm đến tận nhà trọ của Trọng để điều tra nhưng do số lượng tiêu thụ ít nên không bị truy cứu. Trọng kể lại, cảm giác lúc đó vừa xấu hổ, vừa sợ hãi và từ giây phút ấy Trọng ngộ ra một điều: trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, không bao giờ được làm gì trái với luật pháp, trái với lương tâm vì dù có đem lại lợi nhuận lớn đến mấy thì trước sau gì bản thân cũng sẽ bị liên lụy, mất danh dự, mất uy tín - những điều mà tiền không bao giờ có thể mua được. Trọng bảo, nếu không có cái phi vụ nhớ đời này, rất có thể mình đã dấn thân vào những con đường khác với những cạm bẫy khó lường.

Cuối năm 2004, đầu 2005, Trọng cùng một nhóm bạn tham gia kinh doanh theo mạng. Hai năm làm trong lĩnh vực này, mặc dù vốn liếng tích cóp được chẳng là bao nhưng cái “được” lớn nhất là cơ hội “nhúng” mình vào một môi trường vô cùng năng động, được kết giao với những người thực sự đam mê và máu lửa kinh doanh. Cũng chính môi trường đó đã giúp Trọng mở rộng tầm nhìn, thay đổi những tư duy sai lầm trước đây về tiền bạc, về sự thành công và giàu có.

Lúc trước, Trọng suy nghĩ đơn giản rằng cách duy nhất để thay đổi cuộc đời là học thật giỏi, kiếm học bổng đi du học nước ngoài, thì giờ đây Trọng đã hiểu ra một điều: nếu mình có một tư duy tốt thì không thiếu gì cơ hội kiếm tiền, làm giàu ngay tại Việt Nam, không nhất thiết phải đi đâu xa hay phải theo con đường học vấn đến tận cùng. Lần đầu tiên, Trọng học được cách làm chủ được cảm xúc trước tiền, không để tiền chi phối cảm xúc cá nhân mà coi tiền chỉ là công cụ, là chiến binh giúp tạo ra nhiều tiền hơn mà thôi.

Quan trọng hơn, những tháng ngày này chính là nền tảng để Trọng hình thành cho mình một tư duy làm giàu đúng đắn. Từ chỗ hiểu được rằng số lượng tiền không chỉ là chỉ số đo sự giàu có mà còn phản ánh trình độ tư duy (tư duy tài chính, tư duy đầu tư, tư duy quản lý) của mỗi cá nhân, Trọng dành nhiều thời gian hơn cho việc đầu tư nâng cao trình độ: tham gia các khóa học CEO, kỹ năng bán hàng đồng thời dấn thân vào công việc để trải nghiệm.

Lập doanh nghiệp để… trải nghiệm thất bại

Khi thành lập doanh nghiệp, ai chẳng mơ tới con đường thành công trải thảm hoa hồng, những tràng pháo tay, những lời tung hô, khen ngợi. Riêng với Trọng, mục đích của anh khi thành lập doanh nghiệp thoạt nghe lại hoàn toàn khác người - để trải nghiệm thất bại. Trọng tâm sự: với một người vốn ít, kinh nghiệm lại chưa có nhiều thì quyết định thành lập công ty quả là hơi liều mạng vì khả năng thất bại gần như cầm chắc. Nhưng nếu vì sợ thất bại mà không dám đi thì sẽ chẳng bao giờ thành công. Giống như câu nói: “Trên đời này vốn dĩ làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, muốn thành công phải dấn thân trước đã. Cuộc đời sẽ là trường học lớn nhất, thất bại cũng chính là người thày dạy vĩ đại nhất cho những người làm kinh doanh.  
 
Và thế là năm 2006, doanh nghiệp đầu tiên của Trọng chung vốn với hơn 10 cổ đông được thành lập mang tên DCT (Dream Come True), hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tên miền, hỗ trợ thiết kế website, marketing online. Đúng như đã lường trước, hàng loạt va vấp, khó khăn bắt đầu bủa vây ông chủ “non nghề”: từ vấn đề pháp lý, thuế má cho đến vấn đề thương thảo hợp đồng, xây dựng thương hiệu,…

Ví như việc soạn hợp đồng, với một người có nghề thì chỉ mất có 5 phút nhưng vì anh em trong công ty chưa có kinh nghiệm nên phải ngồi bàn tính rất lâu. Hay như đi gặp khách hàng chẳng ai dám đi một mình, phải rủ 2-3 người cùng đi. Trong quá trình đàm phán thì mỗi người nói một kiểu, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” do thiếu một chiến lược hoạt động, một quan điểm nhất quán xuyên suốt. Hoạt động cầm chừng như thế được khoảng 1 năm, DCT đi đến hồi kết đã được dự báo trước là giải thể. Số vốn đầu tư gần 200 triệu ban đầu coi như mất trắng.

Vấp ngã với DCT nhưng máu kinh doanh trong người Trọng vẫn không hề giảm sút. Trọng lại tiếp tục chung vốn với một người bạn nữa để thành lập một công ty tiếp theo. Nhưng chỉ được hơn một tháng thì phát sinh mâu thuẫn. Người bạn kia kinh doanh theo kiểu ăn chắc, không dám đầu tư còn Trọng lại cho rằng đã kinh doanh thì phải chấp nhận đầu tư, phải “xuống tiền” mới hiểu được cảm giác “của đau con xót”, lấy đó làm động lực để mà phấn đấu. Khác biệt về tư tưởng nên cuối cùng đường ai nấy đi và Trọng lại thêm một lần nữa nếm trải cảm giác thất bại.

Trong quãng thời gian tự mở doanh nghiệp riêng, Trọng vẫn đầu quân làm quản lý thuê cho một số công ty để tích lũy kinh nghiệm và tài chính. Tham gia hoạt động gần 2 năm trong lĩnh vực kinh doanh theo mạng thời còn là sinh viên đã giúp Trọng có một mạng lưới quan hệ rộng, khả năng am hiểu tường tận về sơ đồ trả thưởng nên được các công ty kinh doanh mạng mời tham gia tư vấn. Đầu tiên, Trọng về làm Phó Giám đốc điều hành cho một công ty dược phẩm. Làm được một thời gian, Trọng bắt đầu nhận ra những điểm yếu trong mô hình hoạt động của công ty này, đó là tính chất gia đình trị (những vị trí chủ chốt trong công ty đều do người nhà giám đốc nắm giữ), công ty không có hệ thống quản lý chất lượng, không có chiến lược phát triển rõ ràng (kinh doanh đa cấp nhưng vẫn chấp nhận bán hàng trực tiếp),… Thấy được điểm yếu nhưng lại không có quyền quyết định để điều chỉnh nó nên Trọng lại dứt áo ra đi dù thu nhập lúc đó tại công ty này không hề nhỏ.  Sau đó, Trọng còn tiếp tục làm quản lý thuê cho 2 công ty nữa nhưng rốt cuộc anh nhận ra đó không phải là con đường mà mình thực sự khao khát muốn đi. 

Viettraining và ước mơ về môi trường đào tạo doanh nhân kiểu mới

Thất bại đau đớn với 2 lần tự mở doanh nghiệp, cũng không muốn tiếp tục con đường đi làm thuê, Trọng dành nửa năm hoàn toàn không làm gì để suy ngẫm lại mình và tìm hướng đi tiếp theo. Trọng nhận ra rằng, nếu chỉ có nhiệt huyết, nếu chỉ dám đi, dám hành động thôi thì chưa đủ, muốn theo đuổi con đường kinh doanh còn cần nhiều thứ hơn thế: kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tư duy, quan hệ. Nhìn rộng ra xung quanh, Trọng thấy rằng không chỉ riêng mình mà rất nhiều người khác cũng đang thiếu và đang rất cần những điều đó. Và ý tưởng về việc thành lập một công ty chuyên về đào tạo cho đối tượng doanh nhân bắt đầu manh nha hình thành.

Giữa năm 2009, Viettraining chính thức được thành lập. Những ngày đầu “lao tâm khổ tứ” với Viettraining, Trọng cũng phải đương đầu với không ít khó khăn: chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng, thương hiệu chưa có trong khi ở Hà Nội đã có quá nhiều các công ty đào tạo tên tuổi; những rắc rối phát sinh trong quá trình quản lý nhân sự, quản lý tài chính, kiểm soát chi phí.

Nhưng lần này, với những bài học máu xương đã trải qua ở DCT, Trọng đã có thể bình tĩnh gỡ rối từng vấn đề một. Để tạo dựng thương hiệu cho Viettraining, Trọng ý thức chăm chút ngay từ nền tảng cơ bản - văn hóa doanh nghiệp. Trọng tự tay soạn thảo cuốn cẩm nang giao tiếp nội bộ với từng quy định rất chặt chẽ và rõ ràng: từ cách gặp gỡ, chào hỏi giữa các nhân viên với nhau đến trang phục, cách trò chuyện, tiếp xúc với khách hàng,… và chính Trọng là người đầu tiên thực hiện nghiêm túc. Tiếp đến là tận dụng sức mạnh của công nghệ internet để xây dựng thương hiệu, tập trung vào khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận vì theo đánh giá của Trọng thị trường Hà Nội đã quá “đỏ” với một lượng lớn công ty đào tạo.

Với vấn đề nhân sự, quan điểm của Trọng là không mở rộng số lượng nhân sự mà tập trung nâng cao chất lượng nhân sự, sử dụng ít nhân sự nhất nhưng mang lại giá trị cao nhất. Vấn đề chi phí doanh nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm chi - căn bệnh hay mắc phải của nhiều doanh nghiệp. Sau 1 năm đi vào hoạt động, mặc dù mức doanh thu chưa lớn, mới đạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng nhưng thương hiệu của Viettraining đã đứng trong top 10 công ty đào tạo tại thị trường miền Bắc.

Trọng cho biết, Viettraing phấn đấu sau 3 năm nữa sẽ đạt doanh thu 50 tỷ đồng/năm. Đây là chỉ tiêu hoàn toàn khả thi bởi ngoài việc đẩy mạnh các khóa đào tạo trực tiếp, Viettraing còn lên kế hoạch xây dựng các khóa đào tạo online. Theo Trọng phân tích, các khóa học online như vậy sẽ giúp cho người học đỡ tốn công sức, thời gian, tiền bạc vừa tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội. Ngoài hợp tác với đội ngũ chuyên gia trong nước, đến giữa năm 2011, Viettraining sẽ mời những diễn giả hàng đầu trên thế giới như Philip Kotler về Việt Nam trực tiếp chia sẻ và giảng dạy.

Tầm nhìn dài hạn của Viettraining là tiến tới thành lập một trung tâm cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp (Business Development Services) cung cấp các thông tin thị trường, quản lý khách hàng, kế toán tài chính và các chương trình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Theo Trọng, để một doanh nghiệp vận hành hoàn chỉnh, trơn tru cần tới hơn 30 bộ phận, các phòng ban chức năng. Hầu hết các công ty nhỏ không có đủ khả năng làm việc này và đó chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ do trung tâm BDS của Trọng cung cấp.

Sau khoảng 10 năm nữa sẽ hình thành một học viện đào tạo cho Việt Nam những doanh nhân thực sự đẳng cấp. Mô hình này hoàn toàn khác biệt với kiểu truyền dạy kiến thức kinh doanh thông thường như ở các trường đại học hiện nay mà sẽ đào tạo học viên bằng chính những trải nghiệm thực tế. Những vấn đề rắc rối, những bài học thành công hay thất bại trong kinh doanh sẽ được các học viên là CEO của các công ty, tập đoàn tự mổ xẻ, thảo luận để tìm ra giải pháp dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia đào tạo hàng đầu trong nước.

Bàn về những nguyên tắc trong kinh doanh, Trọng chia sẻ nguyên tắc số một trong kinh doanh của anh là “không phá vỡ nguyên tắc” vì bất cứ lý do gì, trong bất cứ tình huống nào. Anh kể mình đã từng có lần cho cả 10 nhân viên nghỉ việc cùng một lúc vì đã vi phạm nguyên tắc không được phép hình thành sự liên kết mạnh quá mạnh trong công ty. Thấy được vẻ ngạc nhiên của tôi, anh giải thích: nếu một nhóm nhân viên hình thành sự liên kết quá mạnh sẽ gây nên sự chia rẽ bè phái trong nội bộ, vừa gây bức xúc cho những người còn lại vừa khiến cho những nhân viên mới không thể nào hòa nhập được. Người lãnh đạo giỏi phải biết liên kết nhân viên bằng văn hóa chung của doanh nghiệp. Nói về điều này, anh có cách so sánh rất thú vị: than hay kim cương đều được cấu thành từ liên kết carbon nhưng vẻ đẹp cũng như giá trị lại hoàn toàn khác biệt. Muốn xây dựng một doanh nghiệp mạnh, người lãnh đạo phải biết quản lý sự liên kết, biết đặt nhân viên vào đúng vị trí, đảm trách đúng nhiệm vụ để phát huy hiệu quả cao nhất.

Kết thúc câu chuyện kinh doanh, tâm sự về cuộc sống riêng tư, Trọng kể sau khi đọc, nghiền ngẫm những triết lý trong cuốn sách “Hành trình về phương Đông”, đã hàng năm nay, anh hạn chế ăn thịt. Thực hiện điều đó, anh cảm thấy tâm mình thanh tịnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, làm việc hiệu quả hơn. Trọng cũng không bao giờ ép mình phải thức đêm làm việc hay mất ăn mất ngủ như nhiều người khác khi gặp khó khăn bởi anh xác định kinh doanh là đi đường dài, phải biết tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình trước đã thì mới có thể ứng biến linh hoạt được trước mọi thử thách trên thương trường.

Càng nói chuyện, tôi càng khám phá ra rất nhiều điều mới lạ trong tư duy của Trọng - một doanh nhân thuộc thế hệ 8X. Trọng tâm sự rằng mình muốn xây dựng hình ảnh doanh nhân thế hệ mới, phá vỡ mô-típ mà mọi người vẫn thường hình dung về tầng lớp doanh nhân. Doanh nhân đâu có phải đồng nghĩa với xe đẹp, nhà đẹp, đồ hiệu đầy mình hay ký kết hợp đồng bên bàn nhậu. Với Trọng, doanh nhân là người biết tận tâm cống hiến, tạo ra thật nhiều giá trị cho cộng đồng, cho xã hội trước khi nghĩ đến những lợi ích cho bản thân. Nếu xét theo khía cạnh này thì tôi tin rằng Trọng sẽ trở thành một doanh nhân thành công cho dù anh khiêm tốn không thừa nhận.
 
Nguồn: Hoclamgiau.vn
Flag Counter