Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Thành công bằng con đường nhiều người đi nhưng phần đông đều thất bại

Là một sinh viên đến từ Đăk Nông-Đăk Lăk, bố mẹ không thể hỗ trợ về vật chất, sau khi tốt nghiệp đại học với hai bàn tay trắng lập nghiệp ở thủ đô, bạn phải làm gì để sau sáu năm có nhà riêng trị giá 6 tỷ VND, có ôtô trị giá 2 tỷ VND, có công việc đem lại thu nhập đều đặn hàng tháng 300 triệu VND, có một hướng kinh doanh nhiều hứa hẹn? Cách làm giàu gần gũi với số đông của chị Phạm Ngọc Hương sẽ giúp bạn tìm lời giải đáp cho câu hỏi hóc búa trên.

Chị Phạm Ngọc Hương, chủ quán nhẩm trà fast food Omely Dimsum tại Trung tâm Thương mại Parkson, Hà Nội

Từ xuất phát điểm không có gì đặc biệt…

Là chị lớn trong gia đình, từ 5-6 tuổi, Hương đã phải đảm nhiệm việc nấu cơm giúp bố mẹ. Công việc bắt đầu là nhiệm vụ, sau thành thói quen và chuyển thành đam mê của Hương lúc nào không hay.

Bất cứ công thức nấu ăn nào lọt vào tay, cô bé đều thích thử nghiệm. 10 tuổi, Hương làm bánh gatô vị chanh khi chưa từng được ăn thử loại bánh này bao giờ. Để trứng bông lên, Hương mất cả ba tiếng đồng hồ đánh trứng liên tục. Bánh được nướng trong chảo gang đổ cát. Kết quả, sản phẩm làm ra ăn rất ngon nhưng… cứng như bánh nướng. Nếu không được người lớn mô tả lại, chắc Hương đã nghĩ rằng bánh của mình làm rất thành công. Không ngờ, thói quen trở thành đam mê này đã góp phần không nhỏ cho thành công tài chính sau này của chị.

Hết thời bao cấp, cơ quan cắt giảm biên chế, mẹ chị nghỉ hưu non. Bố là bác sĩ, thu nhập không đủ nuôi gia đình gồm 5 miệng ăn, mẹ chị bắt đầu buôn bán lặt vặt để lo kinh tế cho gia đình. Hương luôn trực tiếp giúp mẹ trong những công việc kinh doanh nho nhỏ đó. Có lẽ chính từ những trải nghiệm này, ham muốn kiếm tiền và được làm những việc liên quan đến kinh doanh đã sớm hình thành trong chị.

Tốt nghiệp phổ thông, Hương thi vào Đại học Kinh tế, năm thứ nhất trượt, năm thứ hai cũng trượt tiếp nhưng trúng nguyện vọng hai vào trường Sư phạm Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Quốc gia) khoa Trung-Anh. Chị hoàn toàn không hứng thú với ngành sư phạm, nhưng do sự thúc giục của gia đình, chị đã nhập học. Kết quả, mặc dù tốt nghiệp đại học, nhưng chị phải thừa nhận, nếu không vì danh dự và trách nhiệm đối với bố mẹ, chị đã bỏ học nửa chừng.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, chị lấy chồng người Hà Nội và bước vào cuộc sống gia đình giống như rất nhiều người con gái khác. Gia đình chồng chị cũng là một gia đình công nhân viên chức, cuộc sống vật chất không có gì nổi trội. Vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng trong một căn hộ chung cư chật. Vợ tìm được việc làm trong một công ty tư nhân, chồng làm kế toán trong một công ty nhà nước. Lương tháng nhận đều đặn. Cuộc sống của họ sẽ tiếp tục trôi vào quỹ đạo giống như của bố mẹ cả hai bên nếu như… Hương chấp nhận an phận và không dám dấn thân.

…Khởi nghiệp với 1,5 triệu VND


Sau khi đi làm được sáu tháng, Hương có một chị bạn, do không biết cách quản lý nên kinh doanh thua lỗ và muốn nhượng lại cửa hàng bưu điện công cộng với giá 30 triệu VND vào cuối năm 2004.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì với cơ hội này, khi chỉ có 1,5 triệu VND với một cuộc sống được coi là tạm ổn trong mắt mọi người? Chắc chắn, 90% trong chúng ta để cho nó trôi đi vì cái tặc lưỡi thôi chờ cơ hội khác hợp với sức mình hơn!

Còn Hương, sau khi tìm hiểu kỹ các nguồn thu/chi của cửa hàng, chị nhận thấy, nếu quản lý tốt công việc này có thể đem lại thu nhập 7-8 triệu VND/tháng, cộng với triển khai thêm việc lắp điện thoại thu nhập có thể lên tới 12-13 triệu VND/tháng. Con số đó tuy không lớn hơn nhiều mức lương hàng tháng vào lúc đó của hai vợ chồng cộng lại, nhưng đổi lại, Hương có thể làm chủ công việc, làm chủ cuộc sống của mình, không phải phụ thuộc vào người khác.

Vấn đề đặt ra lúc đó là làm sao có được 30 triệu. Được sự ủng hộ của chồng, chị quyết định vay tiền người thân. Chị vay nhiều khoản nhỏ, có khoản 1-2 triệu VND, khoản nhiều nhất là 10 triệu của một người bạn thân làm ở VTC. Có thể nói, việc mạnh dạn sử dụng đòn bẩy tài chính, mặc dù ở mức sơ khai nhất, đã giúp Hương khởi nghiệp thành công. Và đây cũng là điểm khác biệt tưởng nhỏ, nhưng thực ra không nhỏ giữa những người thành công và những người còn đang tìm kiếm thành công về tài chính.

Thực tế, bất kể là ai, chúng ta đều có khả năng không ít thì nhiều dùng uy tín của mình để huy động vốn. Vấn đề không nằm ở chỗ, thuyết phục khó hay dễ, mà lại nằm ở chỗ, liệu chúng ta có đủ dũng cảm để đi vay và có đủ tự tin vào sự hoàn trả tiền đúng hạn của mình hay không? Chị Hương đã có cả hai điều đó.

Khi tiếp quản cửa hàng, chị thuê một nhân viên bán hàng. Hai vợ chồng thay phiên nhau trông cửa hàng và không dám bỏ công việc cũ của mình ngay. Chị như quay chong chóng giữa hai công việc từ 7h sáng đến 11h đêm trong khi đang mang thai đứa con đầu tiên. Triển khai thêm việc lắp điện thoại, vợ chồng chị phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến nhà khách hàng lắp đặt cho họ, nên hầu như suốt 15h đồng hồ, chị làm việc không nghỉ. Đây cũng là điểm khác biệt tưởng nhỏ nhưng không nhỏ thứ hai. Chúng ta, hầu như ai cũng khao khát sự giàu có, nhưng ít người dám cam kết hết mình cho mục tiêu đó.

Sau nửa năm tiếp quản cửa hàng, nợ đã trả hết, tích góp được khoảng 50 triệu VND và vừa sinh đứa con đầu lòng đầu năm 2006, thì một cơ hội mới lại mở ra trước mắt chị Hương…

Nghiệp trời định

Gần cửa hàng dịch vụ điện thoại có một cửa hàng giải khát phải đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ phải trả địa điểm cho chủ nhà. Tuy nhiên, cửa hàng lại có vị trí rất đẹp, nằm ở ngã tư nơi cắt nhau của hai phố đông dân cư, trước cửa là vỉa hè rộng còn hơn cả diện tích bên trong của quán. Chị Hương quyết định thuê, mặc dù chưa định hình rõ mình sẽ kinh doanh gì ở đó, mở quán cà phê hay cửa hàng quần áo?

Khi đang ngồi chờ rửa xe máy và nghĩ miên man xem phải làm gì với địa điểm mới, ánh mắt chị dừng lại ở cửa hàng bán sữa chua bên cạnh. Chị Hương nghĩ, tại sao lại không tận dụng sở trường của mình? Chị quyết định mở quán giải khát bán kèm các loại đồ ăn tự làm như kem, sữa chua, caramen, thạnh dừa… Nghĩ là làm, vợ chồng chị lại tính toán và đầu tư vào cửa hàng 100 triệu VND trong khi chỉ mới có trong tay 50 triệu VND. Số tiền còn lại đi vay người thân và vay lãi.
Chăm chút chất lượng sản phẩm và quản lý chặt chẽ là bí quyết tăng % lãi suất một cách hợp lý nhất của chị Hương.

Xác định đây là mô hình quán giải khát không có gì đặt biệt, nên đồ ăn kèm phải ngon hơn ở các quán khác mới có thể giữ được khách, chị quyết định không mua sẵn mà phải tự làm để đảm bảo chất lượng ngon như chị vẫn nấu trong gia đình mình. Và đây cũng là cách tăng % lãi xuất một cách hợp lý nhất. Sự say mê nấu ăn, cách quán xuyến công việc và quản lý thu chi của một người phụ nữ nội trợ được tận dụng tối đa. Cả nhà chị trở thành một xưởng sản xuất gia đình nhỏ. Nhân viên ăn ngủ ngay tại nhà, ngày bán hàng, chiều tối chuẩn bị các sản phẩm cho ngày mai. Phương thức nấu từ gia đình chuyển sang “công nghiệp” là cả một quá trình thử nghiệm và đầy sáng tạo. Có những lúc nửa đêm, chị còn dựng chồng dậy để nếm thử sản phẩm sản xuất “đại trà” của mình xem đã đạt chất lượng chưa…

Việc quản lý con người cũng không hề đơn giản. Đặc biệt là giám sát việc ăn bớt tiền của khách và sự “nhảy việc” liên tục của nhân viên. Cuối cùng mọi việc được giải quyết bằng một bản hợp đồng chặt chẽ. Mọi nhân viên đều được chu cấp ăn ở đầy đủ, nên không được quyền mang tiền theo người, tiền lương nhận được phải gửi về cho người thân hoặc gửi vào két chung, nếu phát hiện thấy có tiền trong người sẽ bị tịch thu. Nhân viên phải ký hợp đồng cam kết làm việc ít nhất 6 tháng, nghỉ phải báo trước 1 tháng, nếu không 20% tiền lương chưa trả của 3 tháng làm việc đầu tiên sẽ không được nhận…

Chỉ nhờ vào những việc chăm chút chất lượng sản phẩm và sự quản lý chặt chẽ tưởng như rất nhỏ đó mà cửa hàng của chị Hương từ một địa điểm thua lỗ đem lại hàng chục triệu lợi nhuận mỗi tháng.

Tự tin với khả năng kinh doanh hàng quán của mình, đầu năm 2009, khi biết có người muốn nhượng lại một quầy ăn nhanh ở Vincom, chị đã không ngại ngần đầu tư 2 tỷ VND tiền mua chỗ để kinh doanh. Và lần này 40% tiền vốn là do vợ chồng chị kêu gọi các cổ đông đầu tư cùng, số tiền còn lại là tiền vay ngân hàng từ thế chấp nhà riêng.

Với kinh nghiệm quản lý và sự say mê nghệ thuật ẩm thực, chị đã tìm ra công thức chế biến một loại kem lai giữa kem Mỹ và Việt. Khắc phục được nhược điểm xốp và quá béo so với khẩu vị người Việt của kem Mỹ và cảm giác trơ của đá của kem Việt. Đặc biệt, chị còn tự sản xuất được vỏ ốc quế, chất lượng Pháp cho kem của mình. Và tất nhiên, đây là kem Việt nên giá thành rất phải chăng. Sự nỗ lực của chị đã giúp cho quầy ăn nhanh tại Vincom có lãi xuất cao ngay từ tháng đầu tiên. Từ đó đến nay, các cổ đông luôn hài lòng với % thu nhập hàng tháng từ số tiền đầu tư vào đây của họ.

Dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà

Câu chuyện hai lần mua nhà của vợ chồng chị cũng là một bài học thú vị. Năm 2006, với cửa hàng dịch vụ bưu điện và giải khát, mặc dù có thu nhập hàng tháng 60-70 triệu nhưng ước mơ có nhà riêng của vợ chồng chị vẫn còn xa vời nếu anh chị không có những quyết định táo bạo.

Khi đó, vợ chồng chị chỉ có trong tay 150 triệu VND và đã quyết định mua căn chung cư 35m2 ở phố Nguyên Hồng với giá 600 triệu VND. Anh chị vay được của bạn bè và người thân 150 triệu VND không lãi xuất, 300 triệu VND còn lại là tiền vay ngân hàng sau khi thế chấp chính căn hộ đó. Hai cửa hàng chính là nguồn chứng minh thu nhập tài chính đáng tin cậy của chị trước ngân hàng.

Mới ở căn hộ mới được bốn tháng, cũng ở trên phố Nguyên Hồng, có hai căn hộ liền nhau rộng hơn 100m2 rao bán với giá 1,15 tỷ VND. Hai vợ chồng chị lại quyết định “liều” một lần nữa, bán căn hộ đang ở với giá 700 triệu VND (lãi 100 triệu VND sau bốn tháng) và vay thêm 450 triệu VND nữa để mua căn hộ mới. Nguồn thu nhập tài chính đã được dùng để chứng minh cho khoản vay trước, nên lần này không thể vay tiền ngân hàng, hai vợ chồng chị đã phải vay ngoài với lãi xuất cao hơn. Hiện tại căn hộ rộng hơn 100 m2 của anh chị có thể dễ dàng bán với giá 6 tỷ VND.

Chị tâm sự: việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã góp phần tới 50% thành công ngày hôm nay. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen, là khi đó đồng tiền đã thay cho sức lực có giới hạn của bản thân để rút ngắn con đường đi đến thành công. Nghĩa bóng, là khi có món nợ thúc đằng sau, đáng lẽ bạn chỉ nỗ lực một thì khi đó tự khắc bạn sẽ phải nỗ lực hơn gấp 10 lần.

Từ bản năng đến bài bản

Chị Hương đã xây dựng thành công Omely Dimsum, một thương hiệu cho riêng mình.

Sau khi thành công với hai quán cà phê và ăn nhanh một cách hết sức bản năng, từ nửa cuối năm 2010, chị Hương bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một quán ăn đặc trưng mang thương hiệu riêng của mình.

Bắt đầu từ việc chọn sản phẩm kinh doanh. Vốn là người mê ẩm thực, đi tới đâu chị cũng rất chú ý tới các món ăn ở vùng miền đó. Khi sang Trung Quốc, chị rất mê những quán nhẩm trà (Yuma-cha) của Trung Quốc. Đây là các món ăn cung đình, cầu kỳ về chế biến mang đậm nét truyền thống Trung Hoa và chỉ dành cho giới vua chúa Trung Hoa thời xưa. Không gian của quán thường rất rộng, thoáng, đẹp và thư giãn. Bạn có thể đến với cả gia đình hoặc một nhóm bạn để vừa nhâm nhi uống trà, thưởng thức các món ăn từ 9h sáng đến 1-2h chiều, vừa nói chuyện hoặc chơi mạt chược.

Mê nhưng không nghĩ đến chuyện đem vào Việt Nam vì nếu tổ chức theo đúng phong cách Trung Hoa, thì quán phải rất rộng và đầu tư nhiều cả về tài chính lẫn công sức. Một lần chị sang Hong Kong chơi, tình cờ nhìn thấy một quán nhẩm trà nhỏ tổ chức theo dạng quán fast food mà vẫn rất đông khách, chị Hương mới nảy ra ý định xây dựng thương hiệu của mình gắn liền với nhẩm trà tại Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu thị trường tại Hà Nội, thấy chỉ có một số khách sạn cao cấp như Sofitel, Horison… có tổ chức những buổi buffet nhẩm trà với giá 35 USD/1 thực khách, chị quyết định tạo nên sự khác biệt bằng cách biến món ăn dành cho giới thượng lưu thành bình dân hơn để phục vụ số đông.
Há cảo tôm, một trong những món ăn đặc trưng của Omely Dimsum.

Đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, chị Hương sang tận Trung Quốc mời “sư phụ” về nhẩm trà, đầu bếp chính của một quán ở Thượng Hải, sang Việt Nam 6 tháng trực tiếp truyền nghề cho chị. Tất cả các món ăn sau khi nấu thành thục chị đều lên quy trình chi tiết để đảm bảo chất lượng 100 lần như một.

Và quán nhẩm trà fast food Omely Dimsum đầu tiên của chị được khai trương tại khách sạn Grand Plaza, Hà Nội. Món ăn ngon, lạ, đẹp với giá rất phải chăng đã nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng. Đáng tiếc, do việc tổ chức và quản lý ở Grand Plaza kém nên khách viếng thăm rất thưa thớt, sau 6 tháng hoạt động lỗ gần 700 triệu VND, chị Hương quyết định đầu tư thêm và chuyển địa điểm sang Trung tâm Thương mại Parkson, Hà Nội.
Menu của Omely Dimsum có khoảng 40 món với giá trung bình từ 30-40.000 VND/món.
Quán có lãi ngay từ tháng đầu tiên ở địa điểm mới. Hiện tại menu của Omely Dimsum có khoảng 40 món với giá trung bình từ 30-40.000 VND/món. Tên thương hiệu và logo của quán đều đã được đăng ký bản quyền. Chị Hương có kế hoạch triển khai Omely Dimsum thành một hệ thống các cửa hàng. Các tòa nhà sắp khánh thành như Keangnam, The Manor… là những địa điểm mà chị đang cân nhắc. Việc franchine thương hiệu cũng sẽ là một hướng phát triển kinh doanh của chị.

Trong kế hoạch franchine, để đảm bảo chất lượng sản phẩm 100%, chị dự định sẽ mở xưởng sản xuất và đóng gói món ăn đã chế biến, khi đến cửa hàng chỉ cần sơ chế thêm là có thể đem ra phục vụ khách.

Tới thời điểm hiện tại, các cửa hàng đã đem lại cho chị thu nhập không dưới 300 triệu VND/tháng. Và kinh doanh ẩm thực sẽ không phải hướng đi duy nhất đối với chị Hương trong thời gian tới. Để tận dụng được dòng tiền của ba cửa hàng, chị quyết định tìm hiểu thêm về đầu tư bất động sản và tài chính để tối đa hóa thu nhập.

Có thể nói, những sinh viên sau sáu năm ra trường mà đạt được thành công về tài chính như chị Hương thật sự không nhiều. Con đường mà Hương đã đi qua là con đường rất nhiều người đã lựa chọn để khởi nghiệp nhưng ít người thành công. Điểm khác biệt của chị nằm ở chỗ:

  • Dám vượt ra khỏi vùng an toàn;
  • Tận dụng được tối đa điểm mạnh của bản thân;
  • Đạt hiệu quả hơn người trong từng công việc mình làm;
  • Sớm biết tận dụng sức mạnh của công cụ đòn bẩy tài chính.
Bài học rút ra từ chị để thành công không nhất thiết phải khởi nghiệp với những ý tưởng độc đáo không ai có mà hãy làm tốt hơn mọi người những việc mà ai cũng làm.


Nguồn: Hoclamgiau.vn

Hạnh phúc trong từng khoảnh khắc kinh doanh

Kinh doanh trong tâm trí mọi người bên cạnh sự giàu sang thông thường là hình ảnh về một cuộc chiến khốc liệt chứa đựng sự cạnh tranh, stress và nhiều hệ lụy mệt mỏi. Tuy nhiên, đối với anh Nguyễn Xuân Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Tuấn Hoa AQQ, kinh doanh lại là một hành trình đầy đam mê với rất nhiều niềm vui.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn chụp ảnh cùng vợ và 3 con

“Máu” kinh doanh từ trong bụng mẹ

Sinh ra trong một gia đình có bố từng có 23 năm theo học chữ Hán, sau chuyển sang học y và trở thành trạm trưởng trạm y tế xã, rất chú trọng đến việc giáo dục con cái và mẹ giỏi kinh doanh đảm bảo cuộc sống cho gia đình, nên anh Tuấn có một tuổi thơ êm ấm và đầy đủ, chỉ phải lo ăn, lo học.

“Bố tuy không phải là trụ cột kinh tế, nhưng là một tấm gương về đạo đức, học tập, có uy với gia đình mà không gia trưởng, mẹ thông minh, sáng suốt, rất tháo vát trong việc làm kinh tế, lo chu toàn cuộc sống vật chất cho gia đình, tiền làm ra phần lớn đều trao cho chồng để lo việc học cho con, không một lời cằn nhằn than thở…”, - là những lời nói đầy tình cảm trân trọng mà anh Tuấn dành cho bố mẹ mình. “Sinh ra trong nghèo khó mà sau đó gây dựng được một cuộc sống giàu có là câu chuyện cổ tích không ít người thực hiện được, nhưng nếu có một tuổi thơ hạnh phúc, thì xác xuất thành công vẫn lớn hơn rất nhiều…”, - anh Tuấn vừa cười vừa nói thêm.

Bị ảnh hưởng từ cả cha lẫn mẹ, anh Tuấn tuy là một người trò giỏi, từng đoạt giải toán thành phố Hà Nội và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao quà, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã xác định không chuyên tâm vào công việc chuyên môn, chỉ đi làm một thời gian ngắn để tích lũy kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp. “Mình có “máu” kinh doanh từ trước khi sinh, khi mẹ mình đang quảy gánh hàng từ chợ về thì đau đẻ, tạt vào trạm xá, hộ lý đề nghị lên bàn đẻ, bà còn xin phép quay ra để… cất gánh hàng về nhà…”, - anh Tuấn kể lại.

Tốt nghiệp đại học năm 1995, anh Tuấn làm việc cho một công ty kinh doanh thiết bị điện với mức lương 300.000 VND/ tháng chỉ đủ tiền tiêu vặt. Công ty nhỏ, do kiêm nhiệm một lúc nhiều công việc, vừa trực điện thoại, đi giao hàng, gặp gỡ khách hàng/đối tác, nên mặc dù chỉ làm ở đây nửa năm, anh Tuấn đã tích lũy được kinh nghiệm ở nhiều mảng công việc khác nhau.

Anh Tuấn cho biết, từ nhỏ và cho đến tận bây giờ, anh đã có ba ước mơ là muốn có nhiều tiền, trở thành một người giỏi võ và giỏi đánh cờ. Chính niềm đam mê thứ hai đã đặt dấu chấm hết cho “sự nghiệp” làm công ăn lương ngắn ngủi của anh. Đó là vào dịp sau Tết, ở quê có tổ chức hội cờ, anh nghỉ một ngày để tham gia, bị sếp cằn nhằn, cảm thấy “tự do” cá nhân bị hạn chế… quá mức, anh Tuấn quyết định xin nghỉ để thực hiện ước mơ thứ nhất và cũng để được hoàn toàn làm chủ thời gian của mình theo ý muốn.

Tầm nhìn khi đánh cờ, bản lĩnh của người học võ và sự đam mê kinh doanh hòa trộn và hỗ trợ lẫn nhau

Anh Tuấn khởi nghiệp bằng việc bán buôn đồ thiết bị vệ sinh. Những năm 95, 96, các công trình xây dựng lớn nhỏ có mặt ở khắp mọi nơi, đây là sản phẩm dễ tiêu thụ, mấu chốt của thành công là tìm được nguồn hàng tốt. Với nhận định đó, anh Tuấn một mình phóng xe máy lên Quảng Ninh để tìm hiểu thị trường với một dòng địa chỉ duy nhất về một đại lý bán mặt hàng này ở đây.

Hồi tưởng về chuyến đi gian nan này, anh kể, mình thậm chí còn đi nhầm đường, chệch hướng hẳn so với Quảng Ninh. Anh đi từ sáng sớm mà chiều muộn mới đến nơi, bao vất vả mới tìm ra địa chỉ, thì người bán hàng lại cho biết họ không có dịch vụ chuyển hàng về Hà Nội. Anh sang quán nước bên kia đường, để nghỉ và tiện thể hỏi xem liệu có thể thuê xe vận chuyển ở đâu, thì vận may lại mỉm cười với anh. Anh gặp ngay chủ một mối bán hàng, vừa rẻ, vừa tốt lại còn lo luôn giúp anh khâu vận chuyển. Người chủ hàng khi đó, đến nay vẫn là đối tác thân thiết và có quan hệ tốt với anh.

Anh cho biết: “Hồi ấy bắt tay khởi sự, vốn chưa có, phải xin gia đình, rồi vay mượn thêm anh em, họ hàng mới đủ. Thị trường cũng mù mờ, tôi phải tự mình lần mò tìm hiểu. Bằng tuổi tôi lúc ấy, ít người dám nghĩ đến làm ăn lớn như thế”. Nhờ chọn đúng sản phẩm, quyết đoán trong hành động, cộng với sự hỗ trợ vốn của người thân, việc kinh doanh thiết bị vệ sinh mau chóng đem lại lợi nhuận, tạo tiền đề tốt cho những công việc kinh doanh tiếp theo của anh Tuấn.

Có thể nói, anh Tuấn là điển hình của một người tự làm chủ trong xã hội Việt Nam thời mở cửa, tháo vát nhanh nhậy, luôn biết cách đón đầu thị trường để đầu tư vào nhiều hướng kinh doanh mới, hợp với thời cuộc. Anh cho biết, đây cũng chính là thói quen anh tạo được khi chơi cờ - muốn chiến thắng phải đi trước đón đầu và có tầm nhìn xa hơn đối thủ (người khác).

Sau thiết bị vệ sinh, anh lại là một trong những người đầu tiên ở Hoài Đức, Hà Tây (cũ) kinh doanh thiết bị viễn thông, sim số đẹp, mở quán karaoke và sau đó là Cà phê Trung Nguyên. Anh cho biết, kho sim số đẹp của anh ở thời điểm hiện tại có giá trị lên tới hàng chục tỷ VND. Các đầu việc kinh doanh của anh, trừ thiết bị vệ sinh, vẫn hoạt động tốt đến thời điểm hiện nay.

Bản lĩnh của người học võ đã giúp anh không nhỏ trong việc kinh doanh. Thông thường, rất nhiều chủ quán, dù muốn hay không đều phải thuê các “dịch vụ” bảo kê. Riêng anh Tuấn thì không. Anh tin mình có thể tự giải quyết được rắc rối. Một lần, quán karaoke của anh nhận tổ chức sinh nhật cho hơn 100 người đến từ Hà Nội. Khi nhận đặt chỗ, anh không biết người đặt tiệc là một “khách giang hồ” vừa mãn hạn tù, rất nhiều khách đến dự là những người đang chịu án tù treo… Và những người đến dự tiệc lập tức có mâu thuẫn với đám côn đồ địa phương, một vụ ẩu đả xảy ra ngay trên bàn tiệc…

Hôm đó, cũng đúng là sinh nhật con trai anh Tuấn. Mọi người trong gia đình đang chuẩn bị cắt bánh gatô, thì sự việc xảy ra. Trong khi nhân viên và người thân hoảng sợ không biết phải hành xử thế nào, anh Tuấn bình tĩnh đi ra khống chế được chủ nhân buổi tiệc ở bên ngoài, lôi vào phòng sinh nhật của con để… mời ăn bánh gatô. Vị khách ngổ ngáo đã phải tâm phục, khẩu phục, không những phải trả đầy đủ hóa đơn của buổi tiệc, mà còn phải ký giấy nợ 25 triệu VND vì những tổn thất đã gây ra cho quán. Và đặc biệt hơn nữa, sau đó mẹ của anh ta - nhờ sự kết nối của con - đã trở thành khách hàng mua vật liệu xây dựng của anh Tuấn với những hợp đồng lên tới hàng trăm triệu.

“Võ giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc và cuộc sống. Hơn 12 năm tập võ đều đặn, bất kể thời tiết, tôi vẫn đeo cát để luyện tập quả là không uổng. Võ đã cho tôi sức khỏe và bản lĩnh vững vàng khi xảy ra những tình huống bất trắc”, - anh vui vẻ nói.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời gian qua, với một người năng động làm giàu như anh Tuấn, thì việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản là điều dễ hiểu. Sau khi tổng kết cuối năm, tiền lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh được anh Tuấn chuyển thành bất động sản. Và một lần nữa, triết lý của một người chơi cờ lại được ứng dụng triệt để. “Làm kinh doanh bất động sản cũng như chơi cờ, phải có tầm nhìn và tư tuy rộng mở. Một quân tốt bên này sông có thể là vô dụng, nhưng chỉ cần qua sông, nó đã giá trị lên rất nhiều. Có những mảnh đất tưởng chừng giá trị thấp, nhưng nếu khéo tính toán, biết kết hợp một cách linh động, thì có thể tăng giá lên cao hơn rất rất nhiều”, – anh bật mí.

Anh hé mở: “Hiện nay, ngoài dự án hợp tác xây dựng khu đô thị mười tám nghìn mét vuông ở huyện Hoài Đức, Hà Tây, tôi còn đang ấp ủ đầu tư kinh doanh bất động sản ở Malaysia và Úc với số vốn ban đầu khoảng 10 tỷ đồng. Đây là hai quốc gia cho phép người ngoại quốc có thể đứng tên mình khi mua bất động sản. Nếu thành công, tôi tin đây sẽ là một hướng đi đầy tiềm năng trong thời gian tới”.

Cuối cùng, sau hơn 10 năm lăn lội ở thương trường, anh Tuấn nhận thấy, huyết mạch của mọi hoạt động kinh doanh chính là tiền. Vòng quay của tiền là quan trọng nhất. Người điều phối được dòng tiền, do có thể tác động, thậm chí chi phối lên nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp khác nhau, nên thường là người nắm được thông tin thị trường sớm nhất. Do đó, nếu muốn họ có thể kinh doanh trên mọi lĩnh vực. Xuất phát từ tầm nhìn này, anh Tuấn đã quyết định lấn sân sang tiếp lĩnh vực tài chính. Và đây thực sự là một quyết định đúng đắn, cho tới thời điểm hiện tại, những hoạt động tài chính luôn đem lại lợi nhuận lớn và hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động kinh doanh khác của anh Tuấn.

Những nguyên tắc bất dịch đảm bảo thành công và hạnh phúc

Tự nhận mình không phải là người liều lĩnh, nhưng luôn kiên định với con đường đã chọn, anh Tuấn cũng vui vẻ chia sẻ những nguyên tắc bất di bất dịch giúp anh đảm bảo được sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Anh chia sẻ:

- Trong kinh doanh, rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, tôi luôn cố gắng tự chủ trên 50% vốn bỏ ra khi tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Vốn đi vay chỉ dao động từ 20-40% và chỉ quy vào những hạng mục kinh doanh lưu động và có thể luân chuyển được.

- Không dồn tất cả sức vào một thứ để đến nước “một ăn cả, ngã về không”.

- Hưởng thụ muộn. Rất thật tình, anh kể lại chuyện hai lần đã cùng bã xã đem tiền đi chọn mua xe rồi lại trở về. Bởi, cả anh và vợ đều ý thức được họ cần dồn tiền cho những khoản đầu tư khác quan trọng hơn. “Nhiều người trong hoàn cảnh của tôi thích xây nhà to, đi xe đẹp, mua đồ cổ hay trang trí nội thất hoành tráng… Đó là những nhu cầu chính đáng, song không phải là duy nhất và ưu tiên trước nhất. Tôi có thể “hy sinh” chúng vì một kế hoạch kinh doanh định trước”. Theo anh, lùi việc hưởng thụ những nhu cầu vật chất xa xỉ, để dành vốn đầu tư là một lựa chọn khôn ngoan.

- Phải có đủ ba chữ Tâm, Tín và Trung thực mới có thể giữ được thành quả kinh doanh bền lâu. Tiền thì ai cũng thích nhưng phải giữ cái tâm.

- Không ngừng học hỏi. Ngoài những sở thích cờ tướng hay học võ, anh Tuấn cũng luôn coi trọng sách, coi đây là nguồn tri thức vô tận để anh cập nhập kiến thức. Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều khóa học làm giàu trong nước và nước ngoài. Những kiến thức thu nhận được khiến anh vỡ ra rất nhiều, và gần như thay đổi hẳn lối nghĩ vốn có. “Quả thực làm giàu hoàn toàn có thể học được. Và hiện nay tôi vẫn phải không ngừng học hỏi. Sau khi tham gia khóa học Tư duy triệu phú ở Singapore, tôi càng tin tưởng vững chắc vào khả năng cũng như hành trình mà mình đang theo đuổi”, - anh Tuấn cho biết.

- Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn. Anh Tuấn chia sẻ, trong sự nghiệp của mình, anh nhận được sự giúp đỡ không hề nhỏ của vợ. Chị vừa là một người bạn kinh doanh tin cậy, vừa là người hỗ trợ anh rất nhiều trong việc tính toán và cân đối tài chính. Để đạt được sự tin tưởng tuyệt đối, hai vợ chồng anh đã thống nhất với nhau nguyên tắc minh bạch về thời gian, quan hệ và tiền bạc, luôn tôn trọng tiếng nói của nhau. “Người quyết cuối cùng là tôi, nhưng tôi luôn tham khảo ý kiến bà xã trong các quyết định, sẵn sàng thảo luận và phản biện giữa hai vợ chồng để tạo sự thoải mái, tin tưởng nhau trong kinh doanh”, - anh nói.
Vợ chồng anh Tuấn luôn coi con cái là tài sản lớn nhất và cần được đầu tư nhiều nhất.

Cả hai vợ chồng anh đều coi con cái là tài sản lớn nhất và cần được đầu tư nhiều nhất. Gia đình anh ở Hà Tây, nhưng hàng ngày vợ chồng anh thuê riêng một xe riêng để đưa và đón các cháu học ở trường THPT Nguyễn Tất Thành trực thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội. Đối với con cái, anh chị rất tôn trọng về mặt con người, nếu có phản đối chỉ phản đối về hành vi. Anh chị tuyên bố rõ ràng với các con: Các con phải thành người, phải có kiến thức và suy nghĩ lớn hơn bố mẹ, thì bố mẹ mới bàn giao lại tài sản cho các con. Không phụ lòng cha mẹ, đến thời điểm này, các cháu đều là con ngoan, trò giỏi, anh Tuấn chia sẻ.

“Không ngừng đề ra những mục tiêu. Không ngừng học hỏi và hy vọng. Hạnh phúc không phải chỉ là cái đạt được, mà còn là sự tận hưởng từng khoảnh khắc được sống, cống hiến và làm việc theo đam mê, sở thích của mình. Hãy dũng cảm làm, kiên trì học hỏi và tìm kiếm niềm vui trên con đường mình đang đi. Chỉ khi thấy vui và yêu những gì bạn làm, bạn mới có thể thành công, hạnh phúc. Đối với tôi kinh doanh là một hành trình đem lại niềm vui trong từng khoảng khắc sống!”, - là điều anh Tuấn nhắc đi nhắc lại và cũng là những lời cuối của buổi nói chuyện dài hơn ba tiếng đồng hồ với tôi.

Nguồn: Hoclamgiau.vn
Flag Counter