Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Tố chất kiên cường tạo nên thành công người đàn bà làm muối

Con ong đất với đôi cánh ngắn và thân thể nặng nề nếu theo các quy luật của môn khí động học, nó không thể bay được. Nhưng chú ta không hề biết về điều đó, với khát vọng bay cháy bỏng, chú đã kiếm cách để nâng thân thể của mình lên và cuối cùng ước mơ đã thành hiện thực. Câu chuyện về chú ong đất có phần nào giúp tôi khắc họa được tính cách nổi bật nhất của chị Chu Ngọc Trinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Hải Hà – một người phụ nữ kiên cường, miệt mài giải quyết những vấn đề vấp phải trên chặng đường kinh doanh để đạt được những thành tựu xứng đáng của ngày hôm nay.
Chị Chu Ngọc Trinh như chú ong đất miệt mài, cần mẫn với công việc

Tuổi trẻ nhọc nhằn của một người con vùng quê muối
Chị Trinh là con gái cả trong một gia đình đông con lại đẻ dày gồm năm chị em tại vùng quê Hải Hậu, Nam Định, miền quê có nghề làm muối truyền thống. Cả nhà chị sống bằng đồng lương công nhân “ba cọc ba đồng” của bố và nghề làm nông nghiệp của mẹ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả.
 
Từ bé khi theo bà ra ruộng muối, chị đã thấm thía nỗi vất vả của những người dân ở làng.  Để làm ra gói muối là cả một sự nhọc nhằn trăm bề: dẫn nước, phơi muối, cào muối dưới trời nắng gắt gần 40 độ mà tiền kiếm được chẳng là bao. Tính ra một gia đình 5 người làm cật lực mỗi ngày chỉ được 100 cân muối, bán thành tiền là 80.000 đồng, trung bình mỗi người chưa được 17.000 đồng/ngày.

Nhiều người đã bỏ muối để làm nghề khác, ruộng muối bị thu hẹp dần, chỉ có những người lớn tuổi trong làng mới bám riết với nghề. Muối làm ra được bán cho các thương lái với giá rất rẻ. Hơn nữa, làm muối chỉ có thời vụ 3-4 tháng mỗi năm chứ không làm quanh năm như trồng lúa nên không nhiều người làng còn tha thiết với đồng muối. Mặc dù, nhu cầu là rất lớn, sản phẩm muối biển khác với muối mỏ rất tơi xốp, có vị ngọt, ít sạn, có thể ăn vã được, lại tốt cho sức khỏe nhưng nghề không phát triển được. Xót xa với hạt muối làm ra của người dân, từ trong thâm tâm, chị tiếc cho nghề truyền thống của quê hương mà chưa làm gì được.

Ấn tượng của chị ngày bé là khi theo người thân ra ruộng muối, trời nắng gắt phải bùm khăn kín mặt, nên chỉ có gương mặt là trắng, còn đôi chân thì to và đen do đi nhiều, vác nặng trên ruộng muối. Thương cảm cho nỗi vất vả đó, chị đã hình thành nên suy nghĩ, lớn lên sẽ làm ra một sản phẩm nào đấy tiêu thụ được nhiều muối…

Lúc đó, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tỉ lệ thôi học của học sinh rất cao, phải đến 30%, nhà ai có điều kiện hơn một chút mới cho con đi học cấp 3. Bố mẹ chị cũng cố gắng cho chị đi học cấp 3 ở trường Hà Nam Ninh và chị nghĩ chỉ có đi học mới thoát nghèo, trong tâm tưởng chị nghĩ sau này sẽ không làm công chức như bố và không làm nông nghiệp khổ như mẹ.

Tốt nghiệp cấp 3, chị thi đỗ vào Học viện Tài chính với suy nghĩ học trường liên quan đến kinh tế sau này sẽ có thể  làm được nhiều tiền, hơn nữa con gái học nghề này cũng rất phù hợp và ra trường dễ xin việc. Có lẽ, suy nghĩ đó là cơ sở và hướng đi cho con đường kinh doanh của chị sau này.

Thời sinh viên, chị không chỉ lo học mà còn tự làm thêm kiếm tiền. Công việc làm thêm mỗi tháng cũng kiếm được 200.000 đồng. Nhờ thế, tiền đóng học phí mỗi tháng 90.000 đồng, chị đã có thể tự trang trải được. Ngoài ra, chị còn dư một chút để hỗ trợ các em tiền mua sách vở, học hành.

Tốt nghiệp ra trường năm 2001, chị đi làm kế toán thống kê cho một công ty của Đài Loan chuyên nhập khẩu và phân phối máy thêu vi tính với mức lương 500.000/tháng. Bản tính ham học hỏi và muốn tăng thêm thu nhập, trong thời gian làm ở đây, chị đã học thêm cách thiết kế mẫu thêu trên máy tính. Nhờ nghề tay trái này mà chị có thêm thu nhập bằng việc thiết kế các mẫu thêu cho máy thêu công nghiệp. Thu nhập “tay trái” cao hơn “tay phải”, có tháng chị kiếm thêm được 2 triệu VNĐ.

Công việc kinh doanh ở công ty chị làm có chiều hướng đi xuống do chịu ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới, một nhóm người trong công ty trong đó có chị bàn nhau xin nghỉ và góp tiền mua máy thêu công nghiệp cũ để nhận các đơn thêu gia công. Chị không có tiền góp vốn nên nhận thiết kế mẫu thêu và đào tạo nhân viên. Công việc thiết kế khá đắt khách, đem lại thu nhập tốt, nhưng với chị - một người khao khát làm giàu và được vươn lên trong cuộc sống - là chưa đủ.

“Chú ong đất” đi lên từ một cơ sở in

Quyết tâm mở một doanh nghiệp riêng cho bản thân, cuối năm 2002, chị nung nấu ý định mở một cơ sở sản xuất nhỏ chuyên in các họa tiết trên các sản phẩm may mặc. Với công việc kinh doanh này, chị có thể tận dụng các mối quan hệ gây dựng được ở công ty cũ - những đơn vị có nhu cầu thêu cũng thường xuyên có nhu cầu in trên các sản phẩm của họ.

Thời gian đó, rất tình cờ, đúng trên chuyến xe từ quê ra Hà Nội với quyết tâm mở ra công việc kinh doanh riêng, duyên số cho chị gặp một người khách hàng cũ từ lúc còn làm ở công ty của Đài Loan. Người khách mà chị thường xuyên giao tiếp qua điện thoại nhưng chưa từng gặp mặt. Qua câu chuyện, họ nhận ra nhau và không những nên duyên vợ chồng mà anh còn là người đồng hành và góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh xưởng in của vợ.

Với số vốn khởi nghiệp là 30 triệu đồng và suy nghĩ đơn giản cứ làm là… biết, “chú ong đất” hăm hở bắt tay vào việc, trong khi kiến thức về in họa tiết trên vải gần như bằng… không. Trước khi làm, chị sang Cổ Nhuế học kỹ thuật in đúng hai ngày. Đây là mô hình in thủ công, không năng suất, người in xếp cả một chồng vải dưới đất và lần lượt quệt hình in lên trên từng miếng vải. Hết miếng này, nhấc lên, quệt tiếp lên miếng dưới. Do vậy, các họa tiết thường không có độ nét cao và rất dễ bị bẩn, nhòe… Khi quan sát, cách làm này, trong đầu chị đã nghĩ phải làm khác, chính xác và hiện đại hơn, nhưng làm như thế nào thì thực sự chị cũng chưa biết.

Chị thuê nhà xưởng trong 3 tháng hết 9 triệu. Để tránh làm bẩn vải và tiện thao tác, chị tự thiết kế và cho lắp một dàn bàn in mặt kính chân sắt hết hơn 10 triệu, máy vi tính để nhập dữ liệu và thiết kế mẫu thì đi mượn. Ngoài ra, chị thuê một thợ in rất có kinh nghiệm in trên… giấy với mức lương 3 triệu/1 tháng về làm việc cùng với mình.

Với suy nghĩ đơn giản, chị tưởng rằng khâu chuẩn bị đã ổn nên liền bắt tay vào việc đi tìm kiếm khách hàng. Dựa vào sự quen biết, chị Trinh có được đơn đặt hàng đầu tiên là lô in hình trên 33.000 áo trẻ em. Hàng được chuyển về chất đầy cả cơ sở sản xuất nhỏ bé của chị. Chuyên gia in giấy lập tức bắt tay vào việc. Nhưng hỡi ôi, khi chiếc áo đầu tiên được in, thì cả chủ lẫn nhân viên đều tá hỏa, mực vừa chạm vào vải lập tức nhòe ra xung quanh. Hóa ra, kỹ thuật in trên vải phải có những “bí kíp” riêng khác với in trên giấy.

“Chủ, tớ” ngồi đoán mò nguyên nhân. Có lẽ mực pha loãng quá chăng? Độ đậm đặc của mực tăng dần. “Chuyên gia” liên tục thử, “giám đốc” với chậu nước ngồi túc trực sẵn sàng bên cạnh. Sản phẩm in hỏng lập tức được thả thẳng vào chậu nước giặt ngay cho sạch. Dây phơi căng đầy trên đầu, trắng xóa những chiếc áo trẻ con, nhiều như nhà có trẻ sơ sinh phơi tã lót. Chị Trinh hoa cả mắt không vì phải đứng lên ngồi xuống liên tục mà vì quá lo lắng.

May mắn, người yêu của chị (người trở thành chồng chị sau này) vốn là dân kỹ thuật điện, sau khi quan sát công việc của “xưởng in” đã phát hiện ra vấn đề không phải là mực in pha loãng, mà nằm ở chỗ phải pha thêm một chất hóa học nào đó có tác dụng làm đông mực nhanh mới có thể giải quyết triệt để được việc này. Sau khi tìm hiểu, anh đã mua được chất đông cứng mực in. Hú vía, nhờ vào sự tinh ý của anh, chị Trinh đã hoàn thành đơn hàng chất lượng và đúng thời hạn với doanh thu 33 triệu đồng. Chi trả các khoản, chị còn lại lãi phân nửa.

Xác định là cơ sở in nhỏ, chưa có tên tuổi nên chị chọn cách cạnh tranh bằng giá và chất lượng. Chị giải thích: “Cùng một sản phẩm, chất lượng in như nhau nhưng giá rẻ hơn, thì khách hàng sẽ chọn cơ sở của mình”. Chiến lược đã rõ, cần phải hành động ngay. Với tính cách của một chú ong đất, chị Trinh đã không ngại ngần xộc thẳng vào các nhà may để tìm đơn đặt hàng. Địa chỉ của họ thì chị tìm được dễ dàng trong cuốn “Niên giám điện thoại những trang vàng”. Thông thường sau khi nhận được mẫu in thử và bản báo giá, thời hạn giao hàng của chị, khách hàng khó có thể từ chối.

Cơ sở in của chị làm việc đêm ngày, cứ có việc là làm ngay để đảm bảo tiến độ công việc. Uy tín tăng dần trong mắt khách hàng, xưởng in ngày càng có lãi. Rút kinh nghiệm từ  lô hàng đầu tiên, chị rất quan tâm đến kỹ thuật in, sấy. Đây cũng là lúc chị được sự hỗ trợ rất lớn từ chồng. Chồng chị đã tự nguyện nghỉ việc để về làm giúp vợ, khi chị đang mang bầu đứa con đầu lòng. Nhờ phần kỹ thuật được cải tiến, cơ sở bắt đầu có thêm các đơn đặt hàng phức tạp hơn.

Khi tôi hỏi ban đầu kinh doanh, chị có cảm thấy sợ không, “chú ong đất” hồn nhiên tâm sự: “Ban đầu cũng thấy sợ nhưng em lại nghĩ: Ở quê người ta kiếm tiền nghìn họ còn cố gắng, mình có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn thì phải cố gắng hơn, có sức thì cứ làm, trước mắt khó khăn nhưng sau này sẽ khác đi”.
 
Năm 2004, cơ sở in hoạt động ổn định hơn, chị đã chuyển xưởng về địa điểm rộng rãi hơn ở Văn Điển. Đây cũng là thời gian vất vả nhất đối với một người mẹ, ròng rã 5 tháng trời sau khi sinh, chị gửi con về nhà ngoại và hàng ngày đi về như con thoi trên quãng được Nam Định – Hà Nội. Năm giờ sáng chị đi ô tô từ Nam Định lên Hà Nội và tối từ Hà Nội về Nam Định với con, lúc đó mới được 2 tháng tuổi. Chia sẻ về quãng thời gian vất vả này, không khỏi rưng rưng, chị nói: “Làm in, hóa chất ngấm vào người, em cho con bú mà không lớn được”.

Những hy sinh của người mẹ trẻ đã được bù đắp, năm 2005, chị đã có những đơn hàng lên đến 200-300 triệu đồng. Công việc phát triển, sau 4 hoạt động, năm 2006 chị thành lập công ty in. Chồng chị phụ trách toàn bộ mảng kỹ thuật, còn chị làm quản lý, kế toán, marketing và đi gặp gỡ khách hàng. Công ty chị đã có những đơn hàng lớn từ các công ty của Trung Quốc, nhà may Hồ Gươm, Chiến Thắng, Đức Giang, Đáp Cầu…

Hai vợ chồng chị đã có nhà riêng, vài miếng đất và ô tô. Kinh doanh in đi vào hoạt động ổn định, năng lượng dồi dào của “chú ong đất” không được sử dụng hết lại một lần nữa thôi thúc chị tìm thêm cho mình một hướng đi mới. Chị quyết định chuyển toàn bộ công ty in cho chồng quản lý. Và ý nghĩ đến kinh doanh một thứ khác đã định hình trong đầu người phụ nữ tháo vát này.


Công ty in chị đã giao toàn bộ cho chồng quản lý

Trở về với khát khao thuở nhỏ và cú vấp tưởng chừng không gượng dậy được
Sau khi bàn giao công ty in cho chồng quản lý, với mong muốn tìm ra một hướng đi có thể phát triển bền vững, chị Trinh đặt mục tiêu: sản phẩm kinh doanh ít chịu ảnh hưởng từ các biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước; người dân có nhu cầu liên tục; không theo mốt. Từ các tiêu chí đó, chị nghĩ ngay đến khát khao thủa nhỏ của mình, đến những cánh đồng muối trắng  và những người thân lam lũ gắn bó nhiều đời với muối – một thứ nhu yếu phẩm quan trọng của con người. Ơrêka, phải sản xuất bột canh! Ý tưởng như vỡ òa trong chị.

Với bản tính của một chú ong đất, không cần nghĩ quá lâu, chị Trinh lập tức bắt tay vào việc với quyết tâm năm đầu bù lỗ nhiều, năm thứ hai bù lỗ ít và năm thứ ba bắt đầu ra lãi. Kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp đã có sẵn, vấn đề còn lại chỉ là nghiên cứu sản phẩm và phân tích thị trường. Chị Trinh dành nửa năm để tìm hiểu về cách sản xuất bột canh, xây dựng hình ảnh mẫu mã, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, khảo sát thị trường…

Sau nhiều ngày nghiên cứu và tự pha chế sản phẩm với cái cân tiểu ly, từ muối Hải Hậu, cộng với các gia vị phụ khác chị đã có một công thức bột canh Hải Hà hoàn hảo, ngon  và thỏa mãn yêu cầu về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Cũng giống như khi làm in, chị Trinh giữ phương châm là cạnh tranh về chất lượng với các sản phẩm tốt nhất, cạnh tranh về giá so với các sản phẩm kém nhất cùng loại khác trên thị trường.

Khi đã chuẩn bị chu đáo, quyết định cho ra lò mẻ muối 10 tấn đầu tiên đã thôi thúc chị nỗ lực không ngừng. Nhằm chuẩn bị đầu ra cho đợt sản xuất này, chị đã thuê đội ngũ gồm 40 nhân viên thị trường đi làm việc với các nhà phân phối tại các tỉnh thành, mỗi tỉnh có 1 giám sát và 2 nhân viên. Các nhà phân phối ở địa phương sẽ là kho hàng và đầu mối cung cấp bột canh tại tỉnh đó. Công tác thị trường đã sẵn sàng.

Do muối từ các cơ sở sản xuất tại Hải Hậu chưa được tinh chế đủ, muốn sử dụng phải qua một quá trình xử lý tốn kém, nên chị Trinh quyết định mua muối từ một công ty nhập khẩu để sản xuất lô hàng đầu tiên của mình. Mọi việc từ khâu sản xuất đến phân phối diễn ra theo đúng dự tính. Sản phẩm được pha chế chính xác theo công thức chị Trinh đã đưa ra, nhưng khi chuẩn bị đóng bao, chị Trinh phát hiện ra vị của gia vị quá mặn!

Mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, chị đành tặc lưỡi đóng gói và chuyển đến các đại lý với hy vọng mặn một chút cũng không sao! Và chị đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, khi muốn đến tay người tiêu dùng, thì gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các thượng đế.

Hóa ra, mặc dù đã thử nghiệm đi thử nghiệm lại để đưa ra được một công thức chuẩn, nhưng chị đã bỏ qua một khâu quan trọng là nghiên cứu các sản phẩm đầu vào, vì cứ nghĩ một cách đơn giản là: nếu đã là muối thì phải giống… muối! Vì suy nghĩ đó, chị đã không tìm hiểu và bỏ qua một thông tin quan trọng, trên thị trường có hai loại muối: muối biển và muối mỏ. Muối mỏ có độ mặn cao hơn muối biển rất nhiều. Có thể so sánh như thế này, nếu là muối biển, theo lời chị Trinh, thì bạn có thể ăn… vã mà vẫn thấy ngon, ngọt, trong khi muối mỏ thì mặn tới mức không nuốt được. Và lô muối mà chị nhập về để sản xuất chính là muối mỏ, trong khi chị lại nghiên cứu trên muối biển! Chị đã phải trả giá cho thất bại này mất gần 3 tỉ đồng.

Thương hiệu chưa định hình đã có nguy cơ chết vĩnh viễn. Làm thế nào để sản xuất được tiếp và giữ được uy tín thương hiệu là bài toán nan giải của chị Trinh vào lúc đó. Để tìm ra giải pháp, chị lo lắng mất ăn mất ngủ, hai, ba giờ sáng vẫn còn đi lại lang thang trong nhà. Có những hôm, chồng chị về muộn, mở cửa vào nhà nhìn thấy vợ rũ rượi lo nghĩ, phải thốt lên: “Em có đi ngủ không, trông em không còn giống người nữa mà như một con ma!”. Ở thời điểm này, thậm chí, chị còn hút thuốc lá như một cách để tỉnh táo để có thể tập trung suy nghĩ.

Chị chia sẻ thêm: “Có thời điểm, em còn đến với thế giới tâm linh qua việc cúng bái như một giải pháp cho mình nhưng nghiệm lại mọi việc phải xuất phát từ nội lực của bản thân nên em không thể đổ tiền vào những cái bên ngoài, thiếu thực tế như vậy. Âm sao Dương vậy, vong linh của ông bà đã khuất, nếu có thể làm gì được, chắc sẽ chỉ làm những điều tốt đẹp cho con cháu, chứ không thể có chuyện ngược lại”. Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị Trinh đã trấn tĩnh lại và đối mặt với thực tế để giải quyết.

Chị quyết định thu hồi gấp sản phẩm đã tung ra. Bước tiếp theo, chị quay về  Hải Hậu và làm việc với một nhà cung cấp muối biển - chuyên cung cấp cho các nhà máy - đặt vấn đề phối hợp đầu tư nhà kho, máy nghiền, rửa,… để cơ sở đó có thể đưa ra sản phẩm đạt yêu cầu. Theo tính toán với công xuất tối thiểu của cơ sở sản xuất đó, nếu Công ty Hải Hà không thể sử dụng hết, thì chị Trinh còn cam kết sẽ tìm đầu ra cho phần còn lại. Vậy là khó khăn về nguồn muối được tháo gỡ.

Cần ba tháng để xây dựng cơ sở sản xuất muối chuẩn, trong thời gian này, chị tập trung vào làm thị trường. Để cứu vãn hình ảnh thương hiệu, chị mua muối biển Hải Hậu về sơ chế thủ công tại xưởng, pha chế và đóng gói thành gói gia vị Hải Hà và đi phát miễn phí tại cửa ra vào của các tụ điểm thương mại ở các thị trường tỉnh, nơi chị định tấn công trước tiên.

Lần này, theo đúng dự kiến, sản phẩm xuất xưởng lần thứ hai, có chất lượng đảm bảo được tung ra hơn 20 tỉnh thành ở miền Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Bình, Ninh Bình… và một số quận vùng ven Hà Nội. Giá rẻ, chất lượng cao, khách hàng hài lòng, nên chỉ sau một thời gian ngắn công ty của chị đều đặn sản xuất gần 400 tấn muối bột canh/tháng. Tới nay, ước tính sản phẩm muối bột canh Hải Hà chiếm khoảng 20% thị phần miền Bắc.

Sản phẩm bột canh Hải Hà đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành miền Bắc

Cầm trên tay gói muối bột canh Hải Hà với bao bì gồm 2 màu vàng và tím, chị tự hào giải thích: “Màu vàng là màu của lúa, màu tím là gửi gắm mong muốn thủy chung với sản phẩm của nông nghiệp”. Người nữ doanh nhân, hào hứng chia sẻ thêm: “Khi sản phẩm bột canh ổn định, em sẽ làm thêm sản phẩm mới dành cho trẻ em và người già, cũng từ sản phẩm nông nghiệp”.

Bột canh Hải Hà có bao bì màu sắc thể hiện sự thủy chung với nông nghiệp
Bài học thành công trong kinh doanh sau gần 10 năm vật lộn trên thương trường của chị rất cô đọng: Chất lượng của sản phẩm phải ngang bằng với sản phẩm tốt nhất, giá cả ngang bằng với sản phẩm kém nhất cùng loại! Với phương châm này, việc marketing và bán hàng rất dễ dàng, hữu xạ tự nhiên hương, không cần nỗ lực mà sản phẩm vẫn cứ xuất xưởng đều đều. 

31 tuổi, tự nhận mình không còn nông nổi, người đàn bà mạnh mẽ, đã thêm nét đằm theo thời gian trong ánh mắt, bày tỏ mong muốn, xây dựng một thương hiệu để đời, có thể trường tồn cùng với thời gian. Sự tự tin từ con người chị lan tỏa sang tôi. Và tôi tin “chú ong đất” sẽ đạt được ước nguyện của mình như “chú” đã từng đạt được trong những công việc trước đây!


Nguồn: Hoclamgiau.vn

Nội lực mạnh mẽ tạo nên sức bật vượt trội của nữ doanh nhân

Khi đứng trước một sự lựa chọn an toàn và một con đường mạo hiểm, chưa biết tương lai ở đâu, hẳn nhiều người sẽ chọn cách thứ nhất. Số ít còn lại chọn cách thứ hai để trải nghiệm và vươn lên bằng chính nội lực, quyết tâm mạnh mẽ của mình. Thành quả vượt trội và xứng đáng mà họ đạt được là minh chứng thuyết phục cho con đường đã lựa chọn. Chị Phạm Thùy Dương – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Truyền thông Việt Nam (Santa Vietnam) là một người phụ nữ như thế!
Chị Phạm Thùy Dương – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Truyền thông Việt Nam (Santa Vietnam)
Con đường của một viên chức không có sự đột phá
Chị Phạm Thùy Dương sinh năm 1969 trong một gia đình cả bố và mẹ đều là cán bộ thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế, bộ Giao thông Vận tải. Bố chị đã học tại Đại học Nhân dân khóa I và có thời gian đi dạy ở nước Nga. Ông rất yêu thích vẻ đẹp của cây thùy dương nên đặt tên con gái đầu lòng là tên của loài cây này. Nhà chỉ có 2 chị em gái nên cuộc sống thưở nhỏ của chị diễn ra êm ả, chỉ lo ăn học và được bố mẹ chăm sóc, bao bọc, yêu thương từ nhỏ đến lớn.
Tốt nghiệp phổ thông, chị nghe lời khuyên của bố theo học ngành y vì đây là một nghề cao quý, có thể giúp được nhiều người. Sau khi tốt nghiệp, chị xin vào công tác tại Bệnh viện nhi Trung Ương và làm việc tại Phòng cấp cứu. Công việc chính của chị là tiếp nhận bệnh nhân từ các nơi chuyển đến và hướng dẫn chăm sóc ban đầu.
Sau đó chị được chuyển sang làm ở Khoa sơ sinh đảm nhận công việc tiêm ven cho trẻ sơ sinh, tắm và cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sỹ. Không chỉ chuyên tâm vào việc chăm sóc cho trẻ sơ sinh, chị còn tranh thủ thời gian học thêm tiếng Anh ở bên ngoài. Đây là môn học chị yêu thích và có khiếu nên chị học rất tốt.
Nhờ vốn ngoại ngữ, một lần chị đã phiên dịch và làm thủ tục cho một gia đình người Thụy Điển đến viện Nhi xin con nuôi là các bé bị bỏ rơi. Sau đó, chị còn hỗ trợ lãnh đạo Viện công tác đối ngoại khi có khách nước ngoài đến thăm, làm việc tại Viện. Nhờ thế, sau một thời gian, chị được quyết định chuyển sang công tác tại Phòng đối ngoại của Viện. Công việc của chị chủ yếu là tổ chức các sự kiện, hội thảo, xin viện trợ… Dường như công việc này đúng sở trường của chị hơn, chị tham gia nhiệt tình và khuấy động các hoạt động của Đoàn thanh niên rất sôi nổi.
Để có thêm thu nhập ngoài khoản lương viên chức ít ỏi, buổi tối chị tranh thủ dạy thêm tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ ở Cát Linh. Thu nhập từ việc dạy thêm còn gấp mấy lần lương tại Viện nhi.
Trong một buổi dạy, do lo tổ chức sự kiện của Viện và không kịp ăn, chị bị hạ đường huyết, ngất xỉu ngay trên lớp. Trong số 2 cậu học trò lớn tuổi ở lại đưa chị về nhà, có một anh đã rất tận tình giúp đỡ cô giáo. Ban đầu anh nghĩ  là chị đã có gia đình do thấy cô giáo dạy ở trên lớp khá chững chạc. Nhưng khi đưa về nhà, anh mới biết cô giáo chưa có gia đình. Sau 4 năm lặng lẽ quan tâm, ân cần, chăm sóc cô giáo từ những việc nhỏ như sửa hộ xe máy… trái tim chị đã rung động và chị quyết định kết hôn với anh. Anh không chỉ là người chồng mà còn là người chia sẻ, thông cảm và ủng hộ trong suốt con đường kinh doanh của vợ về sau. Quãng thời gian 4 năm nói trên, chị cũng quyết tâm đi học và tốt nghiệp 2 trường: Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và Đại học Luật Hà Nội.
Bứt ra khỏi môi trường được nhiều người mơ ước
Công việc tại Viện nhi tiến triển tốt, năng lực của chị được lãnh đạo ghi nhận nhưng bên trong chị có những giằng xé nội tâm mạnh mẽ về con đường mình sẽ đi, về cuộc sống cơm áo, về việc sẽ làm một cái gì đó của riêng mình.
Đúng thời gian nghỉ sinh cậu con trai đầu lòng, chị tình cờ biết một cơ hội việc làm mới. Như có một điều gì thôi thúc và không thể ngồi yên ở nhà trông con, chị đã đến phỏng vấn tuyển dụng vào vị trí nhân viên quảng cáo cho tạp chí Heritage (Dự án của Thời báo kinh tế Việt Nam). Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi chưa đầy một tiếng đồng hồ nhưng đã giúp vị Phó Tổng biên tập nhận ra tố chất của chị có thể đảm đương công việc, ngoài khả năng ngoại ngữ  tốt. Chị được tuyển dụng. Tuy không phải lĩnh vực được đào tạo nhưng chị vẫn muốn thử sức với công việc mới và cũng dự phòng phương án nếu thử việc không được thì chị cũng hết thời gian nghỉ sinh, quay lại Viện cũng không muộn. Tuy nhiên dự định trở lại Viện nhi đã không xảy ra mặc dù trước mắt chị lúc đó công việc mới còn rất mông lung.
Khi quyết định xin nghỉ việc tại Viện nhi, chị đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình, đặc biệt là bố. Ông không hiểu nổi tại sao công việc đang ổn định, vị trí của chị được nhiều người mơ ước mà con gái mình lại muốn ra đi. Ông tỏ ra rất khổ tâm và mở màn cuộc “chiến tranh lạnh” với đứa con gái không chịu nghe lời. Trước tình huống khó xử của hai bố con, chị trăn trở, đấu tranh với chính bản thân mình rất nhiều nhưng vẫn quyết định dấn thân với công việc mới.
Giống một người đi tìm đường, loay hoay, mò mẫm, giai đoạn đầu đối với chị không hề đơn giản. Để mời quảng cáo, những ngày đầu tiên chị gọi điện đến các công ty theo số điện thoại trong cuốn “Niên giám điện thoại những trang vàng”. Đó là những ngày mà chị ôm máy điện thoại, gọi điện liên tục đi khắp nơi đến mất cả giọng nhưng không có khách hàng nào đồng ý quảng cáo.
Sau khi thấy cách này không hiệu quả, chị định vị lại cách xác định đối tượng khách hàng có triển vọng quảng cáo trên tạp chí Heritage sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, các doanh nghiệp về khách sạn, nhà hàng, các phòng tranh hoặc Souvernir shop... Khi đã xác định được đối tượng nhắm đến, vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, chị gửi con cho bà ngoại, vác xe máy đi lượn phố để thu thập thông tin khách hàng trọng tâm đó. Đi các phố, cứ thấy có phòng tranh, khách sạn, nhà hàng khai trương hoặc Souvernir shop là chị dừng lại xin name card. Công việc thủ công nhưng đã dần giúp chị focus được đối tượng khách hàng và có hợp đồng qua việc tiếp xúc và mời quảng cáo. Đối với chị, công việc này cũng lắm phen dở khóc dở cười và mất thời gian khi nhiều khách hàng rất thích gặp chị để nói chuyện nhưng không phải để quảng cáo.
Mất 6 tháng loay hoay, đến khi chị biết cách định vị rõ ràng với từng loại khách hàng (nhà hàng khách sạn cần làm như thế nào, phòng tranh thì làm ra sao…), công việc của chị như thăng hoa, bùng nổ. Làm tốt, mấy tháng sau, chị được đề bạt lên phụ trách quảng cáo của Tạp chí. Doanh thu mỗi năm từ mảng quảng cáo của chị đạt 9 tỷ đồng. Ngoài quảng cáo, khi tiếp xúc khách hàng, chị còn năng động tham gia tổ chức sự kiện, truyền thông, PR. Từ đây, chị có thêm niềm yêu thích công việc truyền thông.
Vẫn tiếp tục vị trí chủ chốt trong Dự án tạp chí Heritage, chị là những viên gạch đầu tiên được chuyển sang xây dựng công ty Truyền thông Dolphin Media (Công ty khởi đầu từ dự án). Vị trí chị đảm nhận tại công ty truyền thông này là Giám đốc kinh doanh. Với kinh nghiệm, sự nhạy bén và thái độ làm việc nhiệt huyết, coi công ty như là của mình, chị là người thực thi, triển khai hiệu quả các ý tưởng của sếp và chốt doanh thu cho công ty đạt lợi nhuận vượt bậc. Nhờ những đóng góp và cống hiến xuất sắc, sếp đã tặng chị 5% cổ phần của công ty. Thu nhập của chị ở thời điểm năm 2004 đã vào khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Cuộc sống tương đối dư dả, hàng năm gia đình chị đều đi du lịch ở nước ngoài.
Mặc dù mức thu nhập cao, sự nghiệp của chị đang rất thành công nhưng với bản tính của một người mạnh mẽ, trong lòng vẫn khát khao làm một cái gì đó của riêng mình, một lần nữa chị lại dứt áo ra đi khỏi công ty truyền thông sau 8 năm gắn bó. Để thực hiện khát vọng đó, chỉ có cách là xây dựng, làm chủ doanh nghiệp của riêng mình.
Thất bại nặng nề trong năm đầu mở nghiệp
Tích cóp được một số vốn kha khá khoảng vài trăm triệu đồng trong tay, năm 2006 chị quyết định mở công ty kinh doanh bất động sản và văn phòng cho thuê lấy tên là Công ty Đầu tư nhà Hà Nội.
Lý do chọn kinh doanh lĩnh vực này một phần là chị yêu thích mảng bất động sản, một phần nữa là trên phương diện tâm linh thì tuổi của chị thuộc mạng Thổ, kinh doanh bất động sản sẽ tốt, thuận và hợp. Chân ướt chân ráo mở doanh nghiệp, cùng với sự tin tưởng người sếp cũ, chị đã đồng ý cho anh có cổ phần trong công ty của mình và để anh tham gia vào hội đồng quản trị.
Với bản tính nhiệt tình, chị tin tưởng, hăm hở kinh doanh và đón bắt cơ hội. Khi đưa ra các ý tưởng và phương án triển khai, chị thấy rất khả thi và quyết tâm làm. Tuy nhiên, lần nào cũng thế, cứ mỗi lần phải ra quyết định, chị lại gặp một “tảng đá lớn” từ chính người sếp cũ. Anh với vai trò cổ đông trong hội đồng quản trị, cũng là người chị tôn trọng, kính nể luôn tư vấn “Không ổn, không làm được đâu” là nguyên nhân chính cản trở những quyết định của chị. Lý do là trong thâm tâm, anh mong chị quay trở lại công ty cũ để làm việc.
Mất một năm trời quay cuồng trong vòng luẩn quẩn với sự cản trở tưởng như rất hợp lý đó, công ty của chị đã không thể triển khai được gì và bị lỗ nặng, cả năm làm việc không xuất một hóa đơn nào. Cuối cùng, công ty phải giải thể, chị tay trắng. Nhưng chị không đầu hàng, trong chị vẫn cháy bỏng khát khao kinh doanh. Chị quyết tâm làm lại từ đầu.
Đứng dậy sau vấp ngã và những dấu ấn khó quên trên thương trường
Năm 2007, chị cùng với một anh bạn (vốn là khách hàng cũ trong thời gian chị làm việc ở tạp chí Heritage) thành lập công ty Cổ phần Truyền thông và Đầu tư Santa Vietnam. Công ty được mở ra kinh doanh mảng bất động sản và mảng truyền thông. Lý do, anh bạn này góp vốn và chung sức làm cùng chị vì cũng rất thích ý tưởng, mô hình kinh doanh và mảng bất động sản. Anh không chỉ là một người bạn mà còn là một người cộng sự tận tâm đồng hành lâu dài với chị trong sự nghiệp kinh doanh đến tận bây giờ.
Vụ đầu tiên khi thành lập Công ty Cổ phần, chị đối diện ngay với việc tìm thêm một thành viên Hội đồng quản trị cho đủ 3 người. Làm sao tìm được một người vừa góp vốn, vừa chèo lái con thuyền là không hề đơn giản. Qua mối quan hệ thân thiết của người bạn đồng hành với mình, chị mời một anh là cán bộ nhà nước tham gia Hội đồng Quản trị với vai trò tư vấn. Tuy nhiên, bất lợi đến từ việc anh là cán bộ nhà nước nên thời gian anh có thể đến công ty họp thường vào tối vào đêm. Mà chị là phụ nữ, chị không thể triền miên về nhà quá muộn trong khi các con còn nhỏ. Hơn nữa, vai trò tư vấn của anh không thực sự có ý nghĩa với công việc kinh doanh hiện tại.
Đau đầu, khó xử, cân nhắc và bàn bạc với người bạn đồng sáng lập công ty, anh bảo chị tự quyết. Mất mấy đêm suy nghĩ đến không ngủ, chị đã viết một bức thư giãi bày suy nghĩ của mình gửi cho anh cán bộ nhà nước. Chị viết: “Anh ạ, em biết là anh rất yêu quý chúng em nên mới đến hợp tác với chúng em. Hơn ai hết, tất cả mọi người phải ngồi chung trên một con thuyền và cùng chèo lái. Em thật sự mong muốn có một người cùng với con thuyền Santa này chèo lái đi chứ không cần lắm một người tư vấn…”. Bức thư có tình, có lý của chị đã đặt một “đường lui” khéo léo cho sự hợp tác không mấy hiệu quả giữa hai bên mà lại không làm phật lòng anh cán bộ này. Về sau, chị đưa bức thư đó cho chồng đọc, anh cũng nghẹn ngào xúc động vì không ngờ vợ mình học văn không giỏi, chưa viết thư cho ai mà lời lẽ thấm thía đến vậy. Đồng thời, chị còn vận động một người bạn khác đang là Tổng Giám đốc của FPT Media về làm thành viên Hội đồng Quản trị vì cũng thích mô hình kinh doanh của chị. Anh đã đồng ý mua lại cổ phần, trả chi phí cơ hội cho anh trước và tham gia chèo lái công việc của Santa.
Vụ việc thứ hai, chị bắt tay vào thuê  địa điểm để kinh doanh mảng khách sạn. Khi đã xem một địa điểm rất ưng ý và phù hợp trên phố Bùi Thị Xuân, chị cũng lấn cấn chưa quyết vì dịp đó đúng vào tháng 7 ngâu, hơn nữa anh bạn cộng sự đang đi công tác nước ngoài nên không bàn bạc với nhau được. Có một mình, chị nghĩ là tháng người âm, không ai thuê bất động sản cả. Qua tháng 7, chị đến hỏi thuê thì chủ nhà đã cho người khác thuê mất. Chị học được bài học đắt giá về việc mất cơ hội do những suy nghĩ chủ quan của mình.
Không để mất cơ hội lần thứ hai, chị đi xem địa điểm khác là một khách sạn trên phố Triệu Việt Vương. Bằng kinh nghiệm và một có sự linh cảm mách bảo, buổi trưa đi xem thì buổi chiều chị ôm ngay khoản tiền 100 triệu đồng trong két của nhà đi đặt cọc. Lúc đó chị chỉ nghĩ là cần làm ngay không sẽ mất cơ hội. Việc quyết định đem tiền đi đặt cọc quá nhanh chóng khiến anh bạn chị run đến toát mồ hôi khi lái ô tô nên bảo chị lái xe (tính cách của anh rất cẩn thận, chi tiết khác với chị). Buổi làm việc với chủ nhà để thuê và làm hợp đồng được tiến hành ngay tối hôm đó.
Sau khi đã thuê được địa điểm, cần một khoản vốn đầu tư là 4 tỷ đồng nhằm cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khách sạn, chị đã quyết định thế chấp căn nhà của hai vợ chồng để vay tiền ngân hàng (Đây là căn nhà vợ chồng chị tích cop mới mua được từ trước). Đối diện với sự việc này, chồng chị đã gọi hai cậu con trai lớn ra rồi ý nhị bảo: “Hai con ra đây ba bảo. Ngày hôm nay, mẹ cầm sổ đỏ nhà mình đi thế chấp vay tiền ngân hàng để kinh doanh. Nếu mẹ kinh doanh phát đạt thì ba con mình có nhà đẹp để ở, còn nếu mẹ kinh doanh không phát đạt thì ba con mình dựng túp lều ở ngoài đê để ở. Hai con ra đây, ba chỉ cho chỗ dựng lều”. Câu nói đùa thâm thúy của chồng với các con lúc đó như nhắc nhở chị trách nhiệm của sự liều lĩnh này.
Có tiền, có địa điểm, chị bắt đầu triển khai công việc thì chướng ngại lại ập đến. Theo giới thiệu của người chủ cho thuê nhà, chị đã mời một ông thầy xem ngày và tiến hành động thổ. Mọi việc hoàn tất, không ngờ chị nghe được bà hàng nước lâu năm trên vỉa hè nói lại: “Trước cửa có một cây đa to và thiêng lắm, nhiều đời chủ không thể kinh doanh được”, khiến chị hoang mang lo lắng “Nếu họ kinh doanh được thì đã không đến lượt mình”. Trấn tĩnh lại và thấy mình đang ở thế “trèo lưng hổ”, không thể dừng được nữa, chị mời một thầy khác xem ngày để động thổ lần thứ hai với hy vọng sẽ tốt đẹp. 
Cuối cùng, mọi việc cũng được suôn sẻ. Khách sạn Santa với tiêu chuẩn 3 sao được nâng cấp, cải tạo rồi đưa vào kinh doanh gần 30 phòng. Trước ngày khai trương, do chuẩn bị tốt công tác truyền thông và tài trợ cho một sự kiện, chị đã đón đoàn khách đầu tiên ở kín tất cả số phòng là đội tuyển bóng đá Thái Lan sang Việt Nam thi đấu. Đó là sự khởi đầu suôn sẻ. Nhưng sau khi đội tuyển Thái Lan về nước, khách sạn vắng khách. Mấy tháng sau, nhờ sự phối hợp ăn ý giữa chị và anh bạn đồng hành, cùng với tài ngoại giao, sự tin tưởng của những mối quan hệ cũ, khách sạn bắt đầu thu hút đông khách. 
Vị khách hàng đầu tiên ở Santa
Đội ngũ lễ tân trẻ trung tại khách sạn Santa
Một vấn đề thiếu may mắn chị gặp phải từ khi thành lập Santa đến giờ là nhân sự mảng Tài chính kế toán. Các nhân sự được chị tuyển đều gặp các sự cố bất ngờ về sức khỏe, gia đình… nên không kịp bàn giao công việc, việc tuyển nhân sự mới phù hợp lại khó khăn. Có lúc, chị dùng chính sự phiêu linh của mình để tính toán và định hướng.
Song song với việc kinh doanh khách sạn Santa, chị vẫn chạy mảng truyền thông (làm PR cho tất cả các khách hàng cần đến chị) để có tiền ngay. Bên cạnh đó, chị và anh bạn đồng sáng lập còn làm quản lý thuê cho nhiều khách sạn khác với mức lương 50 – 70 triệu đồng/tháng để xoay tiền cho mảng khách sạn và trả lương nhân viên. Thời điểm khó khăn, chị và người bạn đồng hành làm việc không có lương. 
Ngay từ đầu, chị đã xác định đối tượng cho thuê là khách nước ngoài. Nhờ có dịch vụ tốt, không gian khách sạn được thiết kế ấm cúng như gia đình, nhiều khách Nhật đã đến thuê và giới thiệu khách khác đến. Tỷ lệ khách Nhật ở tại khách sạn của chị là 80%  và tỷ lệ khách nước ngoài  là 95%. Vì thế, sau khi khai trương được một năm, khách sạn của chị đã trả hết tiền đầu tư và có doanh thu. Năm 2011 vừa qua, mặc dù bất động sản trầm lắng nhưng doanh thu của công ty chị tăng trưởng 20% so với năm 2010, trung bình tỷ lệ khách thuê phòng đạt gần full (90%).
Những vị khách nước ngoài rất thoải mái và vui vẻ khi ở tại khách sạn Santa
Không dừng ở đó, năm 2011, chị tiếp tục đầu tư khách sạn thứ hai với số vốn 5 tỷ đồng trên phố Triệu Việt Vương để đáp ứng những đoàn khách lớn hơn. Hiện nay khách sạn Santa 2 mới khai trương nhưng số lượng phòng đặt trước đã đạt 80% và 2 căn hộ đã được bán. Chị Dương cho biết: “Do đã vận hành khách sạn Santa 1 có kinh nghiệm và quy trình bài bản nên khách sạn Santa 2 đi vào hoạt động cũng thuận lợi hơn so với trước”. Dự định của chị trong thời gian tới là sẽ kinh doanh một chuỗi khách sạn tại các tỉnh thành trên cả nước. Kế hoạch năm 2012 là chị sẽ triển khai mở khách sạn tại Đà Nẵng, TP. HCM…
Khi tôi hỏi về mảng truyền thông sẽ phát triển như thế nào, chị chia sẻ: “Mảng truyền thông, chị sẽ làm chuyên sâu cho các khách hàng bất động sản, nhà hàng, khách sạn chứ không làm cho nhiều đối tượng như trước. Đây là mảng mình có thế mạnh nhất vì đã và đang kinh doanh nên tư vấn cho khách hàng sẽ thực tế, hiệu quả mà không tốn kém”.
Cuộc sống đời thường của nữ doanh nhân
Việc kinh doanh của chị đã có nhiều khởi sắc so với những ngày đầu loay hoay nhưng chị chưa thấy đó là thành công. Chị chỉ tự nhận mình là người thích làm việc, cứ làm việc là thấy vui và không thấy mệt. “Tâm thế này, chị có từ khi còn làm việc ở Viện nhi, chị cảm thấy cứ có một khát khao cháy bỏng được làm việc, đơn giản thế thôi”, chị Dương tâm sự. Và với chị, thành công có được ngày hôm nay là công sức chung của những người cộng sự có cùng đam mê, chí hướng và đồng cam cộng khổ bởi lẽ chị quan niệm:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Hàng ngày, chị dậy từ 5 giờ sáng, ngồi bật máy tính để nghĩ và tính toán các công việc. Chị bảo: “Có lẽ kinh doanh là nghiệp của chị”. Và khi đã làm kinh doanh thì làm chuẩn và chỉnh, coi công ty như là đứa con đẻ của mình và chăm sóc cho nó. Trong những năm kinh tế khó khăn như hiện nay, muốn kinh doanh bền vững thì doanh nghiệp phải có cam kết cao và chủ doanh nghiệp phải có đam mê cháy bỏng. Không chỉ có thế, với chị kinh doanh không phải là để giàu, để kiếm nhiều tiền mà làm kinh doanh và trở thành doanh nhân vì những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng nhờ những trải nghiệm, nhờ nền kiến thức có được.
Hiện tại, chị tham gia Hiệp hội nữ doanh nhân (HNEW) và tích cực với công tác từ thiện, giúp đỡ phụ nữ khó khăn và trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. Năm 2011, chị đã cùng với chị em HNEW đến Mường nhé Điện Biên khảo sát để xây dựng trường Nacosa với kinh phí 140 triệu đồng, dự kiến ngôi trường sẽ được hoàn thành trong năm 2012 này. Hàng năm vào ngày 29 Tết âm lịch chị cùng HNEW đến Viện Nhi TƯ để phát quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Lần nào cũng vậy, chị cho con trai lớn đi cùng để cháu biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, chị còn có một tổ ấm hạnh phúc bên chồng cùng ba con, hai con trai và một con gái. Chồng chị cũng có sự nghiệp kinh doanh riêng nhưng vẫn luôn ủng hộ, chia sẻ với vợ trong công việc. Chị chia sẻ thêm: “Buổi tối chị thường đi làm về muộn nhưng vẫn dành thời gian dạy các con học bài và đạt kết quả cao. Con trai lớn của chị biết mẹ vất vả nên rất tự lập, biết nấu cơm và tự chế biến bữa ăn trưa. Nhà chị không thuê giúp việc”. Không những thế, con trai lớn của chị 3 năm đạt giải Nhất cuộc thi Piano không chuyên Thành phố Hà Nội.
Tổ ấm hạnh phúc của chị Dương
Kết thúc cuộc nói chuyện với chị Phạm Thùy Dương sau những câu chuyện ngoài lề khác về gia đình, con cái, hành xử… , tôi cảm nhận được một dòng năng lượng mạnh mẽ tỏa ra từ bên trong chị. Điều đó lý giải tại sao chị đã dám bước qua “vùng an toàn” của một viên chức nhà nước ổn định trở thành nữ doanh nhân thành đạt. 
Chị Phạm Thùy Dương nhận Cup Bông hồng vàng thủ đô








 
Nguồn: Hoclamgiau.vn
Flag Counter