Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Làm sao đưa website lên top đầu Google?


..."Những người tìm kiếm trên Google phần lớn có nhu cầu thực sự. Phải làm sao để khách hàng tìm thấy chúng ta? Điều đó đòi hỏi mỗi chủ doanh nghiệp phải tư duy khác"...
Ông Nguyễn Trọng Thơ, CEO iNet Corp
Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft từng nói: “Trong một vài năm nữa, bạn chỉ có hai lựa chọn: một là kinh doanh cùng internet, hoặc không nên kinh doanh nữa”. Quả nhiên, sức mạnh của nền kinh tế số vô cùng mạnh mẽ. Nếu trước đây, giới doanh nhân phải mất vài thập kỷ để nếm vị ngọt thương trường, thì những cái tên Google, Facebook, Yahoo, Youtube,… hiện nay thống trị thế giới với tuổi đời rất trẻ.

Internet giúp thành công nhanh mà không cần vốn. Thế giới có những tấm gương giàu lên nhanh chóng nhờ internet, nhưng lại có nhiều người không thực sự thành công. Trung bình, có vài nghìn website xuất hiện trên internet mỗi ngày, nhưng tại sao chỉ có một vài trang web đem lại hiệu quả cho người sử dụng? 

Trong quá trình gặp gỡ, làm việc với nhiều người kinh doanh trên internet, ông Nguyễn Trọng Thơ, CEO iNet Corp, chuyên gia có 10 năm làm việc trong lĩnh vực internet marketing đã tìm ra những vấn đề của các doanh nghiệp (DN). Ông cho biết: “Nếu mất tiền vào internet mà vẫn không làm ăn có lãi, chứng tỏ bạn đang đi sai cách. Những người tìm kiếm trên Google phần lớn là những người có nhu cầu thực sự. Phải làm sao để khách hàng tìm thấy chúng ta. Một nguyên tắc trong kinh doanh là: Nếu kinh doanh truyền thống, bạn phải đi tìm khách hàng; kinh doanh trên internet, khách hàng tự tìm đến bạn. Điều đó đòi hỏi mỗi chủ doanh nghiệp phải tư duy khác, phải thay đổi”.

“Một trong những nguyên do khiến công việc kinh doanh của bạn chưa thực sự thành công là do website của bạn không xuất hiện khi khách hàng cần. “Thượng đế” không tìm thấy bạn làm sao bạn bán được hàng? Cũng có trường hợp khách hàng có nhìn thấy website của DN trên Google nhưng khi kích vào, trang web rối rắm và không trưng ra sản phẩm mình cần. Kết quả là họ chán nản bỏ đi”, ông Thơ khẳng định.

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tiết lộ một số phương thức giúp các chủ doanh nghiệp đưa trang web lên top đầu Google, trang web tìm kiếm mạnh nhất hiện nay thông qua phương pháp SEO.

SEO là gì? 

SEO (search engine optimization) tối ưu hóa nội dung trên trang web DN cũng như nội dung bên ngoài website để có thứ hạng cao trên Google. Mục tiêu của SEO là đưa website lên trang đầu Google. SEO được xem là công cụ số 1 hiện nay, “thỏi nam châm” hút khách hàng về phía mình.

Tại sao SEO web lại quan trọng?

Điều thú vị nhất khi làm SEO là khách hàng sẽ tự tìm đến mình. Bạn không phải rượt theo khách hàng như kinh doanh truyền thống, mà những người có nhu cầu sẽ tự tìm đến bạn. Quá trình làm SEO mang đến hiệu quả lâu dài. Một người làm SEO thông thường có thể mất từ 1-3 tháng, nhưng nếu hiểu Google và làm theo cách Google muốn có thể hiệu quả diễn ra chưa đến 1 tháng, thậm chí chỉ 1-2 tuần. Điều quan trọng là miễn phí. DN có khách hàng mà không cần phải trả tiền cho ai cả, cũng không cần trả tiền cho Google.

Theo thống kê từ công ty ông Thơ, 48% khách hàng đến từ Google. Tất nhiên, ngoài Google, các công ty nên dùng một số công cụ khác như mạng xã hội, mobile,…  Nếu biết cách “bao vây” từ khóa, chiếm được hết những vị trí quan trọng, cơ hội có được lượng khách hàng rất lớn. Thông thường, trong những đơn hàng công ty ông Thơ chốt sales được, 60% đơn hàng đến từ Google. 

Khi đứng trên top đầu Google mà không phải trả tiền, đó là lúc DN khẳng định được thương hiệu của mình. 

Có hai cách đưa website lên trang đầu Google. Cách thứ nhất là trả tiền cho Google. Trong vòng 5 phút sau khi đã thanh toán cho Google một khoản, website DN sẽ lập tức được trưng lên trang nhất của “gã khổng lồ” tìm kiếm. Cách hai là đưa website lên trang đầu Google mà không cần trả tiền cho Google thông qua SEO.

Thông thường trong kinh doanh, muốn có chiến lược lâu dài và bền vững DN nên biết làm SEO. DN chỉ nên trả tiền cho Google trong trường hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá yêu cầu cần gấp rút loan báo. Tuy nhiên, nếu chưa xây dựng nội dung website hấp dẫn, cho dù DN có trả tiền Google cả năm trời vẫn chưa có thứ hạng.

Cách thức SEO

1. Sử dụng công cụ “keyword tool”

Tìm kiếm trên Google cụm từ “Keyword tool” (công cụ tìm từ khóa) và bấm vào kết quả đầu tiên. Ở trang này, bạn nhập từ khóa mong muốn vào trang tìm kiếm, Google sẽ thống kê từ khóa đó có bao nhiêu người tìm kiếm trong tháng, cho thấy nhu cầu thị trường cao hay thấp. Google cũng đưa ra loạt từ khóa liên quan mà khách hàng hay tìm kiếm để DN đối chiếu. Sau khi nghiên cứu những từ khóa này, DN phải tìm cho mình ít nhất một từ khóa có thứ hạng cao. Ban đầu, người làm SEO chỉ nên tập trung vào một từ khóa 

2. Nguyên tắc SEO: “Nội dung là vua, link là hoàng hậu”

Khi nói đến SEO, nhiều người nghĩ ngay đến việc SEO website, tức là đưa trang web DN lên trang đầu Google. Nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu chỉ tập trung SEO trang web, bạn sẽ mất khoảng 40% khách hàng vì khách hàng không đi tìm website, mà tìm kiếm sản phẩm. Do vậy, khi SEO, bạn không chỉ tập trung SEO website, mà SEO cả video để đứng đầu trên Youtube, trang chứa video số 1 hiện nay, cũng như trên Google. Khi có thứ hạng cao trên Google, video sẽ có thứ hạng cao trên Youtube. Thứ hai, DN cần lưu ý SEO hình ảnh, bản đồ kèm địa chỉ và số điện thoại công ty. Khi đó, khách hàng có thể không cần vào website mà đến thẳng địa chỉ DN để mua hàng. 

Google sắp xếp thứ hạng của từng nội dung (ảnh, video, bản đồ, trang web) dựa trên giá trị của trang web đó. Giá trị trang web bằng giá trị nội dung cộng với sự nổi tiếng của nội dung đó. Trên internet, Google chính là giám khảo, người bình chọn là trang web. Như vậy, công việc đầu tiên DN phải chọn được từ khóa, đưa từ khóa vào trong nội dung trang web càng nhiều càng tốt, nhưng phải khéo léo đưa vào bài viết sao cho từ khóa xuất hiện nhiều nhất trên website của mình. Sau khi đã đăng tải bài viết, người làm SEO cần đến các trang web khác đặt đường link về trang web của mình. Đây chính là “phiếu bầu” của những trang web khác cho trang web của mình. Có một nguyên tắc là nội dung, trang web nào có càng nhiều liên kết từ bên ngoài, nội dung trang web đó có thứ hạng càng cao. Đó là lý do tại sao nhiều người hay đăng bài rao vặt, tham gia vào các diễn đàn, đặt đường link ngược trở về trang nhà để có thứ hạng cao trên Google. 

Để video và ảnh có thứ hạng cao, DN cần đưa từ khóa vào trong nội dung. Với ảnh, cần đưa nội dung vào tên file ảnh (chứa từ khóa). Ngoài ra, trong file ảnh còn có phần mô tả nội dung, hãy nhập nội dung vào. Người làm SEO ví “Nội dung là vua, đường link là hoàng hậu” (content is key, link is queen).

3. Đo lường hiệu quả bằng Google Analytics

Khi đưa website lên Google và có một lượng khách hàng nhất định, điều quan trọng DN phải biết có bao nhiêu khách hàng vào website của mình, khách hàng đến từ đâu. Nếu làm nhiều công cụ cùng một lúc, DN phải bao nhiêu người đến từ Google, số lượng khách đến từ các website khác. Thứ hai, phải xem khách hàng quan tâm đến sản phẩm gì để biết thị hiếu của họ. Công cụ Google Analytics (đo lường hiệu quả) sẽ giúp DN kiểm tra các con số, từ đó chuẩn bị lực lượng sales tiếp cận phù hợp. 

Trong quá trình làm SEO, DN nên kết hợp các công cụ miễn phí và phải trả phí để có thứ hạng cao và mang lại hiệu quả kinh doanh nhanh nhất. 

Tân Hoa
Theo TTVN

Những điều doanh nghiệp “ảo tưởng” họ làm tốt hơn khách hàng


Nhiều công ty thường có xu hướng coi khách hàng đơn thuần là đối tượng nghiên cứu, từ đó phân tích, điều tra nhằm chinh phục họ. Vì quan niệm sai lầm này, các doanh nghiệp đang lãng phí một nguồn sức mạnh rất lớn.
Rất nhiều doanh nghiệp đang “ảo tưởng” rằng khách hàng chỉ làm được một điều quan trọng duy nhất: mua sản phẩm và dịch vụ của họ. Tuy nhiên, giờ là thời điểm thích hợp để nghiêm túc xem lại giả định đó. Hiện nay, ngày càng nhiều công ty đang nâng tầm nhìn và coi khách hàng là nguồn nhiên liệu quan trọng cho “động cơ tăng trưởng” của mình.

Lấy ví dụ như Facebook hiện đang có tới 1 tỷ khách hàng “miễn phí” nhưng vẫn được định giá lên tới 50 tỷ USD (thậm chí là hơn), mặc dù họ chỉ có 3000 nhân sự. 50 tỷ USD này được ước lượng dựa trên những giá trị tiềm tàng mà đội ngũ khách hàng này có thể mang lại trong tương lai, chứ không phải hiện tại. Tóm gọn, Facebook cùng những công ty có suy nghĩ tiên phong khác đã nhắm tới khách hàng với mục tiêu phát triển công việc kinh doanh một cách bền vững.

Tuy nhiên, điều này không phải thứ gì đó quá xuất chúng. Thực chất, với những cá nhân khởi nghiệp như Mark Zuckerberg và Marc Benioff (của Saleforce.com), đơn giả là họ đã nhận ra và hành động hợp lý dựa theo những quy luật của khách hàng, cũng như mong ước và khả năng của họ. Zuckerberg và Benioff là 2 trong nhiều CEO đã tìm cách nâng bổng những giá trị này lên, hơn là luôn xếp mình ở vị trí trên cao so với khách hàng, giống như nhiều doanh nghiệp khác đã làm.

Khách hàng hiểu hiểu rõ về nhau hơn bạn hiểu về họ.

Đây chính là nguồn gốc giải thích cho sự thành công của Facebook. Mọi công ty truyền thống đều mong muốn và cố gắng tạo ra những luồng thông tin như Facebook đã tạo: dữ liệu thời gian thực về những bộ phim mọi người đang xem, nơi họ đang du lịch, cuốn sách họ đang đọc, nhà hàng họ đang thưởng thức,……Tuy nhiên, thay vì thực hiện những cuộc nghiên cứu tốn kém mà các doanh nghiệp thường thực hiện, Facebook đã tập trung vào việc để cho các khách hàng tự cung cấp thông tin cho nhau.
 
Westlaw, hãng chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn luật cho chính các công ty luật đã nhận ra rằng: Các khách hàng của họ luôn muốn biết các dịch vụ mình cung cấp, cũng như thị phần của hãng đang cao hay thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Do vậy, Westlaw đã tạo ra WestPeerMoniter, bộ phận chuyên tập trung các dữ liệu “ẩn danh” về tình hình tài chính cũng như hiệu quả hoạt động của các công ty. Nguồn thông tin này được cung cấp chính từ những khách hàng tham gia vào hệ thống và WestPeerMoniter đã trở thành một hoạt động kinh doanh hứa hẹn mang lại lợi nhuận rất hấp dẫn.

Khách hàng đáng tin cậy hơn bạn

Điều đó có nghĩa: Họ trở thành những nhân viên marketing xuất sắc cho doanh nghiệp, hơn cả các đại lý hay nhân viên nội bộ. Lấy ví dụ như hãng SAS Canada đã gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc giữ chân khách hàng cách đây vài năm. Điều này thực sự là nỗi thất vọng nặng nề cho những nhà điều hành hãng khi mà phần mềm SAS luôn bắt kịp nhanh chóng nhu cầu khách hàng. Vấn đề ở chỗ, khách hàng không hề nhận ra sự “nhạy bén” đó.

Một nhóm nhân viên trong SAS, dẫn đầu bởi Wally Thiessen, đã thấy rằng sẽ thật vô ích nếu SAS cố tự thân cải thiện tình trạng này, thay vào đó, họ lập nên một nhóm gồm 250 khách hàng “ưu tú” nhất để tạo nên sự thay đổi. Với sự trợ giúp của Thiessen và cộng sự, những khách hàng này đã tổ chức những sự kiện đều đặn trên 20 thành phố lớn, tự lập chương trình làm việc, tự chọn người phát ngôn (và diễn thuyết), sau đó duy trì sự kết nối thông qua các diễn đàn online và thư điện tử. Ánh sáng đã trở lại: Tỷ lệ giữ chân khách hàng đã ngược bật lên một cách đầy ấn tượng!

Khách hàng có sức thuyết phục hơn bạn

Điều này đồng nghĩa với: họ là những nhân viên sales rất tài giỏi, Marc Benioff đã nhận ra thực tế trên ngay từ những ngày đầu xây dựng Saleforce.com. Với việc không có những ngân sách trị giá hàng tỷ USD như các đối thủ (Oracle hay Sap), Marc đã phụ thuộc phần lớn vào những cuộc gặp mặt trực tiếp với các khách hàng tiềm năng, tại các thành phố lớn.


Điều đáng ngạc nhiên là trong những sự kiện gặp mặt đó, những cá nhân tiềm năng này lại có xu hướng ưa thích nói chuyện với các khách hàng hiện tại của Saleforce, hơn là với chính Marc hay ban lãnh đạo. Và một điều tuyệt vời là 80% trong số người tiêu dùng tương lai đã thực sự trở thành khách hàng sau khi tham gia những buổi gặp gỡ như vậy, một tỷ lệ đáng mơ ước. Và khác với các nhân viên sales, lực lượng sales “đặc biêt” này của Saleforce chẳng cần bất cứ sự huấn luyện nào cả.

Khách hàng thấu hiểu những nhu cầu của người mua tốt hơn bạn

Một trong những lầm tưởng vẫn đang phổ biến ngày nay chính là việc khách hàng thường không thể “chỉ rõ” những nhu cầu của họ, cũng như thường đóng góp ít ý tưởng về việc cải thiện sản phẩm nhằm thoả mãn chính họ. Một hãng nghiên cứu có uy tín đã chỉ ra phần lớn những cuộc cách tân sáng tạo thành công, đều có nguồn gốc phát xuất từ chính khách hàng. Một cuộc điều tra dựa trên 1193 cuộc cải tiến thành công trong lĩnh vực thương mại trong 9 ngành công nghiệp đã chỉ ra có tới 737 (60%) thành tựu đến từ người tiêu dùng.

Bộ phận chuyên trách mảng thị trường công nghệ phẫu thuật của hãng 3M đã từng đưa ra một dự án mang tính chất quyết định vào những năm 90 nhằm thoát khỏi những thành tích đáng buồn trong công cuộc đổi mới trước đó. Một nhóm đã được thành lập với mục tiêu bỏ qua quy trình sáng tạo trong nội bộ và chỉ tập trung vào những ý tưởng của các khách hàng nổi bật trên thị trường.


Khi so sánh kết quả thu được từ 2 nhóm, sự khác biệt thật đáng kinh ngạc: Những thành tựu đạt được từ ý tưởng của nhóm người tiêu dùng đã thu về doanh số tới 146 triệu USD, trong khi những thành quả cải tiến từ nội bộ công ty chỉ mang lại vỏn vẹn 18 triệu USD !

Thông điệp đã quá rõ ràng, sức mạnh đám đông, sức mạnh từ người bên ngoài luôn chiếm ưu thế. Vấn đề chỉ là làm sao để nhiều công ty nắm vững được “chân lý” này hơn, cũng như vận dụng để thu được nguồn chất xám quý báu của khách hàng.

Những khách hàng tiềm năng có xu hướng liên kết với bạn bè của họ nhiều hơn là với bạn

Theo tự nhiên, phần lớn chúng ta cảm thấy “an toàn” và thoải mái hơn khi kết nối với bạn bè, người thân nhằm chia sẻ thông tin nào đó. Các doanh nghiệp thực sự muốn xây dựng những mối kết nối trực tiếp với khách hàng, nhưng đôi khi những hành động thái quá lại gây tác dụng ngược.

Lấy ví dụ từ cộng động BeingGirl của Procter & Gamble dành cho những bạn gái tuổi thiếu niên. Cộng đồng này vốn được khởi phát nhằm quáng bá dòng sản phẩm cho phụ nữ, lý do vì nhũng quảng cáo qua TV, báo in, tuy thực sự thân thiện và nhã nhặn, nhưng vẫn khiến người xem…phải ngượng. Nhận ra điều đó, P&G đã thuê về những chuyên gia để xây dựng nội dung và kết quả là mọt diễn đàn đã ra đời, chuyên dành cho các bạn nữ chia sẻ với nhau về các vấn đề, khó khăn trong quá trình trở thành một người thiếu nữ.


Với sự kín đáo, tế nhị, những cô gái từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia diễn đàn để thảo luận chia sẻ, và nhờ đó P&G có thể marketing sản phẩm của mình hiệu quả hơn bao giờ hết. Quy luật hành vi của con người là thế, luôn tin tưởng nguồn thông tin từ những người “có nhiều điểm chung” với mình, hơn là từ một bên thứ 3.

Hãy ghi nhớ, có rất nhiều thứ khách hàng làm tốt hơn bạn ! Đừng áp đặt những đánh giá chủ quan của mình rằng khách hàng chỉ biết một việc duy nhất: “móc hầu bao”. Hãy tìm cách thu lấy những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ của họ nhằm đưa doanh thu và sự sáng tạo trong doanh nghiệp lên một tầm cao mới.
Thái Dương
Theo TTVN/Foxbusiness, Hbr
Flag Counter