Những năm gần đây, thị trường
sản xuất tại khu vực phía Nam bắt đầu chú ý đến một thương hiệu mới
nhưng đã được các tên tuổi lớn như: P&G, Pepsico, Nestlé, Vinamilk,
Colgate... chấp nhận. Đó là Công ty New Ocean chuyên cung cấp giải pháp
kỹ thuật, phần mềm ngành tự động hóa mà giám đốc chỉ mới ngoài 30 tuổi.
Sinh
ra trong một gia đình nhà giáo tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang,
Trương Triều Thuận hiếu học từ thuở nhỏ. Mới bốn tuổi mà Thuận đã được
vào học lớp Một. Ban đầu thấy con thích học, sẵn là giáo viên nên ba
Thuận gởi Thuận vào lớp Một học “chơi” thay vì đi mẫu giáo.
Kết quả cuối năm Thuận đạt loại
khá, nhà trường chấp thuận cho lên lớp Hai với điều kiện phải đạt loại
giỏi cuối năm, nếu không thì xuống lại lớp Một.
Điều
này là động lực giúp Thuận luôn giữ vị trí học sinh xuất sắc của lớp,
và ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở, Thuận đã chứng tỏ sức
học của mình không hề thua kém người hơn tuổi, bởi học sinh bắt buộc
phải đạt điểm thi loại giỏi mới được xếp học lớp Mười.
Đam
mê điện tử và ước mơ trở thành kỹ sư, năm 1995, khi vừa tròn 16 tuổi,
Thuận đăng ký dự thi vào khoa Điện - Điện tử, ngành tự động hóa Trường
Đại học Bách khoa TP.HCM và trúng tuyển.
Có
lẽ Thuận là “sinh viên thiếu tuổi” đầu tiên của trường nên được thầy,
cô đặc biệt chú ý. Năm thứ hai đại học, Thuận được bố trí vào phòng thí
nghiệm, từ đây niềm đam mê được thắp sáng, tạo tiền đề cho những ước mơ
sau này.
Tốt nghiệp năm 2000, Thuận
làm việc tại các công ty nước ngoài chuyên ngành tự động hóa và được cử
đi học chuyên sâu nhiều năm ở Hà Lan.
“Việc
được đào tạo, học tập ở nước ngoài, đặc biệt là những nước có ngành tự
động hóa phát triển, đã giúp tôi nâng cao tay nghề cũng như hiện đại hóa
cung cách quản lý để đạt hiệu quả, giúp tôi thành công trong việc điều
hành công ty của riêng mình sau này”, Thuận chia sẻ.
Thuận
cho biết, tự động hóa không có nghĩa là thay thế sức lao động, mà là
giúp cho nhà sản xuất hiểu biết về hiệu quả sử dụng thiết bị, sự tiêu
hao năng lượng cũng như xác định chính xác tỷ lệ hao hụt sản phẩm của
dây chuyền sản xuất để từ đó đưa ra cơ chế điều phối phù hợp, tiết giảm
chi phí cho doanh nghiệp (DN).
Thiết
bị ngành tự động hóa ở Việt Nam trước đây đều do các công ty nước ngoài
cung cấp, chủ yếu là Thái Lan, Philippines và Mỹ. Điều này đã gây bất
tiện cho phía DN Việt Nam vì khi máy móc hỏng hóc, DN phải tạm ngưng sản
xuất, chờ nước ngoài cử nhân viên sang bảo hành, giúp khắc phục sự cố,
gây lãng phí vì rất mất thời gian.
Dây chuyền tự động hóa được New Ocean thực hiện tại P&G |
Hơn nữa, giá dịch vụ cũng rất
cao, làm tăng giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh với các nước trong khu
vực. “Khi New Ocean ra đời, chúng tôi chủ động ký hợp đồng làm đối tác
chiến lược với các công ty đa quốc gia, cung cấp sản phẩm cho ngành tự
động hóa.
Điều này đã hỗ trợ chúng
tôi rất nhiều trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư, đồng thời được phép khai
thác khách hàng toàn cầu dưới danh nghĩa đối tác của các công ty như:
Rockwell Automation, Cognex (Mỹ) và ABB Robotics (Thụy Sĩ)”, Thuận tâm
đắc.
Và điều này được chứng minh bằng
hợp đồng trị giá 4 tỷ đồng ký với Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ (Phú Mỹ, Bà
Rịa - Vũng Tàu). Đây là lần đầu tiên một DN Việt Nam đảm nhiệm phần
thiết bị tự động hóa cho nhà máy.
Theo
đó, New Ocean lắp đặt hai hệ thống (một vận hành, một dự phòng) tự động
hóa theo cơ chế song song cùng lúc. Trong quá trình vận hành, dù có xảy
ra bất cứ sự cố nào, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, không dừng đột
ngột.
Trước đây, Nhà máy Nhiệt điện
Phú Mỹ luôn gặp các lỗi thông thường như rác, tạp chất chưa được thanh
lọc hết theo nguồn nước được đưa vào để làm mát tua-bin, nên hệ thống
vận hành phải tạm dừng để xử lý, làm thiệt hại cho Nhà máy khoảng hai
trăm ngàn USD/lần (là số tiền phạt phải nộp cho Tập đoàn Điện lực do
ngưng cung cấp điện đột ngột).
Thông
thường, hằng năm sự cố này xảy ra từ 4 - 5 lần, gây thiệt hại đáng kể.
Sau khi lắp đặt song song hai hệ thống, nếu xảy ra sự cố ở hệ thống vận
hành, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, bởi hệ thống tự động dự phòng
sẽ được khởi động.
Sau đó tổ bảo trì
sẽ kiểm tra, phát hiện ngay lỗi xuất phát từ đâu và tiến hành xử lý, đảm
bảo an toàn trong quá trình vận hành hai hệ thống một cách xuyên suốt,
tránh thiệt hại một cách hiệu quả.
Nhận
định về tình hình sử dụng quy trình tự động hóa tại Việt Nam hiện nay,
Thuận cho rằng các DN chưa quan tâm đúng mức, do “ngán ngại” giá thành
cũng như chưa am hiểu giá trị của nó. Chỉ những tập đoàn sản xuất có
thương hiệu mới áp dụng.
Các DN nhỏ
và vừa ít có cơ hội biết đến, hoặc nếu có biết thì chỉ biết các nhà cung
cấp thiết bị ngoại nhập, nên phí dịch vụ đối với giải pháp tự động hóa
cũng “ngoại nhập”, rất tốn kém.
Đối
với lĩnh vực sản xuất thuộc ngành dược, vấn đề sử dụng quy trình tự động
hóa rất quan trọng, vì sẽ giúp đạt được các tiêu chuẩn của FDA (Cục
Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), tiêu chuẩn GPM (tiêu chuẩn quốc tế
về quy trình sản xuất dược).
“Nhiều
nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam tìm kiếm đối tác gia công sản xuất
ngành dược đều tỏ ra thất vọng bởi nhiều DN trong nước thiếu ứng dụng
trong tự động hóa. Điều này đã làm mất đi cơ hội cho bản thân DN cũng
như cho sự nghiệp phát triển kinh tế tại địa phương”, Thuận nuối tiếc.
Hiện
New Ocean đang cung cấp giải pháp, dịch vụ tự động hóa toàn phần cho
Công ty STADA tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Bình Dương
chuyên sản xuất dược phẩm xuất sang thị trường châu Âu, cũng như cho các
DN sản xuất thuộc ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm...
Và
Thuận, một doanh nhân trẻ năng động, đam mê nghề, đã được các DN tên
tuổi tại thị trường Việt Nam đón nhận như một đại diện ưu tú của giới
trẻ.
Theo: doanhnhansaigon