Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Đại gia đi lên từ lĩnh vực thức ăn gia súc


Nếu như đã không ít doanh nhân khởi nghiệp thành đạt từ các lĩnh vực điện tử, tin học, sản xuất hàng may mặc, viễn thông... thì Liu Yong Hao - một doanh nhân tài năng của Trung Quốc, lại đi lên từ lĩnh vực thức ăn gia súc.

Được biết đến là một trong những doanh nhân tài năng hàng đầu của Trung Quốc hiện nay, ngay từ những năm đầu tiên khi Đặng Tiểu Bình khởi động chính sách cho phép thành phần kinh tế tư nhân hoạt động, Liu Yong Hao đã ngay lập tức, cùng với gia đình thành lập nên Hope Group - cơ sở cung cấp thức ăn gia súc lớn nhất tại miền Tây Nam Trung Quốc.

Hope Group không ngừng đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Và Liu Yong Hao đã được bầu chọn là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với số tài sản hiện có lên tới 1,12 tỷ USD.

Xuất thân từ một gia đình nông dân

Quê hương của Liu Yong Hao, một vùng đất khô cằn, cuộc sống của những người nông dân rất vất vả. Cuộc sống của Liu Yong Hao cũng vậy, nhưng cùng với những thay đổi của xã hội, sự cố gắng học tập, lao động không biết mệt mỏi đã đưa Liu Yong Hao đến thành công ngày hôm nay. Liu Yong Hao đã trở thành Chủ tịch của New Hope Group, một trong những công ty tư nhân lớn nhất của Trung Quốc.

Nhìn lại những thăng trầm đã qua, sự nghiệp của Liu Yong Hao là một câu chuyện kể đáng kinh ngạc về tính kiên trì vượt khó. Mặc dù là một sinh viên học tập đạt kết quả tốt nhưng trong thời điểm cuộc Cách mạng Văn hoá diễn ra, tương lai của Liu Yong Hao cũng không mấy sáng sủa.

Sau khi học xong trung học, Liu Yong Hao đã phải ở nhà 3 năm cùng gia đình lao động chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Thời gian sau đó, Liu đã được nhận vào học trường Quản lý cán bộ công nghiệp Tứ Xuyên theo chương trình đào tạo sinh viên và công nhân cho các xí nghiệp quốc doanh. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp, nhờ kết quả học tập tốt, ông đã được trường giữ lại làm giáo viên với mức thu nhập tương đương 4,60 USD/tháng.

Không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, năm 1980, nhận thấy cơ hội kinh doanh đã đến, Liu Yong Hao quyết định cùng gia đình thành lập Công ty Tư nhân Hope Group - với số vốn ban đầu là 120 USD. Khi nhớ lại thời điểm đó, Liu Yong Hao đã cho biết “Tôi nhận thấy thời đại mới của Trung Quốc đã bắt đầu, vì vậy tôi phải nắm lấy cơ hội này”.

Xã hội vừa bước ra khỏi cuộc cách mạng Văn Hoá, bước khởi đầu của Liu Yong Hao trong lĩnh vực kinh tế tư nhân thực sự là gian nan. Từ những suy nghĩ không đúng đắn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người về kinh tế tư nhân đã tạo ra những rào cản không nhỏ cho Liu Yong Hao ngay từ vấn đề vay vốn đến việc ký kết các hợp đồng kinh doanh cho công ty.

Đây là thời điểm khó khăn nhất đối với Liu Yong Hao vì các hoạt động kinh doanh của công ty chỉ bó hẹp trong thị trường miền Tây Trung Quốc, không thể tiến ra các thị trường khác.

Để giải tìm cách tháo gỡ khó khăn, qua nghiên cứu thị trường, Liu đã hướng công ty vào tập trung khai thác thị trường thức ăn gia súc và thực phẩm vì trong thời điểm đó, mức sống của người dân đã được nâng lên, nhiều người dân đã có điều kiện mua thực phẩm chất lượng cao.

Cùng gia đình xây dựng thành công thương hiệu “Hy vọng”

Mới chỉ chính thức bước vào hoạt động được trong vòng 6 năm, Hope Groupe đã có được nguồn vốn khá lớn, tổng số vốn đầu tư vào công ty đã là 10 triệu Nhân dân tệ (1,2 triệu USD). Trong những năm đầu, công ty tập trung vào kinh doanh mặt hàng trứng gà và đã thu được nhiều thành công.

Những thành công của công ty nhà Liu Yong Hao đã thu hút được sự chú ý và học tập của những người khác. Rất nhiều người đã áp dụng mô hình kinh doanh của Hope Group nên thị trường tiêu thụ trước đây của công ty đã dần bị bão hoà, sản phẩm bán ra ngày càng chậm, do đó công ty đã gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn này của công ty lại chính là thời điểm mà khả năng đánh giá thị trường và sự sáng tạo trong kinh doanh của Liu Yong Hao có điều kiện phát huy.

Qua đánh giá, Liu thấy rằng, rất nhiều nông dân ở vùng Tứ Xuyên đang chăn nuôi với một số lượng lớn lợn thịt lên tới 70 triệu con mỗi năm, nhưng nguồn thức ăn chủ yếu lại chỉ rất đơn giản từ rau và cám thường nên ít chất dinh dưỡng, hiệu quả không cao. Xác đinh đây là cơ hội kinh doanh tốt mà công ty có thể khai thác, Liu Yong Hao đã quyết định bước vào kinh doanh thức ăn cho gia súc.

Liu Yong Hao vẫn duy trì hoạt động bán trứng gà, thực phẩm, đồng thời đưa vào chế biến và cung cấp các loại thức ăn gia súc. Tiến vào thị trường này, công ty của Liu Yong Hao phải cạnh tranh với Công ty Charoen Pokphand - Thái Lan. Đây là công ty đang thống lĩnh thị trường thức ăn gia súc ở hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc bao gồm cả Tứ Xuyên.

Dựa trên ưu thế về khả năng hiểu và khai thác nhu cầu của thị trường địa phương nơi mình sinh ra và lớn lên, cộng thêm nguồn tài chính khá mạnh, nên Liu Yong Hao đã tập trung vào cạnh tranh về giá với sản phẩm của Công ty Charoen Pokphand. Nhờ đó, tới tháng 3 năm 1990, sản lượng bán ra hàng tháng của Hope Group đã tăng lên con số 4.500 tấn, gấp 3 lần so với sản lượng bán ra của Charoen Pokphand tại Tứ Xuyên.

Sau khi đã giành được thị trường, Liu Yong Hao quyết định mua lại một số công ty nhà nước chuyên cung cấp thức ăn và sữa đang trên bờ vực phá sản để khôi phục và mở rộng sản xuất. Chính nhờ vậy mà các hoạt động của Hope Group đã đi vào hệ thống, quy trình quản lý đã được mở rộng. Hiện nay số nhân công làm việc cho công ty đã lên tới 10.000 người và hơn 90 chi nhánh của công ty đã hoạt động rải khắp các tỉnh thành Trung Quốc.

Để tạo đầu ra cho các sản phẩm của công ty, Liu Yong Hao không chỉ cho tiến hành chế biến và phân phối thức ăn cho gia súc, mà còn quyết tâm thực hiện các dự án cung cấp con giống cho người chăn nuôi. Đây là một phần chương trình mở rộng kinh doanh của Hope nhưng cũng là một phương thức để kích cầu cho sản phẩm thức ăn gia súc của công ty.

Hope Group đã chiếm được tới 5% thị phần thức ăn tại thị trường Trung Quốc với số dân hơn 1 tỷ người. Trong những năm tiếp theo, mục tiêu kinh doanh của công ty là nâng sản lượng và tổng thu nhập lên gấp đôi. Muốn hoàn thành mục tiêu đó, Hope phải nâng cao được sức cạnh tranh và giành lại thị phần từ tay những đối thủ khác trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế. Đây là những công ty rất mạnh như: Charoen Pokphand của Thái Lan, Miwon của Hàn Quốc, President Enterprises của Đài Loan.

Trong cuộc chiến này, Hope Group luôn giành ưu thế nhờ những tính toán hạ giá thành sản phẩm thông qua hệ thống quản lý chuyên nghiệp và chặt chẽ, khả năng huy động được nguồn vốn lớn, đội ngũ nhân công có trình độ chuyên môn cao.

Chính vì vậy, không chỉ ở Trung Quốc mà cả các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, Liu Yong Hao đã xây dựng thành công thương hiệu “thức ăn gia súc Hope Group” và được người tiêu dùng tin tưởng.

Tiếp tục khẳng định tài năng kinh doanh cùng thế hệ New Hope


Để thương hiệu Hope Group ngày càng phát triển, năm 1996, Liu Yong Hao đã thành lập công ty riêng lấy tên là New Hope Group hoạt động một cách độc lập. Liu Yong Hao đã mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, Liu Yong Hao đã nhanh chóng đưa New Hope Group trở thành nhà cung cấp thức ăn gia súc khu vực Nam và Tây Nam Trung Quốc.

New Hope Group đã trở thành một trong những công ty tư nhân được Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc đánh giá là lớn nhất Trung Quốc. Công ty đã có 170 chi nhánh các ngành sản xuất và dịch vụ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc với tổng số nhân viên là 35.000 người.

Liu Yong Hao không ngừng mở rộng New Hope Group sang các lĩnh vực thế mạnh như cung cấp cỏ khô cho gia súc, công nghiệp sữa và các loại thực phẩm, tài chính, hoạt động đầu tư sản xuất công nghiệp, bất động sản, công nghiệp hoá chất, dịch vụ, thức ăn động vật, tài chính và địa ốc...trên thị trường nhiều nước.

Mặc dù rất bận với công việc kinh doanh nhưng Liu cũng không quên dành thời gian đến nói chuyện, truyền đạt lại những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho cho sinh viên - những doanh nhân tương lai của đất nước.

Liu Yong Hao từng nói: “ Một nhà kinh doanh trong thế kỷ 21 cần có nhiệt huyết sáng tạo, nghiên cứu và học tập người khác và cần phải biết chịu đựng khó khăn gian khổ”. Với lòng nhiệt huyết, kiến thức và những đóng góp của mình cho sự nghiệp ươm nguồn tài năng kinh doanh, Liu Yong Hao đã được bầu là thành viên Ban cố vấn của trường Đại học Trung Sơn.

Theo: cafef

Người đầu tư giáo dục “khác thường”


Xuất phát điểm khi bước vào con đường kinh doanh của bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế Canada (CIS), là nhu cầu của một người mẹ. Đôn đáo tìm trường cho con trong nhiều năm liền, bà hiểu được nỗi khổ tâm của những phụ huynh có cùng khát vọng là muốn cho con được học tập trong môi trường giáo dục hoàn hảo. Kinh doanh với khát vọng, để thỏa mãn nhu cầu nên bà có những chiến lược khiến nhiều người phải... giật mình.
Trường Tây cho người Việt
* Trong khi trường quốc tế xuất hiện khá nhiều ở trung tâm thành phố thì bà lại ra tận Bình Chánh mua đất và cũng xây trường quốc tế, bà có nghĩ là mình mạo hiểm quá không?


Ảnh: Quý Hòa
- Trước khi đến với quyết định đầu tư vào kinh doanh giáo dục, tôi có một quãng thời gian dài chạy từ trường này sang trường khác, từ trường công sang trường tư, từ trường quốc tế “tự phong” cho đến trường Tây trên đất Việt. Không phải khảo sát thị trường mà là tôi đi tìm trường cho con mình. Cũng như mọi người mẹ khác, tôi muốn con mình được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến, được hòa nhập với một môi trường năng động...
Nhưng tất cả đã không diễn ra như tôi mong đợi, và thật xót lòng khi thấy con cứ bị “tha” đi khắp nơi, thậm chí chỉ trong vòng một năm mà thay đổi tới ba trường khác nhau cho các cháu!. Ngay từ khi đó, ý tưởng về một ngôi trường ước mơ đã hình thành và vợ chồng tôi đã có cơ hội bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ của mình từ năm 2007.
Khu vực trung tâm thành phố không đáp ứng được yêu cầu đầu tư nên tôi chọn Bình Chánh. Tôi quan niệm, trong giáo dục, khoảng cách địa lý không là vấn đề. Quan trọng hơn cả vẫn là môi trường và phương pháp giáo dục.
* Vì vậy mà bà sang tận Canada để tìm hiểu hệ thống giáo dục của quốc gia này và áp dụng tại Việt Nam?
- Chúng tôi chọn Canada vì đây là đất nước có nền giáo dục chất lượng cao, hệ thống chính trị ổn định và ôn hòa. Đây cũng là một trong những quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống với tỷ lệ cao so với các nước khác. Canada cũng nổi tiếng là một quốc gia đa văn hóa, không có tình trạng kỳ thị sắc tộc.
Chúng tôi cảm thấy hài lòng khi đặt vấn đề hợp tác, họ đã tỏ ra rất tôn trọng nền văn hóa Việt Nam và mong muốn có cơ hội giới thiệu nền giáo dục Canada tại Việt Nam.
Lý do thứ hai khiến chúng tôi quyết định chọn chương trình Canada vì theo kết cấu chương trình của họ. Chúng tôi có thể đưa môn tiếng Việt vào thời gian học chính khóa chứ không phải như một môn ngoại khóa.
Tôi muốn người nước ngoài và hệ thống giáo dục của họ phải phục vụ cho người Việt, chứ không phải người Việt phải “xin xỏ” để được vào học ở các trường Tây. Và muốn làm được vậy thì phải dùng công cụ kinh tế.
* Vậy có thể hiểu rằng, bà chọn hệ thống giáo dục của Canada vì thuận lợi về tài chính?
- Hình thức hợp tác của chúng tôi với đối tác tại Canada là độc lập hoàn toàn về tài chính. Họ không tham gia đầu tư mà chỉ cung cấp chương trình, đội ngũ nhân sự làm công tác chuyên môn và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo cũng như bằng cấp cuối cùng. Chúng tôi trả phí cho họ để thực hiện những nhiệm vụ này.
Và như vậy, không thể nói là “thuận lợi về tài chính” mà chính xác hơn, phải gọi là “thuận lợi về cơ chế hợp tác”. Tôi rất hài lòng về hình thức hợp tác này bởi không phải phụ thuộc đối tác nước ngoài về mặt tài chính mà chỉ khai thác thế mạnh của họ về mặt chuyên môn..
* Canada là quốc gia rất ít quảng bá về giáo dục. Trong thương vụ ấy, bà có gặp khó khăn?
- Thông qua sự giúp đỡ tận tình của Lãnh sự quán Canada tại TP.HCM cùng các cộng sự thân thiết khác tại Canada và Việt Nam, chúng tôi đã có được mối quan hệ hợp tác rất thành công với Sở Giáo dục vùng Niagara (thuộc tỉnh bang Ontario, Canada).
Đây là một sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Giáo dục Ontario, hiện đang quản lý gần 200 trường phổ thông các cấp tại vùng Niagara. Sở giáo dục Niagara chịu trách nhiệm tuyển dụng cho chúng tôi Ban giám hiệu cũng như toàn bộ các giáo viên từ Canada, đồng thời cung cấp chương trình và tư vấn việc thực hiện chương trình cho CIS tại Việt Nam.
Giáo dục ở Canada rất chú trọng việc bảo tồn bản sắc văn hóa, thế nên dù sử dụng tiếng Anh nhưng mỗi ngày họ đều dành một giờ học tiếng mẹ đẻ như tiếng thổ dân, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha...
Vậy nên, ở CIS, tất cả học sinh Việt Nam các cấp đều được học tiếng Việt với thời lượng mỗi ngày một tiết. Tiếng Việt cũng là một trong 30 tín chỉ bắt buộc đối với học sinh Việt Nam để lấy bằng Tú tài phổ thông Ontario theo chương trình tại đây.
Và đó là một trong những điều tâm đắc nhất của chúng tôi, vì ngay từ đầu, chúng tôi đã chủ trương mong muốn mang lại cho các học sinh Việt Nam một môi trường học tập tiêu chuẩn cao với chất lượng và bằng cấp quốc tế, nhưng vẫn phải giúp các em học sinh của mình giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc và tiếng mẹ đẻ.
* Tuy là trường quốc tế nhưng lại giảng dạy bằng tiếng Việt xen kẽ, chứ không phải hoàn toàn bằng tiếng Anh, phụ huynh phản ứng thì làm thế nào, thưa bà?
- Đầu tư vào giáo dục là một sự nghiệp lớn vì đó là đầu tư vào con người nên không thể xem nhẹ, và cũng không thể dễ dàng thay đổi các mục tiêu ban đầu vì những áp lực khách quan hay chủ quan.
Tôi quan niệm, nếu được học theo chương trình quốc tế, nói tiếng Anh rành rẽ mà không thông thạo tiếng mẹ đẻ thì đó là bi kịch cho đứa trẻ và cho cả gia đình.
Tôi nhớ, có lần nghe con nói: “Mẹ vỗ hands, đi mẹ”, tôi đã ngớ người ra. Tôi biết tiếng Anh mà còn vậy, nếu con tôi nói câu này với ông bà, liệu ông bà sẽ phản ứng ra sao?
Một số phụ huynh khi đến CIS đã góp ý về chương trình tiếng Việt của trường. Họ bảo muốn đổi giờ học tiếng Việt sang học một thứ tiếng khác vì họ có thể dạy con tiếng Việt ở nhà, nhưng tôi từ chối.
Đi nước ngoài nhiều nên tôi thường trải qua cảm giác lạc lõng khi mình là người “ngoại quốc”. Khi ra nước ngoài, dù có sử dụng tiếng Anh tốt đến đâu, xã hội phương Tây cũng không thừa nhận và mình vẫn là người lạ. Chỉ khi về với quê hương, mình mới đích thực là thành viên của cộng đồng mình đang chung sống.
Với những đứa trẻ không được học tiếng Việt bài bản, chúng không hiểu hết các giá trị của cộng đồng người Việt thì làm sao có thể hòa đồng. Khi đó, chúng rơi vào trạng thái không nguồn cội. Rất nhiều người Việt xa xứ đã trải nghiệm nỗi đau khổ này.
Ở chiều ngược lại, khi con cái không hiểu tiếng Việt, làm sao cha mẹ dạy con? Tôi tin là có những thông điệp chỉ dùng tiếng mẹ đẻ mới có thể truyền tải hết ý được. Thế nên, dù đi ngược với nguyên tắc kinh doanh: khách hàng là trên hết, tôi vẫn không kiên trì với con đường mình đã chọn.
Giáo dục toàn diện
* Trên những tài liệu giới thiệu về CIS không có hình ảnh các cô, cậu học sinh người nước ngoài như các trường quốc tế khác vẫn làm. Lại là một kiểu “đi ngược” của bà chăng?


- Tôi xác định phân khúc CIS nhắm đến là học sinh Việt Nam. Thực chất, thị trường phục vụ học sinh quốc tế đã bão hòa và mang yếu tố không ổn định, do chủ yếu học sinh quốc tế là con em của đối tượng chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam với thời hạn nhất định. Trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến của người Việt còn rất cao. Quan niệm đầu tư cho việc học hành của con cái là quan trọng nhất vẫn hiện hữu trong ý nghĩ của đa số người Việt. Tôi cho rằng đó là cơ hội cho những nhà đầu tư nghiêm túc với giáo dục.
* Theo đánh giá của bà, cơ hội ấy có mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư?
- Nhu cầu hội nhập của đất nước cộng với quan niệm truyền thống trong đầu tư cho con cái của phụ huynh ở Việt Nam là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. So với các lĩnh vực kinh doanh khác hiện nay, đầu tư vào giáo dục là ít rủi ro nhất và tính ổn định cũng rất cao...
* Vì vậy nên bà khá mạnh tay trong đầu tư cơ sở vật chất cho CIS?
- Dù hiện nay các thông tin kinh tế đều cho rằng đầu tư vào giáo dục đang là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong các hạng mục đầu tư, nhưng ai là người trong cuộc rồi mới hiểu đầu tư cho giáo dục không thể thu lời ngay, nếu đầu tư nghiêm túc.
Ngoài khuôn viên giảng dạy đầy đủ tiện nghi, sân chơi, CIS còn có sân đá bóng, sân golf, hồ bơi, có riêng một nhà văn hóa với rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc...
Tất cả chỉ với mục đích là tạo không gian thoải mái nhất cho việc lĩnh hội kiến thức và phát huy tối đa khả năng của mỗi học sinh. Thú thật, tôi cũng khá mạnh tay trong chi tiêu, nhưng đó đều là những khoản chi hợp lý. Tôi chưa bao giờ lãng phí, dù chỉ một đồng.
* Nhưng vấn đề cốt lõi của giáo dục vẫn là chương trình đào tạo. Chả phải ngày xưa Mạc Đĩnh Chi đọc sách bằng đèn đom đóm mà vẫn học rất giỏi đó sao, thưa bà?
- Trong thời đại hiện nay, tôi nghĩ hai yếu tố này song hành cùng nhau. Vật chất đầy đủ sẽ giúp óc sáng tạo được phát huy nhiều hơn. Tôi cũng rất quan tâm đến chương trình đào tạo, nhưng do là nhà đầu tư chứ không phải nhà giáo nên việc điều hành trường tôi giao toàn quyền cho thầy hiệu trưởng.
Phải biết mình là ai, khả năng của mình đến đâu thì mới điều khiển được cuộc đời mình. Ôm đồm nhiều việc thì sẽ hạn chế việc phát huy bản thân và cản trở người khác. Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và hoàn toàn tin tưởng vào chương trình giáo dục toàn diện của Canada. Không chỉ dạy kiến thức, họ còn giúp các em phát huy năng khiếu của bản thân và ý thức được trách nhiệm đối với xã hội.
Bài học từ con trẻ
* Đã hiện thực hóa được giấc mơ về ngôi trường theo đúng chuẩn của riêng mình, chắc hẳn bà đã không còn phải ngược xuôi tìm trường cho con?- Ba đứa con tôi đều là học sinh của CIS. Hai cháu lớn học cấp 3, cháu nhỏ nhất học cấp 1. Tôi luôn tự đặt mình ở cương vị là những người làm cha mẹ khi xem xét mọi vấn đề ở CIS với suy nghĩ: Khi tôi hài lòng được về việc học tập của các con tôi tại CIS, thì có nghĩa là tôi có thể hy vọng nhiều bậc cha mẹ khác cũng có thể hài lòng như tôi.
* Bất cứ bà mẹ nào cũng mong con mình vượt trội. Với kết quả học tập của con như thế, bà có băn khoăn và tự trách mình?
- Tôi không bao giờ có suy nghĩ phải tạo áp lực cho con cái trong việc học tập, ngay cả khi là chủ đầu tư của CIS. Dù các con tôi cũng luôn tự ý thức rằng bây giờ là học sinh của CIS, các cháu rất muốn cha mẹ được hãnh diện vì mình, nhưng tôi và chồng tôi chỉ định hướng các mục tiêu cho các cháu chứ không bao giờ tạo áp lực.
Các con tôi học chưa phải xuất sắc, nhưng điều tôi hài lòng nhất là các cháu đã biết suy nghĩ và định hình nhân cách để mình có thể yên tâm. Điều tôi quan tâm nhất là giáo dục kỹ năng và các giá trị nhân văn cho con nói riêng và học sinh CIS nói chung. Kiến thức là vô cùng, chỉ có kỹ năng và yếu tố nhân văn mới làm nên giá trị một con người.
CIS có một chương trình rất đặc biệt là Chương trình giáo dục tính cách bằng hành động. Các chủ đề của chương trình này là giáo dục những đức tính cơ bản, cần thiết đối với việc hình thành phẩm chất của con người trong mối quan hệ với xã hội và được giáo viên truyền đạt cho học sinh trong suốt năm học.
Trong một lần đi ăn cùng con ngoài tiệm, vì căng thẳng trong công việc, tôi vô ý gắt gỏng với một người bán vé số. Chính con tôi là người nhắc khéo khiến tôi phải giật mình: “Mẹ đã được học về Caring chưa? (Caring, tức sự quan tâm, chia sẻ là một trong những chủ đề giáo dục tính cách tại trường?”).
Nghe con nhắc nhở, tôi vừa xấu hổ, vừa cảm thấy tự hào và hạnh phúc vô cùng khi thấy rằng những nỗ lực của vợ chồng tôi, những ước mơ ngày nào của chúng tôi, đang dần gặt hái được những kết quả vô giá. Đối với tôi, không có khoản lợi nhuận nào có thể mang đến cho mình một cảm giác sung sướng như vậy.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!


Nguồn: dailodoanhnhan.com.vn
Flag Counter