Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Ông Vũ Viết Ngoạn: ‘Bằng cấp với tôi không quan trọng'



Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn được điều động sang làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thay cho ông Lê Đức Thúy từ 22/7. Khi thông tin này được công bố rộng rãi cũng là lúc các diễn đàn trong và ngoài nước rộ lên chuyện bằng tiến sĩ tài chính trường La Salle (Mỹ) của ông Ngoạn là "rởm".
Trao đổi với phóng viên hôm qua, ít ngày sau khi chính thức nhận nhiệm vụ mới, ông Ngoạn thẳng thắn chia sẻ về chuyện học hành của mình cũng như dự định phát triển Ủy ban thời gian tới.
Ông Ngoạn từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam gần 8 năm trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII. Ảnh: T.T.
Ông Ngoạn từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam gần 8 năm trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII. Ảnh: T.T.
- Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vẫn chủ yếu thực hiện công việc tư vấn chính sách nhiều hơn là giám sát. Trở thành vị Chủ tịch thứ hai của Ủy ban, ông sẽ ưu tiên nhiệm vụ gì để Ủy ban phát huy tốt hơn vai trò của mình?
- Tôi mới nhận công tác ít ngày, cần thêm thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ mới có thể trả lời đầy đủ nên ưu tiên và tập trung cho nhiệm vụ gì. Nhưng quả thật thời gian qua hoạt động giám sát của Ủy ban mới chủ yếu dừng ở mức tư vấn, chưa tương xứng với tên gọi của mình.
Có một số ý tưởng tôi ấp ủ từ lâu và tin là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, vì thế tôi mong muốn sẽ triển khai được. Trước hết tôi sẽ đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp giữa Ủy ban với các cơ quan có chức năng giám sát, giúp thị trường tài chính hoạt động ổn định và lành mạnh. Tôi cũng muốn Ủy ban thiết lập mạng lưới cộng tác viên, xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học để phát huy trí tuệ tập thể, cùng tham mưu chính sách kinh tế, tài chính cho Thủ tướng. Thời gian tới, Ủy ban cũng sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học để tập trung xây dựng một số mô hình dự báo kinh tế.
- Tại sao Ủy ban Giám sát Tài chính lại cần quan tâm và xây dựng các mô hình dự báo kinh tế?
- Thực tiễn những năm qua cho thấy, dự báo đóng vai trò hết sức quan trọng, vì Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chịu tác động rất lớn bởi những biến động của kinh tế thế giới. Dự báo kinh tế là công việc hết sức khó khăn nhưng rất cần thiết.
Với chức năng nhiệm vụ được giao chúng tôi quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết đối với Việt Nam. Trước hết, đó là mô hình dự báo “độ chênh sản lượng” (output gap) tức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng. Đây là một công cụ quan trọng để dự báo lạm phát. Hầu hết chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã và đang sử dụng công cụ này. Mô hình kinh tế lượng thứ hai chúng tôi muốn xây dựng là đo lường mối tương quan giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng và lạm phát trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Công cụ này sẽ giúp chúng ta cân đối xem lượng tiền đưa ra nền kinh tế hằng năm sẽ ảnh hưởng như thế nào tới lạm phát, và ngược lại trên cơ sở lạm phát mục tiêu, chúng ta có thể tính toán cung tiền ở mức bao nhiêu là hợp lý. Chúng tôi cũng quan tâm tới một số mô hình đánh giá mối tương quan giữa tỷ giá với xuất khẩu, nhập siêu…
Bên cạnh các mô hình dự báo kinh tế, chúng tôi muốn xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm về rủi ro hệ thống tài chính đối với ổn định kinh tế vĩ mô và đo lường khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính đối với biến động từ bên ngoài. Sau khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái toàn cầu vừa qua, nhiều quốc gia cũng như các tổ chức tài chính, kinh tế lớn trên thế giới đều quan tâm củng cố hệ thống cảnh báo sớm này. Việt Nam của chúng ta chưa có, nhưng tôi muốn Ủy ban sẽ đóng vai trò quan trọng để xây dựng và phát triển hệ thống này. Nhiều khả năng là tới đây sẽ có tổ chức quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật để chúng tôi xây dựng mô hình này và đưa vào áp dụng trước cuối năm sau.
- Kinh nghiệm 8 năm lãnh đạo một trong những ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam cũng như 4 năm công tác tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội giúp ích gì cho ông khi nhận trọng trách mới?
- Kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực ngân hàng tài chính tích lũy sau 30 năm làm ở ngân hàng thương mại, đặc biệt là gần 8 năm làm Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, sẽ là tài sản quý báu để tôi thực hiện nhiệm vụ ngày hôm nay.
Làm ngân hàng cũng như công tác tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội rất bận rộn, nhưng tôi vẫn dành thời gian nghiên cứu sâu về lĩnh vực của mình. Khi còn công tác ở ngân hàng Ngoại Thương, tôi đã làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học cấp bộ, trong đó có đề tài về quản trị ngân hàng. Luận án Tiến sĩ của tôi với đề tài "Đo lường và quản lý rủi ro lãi suất: mô hình áp dụng cho các ngân hàng Việt Nam" cũng hàm chứa nội dung khoa học về quản trị ngân hàng. Trong luận án tôi đã xây dựng một mô hình quản trị lãi suất tên là mô hình hỗn hợp (hybrid model), trên cơ sở kết hợp hai phương pháp quản trị rủi ro lãi suất. Phương pháp thứ nhất là quản trị độ chênh lệch vốn theo cảm biến lãi suất. Phương pháp thứ hai là quản trị chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Mô hình này mặc dù được thiết kế cách đây hơn chục năm nhưng theo tôi vẫn còn nguyên giá trị và có tính ứng dụng cao vào điều kiện của Việt Nam. Phương pháp đo lường rủi ro lãi suất nêu trong luận án của tôi cũng có thể được sử dụng như một thông số đánh giá an toàn tài chính của tổ chức tín dụng.
- Vậy yếu tố gì sẽ quyết định sự thành công của ông thời gian tới?
- Tôi từng trả lời phỏng vấn rằng yếu tố quyết định giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chính là sự sáng tạo. Còn ở cương vị mới này, dù mới có mấy ngày nhưng tôi tiên lượng hai yếu tố quan trọng đối với tôi đó là kiến thức và sự hợp tác. Tới đây, Uỷ ban sẽ quan tâm nhiều hơn tới triết lý của mình, đó là hợp tác với các cơ quan cùng có chức năng giám sát, hợp tác và cộng tác với các nhà khoa học để phát huy một cách cao nhất trí tuệ tập thể. Tôi tin rằng với cách làm đó, ủy ban có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
- Ông đề cao kiến thức, lý luận bên cạnh kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng ông nghĩ sao khi bằng cấp cũng như chuyện học hành của ông bị nghi ngờ?
- Tôi luôn tâm niệm học để bổ sung kiến thức cho mình, chứ không vì danh, hay để tăng lương, thăng chức. Năm 1995, tôi đăng ký và được cơ quan cử học trường La Salle của Mỹ theo phương thức học từ xa. Năm 1996 trường đã xảy ra vụ bê bối do ông hiệu trưởng vi phạm quy định pháp luật. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại, có HĐQT mới và Ban giám hiệu mới, tổ chức hoạt động một cách quy củ, nề nếp, đúng theo quy định của Pháp luật. Vì thế tôi quyết định học trở lại và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.
- Tại sao lại là hình thức đào tạo từ xa mà không phải một trường danh tiếng, đào tạo quy củ, thưa ông?
- Phương thức học từ xa dĩ nhiên không thể tốt như học tập trung được. Nhưng khi đó, tôi xác định mình học cho mình, phục vụ cho công việc của mình nên tôi chọn phương thức học phù hợp nhất với hoàn cảnh gia đình, công việc.
Thực tế thì cách thức học ở trường hồi đó khá chặt chẽ. Trường cử một giáo viên hướng dẫn tôi, thày trò liên lạc, trao đổi qua thư. Tôi được trường gửi cho một đề cương các nội dung phải học, danh sách đầu sách phải đọc, nghiên cứu. Có khó khăn gì lại hỏi giáo viên hướng dẫn. Khi nào thấy học ổn rồi, mình đăng ký thi, nhà trường gửi câu hỏi sang trong vòng 45 ngày phải nộp bài.
Tất nhiên, phương thức học từ xa khi đó có rất nhiều khó khăn và đòi hỏi tính tự chủ cao. Khó khăn đầu tiên là phải tìm và mua được sách. Vào những năm đó chưa có điều kiện để mua sách qua Internet như bây giờ. Hồi đó, tôi phải nhờ bạn bè và bản thân khi nào đi công tác nước ngoài là tranh thủ mua. Thậm chí, có lần tôi phải viết thư nhờ bạn là người Bangladesh học cùng tôi trước đây ở Italy để mua cho một số sách cũ ở Bangladesh. Rồi có những môn tôi chưa học bao giờ và chưa hề có khái niệm về nó như thần học, tôi phải nhờ bạn bè thông thạo về lĩnh vực này phụ đạo giúp.
Cũng có thuận lợi là trường cho miễn một số môn tự chọn, nếu như hội đủ các điều kiện như: đã học môn học tương tự ở trường đại học, hoặc tham gia công tác giảng dạy, đã xuất bản sách hay công trình nghiên cứu với những nội dung có liên quan. Nhờ vậy tôi được miễn một số môn và rút ngắn thời gian học.
- Tiếp quản vị trí Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông thấy mình kế thừa được những gì từ người tiền nhiệm?
- Người tiền nhiệm của tôi có kiến thức và nhiều kinh nghiệm. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thành lập 3 năm, tuy thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy những gì có được trong 3 năm qua là bước đi khá dài. Kết quả đó tạo cho Ủy ban vị trí và điều kiện thuận lợi để tự khẳng định mình thời gian tới. Khó khăn có nhiều, nhưng tôi tin với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cũng như sự phối hợp của các cơ quan liên quan, Ủy ban sẽ có vị trí mới phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới và hoàn cảnh của Việt Nam, đóng góp cho hoạt động giám sát, đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.
- Đánh giá về thị trường tài chính, tiền tệ và kinh tế từ nay tới cuối năm, ông thấy có những điểm gì cần lưu ý?
- Thị trường tiền tệ, tài chính cuối năm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã xác định 6 tháng cuối năm vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, vì thế sẽ tiếp tục kiên trì nhất quán thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ.
6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức. Nghị quyết 11 mới thực hiện vài tháng nhưng đã có dấu hiệu tích cực, chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có dấu hiệu giảm, nhập siêu giảm. Đây là hai thông số hết sức quan trọng đối. Nếu chúng ta kiên trì thực hiện nhất quán chủ trương của Nghị quyết 11 và các bộ ngành thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, thì tôi tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ ổn định.
Theo tôi, năm nay chúng ta cố gắng tạo nền tảng ổn định, làm cơ sở vững cho 2012 để hy vọng sẽ có chỉ số lạm phát thấp hơn, có thể kiểm soát ở mức một chữ số, và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Khi đó thị trường tài chính, tiền tệ sẽ sớm chuyển biến tích cực, lãi suất bớt nóng hơn, vì đây là lĩnh vực có độ nhạy cao với những tín hiệu kinh tế vĩ mô.
Tất nhiên còn một số vấn đề chúng ta cần quan tâm. Chẳng hạn lượng tiền chi từ ngân sách, hay lượng tín dụng cung ứng cho nền kinh tế, làm sao phải phân bổ đều, hợp lý tránh hiện tượng đổ dồn vào một hai tháng sẽ gây lạm phát cục bộ, ảnh hưởng xấu tới vĩ mô. Thị trường vàng cũng cần tổ chức tốt, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ giá. Hiện tượng tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao thời gian qua cũng cần xem xét nghiêm túc, từ đó dự báo cân đối ngoại tệ trong thời gian tới để có chính sách thích hợp.

Theo: cafef
Bỏ qua những lời bàn tán về tấm bằng tiến sĩ chương trình đào tạo từ xa ở Mỹ, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tự tin thực hiện trọng trách mới với kiến thức và kinh nghiệm 30 năm về tài chính ngân hàng.

Doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung : "Bông hồng Vàng" của miền Sơn Cước


Cô gái miền xuôi không thể dứt tình với Hà Giang – mảnh đất địa đầu của tổ quốc, để rồi, cái tình ấy níu giữ, tôi luyện nên một trong những Nữ doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam, chị Nguyễn Thị Lan Dung - Giám đốc Công ty TNHH Gia Long trở thành Bông hồng vàng kiêu hãnh, niềm tự hào của miền sơn cước Xín Mần, Hà Giang.
Chị Nguyễn Thị Lan Dung - Giám đốc Công ty TNHH Gia Long
 Vượt chặng đường hơn 400 km từ Hà Nội, tôi đến với Xín Mần vào một ngày cuối tháng 6, chỉ để gặp chị – người vừa đạt giải Nữ Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu năm 2010. Chuyến đi này đã để lại cho tôi nhiều nỗi nhớ - Nỗi nhớ Xín Mần. Đó là nỗi nhớ về những con người hồn hậu, chân thật, về một nữ doanh nhân đang khẳng định vị thế của doanh nghiệp Hà Giang. Tôi nhớ mưa rừng, mưa núi tầm tã ở Xín Mần. Nhớ cảm giác mình chạm được vào mây, ôm mây vào lòng mà ngủ ở nhà sàn trên Đèo Gió. Tôi nhớ không khí chợ vùng cao, nhớ sắc màu áo váy của các bà, các chị dân tộc Tày, Nùng, Dao đỏ…Và nhớ làm sao cái vị ngòn ngọt, chua chua nhẹ của Mận Xín Mần. Nhớ mùi vị đậu xí. Nhớ Gạo Dui, rượu làng Táo, chè thơm Chế Là, Cá hồi Vân Đèo Gió… Cảm xúc của người con miền xuôi lần đầu đứng trước sự hùng vĩ, hoang sơ của nơi địa đầu tổ quốc giúp tôi hiểu vì sao có một người phụ nữ đã yêu Hà Giang đến vậy.
Cô gái miền xuôi “bươn” miền ngược
Cô gái quê Thái Bình là con út trong một gia đình nông dân có 7 người con. Có lẽ như người xưa vẫn nói, “giàu con út, khó con út”, cái nghèo của gia đình quanh năm gắn mình với đồng ruộng đã đưa bước chân chị lên tận Hà Giang xa ngút ngàn. Đó là năm 1986, cô thôn nữ những tưởng yên phận làm nghề may ở HTX mua bán Xín Mần với một gia đình nhỏ đầm ấm, nhưng số phận đã tạo nên những bước ngoặt cho cuộc đời chị. Chị tâm sự: “Năm 1989-1990 tôi chuyển sang làm ở Công ty thương nghiệp huyện Xín Mần. Giai đoạn này được xem là nhiều biến động nhất trong cuộc đời tôi từ khi trưởng thành”. Cái thời thương nghiệp không còn đại diện cho sự sung túc mà còn đó là những chất chồng khó khăn của thời hậu bao cấp, khi nền kinh tế chuyển dịch sang tự hoạch toán kinh doanh. Nhưng thời thế đã giúp chị có một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình: “Khổ chẳng đã của quá trình chuyển đổi giao thời, tôi đành “mất tiền – mua thất nghiệp”. Đến năm 1999, tôi xin nghỉ tự túc nhưng vẫn phải tự lo tiền nộp bảo hiểm xã hội” - ánh mắt chùng xuống với những hồi ức, chị tiếp -“Năm 2000 tôi thành lập doanh nghiệp. Cái tên Gia Long là do anh Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần lúc đó gợi ý, tặng cho. Cái tên bắt nguồn từ giai thoại vua Gia Long về đỉnh 2000 ở Bản Díu (Xín Mần) như vừa hư, lại vừa rất thực. Có phải nhờ thế mà doanh nghiệp của tôi đã vượt được qua bao sóng gió cho đến ngày nay...”.
Vượt vũ môn qua ải “đại công trường”
Ánh nắng chiều hắt trọn qua khung cửa sổ căn nhà sàn nơi chị và tôi đang ngồi trò chuyện. Cảnh tranh tối, tranh sáng của buổi chiều miền cao càng trở lên tĩnh lặng theo dòng hồi tưởng của chị.
Những năm đầu thành lập Công ty TNHH Gia Long, cũng là lúc tỉnh Hà Giang nở rộ thời xây dựng hạ tầng cơ sở hay còn lại là giai đoạn phát triển “Đại công trường”. Trong xu thế chung lúc đó, Công ty Gia Long cũng tập trung vào xây dựng cơ bản, làm đường, xây nhà, xây khách sạn. Tuy nhiên, thịnh vượng chưa được bao lâu thì “đại công trường” ở Hà Giang đã biến thành “đại công nợ” và Gia Long cũng không nằm ngoài vòng xoáy bi kịch đó khi mà vốn đầu tư vào rất nhiều công trình không quyết toán được. Rồi vốn cấp mới không có, công trình không còn, thêm vào đó là vốn vay từ ngân hàng “lãi mẹ, đẻ lãi con” đổ vào đầu công ty. Đi kèm vốn cắt, vốn chậm thanh toán, đầu tư giảm là lúc khách sạn, nhà hàng cũng... kinh doanh ế ẩm. Mọi việc kinh doanh chững lại và tưởng như tất tật con đường ra vào của đồng vốn đều bị đóng kín? "Cảm giác như mọi cánh cửa đều đã đóng lại trước mắt mình. Cho dù mình có quay phía nào thì cũng không thoát được, chỉ còn lại một con đường duy nhất là phá sản, vỡ nợ..." - chị cười nhẹ.
Nhưng, cái còn lại để giúp chị đứng lên giữa những thất bại đó là tình người, là sự gắn bó, động viên của cán bộ công nhân viên trong công ty.“Cũng may tôi luôn sống và làm việc bằng hết cái tâm của mình, nên khi Gia Long khó khăn như thế mà cán bộ nhân viên không ai bỏ đi”, chị xúc động nhớ lại.
Bản lĩnh và cống hiến
Bóng chiều đã đã co lại thành một vệt dịu trên sàn nhà. Người miền cao vẫn có thói quen nhóm lửa khi ánh nắng sắp tàn để xua cái lạnh của vùng cao nguyên đá. Câu chuyện của chị đã nhuộm thêm sắc vui của ánh lửa vừa cơi... với chị, 10 năm hoạt động là 10 năm chị và Công ty Gia Long đồng cam cộng khổ với người dân nơi đây. Có lên Xín Mần mới thấy, dân trí thấp, kinh tế địa phương nghèo nàn, địa hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi công trình đường sá của Gia Long trên địa bàn là một sự quyết tâm, thậm chí có cả chút liều lĩnh. Đó là sự can đảm của chị khi dám mạnh dạn đầu tư vào xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế vùng sâu, xùng xa. 60 đầu điểm, là con số mà chị đã góp phần xây dựng mạng lưới giao thông cho nông thôn. Có những đầu điểm khó khăn, địa hình chênh vênh, không có nước, không có doanh nghiệp nào dám nhận nhưng chị đã đứng ra nhận, như đầu điểm xây dựng đường ra mốc 172. Khi cả huyện không có lấy một nơi ăn nghỉ, để mỗi khi huyện có cán bộ lên công tác phải gửi vào nhà dân. Có đám cưới, đám xin, hội nghị họp hành phải huy động mọi người đi mượn bàn ghế, bát đũa trong dân.
Vững chân trong địa hạt xây dựng cơ bản, chị mạnh dạn đi đầu xây dựng khách sạn Gia Long để giải quyết nhu cầu ăn, nghỉ, hội họp cho địa phương mỗi khi cần. 10 năm trước Xín Mần không có xe máy, mãi đến năm 2003 mới có thì phải đi hơn 40 cây số ra Hoàng Su Phì để mua xăng. Mọi hoạt động sản xuất, đi lại đều cần xăng dầu mà lại không có điểm mua, tỉnh cũng đã nhiều lần vận động các đơn vị kinh doanh xăng dầu đặt điểm kinh doanh nhưng không có đơn vị nào dám nhận. Cũng chỉ bởi họ ngại địa hình quá phức tạp, vận chuyển đi lại xa xôi khó thu hồi vốn và kinh doanh có lãi. Chị lại mạnh dạn dẫn đầu đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Kinh tế địa phương nghèo nàn người dân ngoài trồng ít ngô, nuôi vài con gà đem ra chợ bán họ chẳng biết làm gì hơn. Trình độ lao động sản xuất thủ công cộng với dân trí thấp, dân đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Gắn bó gần hai mươi năm với huyện Xín Mần, thấy củ dong riềng được người dân nơi đây trồng nhiều, chị quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất miến dong. Chị tâm sự “Nói thật, nếu chỉ nghĩ đầu tư để sinh lãi thì chắc chẳng ai dám đầu tư, nhưng chị muốn giúp người dân tộc ở địa phương phát triển kinh tế, muốn biến sản phẩm chính của người dân làm ra thành hàng hóa để họ lấy đó làm mô hình, tự vận động sáng tạo kiến thức trong phát triển lao động sản xuất”.
Huyện Xín Mần với đặc điểm rừng già nguyên sinh, bãi đá cổ Nấm Dẩn và Thác Tiên Đèo Gió được nhà nước công nhận di tích quốc gia. Tuy sẵn có tiềm năng du lịch nhưng chưa được đầu tư khai thác quảng bá nên chưa phát triển. Khi chị mạnh dạn đứng ra nhận đầu tư và khai thác, nhiều người đã cười chị, có lẽ họ cười là bởi họ không hiểu được ước mơ của chị. Chị bảo “Xín Mần ngay sát với Bắc Hà mà sao khách du lịch đến với Bắc Hà nhiều thế!?”. Chị mạnh dạn đầu tư cũng chính bởi mong muốn đưa Xín Mần trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, như Bắc Hà của Lào Cai.
Xín Mần là quê hương thứ hai
Tôi cứ thắc mắc, có bao giờ chị có ý định rời khỏi Xín Mần, Hà Giang không? Giả dụ như là để về với nơi chôn rau cắt rốn của chị? Hoặc không nữa thì xuống ở một nơi phồn hoa đô hội hơn và chỉ giữ lại Xín Mần như một nơi lưu giữ hồi ức, để một lúc nào đó quay về như một người khách du lịch?
Chị không thể, tôi biết nhưng vẫn thắc mắc, khi mà có đến 90% lợi nhuận chị lại tiếp tục đầu tư để tạo cơ hội sống tốt hơn cho người dân nơi đây. Những đóng góp của chị trong việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân không chỉ được người dân biết, mà lãnh đạo các cấp của huyện Xín Mần và của Tỉnh Hà Giang đều ghi nhận. Và chị là niềm tự hào của người dân Xín Mần, Bông hồng vàng tiêu biểu trong cộng đồng doanh nghiệp xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa....
Vệt nắng đã không còn, bóng đêm đã dần buông, khí trời đã bắt đầu mang cái lạnh đặc trưng của vùng núi đá. Câu chuyện của chị chỉ như tiếng thở nhẹ giữa hùng vĩ mây trời mà khiến cho người ta khó quên được...

Theo: cafef
Flag Counter