Là một nữ giám đốc trẻ năng
động, có nhiều ý tưởng kinh doanh mới, “dám” tạo ra thương hiệu thời
trang cao cấp Gosto sánh cùng các nhãn hiệu thời trang thế giới khi tuổi
đời chưa đến ba mươi, nhưng Vưu Lệ Quyên lại rất khiêm tốn khi nói về
mình.
Suốt buổi trò chuyện,
chị nói nhiều đến ba mẹ, đến thương hiệu Biti’s do họ tạo dựng nên sau
khi trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, đôi lúc trong mắt chị ánh lên
niềm tự hào, lại có lúc hoe đỏ.
Đắn
đo mãi chị mới tiết lộ: “Hoài bão của tôi là sẽ có một ngày Trung tâm
Thời trang Gosto xuất hiện ngay tại kinh đô thời trang của Ý, Pháp và
nhiều quốc gia khác”.
* Năm năm có mặt trên thị trường chị đã đi được mấy phần đường trong giấc mơ đưa Gosto thành thương hiệu toàn cầu?
|
Ảnh: Quý Hòa |
- Hết thời gian du học tại
Canada, tôi về nước năm 2004 và làm việc ở bộ phận xuất khẩu của Công ty
Biti’s. Tiếp xúc với nhiều khách hàng nước ngoài, tôi nhận ra Biti’s
đang phục vụ cho số đông đối tượng khách hàng này và định vị ở tầm trung
cấp.
Nhìn lại ngành da giày trong
nước, tôi tự hỏi: “Tại sao hầu hết các doanh nghiệp (DN) da giày chỉ
nhận gia công hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài? Làm như
vậy biết bao giờ ngành giày dép Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường
quốc tế?
Song, đáng buồn hơn là
nhiều người nước ngoài còn cho rằng: “Người Việt Nam không thể làm được
hàng hiệu cao cấp”. Vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng sẽ xây dựng một thương
hiệu thời trang cao cấp gồm: quần áo, giày dép, túi xách... có thể mang
sản phẩm do bàn tay khối óc của người Việt Nam giao lưu và giới thiệu
đến các nước trên thế giới.
Khi tôi
đem ý tưởng này nói với ba mẹ, cả hai đều không ủng hộ, một phần vì ở
Biti’s có quá nhiều việc, ba mẹ không muốn tôi, một thiếu nữ đôi mươi,
bước qua một ngã rẽ quá vất vả như ngày xưa ba mẹ đã từng đi, phần khác
cũng không tin tôi sẽ thành công.Tôi nói:
“Lợi
thế của con là kinh nghiệm của Biti’s, của ba mẹ, công ty mình lại từng
gia công cho những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Prada, United
Colour of Bennetton, Clarks, Speedo, Lotto.
Nền
tảng đó cộng với sự chú tâm, kỹ lưỡng, hiểu thị trường và kiên nhẫn,
tâm huyết, con tin mình sẽ làm được. Còn nếu không thành công, con cũng
học được nhiều kinh nghiệm từ thực tế và cả trong thất bại, đây sẽ là
hành trang cần thiết cho sự nối nghiệp Biti’s sau này”.
Nghe
tôi thuyết phục, dù không mặn mà ủng hộ, nhưng ba mẹ cũng không cản,
đồng ý hỗ trợ tài chính để tôi có cơ hội thực hiện ước mơ. Tôi muốn ngay
khi ra đời Gosto phải đánh được vào tâm lý người Việt yêu thích cái đẹp
và sự hiện đại.
Vì vậy, để gây sự
chú ý, được khách hàng đón nhận và có thể cạnh tranh được với rất nhiều
tên tuổi lớn đang hiện diện tại Việt Nam, tôi đã xây dựng mô hình cửa
hàng thật sang trọng, trưng bày đẹp, mẫu mã độc đáo, chất lượng cao và
dịch vụ bán hàng thật tốt.
Tuy đã có
ba cửa hàng tại TP.HCM và một tại Hà Nội, trong đó có hai cửa hàng tại
Trung tâm Mua sắm Parkson quận 7 và quận 11, nhưng những gì tôi làm được
mới chỉ là bước khởi đầu. Bởi xây dựng một thương hiệu có vị trí trên
toàn cầu là một giấc mơ lớn, đường đi còn rất dài, cần nhiều nỗ lực và
sẽ rất vất vả. Tôi mới chỉ đi được một phần hành trình mà thôi.
*
Chị có cho rằng khi mình nghĩ được, làm được thì cũng có nhiều người
cùng nghĩ và muốn làm như mình? Theo chị, tại sao các doanh nghiệp giày
Việt Nam chưa “mạnh dạn” thực hiện ý tưởng như chị?
-
Xây dựng một thương hiệu riêng có tên tuổi và ở phân khúc cao cấp không
phải chuyện dễ làm. Ngoài nội lực và sức “chịu đựng” bền bỉ còn đòi hỏi
rất nhiều yếu tố khác, mà cái nào cũng khó, cũng đòi hỏi đầu tư lâu và
chi phí tốn kém. Chẳng hạn, phải có đội ngũ thiết kế giỏi, đội ngũ phát
triển sản phẩm, có hệ thống phân phối tốt, có thời gian để người tiêu
dùng trải nghiệm...
Song, theo tôi,
cái khó nhất của những DN sản xuất giày dép trong nước là chưa có đội
ngũ thiết kế tạo mẫu giày, túi xách chuyên nghiệp và không có hệ thống
phân phối. Trong khi đó, đây lại là thế mạnh của Biti’s do ba mẹ tôi có
tầm nhìn xa và đã đầu tư cho các yếu tố này gần 30 năm qua.
*
Chị cho biết, khi cửa hàng đầu tiên của Gosto ra đời, nhiều người ngạc
nhiên và người vui nhất không phải chị mà là ba mẹ, vậy lúc đó ngoài cảm
giác hạnh phúc, chị còn có suy nghĩ gì khác không?
-
Suốt một năm chuẩn bị “ra riêng” và “làm chủ” thương hiệu thời trang
cao cấp Gosto, tôi làm việc gần như quên thời gian, ngày nào cũng miệt
mài ở công ty đến tối mịt, hết nghiên cứu thị trường, hệ thống phân
phối, mẫu mã đến tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng...
Khi
cửa hàng đầu tiên của Gosto ra đời ở Phú Mỹ Hưng, với cách bài trí sang
trọng, mẫu mã giày đẹp, không chỉ ba mẹ tôi mà nhiều khách hàng khi
bước vào rất ngạc nhiên, họ không tin đây là cửa hàng thời trang Việt
Nam, có người còn bình chọn cửa hàng của tôi lộng lẫy và sang trọng nhất
ở khu vực quận 7.
Lúc đó, tôi hạnh
phúc vô cùng và xen lẫn niềm vui là lời thầm cám ơn ba mẹ. Nếu không có
tấm gương của ba mẹ cũng từng vượt khó, dám đổi mới bằng cách qua tận
Đài Loan học công nghệ, nếu không có sự hỗ trợ về tài chính, nhất là nền
tảng của thương hiệu Biti’s (vì khi đi đâu, đàm phán với ai, hễ cứ nói
là “người của Biti’s”, thì tôi đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình), thì
chắc tôi chưa đủ nghị lực để thực hiện ước mơ “đến sớm” của mình.
Cũng
từ khi “làm chủ” một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba
mẹ khi gầy dựng sự nghiệp, và càng thấy phải nỗ lực nhiều hơn để gìn
giữ, kế thừa sự nghiệp này.
* Dường như con đường xây dựng Gosto của chị khá suôn sẻ và thuận lợi?
-
Như đã nói, tôi có nhiều hậu thuẫn và ưu thế về nội lực nên khởi đầu có
vẻ thuận lợi. Tuy nhiên, ý tưởng của tôi mới chỉ là bước đầu có vóc, có
hình, còn đi đến tận cùng hoài bão thì con đường còn dài và còn trăm
nghìn thử thách.
Giày dép của Gosto
tuy được sản xuất bằng chất liệu cao cấp nhất, sử dụng da thật 100%
nhưng khi bán tại thị trường trong nước, người tiêu dùng vẫn chưa chấp
nhận bởi tâm lý nếu bỏ ra số tiền gần tương đương mua hàng ngoại để mua
một đôi giày “made in Vietnam” thì chọn giày ngoại vẫn thể hiện đẳng cấp
hơn, sang hơn.
Có lần tôi chứng kiến
một người khách chọn mua một đôi giày, khi đến quầy tính tiền, anh ta
hỏi: “Giày này sản xuất ở đâu?”, nhân viên trả lời: “Tại Việt Nam”, thế
là anh ta không mua nữa. Lúc đó tôi rất buồn và hiểu ra là còn rất nhiều
thử thách phải vượt qua.
Hay một khó
khăn khác là ngành công nghiệp phụ trợ thời trang của Việt Nam không
có, tất cả các nguyên phụ liệu như vải, nút, da... đều phải nhập từ nước
ngoài nên mỗi lần sáng tạo ra mẫu mới thì phải đi lùng nguyên liệu ở
các nước, vừa mất thời gian, chi phí tăng và thời gian phát triển sản
phẩm cũng dài hơn.
Rồi tìm kênh phân
phối cũng khó khăn, vì muốn phát triển thương hiệu cao cấp thì không thể
bán như hàng chợ. Mặt khác, tôi không chỉ bán sản phẩm mà còn bán một
thương hiệu, một phong cách nên rất cần vị trí đẹp để mở cửa hàng, cách
bài trí, trưng bày sản phẩm cũng phải sang trọng, mà mặt bằng ở Việt Nam
lại quá mắc. Hơn nữa, nếu mở nhiều cửa hàng ở nhiều tỉnh thành, quốc
gia thì việc quản lý cũng không đơn giản.
*
Một trong những “bí quyết” thành công của Biti’s là tổ chức hệ thống
phân phối theo kiểu chân rết, phối hợp với các nhà bán lẻ địa phương,
sao chị không làm theo cách này?
-
Đúng là hệ thống phân phối của Biti’s có nhiều điểm rất hay, tại các
thành phố lớn sẽ có một trung tâm phân phối, trung tâm này kết hợp với
các nhà bán lẻ địa phương và họ phân phối đến người tiêu dùng nên sức
lan tỏa sẽ mạnh hơn.
Tuy nhiên, muốn
phát triển hệ thống phân phối kiểu chân rết thì phải có nhiều đại lý bán
lẻ, nhưng với thương hiệu cao cấp thì chưa làm được ở thời điểm này, vì
ngành thời trang của Việt Nam còn ở giai đoạn khai phá, không có những
nhà bán lẻ cao cấp như ở nước ngoài.
Ở các
nước, khi họ tổ chức các show trình diễn thời trang, mục đích cho các
nhà bán lẻ đặt hàng, còn ở Việt Nam thì chỉ trình diễn để giới thiệu chứ
không mang tính thương mại.
Tôi cũng
có dự định chọn đối tác phân phối sản phẩm, song việc này cũng không dễ
thực hiện vì phải tìm được người cũng có tâm huyết và thật sự yêu sản
phẩm của mình.
* Chị nói
xây dựng Gosto vì lòng tự tôn dân tộc, muốn đưa thương hiệu Việt sánh
với nhiều nhãn hàng nước ngoài, nhưng tại sao chị lại đặt tên cho thương
hiệu bằng tiếng Anh?
-
Khi xây dựng Gosto tôi muốn nhắm đến thị trường nước ngoài, vì vậy tôi
chú trọng đến ý nghĩa ẩn bên trong tên gọi này, như chữ S là hình ảnh
đất nước Việt Nam, còn GO TO là hướng ra thế giới. Mục đích của tôi khi
chọn tên Gosto là muốn khẳng định Việt Nam cũng có thể xây dựng những
thương hiệu thời trang cao cấp.
Năm
năm qua, có nhiều khách sử dụng hàng của Gosto thấy tốt nên đã đến đặt
hàng để mang ra nước ngoài phân phối, nhưng tôi rất cẩn trọng vì Gosto
vẫn đang trong thời gian hoàn thiện hóa sản phẩm, bản thân tôi cũng đang
có kế hoạch đi học thêm nhiều khóa thiết kế về túi xách, giày dép ở Ý,
Pháp, Anh...
Tôi thích giao lưu và
học hỏi ở “những người thầy quốc tế” trong chuyên ngành của mình. Với
vốn tiếng Anh và Hoa khá tốt, tôi rất tự tin mình là một công dân toàn
cầu và một thế hệ mới của thanh niên trẻ Việt Nam, vì đối với chúng tôi,
việc giao lưu học hỏi văn hóa các nước là một điều cực kỳ quan trọng.
Trở
lại với Gosto, để xây dựng một thương hiệu cao cấp thì theo tôi, 5 năm
vẫn chỉ là bước khởi sự. Khi đã xác định đây là đường dài, tôi không hề
nôn nóng và cũng không vội về doanh thu. Khi nào tất cả người dân Việt
Nam đều thấy tin tưởng Gosto và yêu thích thương hiệu này thì tôi mới có
cơ sở để ra nước ngoài.
*
Không ít DN da giày gặp khó khăn do thị trường truyền thống đã mất, thị
trường nội địa bị chiếm lĩnh bởi hàng Trung Quốc, cạnh tranh trong nước
gay gắt. Nhưng doanh thu hằng năm của Biti’s vẫn tăng từ 20 - 30%, có
phải vì vậy mà những năm gần đây Biti’s “im hơi lặng tiếng” trong các
chương trình marketing, làm thương hiệu? Theo tôi, trong kinh doanh, “im
hơi lặng tiếng” quá cũng không hẳn là tốt.
- Trong hoàn cảnh khó khăn chung
thì DN nào cũng gặp khó, và càng khó thì càng phải tiết giảm các chi
phí làm marketing, thương hiệu, quảng cáo. Dù hiện nay mảng xuất khẩu
vẫn chiếm 40% doanh thu, nhưng Biti’s luôn xác định thị trường nội địa
vẫn là “đất sống” của Biti’s.
Do vậy,
chúng tôi tập trung đầu tư phát triển nội lực, đầu tư vào công nghệ,
dây chuyền sản xuất để cho ra nhiều dòng sản phẩm mới như: giày chuyên
dụng thể thao cho chạy bộ, tennis..., cải tiến các dòng sản phẩm.
Đặc
biệt, chúng tôi đã bỏ ra cả triệu USD để trang bị hệ thống quản trị ERP
- SAP. Ở khâu phân phối, chúng tôi đang xây dựng các cửa hàng Biti’s
theo mô hình cửa hàng cho mọi gia đình, nghĩa là khi vào cửa hàng, mọi
thành viên trong một gia đình đều có thể chọn cho mình một sản phẩm phù
hợp.
Việc Biti’s ít tập trung quảng
bá thương hiệu, làm marketing cũng có nhiều ý kiến ngộ nhận hoạt động
của Biti’s đang bị chìm lắng. Đó cũng là điều không hay. Song, việc này
tùy thuộc vào định hướng của ba mẹ tôi.
*
Có vẻ như ba mẹ chị rất thận trọng trong việc giao cơ nghiệp cho chị kế
thừa. Là một người trẻ có cách nhìn và cách làm mới, liệu chị có thuyết
phục được ba mẹ khi có những sáng kiến đột phá? Có bao giờ cha con chị
mâu thuẫn vì các ý kiến đối lập chưa?
-
Kế thừa là cả quá trình dài về sau nên tôi cần có thời gian chuẩn bị,
học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Việc kinh doanh ngày xưa của ba mẹ khác
với thế hệ tôi sau này nên ngoài những điều học được từ ba mẹ tôi phải
có thêm nhiều kiến thức mới, ngay cả cách quản lý cũng khác.
Thực
ra, ba mẹ tôi cũng rất thoáng trong việc tiếp nhận ý kiến, như việc tôi
đề nghị bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư cho hệ thống quản lý ERP,
hoặc như ý tưởng làm thương hiệu Gosto...
Riêng
chuyện mâu thuẫn ý kiến trong kinh doanh tôi nghĩ là khó tránh khỏi, vả
lại tính tôi vốn thẳng thắn, đôi lúc cũng có những tranh luận gay gắt
với ba.
Sau những lần đó, tôi nhận
thấy ba mẹ đã quản lý công ty 30 năm, mình góp sức là để tô điểm thêm
những giá trị đã có nên tốt nhất là hãy làm tốt phần việc của mình, còn
khi có ý kiến thì nên khéo léo để không làm ảnh hưởng đến tình cảm cha
con. Sự nghiệp không phải là tất cả mà gia đình mới là cái quan trọng
nhất.
* Lúc nãy, nhắc đến
mẹ trong những thăng trầm, vất vả để gầy dựng sự nghiệp, mắt chị hoe
đỏ, chắc hẳn chị dành tình cảm khá đặc biệt cho mẹ?
-
Mẹ tôi là một phụ nữ rất giỏi, rất tuyệt vời cả trong gia đình lẫn công
việc và cách đối nhân xử thế. Tuy đứng sau ba tôi trong sự nghiệp nhưng
mẹ là người rất nghị lực, mạnh mẽ, kiên nhẫn và chịu khó, lúc nào cũng
“giấu mình” để hỗ trợ cho chồng con.
Thật
lòng, hồi còn nhỏ tôi rất ngưỡng mộ ba nhưng khi lớn lên, tôi lại
ngưỡng mộ mẹ hơn vì càng lớn tôi càng hiểu rõ vai trò của người phụ nữ
trong gia đình. Nhiều lúc suy nghĩ, đặt mình ở vị trí mẹ, tôi nghĩ mình
sẽ không làm được những gì mà mẹ tôi đã làm.
Trong
cuộc đời và sự nghiệp của mẹ, đâu phải lúc nào cũng thẳng tắp nên đôi
lúc mẹ cũng buồn, cũng khóc nhưng những giọt nước mắt của mẹ luôn giấu
vào trong, không bao giờ mẹ có ý nghĩ tiêu cực và luôn thể hiện sự kiên
nhẫn, lạc quan.
Những lúc gia đình
quây quần, ba tôi thường nói: “Thành công của Biti’s có đến 70% là công
lao của mẹ”. Và những lúc đấy mẹ tôi cười, một nụ cười thật mãn nguyện.
*
Nhiều gia đình doanh nhân thường xao nhãng bữa cơm và sinh hoạt chung
của gia đình, nhưng gia đình chị vẫn cùng nhau đi chơi cuối tuần, chị và
em gái còn được ba dạy học vào các buổi tối, tôi rất ngưỡng mộ và chúc
gia đình chị sẽ mãi giữ được “nếp nhà” hạnh phúc, đầm ấm này.
-
Ba mẹ tôi quan niệm: “Làm việc thì có thể làm suốt đời, nhưng gia đình
mới là nơi mang lại niềm vui, ý nghĩa cho cuộc sống”. Vì thế, chúng tôi
phải tuân thủ “nội quy”: 19 giờ ăn tối, sau đó trò chuyện cùng nhau. Vào
các buổi tối thứ Hai, Tư, Sáu ba tôi dạy tiếng Hoa cho ba chị em, ba
dạy rất nghiêm, có làm bài tập hẳn hoi. Chị em tôi cũng rất thích học
với ba vì đó cũng là dịp để cha con trò chuyện, gần gũi nhau hơn.
* Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Theo: cafef