Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Trương Gia Bình và 3 ý tưởng quan trọng nhất


Được đồng nghiệp nhìn nhận như "một người không bình thường", Trương Gia Bình dường như luôn bùng nổ với các ý tưởng mới. Ông nhìn nhận trong cuộc đời mình, có ba ý tưởng quan trọng nhất.
Một số người nói với chúng tôi rằng, Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Cty FPT là một Nhân Vật Có Nhiều Ý Tưởng. Chúng tôi chưa bao giờ có dịp gặp gỡ ông Bình, một nhà khoa học được đào tạo trong môi trường Xô Viết trở thành doanh nhân, để trao đổi về điều đã làm cho ông trở nên khác biệt.
Hôm nay Trương Gia Bình ngồi trước mặt chúng tôi đây. Ông Bình đang chuẩn bị cho một buổi nói chuyện về các bí quyết thành công vào ngày hôm sau, mà nếu gạch đầu dòng ngắn gọn thì chúng bao gồm: khát vọng + nhìn được các điểm nút chiến lược + tập hợp được những người có năng lực để cùng vượt qua những khó khăn.
Cao 1m73, nặng 88kg, cuốn sách đang đọc dở dang là "Cuộc đời tôi" (My Life) của Bill Clinton; ăn mặc theo lối càng ít thứ đeo khoác trên người càng tốt và thoải mái, có thể nhận xét sơ bộ rằng, ông Bình thuộc kiểu người cởi mở. Giọng nói của ông Bình khi phát âm chữ "R", lưỡi vẫn rung nhẹ. Đó là "di sản" của nhiều năm học tiếng Nga và của quê hương miền Trung, cho dù ông ra Hà Nội sống từ năm 2 tuổi.
1. TS Bùi Quang Ngọc - bạn học cùng từ năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông - Hà Nội, người được coi là khá hiểu ông Bình. Theo ông Quang Ngọc, ngày ấy họ cùng ở phố Thợ Nhuộm. Nhà Quang Ngọc số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế Hà Nội (bố ông Bình là Trương Gia Thọ - một vị bác sỹ nổi tiếng thời bấy giờ).
Trò chơi ấu thơ của họ thường cho cá vào lọ để cùng ngắm chúng chọi nhau cho đến khi ngã ngũ.Hai người học với nhau cả 3 năm cấp 3 ở trường chuyên toán Chu Văn An, cùng ngồi ở chiếc bàn cuối lớp.

"Gia Bình học toàn diện. Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Gia Bình lại là cánh ham mê môn Văn," TS Quang Ngọc nhớ lại. "Mỗi bài luận Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết.
Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt trước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài.
Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết. Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ.
Năm 1974, khi sang Liên Xô, mỗi đứa một nơi, Gia Bình học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, còn tôi học Toán ở Kisinhốp. 1979, Bình được chọn làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh, còn tôi về dạy Toán ở ĐHBK Hà Nội.
Năm 1985, Bình về nước lập nhóm "Nhiệt và chất" ở Viện Cơ, bắt đầu làm kinh tế. Một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi. Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát ở phố Khâm Thiên, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô.
Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay"
Khi ấy họ mới 32 tuổi. Và sau đó mấy tháng, FPT chào đời.
Tại sao một nhóm các nhà khoa học lại rủ nhau bỏ đi làm kinh tế? Ông Bình kể, thế hệ ông được hưởng thụ sự giáo dục về niềm tự hào dân tộc, sinh ra là người Việt Nam đã là điều hạnh phúc.
Chúng ta là lương tâm của thời đại, và tin tưởng sâu sắc vào điều đó. Tuy nhiên khi đi ra thế giới, gặp phải một sự thật phũ phàng là không phải ai cũng tôn trọng chúng ta. Điều ấy là một nỗi đau từ khi bước chân ra khỏi nước.
Ông Bình nhớ, những năm 1980, khi đang là CTV Viện Hàn lâm Xô Viết, hôm ra sân bay tiễn một bạn về nước, cảnh sát đã cầm cái hộ chiếu của cô gái này vứt toẹt xuống đất. Lúc đó mới thấm thía nghèo là hèn, hèn là nhục; cũng tóc đen da vàng nhưng cầm giấy tờ Nhật Bản thì người ta được kính trọng.
Thứ nữa là khi về nước, một người bạn than thở, Bình ơi đói quá không nuôi nổi vợ con, mình phải làm cái gì đi chứ? Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ chất chứa trong đầu từ lâu, và lần này thì nhóm những nhà khoa học này nhất quyết làm kinh tế.
2. Ông Bình cho rằng, câu chuyện lớn nhất của cuộc đời mình là FPT. Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. Việt Nam là một nước nông nghiệp, ông Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là điểm xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm "Nhiệt và chất". Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn rất quen thuộc với Việt Nam thời bao cấp.
Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập.
Từ 1995, kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. Năm 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của Việt Nam .
Trong quãng thời gian trên, ông Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các Cty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Nổi bật là việc lập và bảo vệ kinh doanh, check point nhân viên và xây dựng một hệ thông tin bảo đảm kiểm soát hiệu quả kinh doanh (Balance và FIFA).
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng hai của FPT là một sự kiện gây nhiều dư luận đến mức, hàng tháng sau dân Hà Nội vẫn còn bàn tán.
Thông thường sau những thành công như thế thì người ta bắt đầu hưởng thụ. Nhưng Trương Gia Bình "không phải là người thường" (đánh giá của ông Hoàng Minh Châu, một nhân vật trong FPT).
Ông chưa có ý định hưởng thụ và đã thuyết phục được hầu hết các cộng sự của mình có chung ý chí đó. Năm 1999, FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm.
Đầu năm 2000, FPT là Cty Tin học đầu tiên đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000, triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại Việt Nam .
Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD; năm 2003 vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2002, FPT trở thành Cty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Hiện FPT có khoảng 10 ngàn nhân viên và doanh số đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Thời điểm đầu những năm 2000, ông Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo), đồng thời phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT.
"Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Là người lãnh đạo FPT trong những năm qua, Gia Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian.
Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này. Bình là một nhà tư tưởng" - TS Bùi Quang Ngọc nhận xét.
"Bình nhìn nhận FPT phải có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, và thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội, trong đó có Bác Văn.
Thậm chí Bình học hỏi cách dùng người của Bác Hồ. Những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng của Bình được minh chứng qua thực tế, ví dụ như bản đồ gene Cty. Bình tự mình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này".
3. Để triển khai kinh nghiệm sống còn "con người là cốt lõi của thành công", ông Bình đã từng phát động một chiến dịch cầu hiền tài. "Chiếu cầu hiền tài" của ông đăng trên tạp chí nội san và được nhiều báo khác đăng tải lại, đã gây xúc động mạnh trong giới trẻ.
Hai câu lạc bộ tài năng trẻ FPT ra đời, quy tụ hầu hết những học sinh - sinh viên giỏi nhất nước, trong đó có nhiều em vừa đoạt các giải cao trong các kỳ thi toán học, tin học quốc tế. Một trong các nỗ lực cầu hiền tài đã đưa về FPT một ngôi sao sáng trong làng phần mềm Việt Nam lúc đó là Henry Hùng.
Tinh thần "chiến tranh" được ông Bình phát động, để cho dễ nhớ, ông đã gói gọn mục tiêu của Cty vào 3 chữ số: 528. Số 5 chỉ 5000 lập trình viên chuyên nghiệp của FPT vào năm 2005, số 2 chỉ 200 triệu doanh số phần mềm xuất khẩu cũng vào năm đó, số 8 chỉ giá trị của Cty tại thị trường chứng khoán Nasdaq là 8 tỷ USD.
Toàn thể nhân viên FPT hừng hực khí thế. Trở thành Cty bạc tỷ trong vòng mấy năm là một chuyện phi thường và ông Bình thổi vào bộ máy FPT quyết tâm làm chuyện phi thường.
Khẩu hiệu "công nghiệp hoá, hiện đại hoá" sẽ vẫn tiếp tục chỉ là khẩu hiệu trong nhiều năm cho đến khi xuất hiện một tư duy mới: công nghiệp phần mềm là lối thoát duy nhất của Việt Nam .
Từ vấn đề kinh tế, xuất khẩu phần mềm phải trở thành vấn đề chính trị, vì nó không chỉ mang về cho đất nước một ít ngoại tệ mà là mở ra cho đất nước một cơ hội phát triển.
Ngày 5/6/2000, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005 với mục tiêu: 50 ngàn lập trình viên, 500 triệu USD phần mềm xuất khẩu vào năm 2005.
Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 8 đã ra chỉ thị 58-CT/TƯ, trong đó nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin đối với sự phát triển đất nước.
Tiếp theo hai văn kiện quan trọng này là việc triển khai hàng loạt các chính sách ưu đãi: miễn thuế 4 năm cho các Cty phần mềm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, không áp dụng VAT với các sản phẩm phần mềm, thuế xuất nhập khẩu bằng không... đặc biệt các lập trình viên Việt Nam được tôn vinh, khi mức lương bắt đầu phải nộp thuế thu nhập nâng từ hai triệu lên tám triệu đồng.
Các công ty phần mềm được sử dụng internet với tất cả các cổng dịch vụ không bị kiểm soát qua firewall, Nhà nước đầu tư vào các khu công viên phần mềm như Quang Trung, Hoà Lạc...
"Những người làm phần mềm hân hoan thụ hưởng các chính sách mới này, nhưng không phải tất cả trong số họ đều biết đến công lao của ông Bình trong nỗ lực tác động hình thành chính sách" - ông Hoàng Minh Châu nhận xét.
4. Khi cần suy nghĩ, ông Bình cũng đốt thuốc, vẻ sôi nổi biến mất và thoáng rơi vào trầm tư. Ông Bình nhìn nhận, có ba ý tưởng quan trọng nhất trong cuộc đời mình. 
Ý tưởng thứ nhất: Đưa chiến tranh nhân dân vào thương trường. Lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến tranh vệ quốc và chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh. Tại sao người Việt Nam sẵn lòng hy sinh, đổ máu cho quê hương, mà làm kinh tế lại có nhiều điều không ổn?
Ông Bình để tâm học hỏi trực tiếp từ những vị tướng quân đội và sau này tự tổng kết trong bài "chiến tranh nhân dân ứng dụng vào quản trị kinh doanh".
Điều này ông đã dạy cho nhân viên FPT, đồng thời cũng chia sẻ với các doanh nghiệp trong khuôn khổ khoa Quản trị kinh doanh - ĐHQG Hà Nội, và ông cho rằng sức mạnh đó là riêng có của người Việt Nam, quốc gia khác, nền văn hóa khác khó lòng học được.
Ý tưởng thứ hai: Genetic. Khi nhìn ra thế giới xem có doanh nghiệp nào tồn tại lâu dài, tìm hiểu bí quyết tồn tại của nó, ông Bình nhận thấy thương hiệu Sumitomo - Nhật Bản đã có 400 năm tuổi, nhưng lại có một Cty Thụy Điển đã tồn tại tới 7 thế kỷ.
Ông Bình phát hiện ra rằng, bất cứ một cái gì trường tồn phải có một cấu trúc hết sức đặc biệt và có thể đặt tên nó là genetic. Để thiết kế được một hệ thống gen trong Cty, ông Bình không biết phải bắt đầu như thế nào, cho dù hết sức ước mong và dù đã xem xét cả mã gien của người lẫn ruồi giấm.
Khi FPT mới chỉ có 350 người, ông Bình tự so sánh với một dân tộc thiểu số Việt Nam cũng có 350 người. Một dân tộc đã tồn tại độc lập qua cả ngàn năm đến tận bây giờ, vì sao họ làm được điều đó?
Ông Bình sửa soạn đi tìm dân tộc này nhằm quan sát cách thức họ sống, ăn nói, trồng cấy, sinh hoạt bên đống lửa... để tìm cấu trúc. Đang chuẩn bị đi thì lại vớ được một cuốn hương ước, và cho rằng hương ước hay hơn, nên thu thập rất nhiều về đọc. Ông Bình đã mơ hồ đoán được cấu trúc genetic nhưng vẫn không thiết kế nổi.
Lúc này FPT xuất khẩu phần mềm sang Ấn Độ, ông Bình bắt đầu nghiên cứu các quan điểm ISO và nhận thấy sự minh bạch của bộ lệnh này, đồng thời nó là quy trình chung cho toàn bộ tập đoàn.
Như là lá, bạn sẽ quang hợp, là hoa bạn sẽ di truyền vậy. Đồng thời tiêu chuẩn ISO có cả biến dị, bởi có cả giai đoạn check, tức là sau một vòng tuần hoàn phải kiểm tra xem có cải tiến được nó không? Thế là bản thiết kế bộ gien của ông Bình đã hoàn tất.
Rất nhiều người trong FPT phản đối mạnh mẽ, làm gì có cái khái niệm đó tồn tại trên đời, nhưng sau khi ông Bình bắt đầu triển khai làm thì điều này bắt đầu xuất hiện trong một số cuốn sách.
Thật may có một người bạn thân của ông Bình hiểu. Để ép mọi người sử dụng, ông Bình gần như phải dùng tới "bạo lực, cưỡng chế", bởi có thể cách ông Bình giải thích khó hiểu, hoặc cũng có thể mọi người không thích thay đổi.
Genetic không chỉ là nhận thức sâu sắc về một tập đoàn, mà muốn vận hành nó sẽ phải chấp nhận trả giá bằng 30% thời gian của toàn bộ bộ máy nhân sự trong khoảng từ 1 - 2 năm.
Vừa đúng dịp có cuộc xuất khẩu phần mềm, ông Bình đặt ra khẩu hiệu "Xuất khẩu hay là chết", đồng thời cho vận hành genetic. Ông Bình đánh giá, đến nay bộ lệnh của FPT vẫn là bộ lệnh khác biệt so với các tập đoàn khác, bởi lẽ ông đã tìm mọi cách viết một bộ lệnh đầy đủ để duy trì sự trường tồn của lệnh này, cũng như cây cỏ trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là tìm cách bắt chước thiên nhiên.
Ông Bình không biết FPT sẽ tồn tại được bao lâu, nhưng theo đúng như thiết kế thì cần phải liên tục hoàn thiện, khi đạt đến đẳng cấp thiên nhiên thì đương nhiên sự tồn tại sẽ được chấp nhận.
Gen đòi hỏi mỗi tế bào phải thuộc bài, phải có hệ thống đào tạo nội bộ. Tại FPT lãnh đạo hành xử giống nhau, 10 người cũng như 10 nghìn người, phương thức giống nhau dù quy mô khác nhau, đều theo quân sự lệnh. Ý tưởng genetic có trong đầu ông Bình từ năm 1996, đến lúc xuất hiện tại FPT đã là năm 2003. Một quá trình đeo đẳng.
Ý tưởng thứ ba: Thác số. Ông Bình dự báo rằng sớm muộn gì cũng có một cuộc lật đổ, thay đổi vị trí các quốc gia trong tương lai. Ý tưởng này về sau người ta viết thành những cuốn sách rất nổi tiếng như "Thế giới phẳng", còn ông Bình gọi nó là thác số.
Bởi khi chưa có internet thì công việc nước nào nước ấy làm, nhưng khi internet ra đời sẽ có một dòng thông tin chảy từ chỗ có nhiều tin đến ít tin, từ chỗ nhiều tri thức đến chỗ ít tri thức, đồng thời sẽ có dòng công việc chảy theo dòng thông tin đó. Tương tự như việc phải chọn độ cao, ngăn đập để làm thủy điện.
Trong thác số, nước là kỹ năng, một số lượng các kỹ năng, cụ thể trong công nghiệp phần mềm là tiếng Anh và lập trình. Ông Bình đẩy tiếp một bước nữa là "tạo nước" bằng việc mở trường Đại học, hiện nay FPT có khoảng 10 nghìn sinh viên, ngoài ra cũng đào tạo cho khoảng 50 ngàn sinh viên trong các hệ thống khác.
Khi tích đủ lượng nước rồi thì ông Bình ngồi xoa tay xem các tổ máy phát điện vận hành. Các nước phát triển không ai đi viết lập trình cả, học thì khổ "chết cha chết mẹ", ra đời lương lại không cao, họ thường làm các việc khác.
Vì thế ông Bình cho rằng, trong tương lai các nước phát triển sẽ lười biếng, người ta vẫn giàu có nhưng đến một ngưỡng nào đó sẽ phải chấp nhận sự lật đổ. Thác số chính là cơ hội của đất nước, trong cái nghèo lại ẩn chứa một sức mạnh riêng.
5. Những năm 1980 khi đất nước đang rất khó khăn, ông Bình đã được mời sang Tây Đức làm việc. Sự lựa cuộc sống ở nước ngoài tương đối dễ dàng, nhưng ông nghĩ rằng không có nơi nào tốt hơn Việt Nam, mà ở Việt Nam thì phải ở Hà Nội, nơi ông đã lớn lên, nơi văn hóa, trí tuệ tinh túy của đất nước tụ hội, nơi ông cảm thấy "happy" hơn cả.
Ông Bình kể với chúng tôi rằng, ông đã quan sát kỹ mặt trống đồng để cố gắng hiểu mật mã của quá khứ, và gọi nó là "một bộ gen được ghi nhận đơn giản về văn hóa người Việt, về triết lí sống người Việt.
Ví dụ câu hỏi lớn nhất "hạnh phúc là gì?" Tôi thấy trên trống đồng vẽ một nhà mái cong, một người đàn ông, một người đàn bà, một đứa trẻ, một đấu gạo, trên nóc nhà có một con chim.
Có thể thấy người Việt cổ quan niệm rằng, chúng ta là người hành phúc khi có một nơi để ở, có một gia để sống và có gạo để ăn. Kiểm nghiệm lại tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc, đời tôi đã có một nơi ở, một gia đình và có gạo.
Bất kể chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi thấy tự tin vô cùng để có thể mạo hiểm. Làm kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm. Nhưng dù mạo hiểm đến đâu đi chăng nữa tôi vẫn đã có một gia đình, có người yêu thương mình".
Ông Bình tự thiết kế cho mình một ngôi nhà bên Hồ Tây, sau khi đọc chán các sách về âm dương ngũ hành, phong thủy, và tìm hiểu một thứ là "bộ lệnh hài hòa".
"Ngôi nhà tôi là nơi đã bày trận đánh lớn: làm sao để Intel đầu tư vào Việt Nam , để TGĐ Intel đến nhìn thấy là choáng, họ thấy văn hóa Việt Nam mình hay quá.
Đấy là một địa điểm chuyên dùng để kêu gọi xuất khẩu, kêu gọi đầu tư công nghệ cao, ông nào mà hoành tráng nhất thì tôi đón về nhà" - ông Bình không dấu được vẻ khoan khoái.
Kết thúc, ông Bình nói với chúng tôi: Có hai loại kiến thức, một loại có thể viết ra được thành lời, người ta gọi là kiến thức tường minh; một loại kiến thức không viết ra được mà chỉ có thể ngộ được.
Đó là kiến thức ẩn, nó không thể tổng kết được mà là hệ quả của một quá trình quan sát, bắt chước và giác ngộ. Có lẽ ông Bình có chút lo lắng mơ hồ rằng, dân ngoại đạo chúng tôi vẫn còn chưa hết cảm thấy xa lạ chăng, với những ý tưởng ông vừa mới trình bày.
Trương Gia Bình nói điều đó với một điếu thuốc mới bắt đầu cháy trên tay.

Nguồn: dailodoanhnhan.com.vn

CEO Phát Đạt hướng tới top 3 nhà giàu chứng khoán


Bị đồn vỡ nợ, bỏ trốn song Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: "Tôi phớt lờ tin đồn và giữ tinh thần thép để tỉnh táo tìm cơ hội trong khủng hoảng".

- Là một trong những doanh nghiệp bất động sản bị đồn nợ nần, phá sản trong năm qua, làm thế nào ông vượt qua những áp lực đó?
- Tôi chịu nhiều điều tiếng trong năm 2011, nào là vỡ nợ, phá sản, thậm chí là bỏ trốn... Tôi đi Mỹ thăm con cũng bị đồn: "Hắn bỏ trốn rồi". Song khi tôi về Việt Nam, những thông tin vô thưởng vô phạt cũng tắt theo. Tôi thấy lời ong tiếng ve là bình thường và không để tâm. Nếu lo giải thích tin đồn thì chẳng còn thời gian làm việc nữa. Làm bất động sản doanh nghiệp phải có tinh thần thép, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đối mặt với khó khăn để đi xuyên qua nó. Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp địa ốc tồn tại được đã là giỏi lắm rồi.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt cho biết, ông phớt lờ mọi tin đồn, giữ tinh thần thép để săn cơ hội trong khủng hoảng. Ảnh: Vũ Lê
- Rất nhiều doanh nghiệp địa ốc điêu đứng khi thị trường bất động sản chìm sâu trong khủng hoảng. Riêng Phát Đạt đã trải qua thời kỳ khó khăn này như thế nào?
- Trong năm 2011 có rất nhiều cổ phiếu sụt giảm, PDR (cổ phiếu của Phát Đạt) cũng không ngoại lệ. Tương tự dư nợ của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản cũng tăng cao. Tuy nhiên, dư nợ của chúng tôi là nợ dài hạn, không phải nợ ngắn hạn nên chưa đến mức quá lo ngại. Điều quan trọng là doanh nghiệp vẫn tồn tại và được nhiều đối tác cam kết đồng hành.
Do bị thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đến vài trăm triệu đồng tiền mặt trong thời điểm này cũng không có. Chúng tôi cũng khó khăn nhưng không bị áp lực quá lớn đến như thế. Ít nhất bộ khung của Phát Đạt vẫn ổn định, không có hiện tượng sa thải. Tết đến doanh nghiệp vẫn lo được lương thưởng cho nhân viên. Tất nhiên thưởng không cao bằng năm ngoái vì nguồn thu ít nhưng ai có công vẫn được thưởng xứng đáng. Người chưa có đóng góp sẽ nhận mức thưởng khiêm tốn hơn. Tôi đã nói với cán bộ công nhân viên Phát Đạt rằng, hãy nhìn sang các doanh nghiệp địa ốc khác để biết mình đang ở đâu.
Năm 2011 điểm sáng lớn nhất của Phát Đạt là tồn tại và có đủ nội lực để chuẩn bị cho chiến lược năm 2012. Điều mà doanh nghiệp chưa thực hiện được là năm qua quá khó khăn, lợi nhuận không thể đạt được như mong đợi.
- Chứng kiến bất động sản suy thoái nhiều năm liền, ông từng nghĩ đến việc thoái vốn hay tháo chạy khỏi ngành này?
- Như tôi đã nói, làm bất động sản phải có tinh thần thép, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đi xuyên qua khủng hoảng để vượt khó. Tôi vẫn xem dịa ốc là ngành lõi để tập trung đầu tư. Năm 2012 tôi chọn những dự án bỏ ra ít tiền, thu được nhiều lợi nhuận để tập trung thực hiện. Chẳng hạn như các dự án đổi đất lấy hạ tầng, tôi ưu tiên bán biệt thự. Các dự án chung cư chưa bán có thể tạm để sang một bên, không xây vội.
Đối với những sản phẩm nào không khả thi thì bán bớt hoặc tạm dừng. Các nguồn tài chính sẽ được tập trung vào phát triển dự án Everich 3, dự phòng thêm các dự án biệt thự biển tại Nha Trang khi thị trường có tín hiệu tốt. Bất động sản vẫn là ngành chính nhưng tôi cũng sẽ lấn sân sang lĩnh vực mới là nông nghiệp và cây công nghiệp để tìm nguồn thu cân bằng và ổn định hơn. Việc chuẩn bị cho các ngành nghề mới đã được xúc tiến cách đây 4 tháng và năm 2012 chắc chắn Phát Đạt sẽ có thêm những chuyển biến mới này.
- Bị tụt hai bậc trong Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam 2011, cảm giác của ông ra sao?
- Tôi nghĩ sự thăng trầm trong kinh doanh là bình thường, có lúc ở trên đỉnh cao cũng có khi bị tụt xuống dốc. Là doanh nhân phải biết chấp nhận rủi ro của thời cuộc. Năm ngoái tôi đứng trong top 5, năm nay tôi tụt xuống top 7, biết đâu vài năm nữa tôi lại bị văng khỏi top 10. Thế nhưng, tôi có nhiều tham vọng, mục tiêu trong 10 năm tới là tôi phải lọt vào top 3 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
- Có những doanh nhân thích được gọi là người giàu nhưng cũng không ít người khó chịu. Thế còn ông?
- Dù phải chịu nhiều áp lực như: bị mất tự do, bị soi mói, bị chú ý một cách thái quá... nhưng tôi hãnh diện với gia đình, bè bạn khi được lọt vào danh sách top 10 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tôi quan niệm người giàu là người có trách nhiệm xã hội rất lớn, làm giàu cũng đồng nghĩa với việc cống hiến nhiều hơn, có nhiều điều kiện để sẻ chia với cộng đồng.

dailodoanhnhan.com.vn
Flag Counter