Sự
kiện tập đoàn Khang Thông công bố dự án xây dựng khu giải trí tầm cỡ
khu vực Happy Land tổng vốn đầu tư lên tới gần 2 tỷ USD khiến không ít
người ‘choáng’. Bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Khang Thông
chia sẻ với DĐDN về dự án cũng như những trăn trở, ấp ủ, ước nguyện đời
và nghiệp của mình.
Dự án tầm cỡ quốc tế
-
Thưa bà, gần đây Việt Nam liên tiếp xuất hiện các ‘dự án khủng’ vốn đầu
tư hàng tỷ USD. Bên cạnh sự hoan nghênh cũng có không ít ý kiến hoài
nghi về tính khả thi của các dự án này, thậm chí cho đó là sự bốc đồng,
chơi trội để đánh bóng tên tuổi. Bà nghĩ sao?
Không,
tôi hoàn toàn không chơi trội. Để cho ra đời dự án Happy Land, tôi đã
mất gần chục năm trời chuẩn bị, đi khắp các khu vui chơi giải trí tầm cỡ
trên thế giới để tìm hiểu, học hỏi mô hình, kinh nghiệm. Từng bước
trong quá trình nghiên cứu lập dự án cũng rất nghiêm túc, công phu,
chuyên nghiệp. Để hoàn toàn yên tâm về chất lượng và đẳng cấp, tôi đã
thuê những tập đoàn hàng đầu thế giới về tư vấn, thiết kế, quản trị như
Savills PWC, Steelman Patner, Hill…vào giúp ngay từ đầu. Cho nên tôi tự
tin khẳng định rằng Happy Land sẽ trở thành một khu vui chơi giải trí
tầm cỡ quốc tế.
Bà Phan Thị Phương Thảo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ở Hà Nội
Tôi biết có người nghi ngờ Khang Thông lấy đâu ra hàng tỷ USD để đầu tư dự án này. Yên tâm đi (cười).
Dĩ nhiên đây là một khoản tiền rất lớn. Tôi không dám khoe khoang nhưng
Khang Thông hiện sở hữu một số vốn không nhỏ nhờ kinh doanh nhiều năm
trong lĩnh vực khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải thủy và
bất động sản. Tôi tự hào mình là một doanh nghiệp khép kín về xây dựng.
Nhưng như thế cũng chưa đủ, vì lẽ đó mà tôi tổ chức hội nghị xúc tiến
đầu tư tại Hà Nội và sau đây là tại TP HCM để tìm kiếm đối tác cùng đầu
tư kinh doanh. Các bạn có thấy những người ngoại quốc kia không, họ là
các đối tác của tôi đến từ Mỹ, Nhật, Hà Lan, Nga…Khang Thông từ lâu đã
xây dựng quan hệ tốt đẹp với hàng chục đối tác nước ngoài, quan hệ của
chúng tôi rất rộng nên nhiều khi nhân viên của tôi cứ nói đùa cô ơi công
ty mình nhộn nhịp cứ như bộ ngoại giao vậy. Nói nhỏ nhé, hiện có một số
đối tác đã cam kết đầu tư vào các hạng mục khác nhau tại Happy Land
rồi. Ngoài ra, tôi cũng không bỏ qua việc phát hành cổ phiếu trên thị
trường chứng khoán nhằm mở thêm một kênh huy động vốn.
Về
mặt bằng tôi cũng đã làm từ rất sớm, đến nay đã đóng phần lớn tiền sử
dụng đất, đảm bảo có quỹ đất sạch để khởi công dự án vào đầu năm 2011.
Khi khu Happy Land hoàn thành cần tới khoảng 5.000 nhân viên quản lý vận
hành, cho nên ngay từ bây giờ tôi đã lo ký kết với các cơ sở đào tạo
nghề bắt đầu đào tạo nhân viên trước chứ không đợi nước đến chân mới
nhảy. Happy Land cần rất nhiều cây xanh, do đó tôi cũng đã chuẩn bị 15
ha đất trên Đà Lạt dành cho việc này…
Xứ hạnh phúc trên đất Việt
-
Tại sao bà lại lấy tên dự án là Happy Land? Nó có khác gì so với các
khu Disney Land trên thế giới và bà có tự tin dự án này sẽ thành công?
Tôi
thích cái tên Happy Land nghĩa là Xứ sở Hạnh phúc. Trong đời, ai cũng
mong mỏi và đi tìm hạnh phúc. Tôi cầu cho mọi người được hạnh phúc, đất
nước hạnh phúc và dĩ nhiên tất cả những người đến Happy Land đều cảm
thấy hạnh phúc (cười).
Một trong những phối cảnh dự án Happy Land
Tôi
đã tới hầu khắp các khu Disney Land, Universal Studio ở Mỹ, châu Âu,
châu Á để tìm hiểu và học cái hay ở mỗi nơi mang về cho Happy Land.
Disney Land rõ là hay rồi nhưng họ là họ còn mình phải là mình mới được.
Tôi muốn Happy Land mang thế giới về Việt Nam nhưng đồng thời cũng giới
thiệu được văn hóa Việt Nam ra thế giới. Biểu tượng của Disney Land là
chuột Mickey, nhưng biểu tượng của Happy Land phải là con người chứ
không phải con vật. Chỉ Việt Nam mới có Thánh Gióng mạnh mẽ, dũng cảm và
trí tuệ, nhân văn. Happy Land sẽ rất hiện đại, độc đáo nhưng cũng sẽ
đậm chất văn hóa Việt. Muốn tìm hiểu về dân tộc nào ở Việt Nam đến đây
sẽ thấy một Việt Nam thu nhỏ. Con người Việt Nam rất thông minh, văn hóa
Việt cũng vô cùng đặc sắc, tôi yêu đất nước mình và muốn thế giới biết
đến Việt Nam nhiều hơn qua Happy Land.
Thành
công của tôi có thể là sự cộng gộp của lòng yêu nước, cái tâm, một chút
tài, một chút tình và cả một chút may mắn'- Bà Phan Thị Phương Thảo.
|
Chúng tôi ước tính sau khi Happy
Land đi vào hoạt động sau chừng 5-7 năm sẽ thu hồi xong vốn. Tôi là
người làm ăn nên không dưng ‘bạo miệng’ phi lý. Chúng tôi đã tiến hành
điều tra thị trường cẩn thận và thấy Việt Nam hiện rất thiếu những khu
vui chơi giải trí đúng nghĩa trong khi đời sống ngày một khấm khá. Khu
Suối Tiên và Đầm Sen ở Sài Gòn luôn luôn trong tình trạng quá tải, bà
con muốn đi chơi mà không có chỗ, có tiền cũng không biết tiêu nơi nào
cho xứng, vì sao nhiều đại gia cứ phải ra nước ngoài mua sắm là thế. Tôi
từng cho nhân viên ăn chực nằm chờ đếm từng đầu xe chở người đến đó để
xem lượng khách và nguồn khách đến từ đâu. Happy Land nằm ở Long An
nhưng đi đường cao tốc chỉ mất khoảng 15 phút chạy xe. Ngoài cao tốc
chạy qua, khu đất của tôi còn nằm ngay trên QL1A và trên bờ sông Vàm Cỏ
Đông, cực kỳ thuận lợi và đắc địa về nhiều mặt.
Chúng
tôi thiết kế Happy Land thành khu phức hợp giải trí bao gồm nhiều công
trình khác nhau như công viên chủ đề ngang tầm với các công viên nổi
tiếng thế giới, ngoài ra các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, biệt thự cao
cấp, mô hình các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Sẽ có nhiều mức giá
vé cho khách tới Happy Land, người nhiều tiền có thể hài lòng, người ít
tiền cũng thấy thỏa mãn và chúng tôi cũng dành một số ngày lễ đặc biệt
cho người nghèo vào thăm quan, vui chơi miễn phí. Hơn nữa như đã nói ở
trên, Khang Thông có nhiều đối tác quốc tế là các tập đoàn lớn và họ cam
kết với tôi hàng năm sẽ đưa một lượng khách lớn theo tour ổn định đến
Happy Land nên không lo về nguồn khách.
- Được biết trước ý tưởng xây dựng Happy Land, khu đất này được dành làm khu công nghiệp. Tại sao bà lại thay đổi ý định?
Đúng
là ban đầu tôi định xây khu công nghiệp tại địa điểm này. Nhưng sau khi
cân nhắc kỹ lưỡng qua thực tế những vụ scandal môi trường của Vedan hay
hiện trạng chính mắt tôi nhìn thấy nhiều con sông ở đồng bằng sông Cửu
Long đang bị bức tử vì ô nhiễm, tôi đã thay đổi quyết định. Tôi lựa chọn
hướng phát triển bền vững mà hiệu quả kinh tế vẫn cao, phù hợp với xu
hướng của thế giới. Happy Land sẽ là mẫu hình kinh doanh văn hóa và thân
thiện với môi trường.
‘Có lúc tôi chỉ có một ngàn đồng trong túi’
- Hiện giờ bà đã là một đại gia. Người ta nói con đường thành công thường không dễ dàng, với bà thì sao?
Khu
phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland)quy mô hơn 338,98 ha tọa lạc
tại một vị trí thuận lợi cách trung tâm TP HCM chỉ 15 phút di chuyển
trên đường cao tốc. Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng Phú An
làm chủ đầu tư với 100% vốn từ Tập đoàn Khang Thông. Khâu thiết kế do
Công ty Steelman Partner (M ỹ) đảm nhận.
"Xứ sở
hạnh phúc" là dự án khu vui chơi giải trí phức hợp được xây dựng tại
huyện Bến Lức, tỉnh Long An, được cho là khu vui chơi giải trí lớn nhất
Đông Nam Á. Dự án Happyland được thiết kế cho khoảng 14 triệu lượt khách
đến tham quan mỗi năm từ năm 2014. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi
công ngày 1/1/2011 và khai trương vào ngày 24/4/2014.
|
Cuộc đời tôi nhiều lúc ‘cơm chan
nước mắt’. Trước đây gia đình tôi rất nghèo. Tôi nhớ mãi cái ngày sau
giải phóng, tôi mới là con bé mới 11 tuổi đầu ngu ngơ theo mẹ bắt xe đò
từ Long An lên Sài Gòn. Hôm ấy ở bến xe gặp người ăn mày ngửa tay xin
tiền tội lắm, nhưng tình cảnh tôi nào có hơn gì. Lúc đó tôi ao ước sau
này mình sẽ kiếm được thật nhiều tiền, trở thành người thật giàu để xây
ngôi nhà thật to rồi mời những người khốn khó đến ở.
Lên
thành phố tôi vừa đi làm ô sin để kiếm sống, buổi tối thì cắp sách đến
lớp bình dân học vụ. Cũng chính nhờ thế mà tôi học qua phổ thông. Hồi đó
đói lắm, nhiều hôm tôi phải ăn cháo vì không đủ tiền mua gạo... Năm 20
tuổi, tôi nghĩ cách kiếm tiền bằng việc về quê mua lúa xay xát thành gạo
rồi mang lên Sài Gòn bán. Sau đó, tôi quay qua mua chiếu thô về thuê
thợ in hoa lên rồi mang lên tận Tây Ninh bán buôn. Khi đã có chút vốn
liếng, tôi ra Vũng Tàu mở quán cơm, buôn bán sắt thép phế liệu, bỏ mối
cát, đá... Khấm khá hơn, tôi quyết định ‘làm lớn’ dốc tiền mua một máy
sang cát, lấy cát nhỏ bán cho nhà máy thủy tinh, cát lớn bán cho một số
nhà máy sửa chữa tàu biển dùng để rửa tàu…
Tôi thấm thía cảnh nghèo đói là thế nào nên giờ đây rất thông cảm với người nghèo. Đó chính là lý do tôi hay làm từ thiện (nói đến đây mắt bà chợt đỏ hoe, phải dừng lại ít phút mới trở lại câu chuyện).
Công việc kinh doanh không phải bao giờ cũng suôn sẻ. Đôi khi khó khăn
tới mức tôi cảm thấy tuyệt vọng, có lúc trong túi chỉ còn đúng đồng một
ngàn bạc sờn rách…Nhưng tôi đã vượt qua và đứng vững.
Theo
trải nghiệm của tôi, một người muốn thành công trước hết phải có tài.
Có tài rồi mà không có tâm thì cũng không lâu bền được, kinh doanh gì
cũng phải có đạo đức, có tình người. Rồi phải có tầm để nhìn xa trông
rộng, mới đủ khả năng nắm bắt cơ hội. Nhưng nói thật là có đủ tài, tâm,
tầm rồi mà không có tiền cũng chẳng làm được gì cho nên tiền quan trọng
lắm. Cuối cùng sự thành công còn cần cả may mắn nữa. Thành công của tôi
có thể là sự cộng gộp của lòng yêu nước, cái tâm, một chút tài, một chút
tình và cả một chút may mắn.
Không ưa đồ hiệu
- Bà luôn bận rộn và làm việc dường như không biết mệt mỏi. Bà lấy đâu ra nhiều năng lượng như vậy?
Tôi
say mê công việc, nó cứ cuốn tôi đi và khiến tôi quên hết mệt mỏi. Làm
doanh nghiệp cũng khổ lắm chứ nhưng biết sao được. Nhiều khi tôi cảm
thấy không đủ thời gian, có khi tôi làm việc tới 16 – 17 tiếng một
ngày. Có hôm, tôi bận đến mức không kịp gội đầu, xong việc lê từ công ty
về đến nhà là mệt phờ rồi lăn ra ngủ thôi (cười). Tính tôi thích đơn giản, không màu mè. Nếu có thời gian thì tôi thích làm việc thiện.
-
Người ta bảo phàm đã kinh doanh thì trước hết và trên hết là lợi nhuận,
đôi khi còn phải lạnh lùng nữa. Bà hay thương người như vậy liệu có mâu
thuẫn chăng?
Tiền dẫu nhiều đến khi
chết cũng có mang theo được đâu, nên tôi nghĩ tốt nhất là nếu mình có
thì nên chia sẻ với người khác. Mình cứ giúp người một cách vô tư đi rồi
sẽ được giúp lại, phải cho đi thì mới có nhận may mắn về chứ. Tôi tâm
sự với mấy người bạn như thế, giờ thì họ cũng ‘lây’ cách nghĩ và làm như
tôi rồi.
- Xin cảm ơn bà!
Theo: cafef