Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Trương Triều Thuận: “Giám đốc tự động hóa”


Những năm gần đây, thị trường sản xuất tại khu vực phía Nam bắt đầu chú ý đến một thương hiệu mới nhưng đã được các tên tuổi lớn như: P&G, Pepsico, Nestlé, Vinamilk, Colgate... chấp nhận. Đó là Công ty New Ocean chuyên cung cấp giải pháp kỹ thuật, phần mềm ngành tự động hóa mà giám đốc chỉ mới ngoài 30 tuổi.
Sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Trương Triều Thuận hiếu học từ thuở nhỏ. Mới bốn tuổi mà Thuận đã được vào học lớp Một. Ban đầu thấy con thích học, sẵn là giáo viên nên ba Thuận gởi Thuận vào lớp Một học “chơi” thay vì đi mẫu giáo.
Kết quả cuối năm Thuận đạt loại khá, nhà trường chấp thuận cho lên lớp Hai với điều kiện phải đạt loại giỏi cuối năm, nếu không thì xuống lại lớp Một.
Điều này là động lực giúp Thuận luôn giữ vị trí học sinh xuất sắc của lớp, và ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở, Thuận đã chứng tỏ sức học của mình không hề thua kém người hơn tuổi, bởi học sinh bắt buộc phải đạt điểm thi loại giỏi mới được xếp học lớp Mười.
Đam mê điện tử và ước mơ trở thành kỹ sư, năm 1995, khi vừa tròn 16 tuổi, Thuận đăng ký dự thi vào khoa Điện - Điện tử, ngành tự động hóa Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và trúng tuyển.
Có lẽ Thuận là “sinh viên thiếu tuổi” đầu tiên của trường nên được thầy, cô đặc biệt chú ý. Năm thứ hai đại học, Thuận được bố trí vào phòng thí nghiệm, từ đây niềm đam mê được thắp sáng, tạo tiền đề cho những ước mơ sau này.
Tốt nghiệp năm 2000, Thuận làm việc tại các công ty nước ngoài chuyên ngành tự động hóa và được cử đi học chuyên sâu nhiều năm ở Hà Lan.
“Việc được đào tạo, học tập ở nước ngoài, đặc biệt là những nước có ngành tự động hóa phát triển, đã giúp tôi nâng cao tay nghề cũng như hiện đại hóa cung cách quản lý để đạt hiệu quả, giúp tôi thành công trong việc điều hành công ty của riêng mình sau này”, Thuận chia sẻ.
Thuận cho biết, tự động hóa không có nghĩa là thay thế sức lao động, mà là giúp cho nhà sản xuất hiểu biết về hiệu quả sử dụng thiết bị, sự tiêu hao năng lượng cũng như xác định chính xác tỷ lệ hao hụt sản phẩm của dây chuyền sản xuất để từ đó đưa ra cơ chế điều phối phù hợp, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN).
Thiết bị ngành tự động hóa ở Việt Nam trước đây đều do các công ty nước ngoài cung cấp, chủ yếu là Thái Lan, Philippines và Mỹ. Điều này đã gây bất tiện cho phía DN Việt Nam vì khi máy móc hỏng hóc, DN phải tạm ngưng sản xuất, chờ nước ngoài cử nhân viên sang bảo hành, giúp khắc phục sự cố, gây lãng phí vì rất mất thời gian.
Dây chuyền tự động hóa được New Ocean thực hiện tại P&G
Hơn nữa, giá dịch vụ cũng rất cao, làm tăng giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. “Khi New Ocean ra đời, chúng tôi chủ động ký hợp đồng làm đối tác chiến lược với các công ty đa quốc gia, cung cấp sản phẩm cho ngành tự động hóa.
Điều này đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư, đồng thời được phép khai thác khách hàng toàn cầu dưới danh nghĩa đối tác của các công ty như: Rockwell Automation, Cognex (Mỹ) và ABB Robotics (Thụy Sĩ)”, Thuận tâm đắc.
Và điều này được chứng minh bằng hợp đồng trị giá 4 tỷ đồng ký với Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ (Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là lần đầu tiên một DN Việt Nam đảm nhiệm phần thiết bị tự động hóa cho nhà máy.
Theo đó, New Ocean lắp đặt hai hệ thống (một vận hành, một dự phòng) tự động hóa theo cơ chế song song cùng lúc. Trong quá trình vận hành, dù có xảy ra bất cứ sự cố nào, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, không dừng đột ngột.
Trước đây, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ luôn gặp các lỗi thông thường như rác, tạp chất chưa được thanh lọc hết theo nguồn nước được đưa vào để làm mát tua-bin, nên hệ thống vận hành phải tạm dừng để xử lý, làm thiệt hại cho Nhà máy khoảng hai trăm ngàn USD/lần (là số tiền phạt phải nộp cho Tập đoàn Điện lực do ngưng cung cấp điện đột ngột).
Thông thường, hằng năm sự cố này xảy ra từ 4 - 5 lần, gây thiệt hại đáng kể. Sau khi lắp đặt song song hai hệ thống, nếu xảy ra sự cố ở hệ thống vận hành, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, bởi hệ thống tự động dự phòng sẽ được khởi động.
Sau đó tổ bảo trì sẽ kiểm tra, phát hiện ngay lỗi xuất phát từ đâu và tiến hành xử lý, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành hai hệ thống một cách xuyên suốt, tránh thiệt hại một cách hiệu quả.
Nhận định về tình hình sử dụng quy trình tự động hóa tại Việt Nam hiện nay, Thuận cho rằng các DN chưa quan tâm đúng mức, do “ngán ngại” giá thành cũng như chưa am hiểu giá trị của nó. Chỉ những tập đoàn sản xuất có thương hiệu mới áp dụng.
Các DN nhỏ và vừa ít có cơ hội biết đến, hoặc nếu có biết thì chỉ biết các nhà cung cấp thiết bị ngoại nhập, nên phí dịch vụ đối với giải pháp tự động hóa cũng “ngoại nhập”, rất tốn kém.
Đối với lĩnh vực sản xuất thuộc ngành dược, vấn đề sử dụng quy trình tự động hóa rất quan trọng, vì sẽ giúp đạt được các tiêu chuẩn của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), tiêu chuẩn GPM (tiêu chuẩn quốc tế về quy trình sản xuất dược).
“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam tìm kiếm đối tác gia công sản xuất ngành dược đều tỏ ra thất vọng bởi nhiều DN trong nước thiếu ứng dụng trong tự động hóa. Điều này đã làm mất đi cơ hội cho bản thân DN cũng như cho sự nghiệp phát triển kinh tế tại địa phương”, Thuận nuối tiếc.
Hiện New Ocean đang cung cấp giải pháp, dịch vụ tự động hóa toàn phần cho Công ty STADA tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Bình Dương chuyên sản xuất dược phẩm xuất sang thị trường châu Âu, cũng như cho các DN sản xuất thuộc ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm...
Và Thuận, một doanh nhân trẻ năng động, đam mê nghề, đã được các DN tên tuổi tại thị trường Việt Nam đón nhận như một đại diện ưu tú của giới trẻ.

Theo: doanhnhansaigon

Hành trình từ người mót lúa rơi thành “Vua khoai lang”


Nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá, lòng ham học hỏi luôn nung nấu thôi thúc đã biến người nông dân Đỗ Quý Hạo từ một cậu bé chỉ học hết lớp 7, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đi làm thuê và mót lúa rơi kiếm sống trở thành ông chủ trang trại Khoai lang Ba Hạo nổi tiếng ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Với "Vua khoai lang" Ba Hạo thì chân lý rất đơn giản: “Làm gì cũng phải học!”
 Cùng gần 1.500 gương mặt xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, ông về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và vừa có buổi giao lưu, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm lẫn niềm vui của người thành đạt với nhiều ĐB khác dự Đại hội trong chiều 26.12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Từ nông dân kinh doanh giỏi nhờ ham học hỏi…
Xuất thân từ một gia đình nông dân, hết lớp 7, ông nhập ngũ. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đi làm thuê và đi mót lúa rơi kiếm sống, sau khi tích lũy được ít vốn, mua ruộng trồng khoai lang. “Lúc đầu tôi cũng như bao bà con nông dân khác, chân lấm tay bùn, cần cù, tiết kiệm, một nắng hai sương trên đồng ruộng, mà vẫn thiếu trước, hụt sau. Sản xuất thì mùa trúng, mùa thất, hàng hoá làm ra nhiều khi không bán được. Thương vợ, thương con, thương bản thân mình và bà con lối xóm, nhiều đêm trăn trở suy nghĩ. Cuối cùng tôi đã hiểu rằng đó là do: Mình thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh”, ông bộc bạch.
Từ suy nghĩ đó, ông rút ra chân lý: “Làm gì cũng phải học!”. Từ sự “giác ngộ” đó, người nông dân Ba Hạo quyết định đi tìm kiến thức. Do trình độ văn hóa chưa hết phổ thông nên ông đã tìm sách các môn Toán, Hóa, Sinh từ lớp 8 đến lớp 12 về tự học. Rồi tiếp tục nghiên cứu giáo trình, giáo án của các trường cao đẳng, đại học.
Trong 15 năm, ông đã vừa làm, vừa xin vào học dự thính tại 3 trường đại học, với những môn học thật cần thiết cho việc làm nông nghiệp của mình, đem theo những kiến thức học được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, lãnh vực cơ khí và khoa học công nghệ.
Để có được thành công trong kinh doanh như ngày hôm nay, ông phải vượt qua rất nhiều khó khăn từ sự thất thường của thời tiết. Ông cho biết “những năm qua thuận lợi thì nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít. Có khi thời tiết El Nino nắng liên tục không mưa, khi thì thời tiết La Nina mưa hàng tuần đất ướt không thể cày để trồng khoai được; rồi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến sức mua giảm, hàng hạ giá. Lúc đó tôi luôn tự nhắc mình phải thích nghi được với môi trường kinh doanh khắc nghiệt mới là nhà quản lý giỏi”.
Sau hàng loạt khóa học về chuyên ngành kinh doanh, chiến lược marketing, kỹ năng đàm phán..., ông càng khẳng định mình chọn cây khoai lang là phù hợp, vì đã tích lũy được nhiều kiến thức về nghề trồng khoai lang. Hơn nữa, cây khoai Lang rất hợp với vùng đất ông đang canh tác, lại có thể sản xuất quy mô lớn, theo kiểu công nghiệp và thị trường tiêu thụ khoai Lang ngày càng lớn. Từ suy nghĩ, nhận định đó, ông càng say mê với nghề trồng khoai Lang và quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây khoai Lang gắn liền với tên của mình. Không những thế, người nông dân rắn rỏi này còn tự thiết lập website: khoailangbahao.com.vn để quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Từ trang web này, ông đã tiếp xúc được nhiều khách hàng và qua đó có được nhiều khách hàng hợp tác hơn. “Điều đáng mừng là ở nhiều nơi trên cả nước người tiêu dùng đã bắt đầu tìm mua khoai lang Ba Hạo”, ông “khoe”.
Đặc biệt, vì muốn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về cây khoai lang, người nông dân này đã thành lập một thư viện có đến hàng ngàn đầu sách. Không những bổ trợ kiến thức về sản xuất kinh doanh mà còn giúp ông nắm được những con số thống kê về khoai lang rất thú vị.
“Không phụ lòng người, khoai Lang đã cho tôi một căn nhà tại quận 2, TP- HCM, đã dìu dắt 2 đứa con tôi đã vững bước vào giảng đường đại học, khoai Lang đã cho tôi cả một cánh đồng mênh mông, xanh ngát. Với đầy đủ các phương tiện sản xuất như : 4 máy cày, chục máy bơm, nhà xưởng, cùng nhiều thiêt bị khác...”, ông nói.
Hiện trang trại của ông đang sản xuất 52ha, một năm 2 vụ khoai lang xuất khẩu với sản lượng 2.500 tấn/năm.
Trên tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, hàng năm trang trại của ông Ba Hạo tạo việc làm cho bà con nông dân khoảng 20.000 ngày công lao động; thường xuyên đóng góp xây dựng địa phương như cầu, đường, trường học, trực tiếp giúp đỡ người nghèo bằng tiền, gạo, sửa chữa nhà cửa… Trang trại Ba Hạo còn là nơi thực tập và làm đề tài tốt nghiệp, của nhiều em sinh viên từ nhiều trường đại học.
Năm 2007, được sự đồng tình và giúp đỡ của UBND xã và tổ Kinh Tế Kỹ Thuật xã Mỹ Hiệp Sơn, ông đã thành lập “CLB Khuyến Nông” để chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp của mình cho bà con địa phương.
… Đến nhà khoa học “chân đất”
Từ những bức xúc trong thực tế sản xuất, ruộng thì rộng, nhân công lại khan hiếm, ông Ba Hạo nảy sinh ý tưởng thành lập xưởng cơ khí để chế tạo các thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất.
Lúc đầu chế tạo thành công máy lên luống tự động bón phân, ông vui mừng đặt tên cho loại máy này là BH1 (Ba Hạo 1). Loại máy này có công 7ha/ngày (8 giờ) tương đương 200 người làm thủ công; tiếp đến là máy thu hoạch BH2 (một ngày giảm khoảng 40 người nhân công và giảm hao hụt nông sản), máy phun thuốc bảo vệ thực vật BH3, máy làm cỏ kết hợp bón phân, máy đào mương… các thiết bị tự chế này được sử dụng nhờ vào đầu máy kéo có công xuất 65 mã lực.
Ông cho biết, hiện những chiếc máy này đã được một số bà con nông dân đến tham quan học hỏi, tự “nhân bản” rồi đưa vào sử dụng tại cánh đồng Khoai lang của Hòn Đất và Hà Tiên. “Hiện nay tôi đang trình lên Sở KH & CN và UBND tỉnh Kiên Giang đề án Nghiên cứu Chế tạo Máy trồng khoai lang. Tôi tin rằng một ngày không xa những chiếc máy mang nhãn hiệu BH này, sẽ có mặt trên những cánh đồng của nhiều vùng miền trong cả nước”, ông lạc quan chia sẻ.
Từ những thành thành tích đáng nể đó, ông đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý như Điển hình sáng tạo Việt Nam; giải thưởng Sao Thần nông; giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kiên Giang; đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi toàn quốc nhiều năm liền.
Không dừng lại ở đó, ông đặt mục tiêu thời gian tới sẽ nghiên cứu nâng cấp, chế tạo thêm một số thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất khoai lang. “Khi hoàn thiện, tôi sẽ tăng diện tích, mở rộng thị trường và dành thời gian nghiên cứu chế biến tinh bột khoai lang để phục vụ xuất khẩu”, người nông dân chất phác này chia sẻ.
Ông đồng thời bày tỏ mong muốn: các trường đại học, cao đẳng hãy dành cho những người nông dân có ý muốn học hành, được tham gia học dự thính tại trường một cách dễ dàng hơn, bởi theo ông, “sự có mặt của chúng tôi sẽ đem đến cho trường những kinh nghiệm thực tế từ sản xuất và cũng nhờ trường mà chúng tôi có điều kiện học thầy, học bạn những kiến thức khoa học cơ bản để về áp dụng trên đồng ruộng của mình”.

Theo: cafef
Flag Counter