Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Tôi chọn triết lý win win


Theo ông Lê Tấn Phước, Tổng Giám đốc Searefico, chỉ có tinh thần cải tiến mới giúp doanh nghiệp thích ứng với sự vận động của nền kinh tế và biến động thị trường. 
Toàn bộ thiết bị điện lạnh trị giá khoảng 20 tỉ đồng đã được chở đến công trình theo hợp đồng. Đùng một cái, khách hàng tuyên bố không có tiền trả. Tất nhiên, bên cung cấp hàng có cơ sở hợp lý để khởi kiện đối tác ra tòa. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp đã ngồi lại với khách hàng cùng tìm giải pháp. Cuối cùng, họ mua lại một phần lô hàng với giá thấp hơn, đồng thời cho phép khách hàng trả nợ thành nhiều đợt. Đó là một trong những giải pháp cùng thắng (win-win) mà Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh, ông Lê Tấn Phước, đã áp dụng.
Không mạo hiểm
Ông Lê Tấn Phước, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh (Searefico).
Giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ lạnh (Searefico) từ năm 2005, khi chiến lược tái cấu trúc bắt đầu, ông Phước được đánh giá là một nhà lãnh đạo trẻ có tư duy đột phá. Không chỉ làm điện lạnh công trình, Searefico tập trung đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm lạnh công nghiệp, rộng hơn 2,5 ha tại Khu Công nghiệp Tân Tạo, đã khánh thành năm 2010. Searefico có 2 công ty trực thuộc là Cơ điện lạnh Đà Nẵng, kinh doanh cơ điện lạnh công trình và Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico), sản xuất thiết bị lạnh cho ngành chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm...Doanh thu mảng cơ điện công trình chiếm khoảng 2/3 tổng doanh thu Searefico. Theo phân tích của các công ty chứng khoán Rồng Việt, Tân Việt, nếu Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là nhà thầu cơ điện lớn nhất Việt Nam, nắm hơn 20% thị trường thì Searefico là nhà thầu chính về cơ điện công trình với 60% công trình lớn tại TP.HCM và một số tỉnh miền Trung. “Phân khúc thị trường của chúng tôi là những dự án quy mô lớn, thiết kế thi công theo tiêu chuẩn quốc tế” ”, ông Phước cho biết. Trong quý I/2011, Searefico đã trúng thầu trở thành nhà thầu chính một số dự án như Đảo Kim Cương trị giá 6,6 triệu USD (TP.HCM), Banyan Tree Resort ở Lăng Cô (Huế) 14,6 triệu USD và khu căn hộ cao cấp Azura (Đà Nẵng) 4,4 triệu USD.
Năm 2011, khối cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp được dự báo là thừa cung do thiếu người mua. Đây lại là phân khúc chính của Searefico nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trong bản công bố thông tin về lợi nhuận trước thuế của quý I/2011 giảm so với cùng kỳ năm trước, Searefico đã giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rằng một trong những nguyên nhân là lãi vay tăng cao, các chủ đầu tư tìm cách dãn tiến độ công trình. “Không thể phủ nhận khó khăn bởi phân khúc bất động sản cao cấp đang chựng lại”, ông Phước nói.
Trước tình hình đó, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và cơ điện lạnh đã chọn kênh đầu tư khác. Không chọn đầu tư tài chính và cho thuê văn phòng với 60% lợi nhuận trong tổng kết quả kinh doanh như REE (theo Rồng Việt), Searefico đầu tư sản xuất, tập trung vào hoạt động cốt lõi là cơ điện công trình và lạnh công nghiệp.
Theo ông Phước, gần 300 nhà máy chế biến thủy hải sản trong số 400 nhà máy chế biến trên toàn quốc là khách hàng chính của công ty con Arico. Đây là mảng kinh doanh triển vọng bởi theo ông Phước: “Thủy sản vẫn là 1 trong 5 ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam và xu hướng dùng thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn tại các thành phố lớn đang ngày càng tăng”.
Thực tế trong quá khứ, Searefico đã từng đầu tư tài chính và không thành công.Doanh nghiệp từng mua vào nhiều cổ phiếu tốt, song đến nay, theo các báo cáo tài chính thì Searefico đã mất hơn một nửa số tiền đầu tư ban đầu. “Nếu cổ phiếu lên lại thì không mất. Chúng tôi để mảng đó sang một bên và xác định đầu tư tài chính không phải là sở trường của mình”, ông chia sẻ. Nhưng giả sử có nhiều tiền mặt lúc này, ông Phước cho biết “sẽ gửi ngân hàng để hưởng lãi suất gần 20%. Đó chỉ là giải pháp tình thế nhưng an toàn, ít ra là trong lúc này”.
Duy tân để khác biệt
Không thích mạo hiểm nhưng ông Phước tự nhận mình là nhà quản trị hướng đến tư duy đột phá, khác biệt. “Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu kịp đổi mới để thích ứng với sự vận động của nền kinh tế và biến động thị trường”, ông chia sẻ.
Ông cho biết, ngoài các sản phẩm truyền thống đang phát triển tốt, Searefico cũng tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài có ưu thế về công nghệ và thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp đặc biệt chú ý đến các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời. “Tôi thích tinh thần doanh nhân khởi nghiệp”, ông nói. Và ông phân tích thêm, tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là tinh thần đổi mới, bắt đầu bằng một tư duy mới, một ý tưởng mới gắn với sự nghiệp kinh doanh hoặc công việc đang làm.
Hiện nay, nhà máy mới khánh thành tại Khu Công nghiệp Tân Tạo chỉ mới được sử dụng một nửa công suất, nửa còn lại Searefico đang kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh để đa dạng hóa sản phẩm. Hơn 1 năm qua, cùng với các cộng sự, ông Phước đã thực hiện nhiều chuyến đi nước ngoài gặp gỡ đối tác. “Thay vì phải làm mọi thứ từ đầu, chúng tôi có thể mua bằng phát minh sáng chế (license) hoặc sản xuất gia công để rút ngắn công đoạn nghiên cứu và phát triển, từ đó nhanh chóng hội nhập thị trường xuất khẩu”, ông nói.
Có một tập đoàn của Mỹ muốn liên doanh sản xuất thang máy. Tuy nhiên, sau nhiều lần thương thảo, Searefico nhận ra rằng, nhà đầu tư nước ngoài muốn chọn một đối tác trong nước không am hiểu lắm về ngành này và phụ thuộc họ để dễ điều khiển. “Điều đó không đúng với tinh thần win-win. Họ không muốn có đối tác khôn quá nên cuộc chơi này buộc phải dừng lại”, ông nói.
Tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của Công ty Arico hiện là 50%. Theo ông Phước, nếu phát triển trong nước mà không tận dụng được nguồn lực trí tuệ, kỹ thuật và nguyên liệu của mình, cái gì cũng nhập khẩu thì khó tính đến chuyện bền vững. Và Searefico đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại của nước ngoài để sản xuất bằng nguồn vật tư nguyên liệu có sẵn trong nước. “Cái khó của doanh nghiệp Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu và thị trường nội địa quá nhỏ”, ông nói.
Định hướng của Searefico là trở thành công ty mẹ, hoạt động đa ngành dựa trên nền tảng cơ điện lạnh và khoa học công nghệ, tương lai sẽ phát triển các công ty con có trên 50% vốn của công ty mẹ và công ty liên kết khác, thông qua hoạt động tái cấu trúc, mua bán sáp nhập hoặc đầu tư liên doanh.
Muốn làm được điều đó, ông cho rằng tài chính tốt, cơ sở vật chất sẵn có, nhiều năm kinh nghiệm và quyết tâm là chưa đủ. Một chiến lược, một phương pháp tốt là yếu tố không nên bỏ qua. “Tôi thích câu nói người thành công không làm những điều khác biệt. Họ làm mọi điều một cách khác biệt”, ông Phước bộc bạch với chúng tôi trước khi chia tay.

Nguồn NCĐT

“Nữ hoàng đường”


Thân thiện, chân chất, giản dị, mới gặp ít ai nghĩ bà cùng lúc là Chủ tịch HĐQT hai công ty, là một trong những phụ nữ Việt Nam giàu có tiếng trên sàn chứng khoán và là mẹ của hai doanh nhân trẻ Đặng Hồng Anh, Tổng giám đốc Sacomreal và Đặng Huỳnh Ức My, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công.

Đối diện với bà, càng ngạc nhiên hơn khi trong bà luôn song hành hai tính cách trái ngược: Mạnh mẽ, quyết đoán, đã muốn làm gì là phải làm bằng được mới thôi, nhưng lại có một trái tim đa cảm, nhân hậu. Vừa bắt đầu cuộc trò chuyện, bà nói ngay: “Mình rất ngại xuất hiện trên báo chí, nhưng lần hẹn này vì cũng có đôi điều trăn trở về tình hình kinh tế hiện nay”.
* Cụ thể những trăn trở ấy là gì, thưa bà?
- Chủ trương kìm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng cộng với lãi suất tăng cao từ 20 - 25% như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó, bởi rất nhiều DN cần vốn hoạt động nhưng với mức lãi suất cao như vậy, DN phải làm ra lợi nhuận 40 - 50% mới đủ trả lãi và trang trải nhiều chi phí khác. Đặc biệt, ở lĩnh vực bất động sản, thực sự cũng có nhiều dự án người dân đang cần, đó là những căn hộ cho người có thu nhập trung bình, nhưng DN bất động sản bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến thị trường căn hộ trầm lắng, thì không chỉ các DN kinh doanh bất động sản gặp khó mà hàng loạt DN sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ theo bất động sản cũng bị ảnh hưởng. Và khi DN kinh doanh không hiệu quả thì tất nhiên ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo tôi, chính sách mới nên có tính toán dài hạn, vĩ mô hơn trong tổng thể và phải có thời gian cho DN chuẩn bị, thích nghi với những chính sách này. Chứ đưa ra đột ngột như hiện nay thì DN sẽ không xoay xở kịp.
* Còn ở lĩnh vực mía đường chắc bà cũng muốn chia sẻ nhiều điều?
- Ba mươi hai năm theo nghề, điều tôi trăn trở là làm sao ngành đường phát triển bền vững và cạnh tranh được với các nước lân cận về giá thành và chất lượng. Vì khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, mức thuế áp dụng cho xuất và nhập khẩu không chênh lệch bao nhiêu.
Vậy nên nếu giá đường Thái Lan rẻ hơn thì mình không cạnh tranh lại. Thực tế, ngành đường đang phải đối mặt với nạn nhập lậu đường. Trong cuộc cạnh tranh không cân sức này, ngành đường trong nước gặp khó khăn và Nhà nước thất thu thuế nhiều lắm.
Với chương trình “Một triệu tấn đường” Chính phủ đưa ra cho ngành đường là một chủ trương đúng đắn, giúp giải quyết bài toán cân đối tiêu dùng đường cho quốc gia, giảm ngoại tệ nhập đường và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Tuy nhiên, vẫn thiếu một chiến lược ổn định và bền vững nên thời gian qua ngành đường vẫn còn tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, DN không yên tâm sản xuất. Hiện nay, chúng ta vẫn nói khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất đường là nguyên liệu, một số nhà máy không có vùng nguyên liệu ổn định.
Song, theo tôi, nếu các nhà máy có chiến lược phát triển cụ thể, nỗ lực nhiều hơn nữa và mạnh dạn vay vốn đầu tư vùng nguyên liệu để hoạt động lâu dài, cộng thêm được Nhà nước và các tổ chức liên quan hỗ trợ thì bài toán này vẫn giải quyết được. Bởi thực tế các nhà máy tôi đang quản lý như Ninh Hòa, Bourbon Tây Ninh, nguyên liệu vẫn đủ dù công suất nhà máy rất cao.
* Biệt danh “Nữ hoàng đường” là do bà quản lý quá nhiều công ty đường hay do yêu mến mà nhiều người gọi bà như vậy?
- Chắc là do tôi kinh doanh ngành đường quá lâu, gần 32 năm, nên nhiều người gọi tôi như vậy. Nhưng thực sự tôi không dám nhận biệt danh này. Suốt thời gian theo nghề kinh doanh đường, tôi chỉ tâm niệm làm cho thật tốt, đem lại nhiều sản phẩm cho xã hội. Và càng làm, tôi càng tâm huyết.
Hễ có vướng mắc là tôi mất ăn mất ngủ, bất kể nắng mưa, sớm tối, dù ở đâu tôi cũng đích thân đến tận nơi để tìm cách tháo gỡ. Rồi có dự án nào khả thi, chương trình nào có lợi cho ngành, cho nghề và cho nhà máy là tôi theo đuổi, tìm đủ mọi cách để đi đến đích.
Tôi cũng là người luôn đi đầu trong việc áp dụng những cách làm mới, hướng đi mới để nâng cao năng lực không chỉ cho nhà máy của tôi mà cho cả ngành đường. Vì vậy, nhiều người còn nói đùa “trong máu của tôi cũng có đường”.
Được mọi người gọi như thế, tôi rất vui và tự thấy trách nhiệm cao hơn, đó là làm sao để nông dân trồng mía có lãi, các nhà máy sản xuất đường có lời và không còn tình trạng đường nhập lậu.
* Từ một nhà phân phối đường trở thành Chủ tịch HĐQT hai công ty đường, đồng thời mua cổ phần của một số nhà máy đường khác, làm thế nào bà thành công nhanh như vậy?
- Vừa là hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về việc cổ phần hóa, vừa xuất phát từ tâm huyết và lòng yêu nghề nên tôi luôn hướng đến kinh doanh với hai chữ tâm và tín. Có thể nói, cơ duyên đến với nghề đường của vợ chồng tôi đơn giản là vì mưu sinh.
Lúc đó kinh doanh mật rỉ đường là nghề của dì anh Thành (ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Sacombank), thế là chúng tôi thành lập cơ sở Thành Công sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc...
Thời gian đầu, cơ sở Thành Công do một mình chồng tôi quản lý, tôi chỉ làm thủ quỹ và nội trợ. Năm 1991, khi anh ấy quyết định chuyển sang lĩnh vực mới là ngân hàng, tôi mới thay anh quản lý tiếp và sau đó là sự ra đời của Thành Thành Công.
Nhiều năm làm trong lĩnh vực phân phối, tôi có rất nhiều khách hàng, đặc biệt nhờ chữ tâm và chữ tín, tôi được nhiều bạn hàng, đối tác tin cậy. Vì vậy, khi một số nhà máy đường cổ phần hóa, họ mời tôi làm đối tác chiến lược.
Trong quá trình quản lý, nhìn thấy nhu cầu của ngành đường còn rất lớn, cơ hội còn nhiều, tiềm năng cũng không ít. Thế nên tôi đã mạnh dạn mua cổ phần của Nhà máy Đường Ninh Hòa và trở thành cổ đông lớn với 51% vốn điều lệ.
Với thế mạnh là phân phối cùng với tiềm lực tài chính, Thành Thành Công đã giúp Đường Ninh Hòa phát triển vùng mía nguyên liệu và nâng công suất nhà máy lên hơn 2,5 lần. Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của Đường Ninh Hòa vượt mức 100 tỷ đồng. Đây là lợi nhuận cao nhất của Đường Ninh Hòa từ trước đến nay.
* Trước khi ông Jacques de Chateauvieux, Chủ tịch Tập đoàn Bourbon (Pháp), chọn Thành Thành Công để nhượng lại Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh cũng có nhiều công ty đề nghị bà mua cổ phần nhưng bà từ chối, vậy tại sao bà lại nhận lời mua lại Bourbon?
- Sau Ninh Hòa, Thành Thành Công cũng bỏ vốn vào một số công ty đường khác như La Ngà, Phan Rang, Biên Hòa với tỷ lệ sở hữu từ 4 -22% vốn điều lệ. Không ít DN khác cũng chào mời nhưng nói thực, tôi không dám đầu tư vì nếu mở rộng quy mô, quản trị không theo kịp thì cũng rất rủi ro.
Sở dĩ tôi đồng ý mua lại Bourbon Tây Ninh vì Bourbon là công ty nước ngoài, việc họ chọn mình là một niềm vui, niềm hãnh diện rất lớn, chứng tỏ Thành Thành Công đã có uy tín trên thương trường và tạo được sự tin cậy với đối tác.
Hơn nữa, Bourbon là công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài, họ có hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập từ Pháp, hiện đại nhất Việt Nam nên không chỉ ưu thế về công suất nhà máy 8.000 TMN (tấn mía cây/ngày) mà còn cả chất lượng đường thành phẩm.
* Nhiều đồng nghiệp trong ngành đường rất ngạc nhiên thấy vụ 2010 - 2011 Bourbon Tây Ninh đã lập được nhiều kỷ lục, nhưng khi hỏi “bí quyết” giúp làm được như vậy, bà chỉ cười. Vậy bây giờ bà có thể chia sẻ đôi điều về thành công này được không, thưa bà?
- Kỷ lục đầu tiên của Công ty Bourbon là vụ 2010 - 2011, sản lượng mía ép đạt 920.000 tấn cộng với 20.000 tấn đường thô nguyên liệu và đã sản xuất ra 101.000 tấn đường tinh luyện, một con số mà chưa nhà máy nào đạt được và cũng hơn 15 năm qua, Bourbon cũng không làm được.
Những vụ trước đó, Công ty chỉ ép được khoảng 600.000 tấn mía với 60.000 tấn đường sản xuất. Một kỷ lục nữa là trước đây, Công ty chỉ phát được 40.000 MWH nhưng từ khi tôi quản lý đã phát được 50.000 MWH.
Có được thành công này, theo tôi là nhờ vụ 2010 – 2011 thời tiết thuận lợi nên sản lượng mía tăng và thiết bị nhà máy hiện đại, đội ngũ nhân sự giỏi. Song, yếu tố quan trọng nhất là nhờ cách quản lý mới, nỗ lực rà soát những cái chưa tốt để điều chỉnh phù hợp.
Chẳng hạn, trước đây xe giao mía đến nhà máy phải chờ đợi, mỗi thời điểm trong ngày có khoảng 200 xe đến 300 xe đậu chờ cân tương đương 4.000 tấn đến 5.000 tấn mía tồn trên sân.
Nhưng khi trực tiếp quản lý, tôi sắp xếp lại khoa học hơn, yêu cầu mỗi ngày mía chỉ tồn trên sân từ 1.000 tấn đến 1.200 tấn và chặt mía không quá 48 giờ để đưa ngay vào sản xuất. Vì nếu mía đốn lâu như trước đây sẽ giảm lượng đường có trong cây mía. Chỉ cần chỉnh một chút mà công ty đã thu thêm được là 24 tấn đường/ngày.
Ngoài ra, việc chấn chỉnh này còn giải quyết được nhiều tệ nạn do các tài xế trong lúc chờ đợi giao hàng tạo ra như vừa mất an ninh, vừa uống rượu say dễ gây tai nạn. Khi được sắp xếp hợp lý, tai nạn không còn. Mặt khác, khi không còn thời gian tụ tập, tài xế còn tăng chuyến, tăng thu nhập.
Với cải tiến nhỏ đó, cùng với cách quản lý khoa học, doanh thu 6 tháng đầu năm, Bourbon Tây Ninh đạt 1.014 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 314 tỷ đồng.
* Không riêng bà, nhiều phụ nữ làm chủ DN cũng rất thành công, theo bà, phụ nữ làm kinh doanh có điểm gì khác biệt so với nam giới?
- Không có gì khác biệt, nhưng phụ nữ được Trời phú cho sự nhạy bén, sắc sảo, tuy hơi thận trọng nên đôi lúc cũng bị mất cơ hội và chậm chân hơn đồng nghiệp, nhưng đã quyết làm thì sẽ làm được, và bước đi của họ luôn mang tính ổn định, bền vững.
Từ bản thân, tôi cũng nghiệm ra, phụ nữ làm kinh doanh còn có đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn, nhất là cần kiệm, chắt chiu, có một muốn góp thành hai nên dễ tích tiểu thành đại, ít mạo hiểm “phóng” tay cho những khoản đầu tư quá tầm kiểm soát, vì vậy hạn chế được nhiều rủi ro. Mà trong kinh doanh, quản trị được đồng vốn cũng là yếu tố mang lại hiệu quả cao cho DN.
Tôi cũng muốn nói thêm, phụ nữ làm kinh doanh cực hơn nam giới rất nhiều vì phải cân bằng giữa gia đình và công việc, giữa thiên chức làm vợ, làm mẹ với vai trò người lãnh đạo công ty. Để có được sự cân bằng này là một áp lực lớn, đôi lúc phải chấp nhận hy sinh.
* Vậy bà đã phải hy sinh điều gì chưa?
- Cho đến bây giờ, điều hạnh phúc và may mắn nhất đối với tôi không phải là giàu có, địa vị, mà là một gia đình rất hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo và thành đạt.
Hồi trước, khi hai cháu Hồng Anh và Ức My chưa trưởng thành, tôi bị khá nhiều áp lực vì anh Thành rất coi trọng việc học hành của các con, anh nói: “Mình thành công bao nhiêu mà con cái không học hành đến nơi đến chốn thì chẳng có ý nghĩa gì”. Và anh giao trách nhiệm này cho tôi, thậm chí bảo tôi nếu không cáng đáng nổi thì không nên làm kinh doanh nữa.
Mặc dù công việc của anh còn nhiều trăn trở hơn tôi vì là Chủ tịch HĐQT Sacombank, nhưng anh lại là người giữ lửa trong nhà. Trưa nào anh cũng về trước rồi điện thoại nhắc tôi và các con ngưng công việc về nhà ăn cơm.
Nguyên tắc của anh là làm gì cũng phải duy trì bữa cơm gia đình, nhất là buổi trưa, vợ chồng con cái phải tụ họp ăn cùng nhau. Vào ngày cuối tuần, tôi trổ tài nấu bếp và cả ông bà, con cháu cùng sum họp.
* Vậy chắc hẳn bà phải có bí quyết gì để vợ chồng tuy đã sống với nhau hàng chục năm, nhưng vẫn giữ được tình cảm như buổi ban đầu?
- Tôi quan niệm, dù thành đạt đến đâu, ở vị trí nào trong xã hội, nhưng trong gia đình người vợ vẫn phải “thấp” hơn chồng một bậc. Vì vậy, ngoài sự hiểu biết để ứng xử, người phụ nữ luôn phải giữ sự dịu dàng, nhân hậu. Đó là nguyên tắc thành công trong cuộc sống và công việc.
Tuy nhiên, cũng có lúc công việc căng thẳng, mình không kiểm soát được cảm xúc và dễ nổi nóng, nhưng sau đó phải biết nhìn lại vấn đề, đặt mình vào người khác để cảm thông, chia sẻ.
Nhiều người còn hỏi tôi, khi hai vợ chồng cùng làm công việc kinh doanh, chắc rất ít thời gian dành cho nhau và cũng có nhiều quan điểm, cách nghĩ trái ngược nhau.
Đối với chúng tôi thì không phải vậy, anh Thành luôn tư vấn và hỗ trợ tôi trong mọi việc, kể cả chăm sóc tôi khi tôi ham làm việc đến quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Chúng tôi quan niệm, thương trường nhiều sóng gió nên mái ấm bình yên là nơi giúp giảm căng thẳng và cân bằng cuộc sống.
* Khi được xếp vào danh sách những phụ nữ giàu có trên sàn chứng khoán, cảm giác của bà ra sao? Bà có thấy mình phải giữ gìn hơn và đôi lúc không được sống thoải mái như chính mình?
- Tôi vui vì đó chính là công sức mình bỏ ra và thu được kết quả, nhưng không tỏ ra xa cách, khác người. Theo tôi, không phải khi có nhiều tiền là mình được quyền sống xa hoa, mà trái lại vẫn phải tiết kiệm. Tôi đang làm ra tiền, đang kinh doanh, nhưng đích cuối cùng là để san sẻ cho mọi người, cho xã hội.
Khi thành đạt cũng có nhiều áp lực vì phải giữ gìn, nhưng kể ra cũng có lợi vì nhờ vậy mình sẽ cố gắng hoàn thiện hơn trong cách ứng xử, ăn nói, đi đứng và giao tiếp.
* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện cởi mở. Chúc mái ấm bình yên của bà luôn đầy ắp tiếng cười để mọi người trong gia đình có điểm tựa tinh thần cho công việc kinh doanh của mình.


Theo: cafef
Flag Counter