Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

“Tôi lạc quan về nhân sự Việt Nam”


"Tôi thích nhiều thứ ở Việt Nam lắm, nhưng thích nhất có lẽ là con người. Tôi không biết tại sao, nhưng thật dễ dàng cho một người đến từ Đan Mạch như tôi hòa nhập vào cuộc sống ở đây và làm việc với các bạn người Việt" - ông Hans Christian Jacobsen - Tổng giám đốc BankInvest chia sẻ.
Cuộc trò chuyện giữa Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng và Tổng giám đốc BankInvest - hệ thống ngân hàng đến từ Đan Mạch và các nước khu vực Scandinavia diễn ra vào một ngày nắng nóng, thời điểm gần trưa, trước và sau đó đều là các cuộc hẹn khác của ông. Nhưng Hans Chtistian Jacobsen trao đổi một cách từ tốn, vui vẻ, thoải mái và nhiệt tình đến độ cô trợ lý phải nhắc: “Sau đây chúng ta còn có cuộc hẹn, Hans à”.

Tiền đầu tư chỉ là một phần của công việc


* BankInvest với Quỹ Đầu tư Private Equity New Markets (gọi tắt là PENM) chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006. Từ đó đến nay, BankInvest đã đầu tư vào bao nhiêu công ty ở Việt Nam? Và ông có thể cho biết hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của các công ty đó?
- Cho đến nay, con số là 15. Quỹ PENM I với số vốn 100 triệu USD, chúng tôi đã đầu tư vào 8 công ty ở Việt Nam và 2 công ty tại Ai Cập. Quỹ PENM II với số vốn 150 triệu USD, chúng tôi đầu tư vào 7 công ty.
Hiện chúng tôi đã huy động được 150 triệu USD cho quỹ PENM III và dự tính sẽ tăng lên từ 50-100 triệu USD nữa trong vòng 6 tháng tới. Kết quả kinh doanh thì không phải tất cả đều đồng đều.
Có một số rất khả quan, một số công ty rất thành công, như Tập đoàn Masan, Hòa Phát, Eurowindow, hiện là những tên tuổi lớn. Khi chúng tôi bắt tay vào đầu tư, họ cũng có tiếng rồi, nhưng chưa lớn như bây giờ.
BankInvest cũng đã bán hai công ty rất thành công là ICP và quạt máy Asia sau khi hai công ty này lớn hơn gấp ba bốn lần so với ban đầu khi chúng tôi tham gia đầu tư.

* Tiêu chí để BankInvest lựa chọn đối tác đầu tư là gì, thưa ông?
- Điều quan trọng và hấp dẫn chúng tôi nhất chính là yếu tố con người, những người tạo lập nên công ty đó. Tất cả các công ty chúng tôi đầu tư đều được tạo dựng bởi hai vợ chồng, hai anh em, hai người bạn, hoặc một nhóm bạn.
Đó đều là những công ty trẻ, tuổi không quá 20, phần lớn là 10 -12 hoặc 15 năm; người đầu tư cũng đồng thời là giám đốc điều hành, chủ tịch hội đồng quản trị; các thành viên trong gia đình tham dự nhiều vào việc kinh doanh và chúng tôi là nhà đầu tư đầu tiên thuộc diện “ngoài gia đình”.
Chúng tôi lựa chọn khi thấy họ có tiềm năng để thành công. Họ đã chứng minh rằng việc kinh doanh của họ là đúng hướng, có thể phát triển hơn nữa, họ có khả năng đào tạo những người giỏi và giữ người tài, doanh nghiệp của họ đang có lãi và sẽ trở thành người đi đầu trong ngành hàng đó.

* BankInvest có gì khác so với các quỹ đầu tư khác?
- Điểm chung giữa chúng tôi là đều có vốn để đầu tư. Nhưng, với BankInvest, tiền đầu tư chỉ là một nửa, nửa còn lại chính là sự trợ giúp, và đó là điểm khác biệt lớn.
Chúng tôi là nhà đầu tư duy nhất ở Việt Nam tham gia vào việc quản lý của công ty, tất nhiên không bao giờ giành quyền kiểm soát, mà chỉ giúp đỡ, tư vấn cho họ về các vấn đề như cải tiến bao bì và chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân viên, tìm kênh phân phối, tìm thị trường xuất khẩu, giúp việc sản xuất trở nên hiệu quả hơn...
Nói chung là giúp đỡ nhiều mặt, và hình thức đầu tư như thế này có rất nhiều ở châu Âu, Mỹ, nhưng dường như khá ít ở Đông Nam Á.
* Vậy với việc trực tiếp tham gia vào quản lý, điều hành các công ty, ông có thể cho biết đâu là những vấn đề mà các công ty Việt Nam thường gặp phải?

- Cái thiếu lớn nhất là thiếu nhân sự có kinh nghiệm, tức là những người đã từng làm công việc này trước đây. Chính vì thế, đây là “cơ hội” cho các doanh nghiệp mắc sai lầm.
Nhiều doanh nghiệp hay hỏi tôi về vấn đề tìm người và giữ người, bởi vì ngay khi họ có được những người giỏi thì đối thủ của họ lại đưa ra những lời chào mời hấp dẫn, thế là người ta ra đi.
Câu trả lời là bạn phải xây dựng được một hệ thống tốt để thu hút người có năng lực, sau đó đào tạo họ và giữ chân họ. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách, ví dụ như đưa ra các chính sách khiến họ cảm thấy họ như là một phần của công ty vậy.
Vấn đề thứ hai là thị trường. Làm sao để biến một công ty ở TP.HCM hoặc Hà Nội thành một công ty Việt Nam? Ý của tôi là về việc phân phối, phát hành sản phẩm, làm sao để sản phẩm của bạn không chỉ có mặt ở hai thành phố lớn mà hiện diện xuyên suốt đất nước.
Ví dụ, rất khó khăn để phân phối dầu gội đầu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có 25 triệu dân. Làm thế nào để chắc chắn rằng đội ngũ nhân viên của bạn không bán hàng của đối thủ? Làm thế nào để chắc chắn là họ trả tiền cho bạn? Đây đều là những khó khăn, là vấn đề lớn.
Một vấn đề nữa là nhiều công ty không biết chắc có phải mọi sản phẩm của họ đều sinh lợi hay không. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh sản xuất quá nhiều mặt hàng.
Hãy lấy quạt máy Asia làm ví dụ. Khi chúng tôi bắt đầu tiếp cận, họ đang sản xuất tới 120 sản phẩm khác nhau.
Chúng tôi đã đưa phần mềm máy tính vào, tính toán cụ thể chi phí và lợi nhuận từ việc sản xuất và bán sản phẩm, kết quả là chỉ có 25 sản phẩm thực sự đem lại lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi đã cắt giảm xuống chỉ còn đúng 25 sản phẩm với 4 màu khác nhau.
Trong một năm, lợi nhuận tăng 400%. Cũng không trách các doanh nghiệp được, vì đó đều là những khó khăn đương nhiên họ phải đương đầu, và họ cần phải trải qua để đi lên và vững mạnh hơn.

Người Việt sẵn sàng lắng nghe
* Những năm gần đây nền kinh tế của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí suy thoái. Ông có suy nghĩ gì về cách các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua giai đoạn này?
- Tôi nghĩ, là người đứng đầu doanh nghiệp, đương nhiên bạn sẽ phải làm mọi điều có thể để cứu doanh nghiệp của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thế.
Nhưng đôi khi họ muốn mà không thể, bởi đó là điều thực sự khó khăn. Ví dụ trong vật liệu xây dựng hay công nghiệp bán lẻ. Hãy nhìn những cửa hiệu mở ra rồi đóng lại, biến mất ở các trung tâm thương mại...
Ông Hans và gia đình
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số ngành có tính cạnh tranh rất tốt, như trong lĩnh vực thực phẩm, mặt hàng chăm sóc nhu cầu cá nhân. Vì thế, cách các doanh nghiệp Việt Nam đối phó với suy thoái còn tùy thuộc vào việc họ kinh doanh trong ngành hàng nào.
Việc cần phải làm vẫn luôn là cố gắng cải tiến sản phẩm, quản lý việc sản xuất sát sao hơn để chi phí không tăng, đôi khi phải giảm số lượng lao động, hoặc nhìn ra một hướng đi mới.
Ở châu Âu, nhiều nhà hàng đang “chết dần” vì người dân có xu hướng mua thực phẩm ở siêu thị để nấu ăn tại nhà nhằm tiết kiệm chi phí, nhưng đồng thời các siêu thị tại đây lại đang rất “ăn nên làm ra”.

* Theo ông, đâu là những ngành kinh tế triển vọng ở Việt Nam trong tương lai?
- Nhiều lắm, nhưng không thể thiếu ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tài chính. Đây là các lĩnh vực rất cần thiết và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp những người trẻ trung lưu.
Nhưng dù sao đi nữa, quan trọng nhất vẫn là nhà đầu tư chỉ đầu tư vào lĩnh vực nào mà họ thật sự hiểu biết và có kinh nghiệm.

* Sau 6 năm làm việc tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về năng lực làm việc của người Việt?
- Ở Việt Nam cũng như Đan Mạch, không khó để tìm được người giỏi. Và dĩ nhiên, bạn phải bỏ thời gian, công sức để đào tạo nhân viên của mình cho tới khi có được một đội ngũ giỏi.
Đây là điều bạn phải làm không phải trong một năm, mà là cả đời. Có rất nhiều người tài ở Việt Nam, nhưng thiếu sót lớn nhất là họ thiếu kinh nghiệm tổng quát.
Cũng dễ hiểu, bởi mọi thứ ở Việt Nam vẫn còn mới. Hãy cho Việt Nam khoảng 25 năm nữa thôi, tôi chắc là sẽ có rất nhiều nhân lực có kinh nghiệm xuất hiện.
Họ từng làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, học hỏi được nhiều rồi trở về, lập công ty riêng. Tôi lạc quan về nhân sự ở Việt Nam, vì quan trọng hơn cả là họ luôn sẵn sàng học hỏi.

* Điều gì ở Việt Nam khiến ông thấy gắn bó?
- Tôi thích nhiều thứ ở Việt Nam lắm, nhưng thích nhất có lẽ là con người. Tôi không biết tại sao, nhưng thật dễ dàng cho một người đến từ Đan Mạch như tôi hòa nhập vào cuộc sống ở đây và làm việc với các bạn người Việt.
Tôi thích những người trẻ, những em bé ở Việt Nam, sự cởi mở và trí thông minh của họ. À, tôi thích khí hậu ở TP.HCM nữa. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi làm việc nhiều năm ở Nga và thú thật là tôi rất sợ mùa Đông bên đó.
Một điều nữa, chúng tôi cảm nhận được rằng các doanh nhân Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, học hỏi, và sự hợp tác giữa chúng tôi rất tốt.

* Cám ơn ông về những chia sẻ. Chúc ông sức khỏe và thành công!

Thu Ph
ương
 

“Giữ được sự cao quý trong thành công mới là hoàn hảo”


“Tôi muốn làm nên sản phẩm sữa tươi tốt nhất cho trẻ em Việt Nam” – chỉ mất một năm từ khi có ý tưởng này, từ một vùng đất cỏ dại mọc phủ đầu người, đến cuối năm 2010 TH Milk đã có trang trại nuôi 6.000 con bò (đến nay là hơn 20.000 con), được coi là một trong những trang trại nuôi bò lớn tại châu Á.
Trước khi dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa quy mô lớn này do Bắc Á Bank tư vấn đầu tư ra đời, không ít người hoài nghi về tính khả thi của nó.
Trong một cuộc trò chuyện, “kiến trúc sư” của dự án này là bà Thái Hương đã chia sẻ những điều bà đã thực hiện và những kế hoạch còn đang ấp ủ để biến ý tưởng thành hiện thực.

* Thưa bà, trong khi các ngân hàng khác đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, dịch vụ... thường có lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh nhưng tại sao bà lại đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn mà cụ thể là chăn nuôi bò và chế biến sữa đòi hỏi vốn đầu tư cao, thu hồi vốn chậm, lại nhiều rủi ro?

- Tôi đầu tư vào ngành này là xuất phát từ trái tim! Ngoài chức năng của một ngân hàng thương mại như huy động vốn, cho vay và các dịch vụ khác thì chúng tôi đã tạo cho mình một con đường riêng biệt ngay từ đầu là tư vấn đầu tư.
Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực phát triển bền vững, hướng tới lợi ích con người, thân thiện với môi trường, biết kết hợp nguồn lực của Việt Nam (trí tuệ và tài nguyên thiên nhiên) với thành quả trí tuệ và khoa học của thế giới (công nghệ đầu cuối của thế giới - công nghệ cao).

Xuất phát từ suy nghĩ đó, ngay khi khởi nghiệp, tôi đã mong muốn làm được một việc có ích cho cộng đồng. Hơn 18 năm tư vấn, tôi thấu hiểu sâu sắc rằng, tuy Việt Nam với 70% dân số gắn với nông nghiệp, nguồn tài nguyên dồi dào, sản phẩm từ nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn chưa có dự án tầm cỡ nào đầu tư vào lĩnh vực này.
Vào thời điểm năm 2008, thị trường sữa gặp phải sự cố melamine. Tuy sản phẩm sữa của chúng ta không có những chất độc hại này, nhưng đến 92% nguồn sữa bột tại Việt Nam lúc đó nhập từ nước ngoài (hiện nay là trên 70%).
Ta phải xác định, ngoài lúa gạo, sữa cũng là thực phẩm hết sức thiết yếu cho cuộc sống mọi người, nhất là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước (nguồn lực của xã hội).
Lúc đó, tôi nghĩ, nếu tạo ra những dòng sữa tươi ngon và bổ dưỡng bằng quy trình chuẩn quốc tế sẽ có một ý nghĩa rất lớn cho đất nước và đây cũng là một cách thiết thực nâng cao thể chất và trí tuệ cho người Việt, mặt khác cũng góp phần giảm nhập siêu cho ngành sữa nước nhà.
Nghĩ vậy, tôi đã cho tiến hành nghiên cứu và đưa ra dự án khả thi đến năm 2020 với một lộ trình đầu tư bài bản và chuyên nghiệp có tổng mức đầu tư đến 1,2 tỷ USD, bao gồm: quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại bò sữa và nhà máy chế biến lớn nhất Đông Nam Á cùng với một hệ thống phân phối TH True Mart với những quy chuẩn công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới.
Và đất đã không phụ lòng người, khi những sản phẩm đầu tiên của TH Milk ra đời, tôi đã xúc động rơi nước mắt vì ước mơ của mình đã thành hiện thực.
Ngay từ phút đầu tiên khi sản phẩm TH True Milk đến tay người tiêu dùng, tôi đã thấy cái lãi lớn nhất của dự án là người dân được hưởng những sản phẩm sữa tươi sạch, tinh túy từ chính đồng đất quê hương mình.

* Nhưng hiện nay chưa có một công bố cụ thể nào về tiêu chuẩn sữa sạch, liệu thông điệp này có gián tiếp làm người tiêu dùng so sánh sản phẩm khác là không sạch? Bà có ngại các doanh nghiệp cùng ngành khó thiện cảm với TH True Milk không?


- Khi tham gia vào lĩnh vực này, tôi xác định rõ: Sữa mẹ là nguồn sữa kỳ diệu nhất cho trẻ nhỏ và sữa uống tốt nhất là sữa tươi, sạch được nuôi dưỡng, chế biến, bảo quản, phân phối theo quy chuẩn quốc tế.
Khi đưa ra thông điệp sữa tươi sạch, tôi chỉ đưa ra sự mô tả chính xác về sản phẩm của TH True Milk. Sữa TH True Milk sử dụng nguồn sữa tươi được kiểm soát chất lượng với quy trình khép kín từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm sóc bò đến khâu chế biến và phân phối.
Quy luật của thương trường là cạnh tranh, chúng ta cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển. Đúng là hiện nay, Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn sữa sạch nên tôi mong nếu có thể, các cơ quan chức năng nên có quy định là nhà sản xuất phải có trách nhiệm ghi rõ các thông tin về sản phẩm trên bao bì để người tiêu dùng chọn lựa.
Riêng TH True Milk, chúng tôi cam kết theo đúng các quy trình sản xuất mà chúng tôi đã truyền thông tới khách hàng, trên website sắp ra của chúng tôi cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng về cách thức dùng sữa thế nào cho tốt nhất.

* Theo bà, để có một sản phẩm sữa tươi sạch thì điều khó làm nhất là gì?


- Ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam chưa có thành công đột phá, theo tôi, còn thiếu 2 điều cơ bản: đó là quy trình và sự tuân thủ. Để có được sản phẩm sữa tươi sạch, chúng tôi đã mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến hàng đầu trên thế giới từ các nước tiên tiến.
Israel là một nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chất lượng sữa của họ và các sản phẩm nông nghiệp được đánh giá hàng đầu trên thế giới. Khi đặt mua quy trình của họ, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, tôi đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel vận hành máy móc và hướng dẫn, đào tạo người Việt Nam.
Chúng tôi có một hệ thống làm việc hết sức chuyên nghiệp trong tất cả các khâu nhờ được quản lý trực tiếp bởi hai công ty đa quốc gia là Công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y.
Bên cạnh đó, họ cũng tư vấn cả việc nhập khẩu bò từ New Zealand, Úc... là những nước có giống bò sữa tốt nhất với phả hệ rõ ràng để “định cư” trên đất Nghĩa Đàn (Nghệ An), được ăn cỏ ủ chua diệt vi khuẩn, được tắm mát và nghe nhạc mỗi ngày, được gắn chip ở chân để theo dõi sức khỏe một cách chính xác nhất để đảm bảo được sự vẹn toàn của sữa tươi trong suốt quy trình.

* Nhiều người cho rằng, TH True Milk đã quảng bá sự kiện Chính phủ Israel hỗ trợ thêm 100 triệu USD cho dự án chăn nuôi bò sữa để khuếch trương uy tín thương hiệu. Bà nghĩ sao?

- Tôi đính chính một chút: Sự hỗ trợ này hoàn toàn không nằm trong chiến lược quảng bá thương hiệu của TH True Milk. Ngay từ khi thực hiện dự án, chúng tôi đã nhận thức sức khỏe và trí tuệ là tài sản lớn nhất của con người và xã hội, đầu tư vào lĩnh vực này cũng là cách góp phần kiến tạo và nuôi dưỡng nguồn lực cho đất nước.
Với quy mô đầu tư cùng hiệu quả lâu dài của dự án mang lại chính là cơ sở gốc để TH True Milk tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ Israel.

Tuy không chủ đích lấy đó để "làm thương hiệu", khuếch trương uy tín nhưng rõ ràng "hữu xạ tự nhiên hương", uy tín của TH True Milk thông qua sự kiện này cũng được nâng lên, dự án cũng gián tiếp được thẩm định và tạo thêm niềm tin với khách hàng và đối tác.

* Là doanh nhân được xếp vào "danh sách" có tên tuổi và thành đạt, bà nghĩ gì khi gần đây một số doanh nghiệp gặp khó khăn?


- Khi ngài Tổng thống Israel Shimon Peres đến thăm Việt Nam gần đây và trong buổi gặp mặt với lãnh đạo TH True Milk đã có những lời khen dành cho dự án và cá nhân tôi, tôi đã nói: "Làm kẻ chiến thắng không khó, giữ được sự cao quý trong thành công mới là hoàn hảo”.
Nói vậy để thấy rằng tôi là người rất ý thức việc gìn giữ uy tín và cũng thận trọng trong từng chiến lược kinh doanh. Triết lý kinh doanh của tôi: "Siêng năng là của báu vô giá, sự thận trọng là lá bùa hộ mệnh. Hãy yêu sự thật nhưng cũng biết tha thứ lỗi lầm, làm việc là cách tốt nhất để chúng ta yêu cuộc sống; hãy làm tốt cho người, ắt sẽ tốt cho mình, mình phải sống ngày hôm nay mà không ân hận với ngày hôm qua”.

Một doanh nghiệp thành công lệ thuộc rất nhiều vào tư duy của người lãnh đạo và hệ thống quản trị. Nếu người lãnh đạo cứ "ôm" tư duy cũ, cách quản trị cũ thì doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu, không theo kịp sự phát triển của thế giới.
Bên cạnh việc xây dựng và áp dụng các chương trình quản trị theo mô hình của các công ty đa quốc gia, chúng tôi đã thuê các chuyên gia quản trị hàng đầu có bề dày kinh nghiệm từ trong nước và nước ngoài để quản lý công ty hoạt động theo quy trình, hệ thống, không phụ thuộc vào bất kỳ một cá nhân nào, kể cả người đứng đầu.
Một yếu tố nữa không thể thiếu được cho niềm tin vào sự thành công của dự án là chúng tôi được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ và các cấp bộ, ngành. Đặc biệt là sự giúp đỡ rất nhiều từ các cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Nghĩa Đàn.

* Nghe nói sau dự án sữa, Bắc Á Bank sẽ còn tư vấn đầu tư vào nhiều dự án mới nữa?

- Đó cũng là những dự án mang tính phát triển bền vững nằm trong khuôn khổ định hướng chiến lược của Bắc Á Bank. Những dự án này mang lại lợi nhuận không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn tạo ra giá trị và lợi ích lâu dài cho xã hội.
Cụ thể là sau sữa sạch, chúng tôi sẽ tư vấn đầu tư dự án rau sạch, củ quả sạch, thịt cá sạch, dược liệu sạch, dự án trồng rừng, và tiếp theo là các dự án về giáo dục và y tế.

* Ngành ngân hàng đang gặp khó khăn, khách hàng e dè hơn khi gửi tiền ở các ngân hàng nhỏ. Bà đã có những chiến lược thế nào để giữ được lòng tin của khách hàng, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho Bắc Á Bank?


- Khó khăn lớn nhất đến với các ngân hàng từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế và Bắc Á Bank cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bằng những chiến lược đúng đắn, tư duy khác biệt và độ tin cậy cao đã tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng lớn hơn nên Bắc Á Bank đã giữ được niềm tin của khách hàng để phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, trong chương trình tái cấu trúc ngân hàng gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã xếp Bắc Á Bank vào nhóm 2, với mức tăng trưởng ổn định 15% trong năm 2012 - mức tăng trưởng cao nhất của các ngân hàng thuộc nhóm này.

* Giả sử kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, bà có đặt ra tình huống sáp nhập cho Bắc Á Bank?

- Việc sáp nhập ngân hàng, tôi cho đó cũng là một giải pháp tốt để tạo ra sức cạnh tranh cao hơn. Đó là hướng đi và sự lựa chọn của mỗi ngân hàng.
Riêng Bắc Á Bank, hướng đi của chúng tôi là ngoài chức năng chung của ngân hàng, chúng tôi sẽ tập trung vào tư vấn tạo ra một thế hệ khách hàng có tiềm lực phát triển bền vững bằng việc đầu tư đưa công nghệ cao vào các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

* Trong ba tiêu chí cần có của một doanh nhân là tâm, trí và lực; theo bà, điều nào quan trọng nhất?

- Khi có một dự án tốt thì nguồn tài chính (lực) chỉ quyết định thành công 30%, trong khi đó yếu tố tư duy (trí) chiếm đến 70%, nhưng một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu chữ tâm của người lãnh đạo để hợp lý hóa lợi ích của cộng đồng và doanh nghiệp.

* Xin hỏi bà một câu riêng tư: Nếu ai đó nhận xét bà là một doanh nhân nhiều tham vọng, bà sẽ phản ứng thế nào?

- Theo tôi, tham vọng chính là động lực và đòn bẩy cho sự phát triển của nhân loại nói chung và sự vươn lên không ngừng của mỗi một cá nhân; nó là sự kết hợp của niềm tin, ước mơ và sự nỗ lực của một con người.
Nếu tham vọng để làm ra những việc có ích cho doanh nghiệp, cho mọi người, tạo ra giá trị thật sự cho xã hội thì đó là một điều đáng tự hào.

Trong công việc, tôi không bao giờ hài lòng với những gì đã làm được mà luôn tham vọng ngày mai phải tốt hơn ngày hôm qua, ngày hôm qua có thể không tốt nhất nhưng mình đã sống hết mình, luôn nghĩ ra cái mới để đi tiếp.

* Nhưng nếu họ nói bà tham vọng vì địa vị và tiền bạc?


- Cũng không sao (cười) vì suy cho cùng, như tôi đã nói tham vọng là định hướng mục tiêu để mình luôn nỗ lực đi tới điều hoàn hảo nhất. Miễn đừng vì tham vọng mà bất chấp mọi thứ hoặc làm mất đi những tính tốt và bản sắc nhân văn của mình.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực sữa, ở đây tôi không nói những tham vọng khác mà chỉ nói đến tham vọng mọi trẻ em đều có sữa uống và đặc biệt phải là loại sữa tốt, chất lượng thực sự đầy đủ vi lượng chuẩn để các em có được thể chất cũng như trí lực hoàn hảo, nâng cao nòi giống, vị thế người Việt Nam.
TH True Milk cũng sắp ra mắt bộ sách “Chinh phục vũ trụ” dành cho thiếu nhi, nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo cho trẻ em, giúp trẻ năng động hơn trong suy nghĩ, giảm bớt thời gian ngồi thụ động trên máy tính, không tốt cho sức khỏe.

* Không nghĩ rằng một người bận rộn như bà lại quan tâm đến trẻ em từ những điều nhỏ như vậy...


- Dễ hiểu thôi, bởi hằng ngày ngoài vai trò của một doanh nhân, tôi cũng là mẹ của 3 con. Với tôi, gia đình phải là số một, vì nơi đó chính là nguồn động viên lớn nhất, là niềm vui, là điểm tựa để tôi làm việc và làm việc tốt hơn.

* Xin cảm ơn về những chia sẻ cởi mở và thẳng thắn của bà.
Lữ Ý Nhi
  Nguồn kienthuckinhte.com
Flag Counter