Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

David Thái " Tôi lập nghiệp vì những điều lớn hơn "


Anh có hai lựa chọn: hoặc về Sài Gòn hoặc ra Hà Nội. Về Sài Gòn, anh có người thân; còn ở Hà Nội, anh chỉ có một mình. Nhưng cuối cùng, Thái chọn Đại học Bách khoa Hà Nội vì muốn trở về tìm hiểu cội nguồn trong cuộc đời của người Việt, của quê hương.
Bài học vỡ lòng
Ấy là khi bạn bè của Thái ở Mỹ đã công thành danh toại rất nhiều, còn Thái loay hoay giữa Hà Nội, ôm giấc mơ về làm việc tại Việt Nam mà chưa biết mọi thứ sẽ ra sao. Chàng Việt kiều 24 tuổi mỗi ngày tiêu xài 50.000 đồng, bạn bè mời đi ăn không dám đi. Vợ chồng có hai chiếc Bonus, mỗi lần muốn ra đường phải nghiêng xe lắc mấy cái xem còn xăng hay không. Từ Mỹ về với học bổng một năm tại Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi làm tình nguyện viên hỗ trợ các tổng giám đốc (CEO) của tạp chí Time trong chương trình "Time News Tour" năm 1995. Năm đó, Time đưa 100 CEO đến Hà Nội để họ có thể viết về Việt Nam sau thời gian thăm thú và cảm nhận mọi góc cạnh của nền kinh tế Việt. Time cần người hỗ trợ các CEO, mức lương 6 USD/ngày. Vậy là Thái đi phục vụ các CEO, anh phục vụ từ cái quạt máy đến cái vali, vài tài liệu nghiên cứu về một địa danh, một vấn đề… Rồi sự nhanh nhạy của anh làm nhiều CEO để ý, họ gợi ý một công việc kinh doanh ở Việt Nam. "Sinh viên triết thường ngồi cà phê và đàm luận", ý tưởng đầu tiên cho quán cà phê A. là vậy. Quán do một công ty ở Hà Nội đứng tên. Thái có sáu tháng để làm nảy nở số tiền từ 700 USD thành 30.000 USD. Một ngày, một nhân viên rửa ly trong quán gọi Thái ra báo nhỏ: "Họ sắp hất anh, coi chừng nhé!". Lần đầu tiên trong đời, Thái biết thêm một từ mới: "hất"! Đúng vài ngày sau đó, một người trong công ty mời Thái vào văn phòng nói gọn: "Bọn anh sẽ lấy lại A., từ bây giờ em chỉ làm tư vấn thôi nhé!". Đó là cuối năm 1997, Thái bị "hất" khỏi quán cà phê A. nổi tiếng ở Bờ Hồ. Im lặng và rút lui.
1.500 giấc mơ
Rồi Thái gặp một luật sư, luật sư bảo luật mới cho phép Việt kiều kinh doanh tại Việt Nam, nhưng thủ tục xin phép ngày đó còn rất lòng vòng. Thái quyết định cho lần khởi nghiệp thứ hai: làm đại diện cho các công ty nước ngoài. Một ngày, Thái mệt mỏi về nói với vợ: "Người nước ngoài chưa hiểu Việt Nam lắm!". Vợ nói: "Tại sao mình không tự làm?". "Làm gì bây giờ?". "Thì làm… cà phê!". Đầu năm 2000, trong khi mọi người lo chuẩn bị tết nhất, Thái ngồi lì ra viết một kế hoạch kinh doanh cà phê. Nó không phải là thứ cà phê hiện có, mà là một "thương hiệu mang tính toàn cầu" của cà phê Việt Nam trong 20-30 năm nữa. Nhiều bạn bè cười ồ khi nghe Thái bàn đến một "thương hiệu" của cà phê. Thời ấy, đã có những thương hiệu cà phê trên thị trường làm chuyện nhượng quyền, nhưng Thái nhận ra họ chỉ mới bán bảng hiệu và cà phê mà chưa bán được một giá trị của mô hình. Tháng 10/2002, sau sáu tháng chắt lọc ý tưởng, quán cà phê Highlands đầu tiên khai trương tại tòa nhà Metropolitan (Tp.HCM). Với Thái, đó là bước khởi đầu để anh có thể nói với bạn bè mình rằng: sẽ có một thương hiệu cà phê mang giá trị Việt, tâm hồn Việt gia nhập với cà phê trong khu vực. Rằng Highlands được sinh ra ở Việt Nam nhưng phải được "dán nhãn" quốc tế hóa, phải là "công dân toàn cầu", từ phong cách phục vụ đến hương vị và cách thức pha chế. Thái đi tuyển từng nhân viên, cẩn trọng và tỉ mỉ, bởi anh đang muốn mình xây dựng một giá trị chứ không phải một công việc để chỉ kiếm lợi nhuận thông thường. Nhiều nhân viên hỏi ngược Thái: "Sao không làm giống cà phê T, A, nào đó?". "Tôi nói với họ rằng: giấc mơ của mình là giấc mơ đứng cùng cộng đồng thế giới. Bây giờ mình tuyển người Việt nhưng sau này mình sẽ lấy thêm người từ các công ty toàn cầu về làm cho mình!". Còn bây giờ, sau sáu năm, giấc mơ ấy còn không? Thái (bây giờ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Việt Thái quốc tế) nói rằng cách nay sáu năm, anh chỉ có một mình với một mơ ước, bây giờ anh đã có thể cộng thêm vào hơn 1.500 giấc mơ của ngần ấy con người cùng với thương hiệu Highlands. Công ty Việt Thái của anh hiện có 1.557 nhân viên, trong đó có 18 người nước ngoài, quán xuyến hệ thống nhiều điểm cà phê Highlands ở nhiều thành phố. Thái bày tỏ: "Tôi muốn khi Highlands phát triển, từ người vun luống cà phê, người tách lựa từng hạt cà phê cho đến người bưng ly cà phê phục vụ..., vì thương hiệu này đều được hưởng những đồng tiền chính đáng của sự phát triển". Với một Việt kiều quyết định lập nghiệp tại Việt Nam từ năm 1995 như Thái, mọi việc phải làm lại từ đầu, phải mở lòng và nhất là phải yêu mảnh đất này. Trong gia đình của Thái bây giờ, những đứa con anh nói tiếng Việt còn giỏi hơn anh. "Đó là lời nhắc nhở dành cho tôi", Thái nói. Anh tâm sự: "Triết lý của tôi: hãy mở cửa tâm hồn, đừng vì tiền, hãy vì những điều lớn hơn để Việt Nam bắt kịp thế giới… Đâu còn có gì ngăn cản được chúng tôi biến giấc mơ thành hiện thực".
* David Thái:
"“Xây dựng một công ty và một thương hiệu là công việc cực kỳ khó khăn, phải đam mê đến tận cùng. Tôi mất 13 năm để làm việc đó, giờ ngoảnh lại thấy mình gần như không có "tuổi thanh niên" theo nghĩa rong chơi một chút. Thành lập một công ty tức là thành lập một tập thể, để mời gọi hơn 1.500 người đi theo cùng một hướng, đó là thách thức lớn, phải có một tầm nhìn và một mục đích rõ ràng. Lý do mà Highlands chọn toàn những vị trí tại các cao ốc sang trọng nhất Việt Nam để "bày hàng", bởi tôi muốn biểu tượng Highlands phải song hành cùng những bước phát triển mới nhất của đất nước. Tôi muốn đóng góp vào "di sản cà phê” của Việt Nam. Một mai, Highlands có thể đi ra thế giới nhưng đồng thời cũng phải vào chợ Bến Thành, Chợ Lớn… cho người bình dân hưởng thụ - nghĩa là những giá trị thế giới phải đến được với mọi người Việt.”"
Theo TTO

Phỏng vấn anh Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc công ty CP Vật Giá Việt Nam


Flag Counter