Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Tám bước để lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả

Tám bước để lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả


Doanh nghiệp nào chẳng có kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch kinh doanh là tái hiện có thể được sử dụng để huy động vốn. Nhưng khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thực tế, kế hoạch tất nhiên bị thay đổi ít nhiều. Dù cho doanh nghiệp có thực hiện nghiên cứu thị trường trước và tổ chức bộ máy khoa học đến đâu thì hoạt động kinh doanh hàng ngày luôn chứa đựng nhiều yếu tố gây xáo trộn. Khi đó, cái mà doanh nghiệp cần sẽ là một kế hoạch tăng doanh thu...




Hãy thu thập các thông tin về những gì đang xảy ra bên trong doanh nghiệp, sau đó viết ra kế hoạch tăng doanh thu. Bản kế hoạch này không cần phải dài dòng, chỉ cần tập trung vào một số điểm cụ thể cần làm nhằm đưa doanh nghiệp nâng cao được doanh số. Dưới đây là tám bước để xây dựng một kế hoạch phát triển kinh doanh hiệu quả dành cho doanh nghiệp nhỏ.


1.Kiểm tra việc thực hiện các cam kết.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ khởi đầu với rất nhiều hoạt động, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra các hoạt động này đều bị “bốc hơi”. Hãy nghiêm túc nhìn lại xem doanh nghiệp đã thực hiện được bao nhiêu cam kết, lời hứa đối với khách hàng. Ngoài các sản phẩm và dịch vụ ưu việt, doanh nghiệp cần có một đội ngũ nhân viên tuyến trên, những người trực tiếp làm việc với khách hàng. Những vấn đề tồn tại hay nhược điểm cần phải được nhanh chóng khắc phục.


2. Nghiên cứu lại thị trường.
Sự hiểu biết sâu sắc về thị trường quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp đã thực hiện nghiên cứu thị trường khi mới khởi nghiệp nhưng quan điểm, nhận thức của khách hàng nhanh chóng thay đổi theo thời gian. Vì vậy, cần xem lại các kết quả nghiên cứu thị trường ban đầu và điều chỉnh theo thực tế nếu cần thiết.

3. Làm sống lại ý thức vươn lên mạnh mẽ.
Ý thức vươn lên của doanh nghiệp có được khi mọi thành viên của doanh nghiệp đều nắm rõ sứ mệnh của họ. Nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp nên thường xuyên chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh với những người khác, vạch ra những mục tiêu cụ thể và giao cho nhân viên thực hiện những hành động cụ thể để đạt được những mục tiêu đã vạch ra.

4. Xem lại thông điệp tiếp thị.
Thông điệp tiếp thị mà doanh nghiệp thảo ra ban đầu có thể cần phải thay đổi. Hãy tìm hiểu những phản ứng ngược mà khách hàng thường nêu ra cho đội ngũ bán hàng, nhất là nguyên nhân khiến họ từ chối sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp để từ đó có những điều chỉnh cần thiết trong thông điệp tiếp thị.


5. Chốt giao dịch bán hàng.
Khi mới thành lập, các doanh nghiệp thường đặt ra mục tiêu trước mắt là được sự công nhận của khách hàng và thị trường. Nhưng doanh nghiệp khó có thể tồn tại và phát triển nếu không bán được hàng. Hãy thay đổi quy trình bán hàng với việc chú trọng hơn vào giai đoạn chốt giao dịch.

6. Thu hồi tiền mặt.
Doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh việc thu tiền, tức chuyển các khoản phải thu thành tiền mặt để đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng. Tiền mặt luôn được xem là huyết mạch cua mọi hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp cần phải xem lại các quy trình, chính sách theo dõi và thu hồi công nợ để rút ngắn thời gian bị chiếm dụng vốn.

7. Trang bị thêm các nguồn lực cần thiết.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng, doanh nghiệp cần phải rà soát lại những công cụ nguồn lực mà mình đã có sẵn và những gì cần phải bổ sung. Doanh nghiệp đã có đủ đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp hay các nhà cung cấp uy tín chưa Những nhân viên hay nhà cung cấp này đang đem đến cho doanh nghiệp những giá trị gì. Nếu cần phải có thêm nguồn tài chính để đầu tư cho việc đào tạo và phát triển nhân lực thì cũng phải đưa điều đó vào trong kế hoạch tăng doanh thu.

8. Nhìn lại chính mình.
Người chủ hay lãnh đạo doanh nghiệp có thể là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Nên tự hỏi người đứng đầu phải hoàn thiện điều gì để trở thành động lực chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể tăng trưởng nếu thiếu vắng những nỗ lực của nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Và điều quan trọng không kém cần hết sức quan tâm là để duy trì một đội ngũ nhân sự ổn định, doanh nghiệp phải xây dựng được một chế độ công nhân và khen thường những nhân viên làm việc chăm chỉ, có thành tích tốt. Xin lưu ý là điều này nhiều doanh nghiệp chưa kịp làm trong khi xây dựng kế hoạch kinh doanh ban đầu.

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Từ cô giáo dạy văn trở thành Tổng giám đốc công ty Bảo hiểm



  Làm thế nào mà cô giáo ở một thị trấn nhỏ trở thành doanh nhân - chính khách, được hàng triệu người ngưỡng mộ?



Người phụ nữ đa cảm ấy ra đi từ vùng đất của Hai Bà Trưng. Sau nhiều năm tháng gian khổ, chị trở thành người phụ nữ duy nhất của Việt Nam vừa là doanh nhân vừa là chính khách, được hàng triệu người ngưỡng mộ. Chị là Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Bảo hiểm AAA, Đại sứ danh dự Nam Phi tại TP.HCM.
Đã hơn 3 năm rồi kể từ khi gánh vác thêm trọng trách làm Đại sứ danh dự Nam Phi tại TP.HCM, chị luôn tỏ rõ khát khao, nghị lực mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Văn phòng Lãnh sự đã rút ngắn khoảng cách về mặt địa lý của hai nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân TP.HCM xin visa đi Nam Phi với thời gian nhanh nhất và tiết kiệm nhất.
Chị sẵn sàng cung cấp thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, đồng thời tiến hành nhiều cuộc đàm phán hợp tác thương mại của doanh nghiệp hai nước. Và hẳn các bạn trẻ sẽ cảm thấy rất thú vị nếu biết rằng, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA có xuất phát điểm là cô giáo dạy văn cấp 2, không hề được đào tạo kinh doanh bài bản, không may mắn, cũng chẳng có nhiều vốn liếng.
Vậy thì vì sao chỉ trong 5 năm, Bảo hiểm AAA do chị đứng đầu lại lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam? Câu trả lời hết sức giản đơn, sức mạnh của ý chí và nghị lực đã giúp người phụ nữ đất Bắc vượt qua được chặng đường đầy gian khó ấy để làm nên những kỳ tích ở nơi đất khách quê người.
Một trái tim biết yêu thương, chia sẻ...
Cho dù đích đến có là đâu và người đời có trân trọng gọi chị bằng bao nhiêu danh xưng, thì trở về với đúng bản ngã, cũng là xuất phát điểm của mình, chị là một người mẹ, người vợ bình thường của gia đình. Để rồi, chị đem trái tim của một người mẹ đối đãi với tất cả trẻ thơ sống quanh mình.
Chẳng thế mà suốt mấy năm nay, chị nhận chu cấp hàng tháng cho một em bé mới 4 tháng tuổi cho tới khi trưởng thành, bởi em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ trong một tai nạn giao thông.
Quá xót xa trước cảnh phụ nữ và trẻ em đánh đu với số phận trên sông Pô Kô, chị cùng gia đình đã tài trợ đến 1,5 tỷ đồng để chính quyền xây dựng cầu treo.
Rồi mới đây nhất Bảo hiểm AAA cũng bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng xây trường mầm non cho trẻ em nghèo ở tỉnh Bình Phước. Và cả những phần quà, học bổng cùng những chuyến đi từ thiện... chị không muốn kể mà chia sẻ bằng chính tuổi thơ thiếu ăn thiếu mặc của 6 chị em mình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em ở Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), Đỗ Thị Kim Liên là con thứ nhưng lại thường thay bố (lúc đó ở Nga) làm rất nhiều việc giúp mẹ lo chạy chợ. Chị chia sẻ: “Gia đình tôi đông anh chị em, bố mẹ đều bận bịu lo kiếm sống, nên chúng tôi phải tự bảo nhau học là chính. Vào thời bấy giờ phấn đấu học hành là khó lắm chứ đâu có điều kiện tốt như bây giờ, thế mà rồi đều nên người cả”.


Dường như được trải qua hoàn cảnh khó khăn ấy mà sau này, khi rời quê vào miền Nam tìm kiếm những cơ hội mới, chị luôn vững vàng với cuộc sống tự lập.
Lý giải về việc mình từng là cô giáo dạy văn, chị tâm sự: “Có lẽ, việc chọn chuyên ngành sư phạm như một mô típ chung của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa hồi bấy giờ, hơn nữa, gia đình tôi lại có truyền thống làm giáo viên. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Sư phạm II), đứng lớp giảng bài 3 năm tôi kịp nhận ra mình còn có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa.
Tôi luôn có ước muốn cháy bỏng là được làm một nghề có thể tận dụng hết năng lực, được sống với niềm đam mê, trách nhiệm và có điều kiện thực hiện ước mơ của mẹ khi còn sống là thoát khỏi nghèo đói. Vì vậy, tôi quyết định vào miền Nam với khao khát có thể tự thay đổi cuộc đời mình, cho dù lúc đó hành trang mang theo chỉ là đam mê chứ kiến thức từ thực tế còn sơ sài lắm”.

Chị Đỗ Thị Kim Liên (thứ 3 từ trái sang) trong một chuyến đi từ thiện
Cuộc sống khốn khó với quá nhiều “cám dỗ” như những thử thách ban đầu giúp Đỗ Thị Kim Liên quen dần với cuộc sống tự lập ở Vũng Tàu – một nơi cách quê chị cả nghìn cây số. Tại đây, chị làm thuyết minh tại Viện Bảo Tàng, nhưng kỳ thực, nó cũng chỉ có thể gọi là “trạm dừng chân” của một cô gái mới hơn hai mươi tuổi, bởi sau đó, chị còn chuyển qua khá nhiều công việc khác để mưu sinh.
Sinh ra trong nghèo khó, lại xa quê, xa gia đình nên chị luôn có ý thức phải vươn lên. Quan trọng hơn, khi phải đối mặt với khó khăn xảy đến dồn dập, còn phải biết tránh những cám dỗ. Chị bảo: “Bài học đầu tiên mà tôi rút ra trong quá trình lập nghiệp là phải biết vượt qua mọi cám dỗ. Tôi thấy lòng mình thanh thản vì ngay cả những lúc khó khăn nhất tôi đã tránh được cái bẫy này. Đây cũng là tài sản lớn nhất mà tôi có và nó hình thành từ trải nghiệm thực tế mà không phải ai cũng đủ sức chịu đựng”.
… và triết lý "con người là trung tâm”
Trong thuyết ngũ hành, số 5 được coi là là con số may mắn, bởi nó ứng với chữ sinh – đem lại sự sống, sự trường tồn cho vạn vật. Và như một sự sắp đặt của định mệnh, những triết lý sâu sắc của Đỗ Thị Kim Liên lại ứng với con số 5 ấy, đó là: Bình tĩnh - Bình tâm - Bình thản - Bình thường - Bình an.
Chị bảo rằng, Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua được những cái mốc sau đó, nhất là với lãnh đạo trong ngành tài chính, phải liên tục đối mặt với nhiều rủi ro, có thể trả giá bằng cả sự nghiệp. Nếu không Bình tĩnh thì khó mà tiến tới Bình an.
Điều đó đã được minh chứng khi nữ TGĐ Bảo hiểm AAA đưa doanh nghiệp này liên tục tăng trưởng với những con số vô cùng ấn tượng. Chị mạnh dạn chọn sự khác biệt trong hướng kinh doanh khi đưa nhiều sản phẩm bảo hiểm mới vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, như bảo hiểm y tế toàn cầu, bảo hiểm du lịch toàn cầu, bảo hiểm mất cắp xe máy, mất cắp điện thoại…
Tập thể AAA của chị từ một văn phòng vỏn vẹn 12m2 với 9 nhân sự và doanh thu năm 2005 mới ở mức khiêm tốn là 5 tỷ đồng thì tới 2008 con số đó đã là 218 tỷ đồng.
Năm 2009, dù phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn quốc, Bảo hiểm AAA dưới sự chèo lái của chị vẫn giành được những kết quả khá tốt với doanh thu 320 tỷ và được bình chọn là 1 trong 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.
Năm 2010, chị Liên tiếp tục chèo lái con thuyền AAA vượt qua nhiều ghềnh thác để cán đích với doanh thu 365 tỷ đồng (dự kiến năm 2011 sẽ là 400 tỷ đồng).


Trung tuần tháng 9/2010, Bảo hiểm AAA lại tiếp tục được nhận giải “Thương hiệu nổi tiếng quốc gia 2010” và cá nhân chị được nhận giải “Doanh nhân xuất sắc Đất Việt”. Chị cũng từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều năm liền được trao tặng cúp Bông hồng vàng.

Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên được trao tặng cúp Bông hồng vàng 2010
Theo quan điểm của chị Liên, những thành công ấy là hệ quả tất yếu sau cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của gần hàng trăm thành viên của ngôi nhà AAA, trong đó điều quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết.
Chị Liên trải lòng: “Dù máy móc có hiện đại tới đâu đi chăng nữa thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, vì vậy tôi yêu thích triết lý lấy con người làm trung tâm và tin tưởng điều đó sẽ duy trì được sự phát triển bền vững cho Bảo hiểm AAA trong suốt cuộc hành trình. Với tôi, CBNV dù đang giữ bất kỳ vị trí nào trong Bảo hiểm AAA, kể cả anh bảo vệ hay chị lao công cũng đều có đóng góp vào thành công chung ấy”.
Chị bảo rằng, cuộc sống không phải là một câu chuyện cổ tích, rất khó để cùng lúc giúp đỡ được tất cả những số phận kém may mắn, nhưng vẫn luôn cố gắng bằng một cách nào đó làm cho cộng đồng quanh mình tốt đẹp hơn. “Trên cương vị TGĐ Bảo hiểm AAA và Lãnh sự Danh dự Nam Phi tại TP.HCM, tôi có thể hoạch định sát sao những chiến lược cho mình. Nhưng ở khía cạnh của một con người, được trở về sống đúng với trái tim mình, thì công tác từ thiện là cái cần làm và nên làm. Chỉ cần có khả năng là tôi vẫn sẽ làm”, chị Liên chia sẻ.
Con người này, tâm thế này ngồi ở chiếc ghế TGĐ Bảo hiểm AAA, có quyền năng đem may mắn của bản thân và số đông chia sẻ với bất trắc của số ít, đã làm dấy lên tiếng đồn về cách hành xử rất lạ, như tăng lương cho những nhân viên lẽ ra phải bị… sa thải, biến số điện thoại di động của mình thành đường dây nóng 24/24 để gỡ rối tơ lòng, quyết định chi xuất bồi thường cho những trường hợp… không có trong hợp đồng của Bảo hiểm của AAA.
Giờ đây khi nói tới Đỗ Thị Kim Liên, người ta thường bảo chị có một khả năng kỳ lạ, rất nhiều đồng nghiệp luôn tìm kiếm những ẩn số đã làm nên dấu ấn đậm nét của chị ở Bảo hiểm AAA.
Có một điều khá thú vị là Đỗ Thị Kim Liên sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, nhưng lại đang rất thành công tại TP.HCM. Ai đó đã nói rằng, Đỗ Thị Kim Liên có duyên với đất Sài Gòn hoa lệ, nhưng với chị thì lại là cả một quá trình phấn đấu trong gian khổ để có được sự kết hợp tuyệt vời giữa khả năng phân tích thị trường nhạy bén của phương Tây và văn hóa làm việc mềm dẻo nhưng quyết đoán và chắc chắn của phương Đông.
Chị cũng luôn cần mẫn và giản dị, trung thực và thẳng thắn, cẩn trọng nhưng cũng liều lĩnh, thông minh và đầy tham vọng. Nhiều người đánh giá chị là người điều hành số một tại Bảo hiểm AAA không chỉ bởi những chỉ số tăng trưởng bền vững của thương hiệu này trong suốt hơn 5 năm qua, mà trên hết đó còn là bài học sống về sự cần cù, khát vọng sống, lòng kiên định, chữ tín và ý chí vươn tới thành công.
Chị Liên chia sẻ: “Thực lòng, vì đã trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn, nên tôi rất cảm thông với anh chị em đang làm việc tại Bảo hiểm AAA. Nhìn vào hoàn cảnh của họ, tôi như lại thấy chính mình ngày xưa, vì thế tôi luôn khích lệ họ phải phấn đấu từng phút, từng giờ để trở thành những cán bộ xuất sắc, có đóng góp lớn cho Bảo hiểm AAA.
Có hai câu ngạn ngữ mà tôi rất thích và muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ đó là "Điều chắc chắn nhất trên đời là không có gì chắc chắn cả" và "Kinh doanh mà chỉ làm ra tiền thôi thì chưa phải là kinh doanh".
Tôi đã chứng kiến quá nhiều bài học rồi và biết chắc chắn rằng, doanh nghiệp sẽ thất bại nếu điều hành bằng tiền và quyền lực. Ngược lại, lãnh đạo có tâm sáng thì sẽ khiến anh em đoàn kết, sức mạnh ấy là khởi nguồn của thành công”.
Theo Doanhnhan360.com
Flag Counter