Không thuộc tuýp người có sắc đẹp, không
được học hành đến nơi đến chốn nhưng ấn tượng khi gặp chị là sự mộc mạc,
dễ gần pha lẫn cảm giác chắc chắn, tin cậy rất dễ gây cảm tình với
người đối diện. Chị tự nhận mình không phải là doanh nhân mà vì đơn giản
thuộc về công việc ấy. Người phụ nữ tôi đang muốn nói đến là chị Đàm
Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Gia Hưng chuyên cung cấp các mặt hàng thủ
công mỹ nghệ xuất khẩu từ mây tre đan. Chị đã đi lên từ một công nhân
nhà máy may để trở thành bà chủ của những đơn hàng xuất khẩu lên đến
hàng triệu sản phẩm.
Chị Đàm Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Gia Hưng
Những mùa hè học nghề và sự lận đận thi cử
Chị Đàm Thu Hà sinh ra tại Hà Nội. Bố mẹ chị đều là bộ đội nên cuộc sống chỉ tàm tạm đủ sống chứ không hề dư dật.
Với
lối suy nghĩ đơn giản để lo cho con sau này có một cái nghề, ngay từ
bé, mẹ đã cho chị đi học đủ thứ: thêu thùa, đan lát... Lên cấp 2, với
tâm lý lo xa “không biết học hành thế nào, nhưng có cái nghề thì sống”,
mẹ chị hướng cho con gái đi học may sau này có cái nghề kiếm sống. Do
vậy, những mùa hè học cấp 2, mẹ cho chị về quê Hưng Yên học nghề may từ
các bác (vốn dạy may từ thời Pháp).
Rào
cản tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của các bác cũng khiến cho công cuộc
học may của chị nhiều trắc trở vì chỉ muốn truyền nghề cho con trai chứ
không truyền nghề cho con gái. Vì thế, đi học nghề may mà chủ yếu chị
được giao thùa khuyết. Có mùa hè chị thùa được 2000 cái khuyết áo đủ các
kiểu: khuy tết, khuy bọc, khuy không đường may... Công việc thuần thục,
tay nghề thùa khuyết của chị đẹp mỹ mãn đến tận bây giờ. Đối với chị,
chỉ với 1 cái khuyết nếu đi tới cùng vẻ đẹp của nó cũng thể làm giàu
được. Chị cũng không ngờ vốn học may, thêu thùa lúc nhỏ lại trở thành
nghề và giúp chị không chỉ sống được mà còn làm giàu về sau.
Thời
đi học, chị rất thích học ngoại ngữ. Học hết phổ thông, cũng như bao
học sinh khác chị đặt hồ sơ thi vào trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Hà Nội
bây giờ). Những tưởng thi đỗ vì nằm trong khả năng nhưng kết quả chị thi
trượt. Không nản lòng, chị ôn tiếp năm thứ 2 và thi vẫn trượt. Quyết
tâm thi lại lần 3 nhưng cánh cửa giảng đường Đại học vẫn đóng lại trước
chị. Sự trớ trêu của “học tài thi phận” đã buộc chị phải đổi hướng theo
con đường khác.
Vụ xử lý mất đồ hoàn hảo của sếp mới
Sau
3 lần thi rớt, bố xin cho chị vào làm tại nhà máy may xuất khẩu. Sau 6
tháng đào tạo, chị chính thức trở thành công nhân tại nhà máy. Đã sẵn
biết nghề may từ những mùa hè còn là học sinh nên tay nghề của chị lên
rất nhanh và sớm trở thành công nhân có tay nghề cứng. Con đường thăng
tiến từ một công nhân quèn mở ra với chị, chị lần lượt được đề bạt lên
làm tổ trưởng, phụ trách kỹ thuật rồi lên quản lý.
Trẻ,
tay nghề giỏi, chị lên làm quản lý trong sự ghen tị của nhiều đồng
nghiệp hơn tuổi khác. Một kỷ niệm khó quên năm 22 tuổi khi chị lần đầu
bước vào nghề quản lý: Có một vụ mất mát (quần sooc) trong ngày đầu tiên
chị nhận quản lý một tổ sản xuất 60 người:
Đứng
trước tình huống mất đồ gay cấn này, chị đã rất bình tĩnh xử lý êm thấm
vụ việc và thu hồi lại được 22 chiếc quần. Chị cho họp mọi người lại và
thông báo “Mình đã họp với Ban quản lý, mất hàng thì phải bồi
thường, trị giá quy đổi theo đơn giá của khách hàng. Mỗi người sẽ nộp 50
nghìn cho vụ mất mát này”. Hiểu chắc chắn rằng không ai chịu mất
tiền nên tất cả không ai nhận lỗi, chị đề nghị bỏ phiếu kín để tìm lại
công bằng cho mọi người. Kết quả tất cả số phiếu đều trắng vì đây chỉ là
trò đùa với sếp mới. Chị đành: “Cảm ơn tất cả mọi người đã giúp tôi
tìm ra số hàng đã mất, những ai đã làm việc này tự giác chiều nay mang
quần trả lại vào phòng quản lý”. Câu nói này đã khiến cho mọi người
tự phải đấu tranh tư tưởng và nghi ngờ xem ai là “kẻ phản bội”. Ngày thứ
nhất không có ai nộp lại nhưng đến ngày thứ 2 họ đã tự đấu tranh với
chính mình và chỉ thiếu duy nhất 1 chiếc. Chị nói “Còn một chiếc nữa,
tôi không muốn nhắc tên bạn vì tôi đã biết bạn rồi, bạn nên mang đến vì
tôi không muốn bạn phải xấu hổ trước mặt mọi người”. Ngày hôm sau
thì cái quần cuối cùng cũng về vị trí và 22 cái quần mất thu hồi lại
được hết trong khi đó thực tế chị không có một thông tin nào.
Vụ
việc xử lý này đã giúp chị giải quyết xuất sắc bài toán mất mát nhờ
biết đánh vào tâm lý người khác mà không làm tổn hại đến danh dự của họ
và vẫn đảm bảo công việc công ty. Chị được mọi người chấp nhận và nể
phục. Làm ở vị trí nào chị cũng thể hiện rõ vai trò thủ lĩnh, chị được
cử tham gia cuộc thi thợ giỏi toàn quốc.
Bén duyên với ngành xuất khẩu từ nghề may
Vừa
là một công nhân giỏi tại nhà máy may, cơ duyên đưa chị đến với ngành
xuất khẩu một cách tình cờ. Có một Việt Kiều quê ở Ứng Hòa Hà Tây muốn
đầu tư một nhà máy tại quê hương để tạo công ăn việc làm cho người dân.
Anh ta tìm một thầy giáo để gửi gắm tâm nguyện này. Gia đình thấy giáo
đông con, thu nhập không đủ sống nên rất muốn làm việc gì để tăng thu
nhập. Thầy không biết nghề may nên qua giới thiệu đã tìm đến chị để tìm
hiểu về quy trình may công nghiệp.
Nếu
theo lẽ thông thường, chị sẽ mãi là công nhân may nhưng khi có cơ hội
tới buộc chị phải tiếp cận và tư duy về nó. Chị tham khảo cuốn “công
nghệ may” được treo ở dây chuyền sản xuất và bắt đầu đọc kỹ càng rồi cặm
cụi mày mò, tính toán, kẻ vẽ để xây dựng công nghệ sản xuất quần len
xuất khẩu gồm chi tiết kiểu dáng công nghiệp, mô tả dây chuyền, bóc tách
giá, nguồn nguyên liệu... Sau khi hoàn thành, chị đưa cho anh thày giáo
để trình cho ông Việt Kiều và họ đã quyết định đầu tư máy móc, trang
thiết bị mở xưởng may. Năm đó chị 24 tuổi .
Chị
và người thầy giáo đã kết hợp hoàn hảo để cho ra một dây chuyện khép
kín từ khâu nguyên liệu đến việc hoàn thiện và xuất khẩu hàng đi Ba
Lan.
Khi
làng nghề mở ra thì công việc được triển khai trên diện rộng, mỗi tháng
chị làm được 30.000 sản phẩm quần len xuất khẩu. Chị đã đưa công nghệ
vào sản xuất để giải quyết vấn đề năng xuất, chất lượng đang tồn đọng
tại các làng nghề khác. Kết quả với 5 chiếc máy chuyên dùng chị làm ra
3000 sản phẩm/ngày/3 ca, mỗi ca 1000 sản phẩm, năng suất gấp 6 lần.
Năm
1997, Đông Âu tan vỡ, công việc xuất khẩu quần len chậm lại và không
được thuận như trước. Tuy nhiên chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm
xuất khẩu và giải quyết các khâu khác nhau trong quá trình xuất hàng
đi.
Một
cơ hội khác lại đến với chị: có một khách hàng Đài Loan nhập khẩu hàng
mây tre đan, anh này muốn những sản phẩm được trang trí thêm vải và phụ
kiện. Chị đã hình dung ngay ra những chiếc hộp xinh xắn với ren, vải,
phụ kiện và đó là sở trường của chị “sáng tạo và thích tìm tòi cái mới”.
Khi kết hợp với phụ kiện thì những sản phẩm mây tre đan không chỉ đơn
thuần nữa mà có ren, có bèo rất thẩm mỹ.
Trở thành bà chủ của thương hiệu mây tre đan xuất khẩu
Năm
2007, sau những cái duyên với nghề may, chị đã định vị lại sản phẩm và
ngành hàng mình làm nên chị quyết định mở doanh nghiệp để sản xuất trọn
vẹn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan kết hợp với vải lót,
ren lót. Chị kết nối với các làng nghề tại nhiều tỉnh thành trong cả
nước để làm các chi tiết cho các mã hàng của mình. Thời gian đầu, tự
mình thiết kế các sản phẩm, chị phải tự mày mò, tính toán diện tích, thể
tích các hình, các khối. Sau khi đã lên được mẫu sản phẩm gồm những
mảng miếng khác nhau, chị giao chi tiết đơn hàng về các địa phương để
làm các công đoạn.
Trong
suốt quá trình kinh doanh điều chị nhấn mạnh nhất chính là vai trò của
người “cầm cờ”. Các tình huống khó khăn, đầy mạo hiểm, đầy bất trắc mang
tính đặc thù công việc do khách quan mang lại cần người đứng đầu phải
có cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Vào mùa chiến dịch chị lặn lội
khắp các làng nghề, triển khai lắp ghép công việc để tạo thành một cỗ
máy vận hành đúng đường ray. Và không ít những phen thừa sống thiếu
chết, dở khóc dở cười với những sự khập khễnh trong quá trình làm việc.
Hình ảnh một số mã sản phẩm xuất khẩu:
Sản phẩm được đóng thùng trước khi xuất khẩu
Công
việc vào guồng và chạy nhịp nhàng, thành công và tiền bạc đến với chị
cũng rất thuận lợi. Hiện nay, công ty chị đã trở thành nhà thầu phụ của
nhãn hàng IKEA. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm mới nhất của chị
là “lót mũ bảo hiểm” đang là sản phẩm hot trên thị trường giúp cho người
đi xe máy cảm thấy thoải mái, sạch sẽ, thoáng mát khi đội mũ bảo hiểm.
Sản phẩm lót mũ bảo hiểm đan từ mây và viền vải
Hàng
năm, từ tháng 6-9 là thời gian bận rộn nhất với chị vì là mùa xuất
khẩu, chị tổ chức các chiến dịch mùa hè để chuẩn bị cho lô hàng xuất
khẩu.
Làm
sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, theo chị Hà cái khó nhất là ghép
nối tốt để đảm bảo đủ số lượng cho lô hàng trước khi xuất đi. Vì để cho
công ten nơ lên tàu đúng thời gian thì phải lường trước tất cả các tình
huống có thể xảy ra: tăng cước, làm không đủ, dự phòng, thời tiết… Nếu
làm thiếu số lượng thì số tiền rải trên chặng đường đó nhiều vô kể và
bài toán kinh tế sẽ có vấn đề ngay.
Thành công không nhất thiết là phải học đại học
Đối
với chị Đàm Thu Hà, thành công có được ngày hôm nay đã giúp chị giải
quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở các làng nghề địa
phương. Chị thường làm việc vào ban đêm vì lệch múi giờ với khách hàng: “Công
việc này chị không chia sẻ được với ai, không nói được với ai, chỉ có
chị và 2 phương án “Được hoặc mất”. Lúc đó, linh giác tự nhiên xuất hiện
trong tình huống chốt đơn hàng và tự mình phải quyết. Chị hiểu rằng khi
quyết thì hàng nghìn người nông dân họ được hay mất phụ thuộc vào cái
quyết của mình. Rồi khách hàng, nhà nhập khẩu…. Khi quyết một mình như
vậy thì chị sẽ dám chịu. Mình dám chịu thì chả còn vấn đề gì nữa và mình
chấp nhận cái xấu nhất xảy ra”.
Ngoài
việc chịu trách nhiệm với những quyết định, với chị Hà thì làm chủ
doanh nghiệp phải học hỏi liên tục thì mới làm giàu được. Trong những
lúc rảnh rỗi thay vì đi chơi, chị một mình với chiếc máy tính và chương
trình tự học ngoại ngữ, đọc tin tức văn hóa, xã hội, giao lưu với các
bạn trẻ thông qua mạng xã hội. Khi không biết cái gì thì mình phải tìm
cách học bằng được: “Như chị ngày xưa không biết viết thư thương mại,
lúc đầu cứ viết dài dòng kể lể sau phải học cách viết mail cho đối tác
cho ngắn gọn đủ ý và mạch lạc, dễ hiểu”. Chị Hà cho biết thêm: “Theo
chị thì để thành công không nhất thiết phải qua học Đại học vì đi học
Đại học cũng chỉ là một lựa chọn để ra trường mình có một cái vốn rồi
chọn một nghề để sống. Nói như thế không phải là chị không trân trọng
những người học cao bởi vì họ thuộc về nơi đó, những giảng đường. Nhưng
nếu bạn không thi đỗ Đại học không có nghĩa là bạn không thể làm giàu”.
Tiếp
xúc với chị Hà, tôi vỡ ra nhiều thứ từ công việc của chị. Cảm xúc của
tôi về chị là cũng giống như khi người ta tự nhiên bị đặt trước một hoàn
cảnh hóc búa, nhưng lại biết cách để giải quyết bài toán hóc búa đó
bằng sự sáng tạo, tư duy liên tục. Phải chăng, đó cũng là một tố chất
khác biệt của một người làm chủ với một người làm công.
hoclamgiau.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét