(DĐDN) Đi khắp trong và ngoài nước
ngay từ đầu năm 2012, có vẻ như Nguyễn Lâm Viên - ông chủ Vinamit đang
ấp ủ những kế hoạch nào đó. Liệu đây có phải là thời điểm Vinamit sẽ làm
nên một bước đột phá mới trên bước đường vốn dĩ đã thành công ? Trò
chuyện với doanh nhân Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch kiêm TGĐ Vinamit.
Phải “đánh” xong thị trường Asean...
- Trong bối cảnh khó khăn của năm 2012, tình hình ở Vinamit như thế nào, thưa ông ?
Như mọi DN, Vinamit cũng có sự sút giảm. Nhưng may mắn là kiểu kinh
doanh của Vinamit có phần khác biệt với nhiều DN khác. Thị trường nội
địa chỉ chiếm 50% doanh số nên chúng tôi vẫn còn 50% thị trường bên
ngoài có thể đỡ lại. Tôi đang xách giỏ đi nhiều hơn. Thị trường trong
nước bảo hòa và suy yếu thì ta phải đẩy mạnh khai thác thị trường bên
ngoài. Tuy vậy, về nguyên tắc chúng tôi cũng phải co lại, thắt lưng buộc
bụng. Giữ lực và chờ khi thị trường khởi sắc trở lại là yếu tố sống còn
của hầu hết các DN, bao gồm cả Vinamit lúc này.
- Nhưng thị trường bên ngoài cũng đang suy yếu ?
Tôi tập trung vào thị trường Trung Quốc. Thật ra, Trung Quốc vẫn là
thị trường chiếm doanh số lớn nhất trong xuất khẩu của Vinamit. Trước
đây, chúng tôi vẫn chưa đẩy mạnh toàn phần, chưa khai thác hết tiềm năng
của thị trường này. Hàng hoá của Vinamit đã có vị trí tại Trung Quốc
nên việc tiếp cận và đẩy mạnh hơn nữa sẽ không tốn quá nhiều công sức,
nguồn lực lẫn thời gian. Do đó, nếu đẩy mạnh việc khai thác thị trường
thì hiệu quả cũng sẽ dễ thấy được nhanh và rõ ràng hơn.Bên cạnh đó, với thị trường này, chúng tôi luôn nghĩ ra những phương thức thay đổi mới để thị trường bắt chước, nhái, giả không theo kịp.
- Để in dấu một hệ thống nhận diện thương hiệu tại thị trường này hẳn cũng không dễ dàng ?
Thay đổi nhưng lại phải biết tiết giảm ở mức độ vừa đủ, sao cho hàng
giả không giả được mà người tiêu dùng cũng không thấy cũ kỹ, nhàm chán.
Về cơ bản là phải giữ một sự cân bằng giữa truyền thống và đổi mới để
sao cho vẫn giữ được các ký hiệu giúp người tiêu dùng nhận diện được
thương hiệu. Đó là cả một nghệ thuật sáng tạo.
- Vinamit có dành “ưu tiên” đầu tư cho những thị trường nào khác ?
Vinamit đang xuất hàng qua Philippine, Singapore, Thái Lan và một số
địa bàn khác. Nhưng năm nay tôi vẫn tập trung cho thị trường Trung Quốc
. Tôi quan niệm rằng phải “đánh” xong thị trường ASEAN thì mới bung ra
bên ngoài. Tất nhiên, ở các thị trường khác, cũng phải đặt chân và giữ
vị trí thông qua các đại lý phân phối, thì khi bung ra mới không mất quá
nhiều công sức.
Không giới hạn sản phẩm
- Về sản phẩm, Vinamit có bung ra theo từng dòng sản phẩm và ưu tiên những mũi nhọn nhất định ?
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, tôi chủ trương mở rộng trong giới
hạn các sản phẩm đều sẽ là thuần tuý nông nghiệp. Hiện nay, Vinamit
đang mở ở Trung Quốc Cty phân phối hàng nông nghiệp VN, bao gồm những gì
người Trung Quốc thích và ta cung ứng được như sữa, gạo, cà phê, các
loại ngũ cốc …Với hình thức trung gian phân phối, các sản phẩm này được
Vinamit triển khai ra thị trường theo hình thức tập trung khâu bảo quản
nhằm tạo ra giá trị gia tăng. Vinamit là DN chế biến và bảo quản sau thu hoạch tất cả mọi loại sản phẩm nông nghiệp là sức mạnh truyền thống của Vinamit, thành ra khi đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới, chúng tôi không hề e ngại sẽ xa rời sức mạnh truyền thống của mình. Về nguyên tắc, mọi hoạt động kinh doanh đều do thị trường quyết định. Mình phải chọn cách đầu tư phù hợp với bối cảnh và đặc trưng của từng thị trường. Khi mới bắt đầu thì mọi chủ ý có thể sẽ không như mong muốn, thị trường chưa chắc ổn định và nuôi thị trường là điều ta phải chấp nhận. Tin rằng làm được như vậy thì khi kinh tế toàn cầu tốt hơn, mọi việc sẽ thuận lợi. DN không thể ngồi một chỗ, chờ lãi suất hạ thấp mới vay tiền đầu tư, có nhà máy mới chịu đi bán hàng…
- Hiện nhiều DN chọn cách quay về với thị trường nội địa. Quan điểm của ông và Vinamit ?
Tôi đâu có quên thị trường nội địa. Đây mới chính là thánh địa, lãnh
địa, hậu phương của DN Việt. Nhưng tôi tiếp cận thị trường nội địa luôn
theo một cách riêng, không ồ ạt và to tát. Cứ từ từ mà mọi thứ sẽ loang
ra. Chắc chắn Vinamit sẽ có một bước ngoặt quan trọng trong tiếp cận thị
trường nội địa ở một ngành hàng mới: Café.
- Đây vốn là một thị trường đã có nhiều thương hiệu lớn với áp lực cạnh tranh không hề nhỏ, thưa ông ?
Thứ gì không phải thế mạnh của mình thì mình sẽ không tham gia, nhưng
thứ gì mà nông nghiệp VN đang có, ngon và nổi tiếng trên thế giới, thì
mình sẽ không bỏ qua – đó là nguyên tắc của tôi. Ví dụ như khi ra thị
trường quốc tế, tôi giới thiệu gạo, café, tiêu, điều, cao su... của VN
thì người tiêu dùng quốc tế tin. Cánh cửa cho thị trường này theo tôi
còn rất rộng. Tuy nhiên, trong danh sách những sản phẩm nông nghiệp đó,
tôi chọn cafe vì tôi đã có sự chuẩn bị kỹ về nhiều mặt.
- Được biết, một số mặt hàng Vinamit đang
tiếp thị và phân phối, không do chính Vinamit sản xuất. Điều này có
khiến những sản phẩm mới yếu đi sức lan toả ?
Nguyên tắc của người tôi trong ngành nông nghiệp là chỉ làm chặng đầu
và chặng cuối, chặng giữa thì từ từ chuyển giao cho các DN sản xuất
trong ngành khác. Điều này giúp tôi có kế hoạch ổn định, tránh chuyện
triển khai các vùng trồng không có kế hoạch trước, không định vị được
thị trường. Càng không có gì, đường đi càng thẳng !
- Để thành công trong một quy trình mới và
có sự chuyển giao cho các DN sản xuất những chặng giữa, theo ông, yếu
tố then chốt sẽ là gì ?
Con người! Sự đam mê, ý chí của con người đó. Phải có niềm tin, trải
nghiệm và nuôi dưỡng để thành 1 thương hiệu mà nhìn là thích, nghe là
tin. Để làm tốt thì mình phải xây dựng hệ thống kiểm soát lẫn nhau, mình có thể đầu tư vào các DN chế biến và đứng ở góc độ nhà đầu tư mà giám sát. Trong tương lai nếu có bán cổ phần Vinamit tôi cũng sẽ tìm các nhà đầu tư có thể giúp mình cùng quản trị, giúp Vinamit làm tốt hơn nữa đầu vào và đầu ra của một sản phẩm.
- Nói đến Nguyễn Lâm Viên, ông muốn mọi người sẽ nói đến điều gì ?
Năm 1987 tôi là người phát hiện ra ngành chế biến và bảo quản sau thu
hoạch. Lúc đó người ta rất ngạc nhiên vì người ta nghĩ bao nhiêu đời
nay họ vẫn gặt, bảo quản phơi ra đường, không cần xa xỉ phơi sấy theo
công nghiệp chế biến. Nhưng nếu nhìn xa, xác định nông nghiệp là một
trụ cột kinh tế của đất nước, thì bây giờ và trong tương lai, không có
lý do gì khiến ta xa rời điều đó.
- Nhưng, tại VN việc khắc phục được đầu vào thị trường để triển khai bảo quản, chế biến sau thu hoạch là cả một vấn đề ?
Trước đây, tôi triển khai hàng ngàn hécta trồng mít để đảm bảo chất
lượng đầu vào sản phẩm. Việc quản lý chất lượng, sản lượng sản phẩm theo
tôi không hẳn là quá khó khăn. Chúng ta có thị trường giao dịch hàng
hoá quốc tế, DN có thể thu mua ngay trên sân nhà hoặc cũng có thể nhập
hàng nếu cần thiết. Cần nhớ rằng mình không chỉ là DN VN mà là DN ASEAN
+1, DN WTO. Không cần phải co cụm, tự ti. Chúng ta càng không có gì,
đường đi càng thẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét