Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

“Tròn mắt” trước cô bé doanh nhân mới 6 tuổi

Mặc dù mới 6 tuổi, cô bé Mollie Price tại Anh đã khiến nhiều người phải kinh ngạc khi trực tiếp đứng ra điều hành một chuỗi các cửa hàng kẹo mang tên chính mình và trở thành nữ doanh nhân trẻ nhất nước Anh.
Trong khi hầu hết các em nhỏ 6 tuổi khác đều thích ăn kẹo và thích được cùng mẹ tới các cửa hàng bày bán các loại kẹo đủ màu sắc và hình dáng ngộ nghĩnh thì cô bé Mollie Price lại mơ ước trở thành “bà chủ” của thế giới kẹo. Đó cũng chính là lý do đưa em tới con đường kinh doanh khi tuổi còn rất nhỏ.
Cô bé Mollie Price bên người mẹ của mình
Cô bé Mollie Price bên người mẹ của mình
Hiện, Mollie trực tiếp điều hành một chuỗi 3 cửa hàng mang tên chính mình, Mollie’s, đặt tại các thị trấn Welshpool, Newtown và Shrewsbury của nước Anh. Công việc kinh doanh cuả em gặt hái được nhiều thành công đến nỗi em đã được nhiều người biết đến và đặc biệt hơn, em còn được công nhận là doanh nhân trẻ nhất nước Anh. 
Với sự giúp đỡ và ủng hộ của mẹ mình, cô Becky, Mollie càng ngày càng chứng tỏ được khả năng và niềm đam mê kinh doanh của mình. Không chỉ dừng lại ở chuỗi 3 cửa hàng kẹo, Mollie còn nung nấu ý định mở rộng kinh doanh mặt hàng này hơn nữa trong tương lai. 
Cô Becky tâm sự: “Điều đó nghe có vẻ điên rồ nhưng tôi tin Mollie có đầu óc điều hành. Việc mở cửa hàng bán kẹo cũng chính là ý tưởng của cô bé”.  
Mới 6 tuổi nhưng cô bé đã là chủ của một chuỗi cửa hàng kẹo mang tên mình
Mới 6 tuổi nhưng cô bé đã là chủ của một chuỗi cửa hàng kẹo mang tên mình
 
Được biết, Mollie chính là người trực tiếp sắp xếp và lựa chọn các loại kẹo cho từng cửa hàng. Cô bé làm việc tại một trong những cửa hàng của mình vào thứ Bảy và thức dậy vào 5h mỗi sáng Chủ nhật để đi lấy hàng tại kho ở Birmingham. Cô bé còn mời bạn bè nếm thử kẹo và tư vấn cho mình để lựa chọn loại kẹo phù hợp.
“Con bé đã nghĩ ra một ý tưởng giá trị. Nghe những gì cháu nói, chúng tôi chắc chắn rằng các cửa hiệu của cháu sẽ cuốn hút với mọi lứa tuổi. Con bé còn nghĩ ra ý tưởng về một biểu đồ nhiệt độ trên tường để nếu trời lạnh, chúng tôi sẽ bán kem Mr Whippy với giá rẻ hơn so với thời điểm trời nóng”, bà mẹ tự hào kể về con mình.
Mặc dù đam mê với kinh doanh, thành tích học tập của Mollie không tồi chút nào. Nhờ có sự chăm sóc của mẹ, Mollie vẫn là một cô bé 6 tuổi bình thường với các hoạt động học hành, vui chơi và kết bạn như bao bạn bè đồng trang lứa khác. 
Theo DM

Khởi nghiệp: Dễ chung lòng, khó chung vốn

Xu hướng liên kết để khởi nghiệp ngày càng rõ rệt hơn trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Chung lòng thì dễ, chung vốn có thuận lợi hay không lại là chuyện khác.
Là một kỹ sư phần mềm, từ ngày còn đi học, ước mơ của Lê Hồng Hải Nhân hết sức bình thường là ra trường, đi làm thuê cho các công ty và xây dựng gia đình. Tuy nhiên, bước vào năm 3 đại học, quan niệm của Hải Nhân đã hoàn toàn thay đổi khi trải qua quá trình thực tập tại một công ty phần mềm.

Càng tiếp xúc, càng thấy công việc mình đã chọn thiếu sáng tạo, không gây được hứng thú cho bản thân, Hải Nhân tỏ ra lo lắng. Anh tham gia vào một công ty khởi nghiệp và bắt đầu nhen nhúm ước mơ. “Lúc đó, tôi mới biết mình chọn sai đường và ước mơ của tôi là được làm chủ”, Hải Nhân chia sẻ. Nhưng tìm được số vốn đủ để khởi nghiệp với Nhân là chuyện chẳng dễ dàng.
Tạo dựng niềm tin
Biết mình khó xoay sở được vốn, Hải Nhân quyết định đi làm để tích lũy tài chính, cũng là cơ hội để kiểm tra một lần nữa xem con đường mình chọn liệu có sai như mình cảm giác hay không. Hai năm gắn bó với công ty phần mềm, vẫn thấy mình không có cơ hội đầu tư, Hải Nhân chọn hướng đi khác cho hành trình làm chủ của mình: Khởi nghiệp cùng 1 nhóm bạn. Trước tiên là làm dự án quán cà phê có tên là Niche Café để có không gian thực hiện ước mơ.

Theo dự án, quán cần ít nhất là 350 triệu đồng để đầu tư. Có đến 7 người đồng ý cùng tham gia với Nhân, nhưng thành viên nhóm đa số là sinh viên tỉnh lẻ, việc huy động mỗi người 50 triệu đồng là không dễ. Nhân kể: “Biết khó nhưng cả nhóm thống nhất chỉ tiêu rồi mỗi người một hướng để tìm vốn”. Điểm đến đầu tiên của Nhân là gia đình.

Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến ba mẹ thì Nhân lập tức bị phản đối. Các thành viên khác cũng chung số phận. Biết mình không thể nói suông, Nhân bàn với các thành viên trong nhóm lên kế hoạch cụ thể về dự án, dự định thu - chi như thế nào, định hướng cho từng giai đoạn ra sao. “Muốn người khác góp vốn thì phải cho họ tin vào ý tưởng khởi nghiệp của mình”, Nhân tiết lộ.

Từ cách làm này, niềm tin dần lan tỏa và 7 người trong nhóm của Nhân đều kêu gọi được vốn từ gia đình, bạn bè... Quán Niche Café ra đời nhờ vào bước khởi đầu là tạo dựng được niềm tin.

Đồng cảnh ngộ, những sáng lập viên của Aothun.vn khi bắt tay vào dự án của mình cũng đối mặt với áp lực nguồn vốn. Anh Nguyễn Văn Lộc, sáng lập viên Aothun.vn kể, trước Aothun.vn, anh là chuyên viên công nghệ thông tin, từng thử sức với thương trường ở tuổi 19, khi bắt tay khởi nghiệp bằng việc lập một công ty thiết kế web, sau đó đi làm thuê cho một công ty trong nước, rồi mới khởi nghiệp lần 2 cùng đồng sự. “Dù đã 2 lần khởi nghiệp nhưng khó khăn nhất vẫn là tài chính”, Lộc chia sẻ.

Cùng nhau viết kế hoạch kinh doanh, phân tích mọi thuận lợi và khó khăn kín 40 trang giấy rồi đem gửi khắp nơi là cách mà Aothun.vn gọi vốn. Lộc cho biết, thứ tự ưu tiên để gọi vốn là gia đình, bạn bè, nhà đầu tư nhỏ, sau mới đến quỹ đầu tư. “Muốn người khác tin và cấp vốn cho mình kinh doanh thì phải tạo niềm tin nơi họ bằng hành động cụ thể”, anh cho biết.

Giữ tình đồng chí
Từ một xưởng may nhỏ, diện tích chỉ 10m2, nay lượng nhân viên của Aothun.vn đã lên đến 90 người, xưởng sản xuất hơn 1.000m2, tăng trưởng 4 năm liên tục. Tương tự, Niche Café đã trụ vững và có doanh thu tốt, trở thành điểm đến của các bạn trẻ, nhất là khi có nhu cầu hội họp. Tuy nhiên, với những bạn trẻ này, gọi được vốn chỉ là điểm khởi đầu.

Nguyễn Văn Lộc kể, ở lần khởi nghiệp đầu tiên, anh khá hồn nhiên, chỉ nghĩ vốn là quan trọng, và kết hợp với bạn bè để cùng làm tốt, bổ sung cho mình. “Sau 4 năm trên thương trường, tôi đã suy nghĩ khác, phải tìm hiểu tính cách cá nhân của đối tác xem có thích hợp để khởi nghiệp cùng nhau”, Lộc chia sẻ.

Anh cho biết, từ tích cách mà phân chia thành 4 nhóm người: cầu toàn, mạnh mẽ, sôi nổi và cầu an. Phải khảo sát để tìm hiểu tính cách để biết có hợp nhau không. Nhờ chu đáo trong công tác chọn đối tác mà trong lần tái khởi nghiệp, Lộc và đồng sự đã thành công.

Không chỉ tính cách, theo anh Nguyễn Anh Khoa, Trưởng Dự án Green Bricks, quán quân Hội trại khởi nghiệp VYE 2011, khi khởi nghiệp trong nhóm nhiều người, mỗi người có mục tiêu riêng, rất khó để tạo nên sức mạnh chung. “Điều kiện tiên quyết là phải họp lại để hiểu mục tiêu chung và cùng nhau làm việc”, Khoa chia sẻ.

Ngoài việc thống nhất mục tiêu, sự bình đẳng trong mọi quyết định cũng hết sức quan trọng. Cùng nhau làm chủ nên tất cả phải cùng dung hòa quyền lợi cá nhân, phải thống nhất về mặt chi tiết các chính sách cho doanh nghiệp của mình.

Tất nhiên, đã là mối quan hệ giữa người và người, chuyện tranh luận trong nhóm khởi nghiệp cũng sẽ khó tránh khỏi. “Nguyên tắc chung của nhóm là nếu không thuyết phục được người khác là mình đúng thì phải tự thuyết phục được bản thân là mình sai”, Hải Nhân tư vấn.
 
Theo DNSG
Flag Counter