Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Chàng trai gốc Việt làm giàu nhờ các bản thuyết trình

Kenny Nguyen cùng Murillo lập hẳn công ty chuyên cung cấp các bản thuyết trình, và đạt doanh thu 225.000 USD trong năm thứ hai hoạt động.
Kenny Nguyen và Gus Murillo từng học tại Đại học Louisiana State. Nghe tin có một nhà quản lý cấp cao của một công ty nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ (Fortune 500) đang diễn thuyết tại trường, cả hai chàng trai vội vã đến tham dự. Nhưng thay vì tỏ ra háo hức, họ lại vô cùng thất vọng.

Kenny Nguyen, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập viên của công ty Big Fish Presentations. Ảnh: IdeaMensch
Nguyen nhớ lại: “Đó là 200 trang trình bày chỉ toàn chữ, ông ấy đọc không sót trang nào. Tôi không thể tin rằng chủ tịch một trong những công ty lớn nhất thế giới lại trình bày như thế. Từ câu chuyện này, chúng tôi nghĩ rằng có thể tạo ra những bài thuyết trình còn tốt hơn thế”.
Thế rồi Nguyen và Murillo quyết định thành lập Công ty Big Fish Presentations, trụ sở Baton Rouge, Louisiana vào năm 2011, chuyên cung cấp những bài thuyết trình. Hai chàng trai chủ trương đưa câu chuyện và hình ảnh trực quan trong bài trình bày để tạo cảm hứng và lôi cuốn người xem.
Nguyen và Murillo cho rằng cách này giúp quảng bá sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn, thay thế những trang trình bày chỉ đơn giản là số liệu, chữ số hoặc một vài dấu chấm đầu hàng để làm nổi bật nội dung. Giá cho một gói trình bày dạng cơ bản khoảng 2.500 USD. Bên cạnh việc tạo nội dung hấp dẫn, cả hai nhà sáng lập cũng làm việc với giám đốc điều hành và nhóm bán hàng, tiếp thị để giúp đội ngũ này có thể chuyển tải được thông điệp tốt hơn.
Ban đầu, nhiều công ty tỏ ra nghi ngờ về mô hình hoạt động của Big Fish Presentations, vì công ty này phần lớn thuê sinh viên không có kinh nghiệm. Số khác còn ngần ngại về mức giá các gói sản phẩm. Tuy nhiên, Big Fish nêu rõ quan điểm và đưa ra thông điệp cho khách hàng tiềm năng rằng nếu bài thuyết trình thành công thì đây sẽ là tấm vé để giúp doanh nghiệp giành được hợp đồng lớn, bù đắp lại chi phí dịch vụ của họ.
Từ những ngày đầu khởi nghiệp, Nguyen và Murillo chỉ sử dụng máy tính cá nhân để tạo ra những bài thuyết trình, và khi khách hàng thanh toán tiền, họ mới tiến hành nâng cấp phần mềm. Chẳng bao lâu sau đó, hai chàng trai này có cơ hội xuất hiện trong chương trình Shark Tank của kênh truyền hình ABC. Đây là chương trình được hàng triệu người trên khắp nước Mỹ yêu thích và nhiều doanh nhân cũng như chủ các doanh nghiệp quan tâm.
Murillo chia sẻ: "Lúc đó chúng tôi thật sự cần tiền để trang bị thêm máy móc, chẳng hạn mua một máy ảnh với giá 20.000 USD".
Shark Tank sau đó ngỏ ý đầu tư cho Nguyen và Murillo, nhưng cả hai quyết định có thể tự kinh doanh thành công mà không nhờ vào các nhà đầu tư bên ngoài. Song song đó, họ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới. Với nỗ lực làm việc không ngừng, Big Fish Presentations mở rộng đối tượng gồm doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao và dịch vụ cung cấp thức ăn từ quy mô nhỏ cho đến lớn như Mutual of Omaha và Oracle. Doanh thu công ty tăng từ 58.000 USD vào năm 2011 lên đến 225.000 USD vào năm 2012. Quy mô hoạt động cũng mở rộng hơn, cụ thể, ngoài việc trình làng các bài thuyết trình hấp dẫn, Big Fish còn có đội ngũ 10 thành viên chuyên tư vấn, thiết kế, viết kịch bản và thực hiện sản xuất phim, video.
Murillo, đang theo học ngành khoa học chuyên về sinh học, cũng là sáng lập viên của Big Fish Presentations. Còn Nguyen đã rời trường đại học vào tháng 9 năm ngoái và anh quyết tâm dành tất cả thời gian của mình cho công ty với chức danh giám đốc điều hành. Nguyen cho hay, công ty và đội ngũ của mình cam kết với khách hàng rằng chỉ có công ty Big Fish Presentations chứ không phải một công ty nào khác sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt qua những bài thuyết trình hấp dẫn và hoàn hảo.

Chàng trai gốc Việt Kenny Nguyen năm nay 22 tuổi, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Big Fish Presentations. Kenny Nguyen và đội ngũ của mình làm việc hằng ngày với những khách hàng nằm trong danh sách Fortune 100. 
Kenny Nguyen đã được trao tặng danh hiệu CEO Student Entrepreneur của năm 2012, được tổ chức bởi Collegiate Entrepreneur. Gần đây, Big Fish Presentations có tên trong danh sách 50 công ty hàng đầu thế giới được khởi nghiệp từ sinh viên do Hiệp hội Kairos tổ chức.


Nguồn: VNEXPRESS

Những tướng lĩnh quân đội nổi danh trên thương trường

Hiện tại, Bộ quốc phòng đang quản lý hơn 110 doanh nghiệp. Trong đó có một tập đoàn (Viettel), cùng nhiều tổng công ty lớn đang hoạt động trong các lĩnh vực then chốt và quan trọng của nền kinh tế. Trong số những doanh nhân mặc áo lính đang lãnh đạo doanh nghiệp quân đội lớn, không ít vị đã mang quân hàm cấp cao nhất - Hàm tướng.



Tập đoàn Viettel - Tập đoàn kinh tế duy nhất của Quân đội - là doanh nghiệp Quân đội duy nhất có TGĐ giữ Quân hàm Trung tướng, đó là Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel.

Tại các Tổng công ty Quân đội (tương đương các Quân đoàn/Binh chủng), chức vụ Tổng giám đốc (Tư lệnh) và Bí thư Đảng ủy (Chính ủy), cấp bậc quân hàm cao nhất được trao là Thiếu tướng.
Một số vị trí chủ tịch công ty được các thứ trưởng đảm nhiệm như Thượng tướng Lê Hữu Đức là Chủ tịch Ngân hàng Quân đội hay Đô đốc (Thượng tướng) Nguyễn Văn Hiến hiện giữ chức vụ Chủ tịch Tân Cảng Sài Gòn.
Thượng tướng Lê Hữu Đức - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Chủ tịch MB
Thượng tướng Lê Hữu Đức (58 tuổi) là 1 trong 7 thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Quốc Phòng.
Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng, ông Đức có một thời gian dài làm việc tại Quân chủng phòng không không quân.
Từ tháng 4/2011, ông Đức được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội (MB). Nhiều thành viên HĐQT khác của MB cũng là những tướng lĩnh lãnh đạo các doanh nghiệp quân đội.
Dưới sự lãnh đạo của ông Đức, MB hiện đã vươn lên thành một trong những ngân hàng có tổng tài sản và lợi nhuận lớn nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần.
Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc (Tư lệnh) - Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel

Viettel được thành lập từ năm 1989, lúc ban đầu chỉ là một doanh nghiệp nhỏ thuộc Bộ Quốc Phòng.
Dưới sự lãnh đạo của ông Hoàng Anh Xuân, Viettel hiện là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước.
Ông Xuân được cho là con người có tư tưởng cứng rắn điều hành Viettel với "bàn tay thép", "cố hữu với cái nhìn lừ lừ và thường xồn xồn những khó khăn" (theo Xuân Ba - Báo Tiền Phong).
Ông Xuân (62 tuổi) hiện là Tổng giám đốc duy nhất của một doanh nghiệp quân đội mang quân hàm Trung tướng, thụ phong năm 2011.
Ông tốt nghiệp Kỹ sư Thiết kế chế tạo máy vô tuyến điện - Đại học Bách khoa Ôđecxa - Nga và Cử nhân Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc (Phó tư lệnh) Viettel

Một vị tướng nữa của Viettel không thể không nhắc đến là Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, người nổi tiếng với những dự định táo bạo, đang đảm đương vị trí Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn. Ông Hùng được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2012.
Tốt nghiệp Thạc sĩ điện tử Viễn Thông, Quản trị Kinh doanh, ông Hùng có nhiều năm kinh nghiệm công tác, quản lý trong lĩnh vực Điện tử Viễn Thông. Trong công tác đối ngoại, ông Hùng thường được mọi người nhắc đến là vị phó tư lệnh hoạt ngôn và "sắc sảo" của Tập đoàn Viettel.
Ông Hùng (năm nay 51 tuổi) cùng ông Hoàng Anh Xuân đại diện vốn của Viettel tham gia vào Ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp khác như Công ty tài chính Vinaconex-Viettel, Ngân hàng Quân đội, Viettel Global, Tổng Công ty Vinaconex...
Thiếu tướng Dương Văn Tính - Chính uỷ kiêm Phó TGĐ Viettel

Trái ngược với "cái nhìn lừ lừ" của Tư lệnh Hoàng Anh Xuân, Thiếu tướng Dương Văn Tính - Chính ủy của Tập đoàn Viettel lại mang lại ấn tượng ở "nụ cười cởi mở".
Người ta nói ông là người tạo ra chất kết dính nội bộ, kiểu nói khác đi của hạt nhân đoàn kết. (Theo Xuân Ba - Báo Tiền Phong)
Ông Tính được thụ phong Thiếu tướng năm 2008.
Về quan điểm kinh doanh, ông Tính cũng thể hiện chiến lược kinh doanh mềm mỏng: "Tôi đã từng là người lính tham gia trên chiến trường và ở đó “địch” và “ta” được phân biệt rất rõ ràng. Nhưng trên thương trường thì chỉ có khái niệm đối thủ và đối tác".
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

Chuẩn Đô đốc (Thiếu tướng) Nguyễn Đăng Nghiêm tốt nghiệp Cử nhân kinh tế vận tải biển và đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP).
Ông Nghiêm hiện tham gia vào ban lãnh đạo nhiều công ty thành viên của SNP đồng thời là thành viên HĐQT Ngân hàng Quân đội.
SNP hiện là nhà khai thác cảng lớn nhất Việt Nam với với 85% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, gần 50% thị phần cả nước.
Doanh thu năm 2012 của SNP đạt 6.400 tỷ đồng.
Thiếu tướng Đào Văn Tân - Chính ủy kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12)

Thiếu tướng Đào Văn Tân từng chiến đấu ở nước bạn Lào, vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam, Tây Nguyên.
Hòa bình lập lại, ông nhận công tác ở khắp trong Nam ngoài Bắc, từng làm Thư ký Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong 4 năm (2002-2006) trước khi về làm lãnh đạo ở Binh đoàn 12.
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) tiền thân là Đoàn 559, chuyên về hoạt động xây dựng hạ tầng.
Ông Tân được thụ phong Thiếu tướng năm 2010.
Thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Tổng giám đốc (Tư lệnh) kiêm Phó Chính ủy - Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18)

Thiếu tướng Hà Tiến Dũng từng tốt nghiệp trường Sỹ quan Không quân lái máy bay, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Gagarin (Liên Xô cũ).
Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) là doanh nghiệp hàng không chuyên về bay dịch vụ trực thăng với đội ngũ phi công trên 120 người và đội máy bay 25 chiếc.
VNH cung cấp các dịch vụ bay thăm dò và khai thác dầu khí, bay phục vụ chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), bay du lịch, cấp cứu y tế…
Ngoài chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, ông còn là Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội và Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc MB (MBLand).
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển - Tổng giám đốc (Tư lệnh) Tổng Công ty Đông Bắc

Ông Phạm Ngọc Tuyển được phong hàm thiếu tướng năm 2010.
Tổng Công ty Đông Bắc (NECO) là một doanh nghiệp khai thác than lớn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, đặt trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh.
Đội ngũ nhân viên của NECO lên đến hơn 12.000 người với doanh thu năm 2012 đạt trên 9.800 tỷ đồng.
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng và Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ - Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15)

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ (trái) và Đặng Anh Dũng
Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15) được thành lập từ năm 1985, hiện trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp trên khu vực Tây Nguyên.
Hoạt động chính của Tổng Công ty 15 là trồng và khai thác cao su, cà phê...
Năm 2011, doanh thu của tổng công ty đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.100 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng.
Cả 2 lãnh đạo cao nhất của Tổng Công ty 15 đều mang hàm Thiếu tướng.
Chính ủy Nguyễn Duy Ngọ được thụ phong năm 2008 còn Tổng giám đốc (tư lệnh) Đặng Anh Dũng được thụ phong năm 2012.
Thiếu tướng Lê Đức Thọ và Võ Quyết Chiến - Binh đoàn 16 (công ty TNHH MTV 16)

Binh đoàn 16 được thành lập ngày 8/12/1998, Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 20 xã thuộc 9 huyện thị của 3 tỉnh là Bình Phước, Đak Nông và Đak Lak.
Đến năm 2012, Binh đoàn 16 đã quản lý 39.000 ha đất lâm nghiệp, trồng 11.300 cây cao su, điều, cà phê… Khoanh nuôi, bảo vệ 10.500 ha rừng.
Chính ủy của Binh đoàn 16 là Thiếu Tướng Võ Quyết Chiến (bên phải) còn Giám đốc (Tư lệnh) là Thiếu tướng Lê Đức Thọ (bên trái). Năm thụ phong lần lượt là 2011 và 2012.

KỲ ANH/TRÍ THỨC TRẺ
Flag Counter