Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Dựng cơ nghiệp từ... gà đẻ trứng, thu bạc tỷ mỗi năm

Từ tay trắng, giờ đây vợ chồng ông Nguyễn Quý Thảo (khu 3, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ nuôi gà đẻ trứng.

 



Sinh 5 đứa con, vợ chồng chủ yếu kiếm sống từ mấy đám ruộng, nên gia cảnh đã qua nhiều năm tháng nghèo khó. Năm 1997, tích góp được ít tiền, vay mượn thêm bà con họ hàng, vợ chồng ông mua 100 con gà giống về nuôi. Nhờ chăm lo chu đáo, gà đẻ trứng nhiều, vợ chồng ông bắt đầu có lãi. Thấy được hiệu quả, ông đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi. Từ 100 con, rồi 200, 500, 1.000 con... thu nhập của vợ chồng ông theo đó cũng tăng lên. Các khoản nợ được ông thanh toán hết.
Năm 2008, được cho thuê 2,7ha đất tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân để làm trang trại. Năm 2009, tôi đầu tư gần 3,5 tỷ đồng làm trang trại khép kín trên diện tích 5.000m2. Ông vay thêm ngân hàng để đầu làm 5 nhà nuôi gà, mua máy xay xát, con giống, đào ao thả cá... Hiện, trang trại của ông thường xuyên có 15.000 gà đẻ trứng.

Ông còn nuôi gối đầu 5.000 gà con giống và đào ao thả cá trê lai, trồng cây ăn quả, thả vịt… Theo ông Thảo, với giá trứng hiện nay, mỗi tháng doanh thu của ông trên 650 triệu đồng, mỗi năm gần 8 tỷ đồng.

Không có gì là không thể...



Bị liệt hai chân nhưng anh là người mạnh mẽ, dám làm dám chịu, từng vượt qua không ít những xót xa, tủi hổ của cuộc đời.


Anh Minh tại bàn làm việc ở công ty

Đó là anh Phạm Văn Minh (28 tuổi), ở An Mỹ, Tuy An, Phú Yên. Anh đã vượt qua mọi mặc cảm số phận để thay đổi cuộc đời mình. Hiện anh là giám đốc một công ty chuyên về công nghệ thông tin.

Tật nguyền thì đã sao ?

Ngay từ lúc là học sinh, cứ mỗi dịp hè, anh Minh vẫn đều đặn vào Sài Gòn bán vé số để kiếm tiền trang trải chuyện học hành.

Ban ngày lê lết dưới đường vì “thấy tội nghiệp người ta mới mua”, đêm về chen chúc trong căn phòng nhỏ hẹp để tìm cho mình giấc ngủ bình yên. Anh Minh nhớ lại: “Mười mấy người tàn tật như mình nằm trong phòng trọ nhỏ xíu. Lúc ấy thấy buồn tủi cho số phận của mình. Không lẽ cứ suốt ngày lê lết bán vé số? Không lẽ tật nguyền thì không thể làm ông này bà nọ như người bình thường?”.

Không cam chịu, lùi bước trước khó khăn, anh Minh biến những trăn trở, băn khoăn thành động lực để phấn đấu. Cuộc sống bươn chải, bon chen nơi phố thị trui rèn thêm ý chí và bản lĩnh trong anh. Suốt những năm học THPT anh luôn đạt thành tích khá giỏi. Và tấm giấy báo trúng tuyển ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là thành quả xứng đáng cho những tháng ngày vật lộn mưu sinh.

Đừng đổ lỗi cho số phận

Với anh Minh, thành công không ngẫu nhiên tự tìm đến mỗi người mà đó là cả một chặng đường dài trải qua không ít khó khăn và thất bại. Quan trọng nhất là ý chí và khát khao thay đổi cuộc đời mình. Anh Minh tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của mình khi vào đại học là phải đối mặt với các bậc thang ở trường. Để có thể vào lớp học mình phải ngồi chờ người quen cõng lên tận lầu 4”.

Tưởng như những khó khăn rồi sẽ qua đi, nhưng sự nghiệt ngã của số phận một lần nữa đổ ập lên thân hình nhỏ bé của anh. “Mới vào học năm thứ nhất đại học thì ba mình đột ngột qua đời. Lúc ấy mình dường như suy sụp vì ông là trụ cột, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Mặc khác, mình lại nghĩ về tương lai, về nỗi khổ của mẹ và các em nên mình tiếp tục cố gắng để vượt qua tất cả”, anh Minh ngậm ngùi.

Học ngành công nghệ thông tin và sẵn mê kinh doanh nên đến năm thứ 3 đại học, anh Minh cùng một vài người bạn hùn hạp mở tiệm internet ở Q.Tân Phú, TP.HCM nhưng nhanh chóng thất bại vì thiếu kinh nghiệm quản lý. Thất bại đó không làm anh nhụt chí mà càng quyết tâm hơn trên con đường thực hiện ước mơ của mình.

Ra trường, anh Minh được nhận vào làm việc đúng chuyên ngành ở một công ty của Pháp. Nhưng đến đầu năm 2011, anh quyết định tự thành lập công ty riêng do chính mình làm giám đốc. Bởi theo anh, dù sao đi nữa thì làm việc cho chính mình vẫn tốt hơn.

Công ty TNHH giải pháp tin học NON Việt Nam ra đời từ suy nghĩ ấy. Anh Minh chia sẻ: “Mỗi lần đi gặp khách hàng đều có một người đi theo giúp mình vượt qua các bậc thang. Những khách hàng lần đầu tiên gặp mình đều bất ngờ và có vẻ ái ngại khi thấy mình ngồi xe lăn. Nhưng sau đó họ dần thông cảm và giới thiệu mình nhiều mối làm ăn hơn. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng công việc”.

Nhìn nhận về sự thay đổi của giới trẻ ngày nay, anh Minh nói: “Giới trẻ ngày nay có điều kiện nhiều hơn trước nhưng thiếu va chạm cuộc sống nên rất “dễ vỡ”. Họ thường hay trách tại sao không như thế này, như thế kia, không sinh ra trong gia đình giàu có này nọ. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, đừng bao giờ đổ lỗi cho số phận. Hãy tìm cho mình một “điểm sáng” trong cuộc sống để luôn luôn nỗ lực, phấn đấu”.

Anh Minh chia sẻ: “Đi nhiều nơi mới biết mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Nhiều người biết mình bệnh nhưng không đi khám vì sợ tốn tiền. Trước đây mình cũng khó khăn như họ, giờ mình làm việc này chỉ mong muốn góp một phần nào đó giúp người ta”.



Flag Counter