Nhưng dường như, ở một thời điểm nào đó, người ta phải biết chấp nhận và biết đi chậm lại. Và đó là lúc đòi hỏi lòng kiên nhẫn.
Đầu tư về hạ tầng là một trong những ưu tiên để phát triển kinh tế năm 2013 và những năm tới |
Sức mạnh
Rất tình cờ, một ngày cuối năm 2012, khi
“lang thang” trên mạng, nhìn thấy bài giới thiệu cuốn sách “Sức mạnh của
lòng kiên nhẫn” của M.J.Ryan. Và có một câu nói trong cuốn sách khiến
tôi cực kỳ ấn tượng: “Chìa khoá cho mọi vấn đề là lòng kiên nhẫn. Đĩa
thịt gà thơm ngon ta có được là kết quả của cả một quá trình bắt đầu từ
khi ấp trứng, chứ không đơn thuần từ hành động đập vỏ mà ra” (Arnold H.
Glasgow).
À, tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập
khiễng. Nhưng tự dưng, đọc câu ấy, lại nhớ đến ông Lê Xuân Bá, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Vị chuyên gia này,
khi nói chuyện tái cơ cấu nền kinh tế luôn bảo rằng, lý do mà tiến trình
này vẫn chậm là vì chúng ta chưa biết cách chấp nhận hy sinh trong ngắn
hạn. “Muốn tái cơ cấu, phải chấp nhận trả giá, phải có một bộ phận DN
đóng cửa, phá sản, một lượng lao động mất việc làm, một số ngành bị thu
hẹp. Nếu không, không thể tái cơ cấu”, ông Bá nói.
Ngẫm lại, những điều ông Bá nói không
phải không có lý. Nó cũng giống như câu chuyện năm qua, có tới 51.800 DN
gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động. Nhìn con số này, người bi
quan lo sợ, hốt hoảng. Người lạc quan và hiểu chuyện thì nói, cuộc sàng
lọc tất yếu mà thôi.
Chẳng phải, rất nhiều đại gia đã lao đao
trong năm qua hay sao? Một Diệu Hiền của Bianfisco, một thời lừng lẫy
trong giới kinh doanh thủy sản. Một Đặng Thành Tâm, từng giàu nhất sàn
chứng khoán, nay cũng nợ nần không ít. Một Tập đoàn Thái Hòa, từng đứng
đầu Bảng xếp hạng Tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2011, một thương
hiệu lớn trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê, vậy mà giờ nợ tới hơn 1.200 tỷ
đồng. Và mới đây, một Mai Linh, tưởng “vững như bàn thạch” trong giới
kinh doanh taxi, phải bán nhà, bán xe để trả nợ…
Mỗi người mỗi cảnh. Nhưng người ta nói
nhiều nhất là bởi, các đại gia ấy đã tăng trưởng quá nhanh, quá nóng dựa
trên nguồn lực có hạn. Lại chẳng thuộc lời dạy của người xưa “nhất nghệ
tinh, nhất thân vinh”, vừa thành công đã vội đổ vốn đi đầu tư hết chỗ
này, nơi khác.
DN lớn còn thế, huống hồ DN nhỏ. Tất
nhiên, nguyên nhân đầu tiên là vì kinh tế mấy năm rồi khó khăn quá.
Nhưng cũng chẳng phải không có lỗi từ DN. Bởi rõ ràng nhất, vẫn có những
DN vượt giông bão, ăn nên làm ra. Viettel là ví dụ điển hình. Tài là ở
người chèo chống. Biết trong nguy có cơ, để tái cơ cấu, lành mạnh hóa
hoạt động của DN, để chuẩn bị cho cuộc đua dài hơi hơn.
Nói vậy để thấy rằng, ông Bá có lý lắm
chứ. Cuộc chơi nào cũng cần có sự sòng phẳng, có người thắng, kẻ thua.
Kẻ vững tay chèo sẽ thắng, để từ đó, hệ thống DN Việt Nam khỏe mạnh hơn,
vững vàng hơn. Đó là một sự trả giá khôn ngoan.
Cũng giống như câu chuyện năm vừa rồi,
tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức 5,03%. Bảo thấp, thì đúng thật rằng
thấp. Hỏi đánh đổi hay không, thì thật khó trả lời, nhưng có một cái
được rất rõ ràng, là kinh tế Việt Nam năm 2012 ổn định hơn trước rất
nhiều. Và muốn ổn định, phải chấp nhận hy sinh trong ngắn hạn, chấp nhận
tăng trưởng thấp hơn. Có sự ổn định, mới có thể có điều kiện để tăng
tốc trong tương lai.
Đã có một thời, kinh tế tăng trưởng quá
nóng. Lại chỉ tăng trưởng theo chiều rộng, tức là dựa vào vốn và đầu tư
là chủ yếu. Nay muốn tái cơ cấu nền kinh tế, muốn tăng trưởng có chất
lượng, dựa vào chiều sâu, vào năng suất, chất lượng và hiệu quả, thì
phải biết chấp nhận trong một giai đoạn nhất định, nền kinh tế sẽ đi
chậm lại. Thậm chí, chấp nhận hy sinh và trả giá. Biết kiên nhẫn để từng
bước vượt qua khó khăn, thách thức.
Hình như, các nhà tài trợ cũng đã hơn một
lần khuyến nghị rằng, Việt Nam phải thật sự kiên nhẫn. Đừng vội nới
lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa, vì rủi ro còn lớn. Đừng buông lơi quá
trình tái cơ cấu, bởi bẫy thu nhập trung bình đang rình rập trước mắt.
Nhưng người Việt Nam đã thực sự kiên nhẫn?
Có một chuyện bao năm nay vẫn khiến các
nhà hoạch định chính sách đau đầu. Ấy là cứ mỗi đầu năm hay cuối năm,
khi xây dựng kế hoạch năm tới, hay tổng kết năm cũ, các địa phương luôn
rất tự hào, tăng trưởng GDP của tỉnh mình tăng gấp mấy lần so với cả
nước. Lạ thế, trong khi GDP cả nước chỉ tăng trưởng 5,03%, thì khắp nơi,
tỉnh này báo cáo GDP “nhà mình” tăng trưởng mười mấy phần trăm, địa
phương kia thì bảo, chí ít cũng 9 - 10%, chứ chẳng kém. Đến TP.HCM cũng
tự hào, tốc độ tăng GDP năm nay gấp 1,77 lần của cả nước. Muốn con số
cả nước và địa phương khớp nhau, hoặc chí ít khoảng cách không quá xa,
mà sao khó thế.
Dĩ nhiên, vấn đề còn nằm cách tính toán
số liệu thống kê, nhưng dẫn thực tế này để thấy rằng, tư duy thành tích
của cán bộ nhà ta còn lớn lắm. Và cái tư duy nhiệm kỳ ấy, rất có thể, sẽ
kéo công cuộc cải cách đi chậm lại. Đang tăng trưởng 10 - 12%, liệu có
“ông” nào chỉ chấp nhận 5 - 6%?
Vì thế, câu chuyện quan trọng nhất là nằm
ở tư duy người lãnh đạo. Có sẵn sàng hy sinh trong ngắn hạn để nhìn về
tương lai dài hơi hơn? Có thực sự kiên nhẫn chờ gà mẹ đẻ trứng, ấp, nở
thành con, rồi nuôi lớn, hay chỉ thích ăn đong, chỉ nhìn vào cái lợi
trước mắt? Tái cơ cấu là một quá trình, dài lâu và không ngưng nghỉ,
giống y như vậy. Ngẫm nghĩ, rồi mượn chữ của cuốn sách nói trên để mạn
đàm rằng, giờ là lúc cần có sức mạnh của lòng kiên nhẫn.
Sự giới hạn
Lòng kiên nhẫn có sức mạnh vô cùng lớn
lao. Nhưng cũng lại có những giới hạn của nó. Bởi thế, từ năm 2008, khi
kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn
cầu, cộng đồng DN, người dân đã chung tay với Chính phủ, chia sẻ và đồng
hành với những khó khăn chung, cùng nỗ lực thực hiện bao biện pháp nhằm
kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Những kết quả đạt được chẳng phải ít.
Nhưng 5 năm qua, để nhìn lại, thì dù kiên nhẫn đến mấy, vẫn có người đặt
câu hỏi rằng, hình như Việt Nam đang đi chậm lại rất nhiều. Sốt ruột
cũng phải, khi kinh tế năm rồi chỉ có thể tăng trưởng 5,03%. Nợ xấu,
hàng tồn kho và “băng” bất động sản, chứng khoán chưa gỡ được bao nhiêu.
Tái cơ cấu kinh tế, vẫn những bước đi e dè và chậm chạp.
Đúng là, Việt Nam đã vượt qua được rất
nhiều khó khăn, thách thức để từ một nước nông nghiệp lạc hậu, với thu
nhập bình quân đầu người chỉ 140 USD/năm (năm 1992) lên 1.540 USD/năm
vào năm 2012, song nếu thẳng thắn nhìn nhận, thì tiến trình cải cách của
Việt Nam đang chậm dần. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thậm chí
đang giảm dần.
Việt Nam cũng đã xác định trong Chiến
lược 10 năm 2011 - 2020, sẽ thực hiện 3 đột phá chiến lược (gồm thể chế,
hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực), nhưng để nói rằng, đã thực sự có
những hành động mang tính đột phá để “3 mũi giáp công” này trở thành đột
phá chiến lược hay chưa, thì là chưa.
Trò chuyện với tôi, nhiều vị chuyên gia
tỏ ý sốt ruột. Thể chế, hạ tầng thì đã đành, đột phá không phải là đơn
giản. Nguồn lực để thực hiện cũng đang ngày một thu hẹp dần. Còn chất
lượng nguồn nhân lực, chỉ nói một chuyện cải cách giáo dục mà bao lâu
nay, vẫn chẳng đến đầu, đến đũa. Đến nỗi, bây giờ, chẳng phải chỉ có
bong bóng bất động sản, chứng khoán, mà còn có cả “bong bóng” đại học -
một thuật ngữ không mấy ai hiểu nổi.
Thận trọng là cần thiết. Lộ trình là quan
trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa không cần những hành động cụ thể và
quyết liệt. Tất cả mọi thứ dường như đang thử thách lòng kiên nhẫn của
mọi người, bởi thời gian đang cạn dần, nguyên nhân ngày càng sâu xa hơn
và rủi ro, thì càng lớn hơn. Nếu không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam
cũng có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình, với năng lực cạnh
tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm
nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội.
Hỏi những người dân thường, họ sẽ chẳng
thể trả lời được thế nào là bẫy thu nhập trung bình. Với họ, nỗi lo chỉ
là túi tiền đang ngày càng cạn dần. Là cơm áo gạo tiền, là sinh kế hàng
ngày. Nếu nền kinh tế không nhanh quay về thế ổn định, rồi từng bước
tăng tốc trong tương lai, thì làm sao dân Việt có đời sống ấm no hơn,
hạnh phúc hơn?
Chợt nhớ mới đây thôi, ICAEW, một thành
viên sáng lập của Liên minh Kế toán toàn cầu, công bố rằng, chất lượng
sống tại Việt Nam đang tăng lên. Cũng mừng vì thông tin ấy, có điều, nó
lại có được là nhờ gia tăng dân số của Việt Nam đã chậm lại.
Nâng cao chất lượng sống một cách thực
chất và bền vững phải là năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế
tăng lên. Là thu nhập người dân từng bước được cải thiện. Là không phải
chỉ là lo tiền chợ mỗi ngày…
Và thời điểm hành động
Việt Nam đã xây dựng Chiến lược 10 năm
với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Thông điệp
cải cách cũng đã liên tục được Chính phủ khẳng định nhất quán. Nhưng bấy
nhiêu thôi, thì dường như vẫn chưa đủ. Và hình như, cũng đã rất nhiều
người nói rằng: bây giờ, chính là thời điểm để hành động.