Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Hốt bạc nhờ cho thuê đồ chơi trẻ em

Tận dụng đồ chơi của các bé yêu để cho thuê đang là một dịch vụ khá béo bở, thu hút nhiều người tham gia kinh doanh.


Một mẫu ghế nôi rung được chị Thu Thủy (Chùa Bộc) cho thuê. Một mẫu ghế nôi rung được chị Thu Thủy (Chùa Bộc) cho thuê.
Dịch vụ này hình thành dựa trên tâm lý cả thèm, chóng chán của trẻ và giải pháp thuê đồ chơi về cho con vừa đáp ứng được nhu cầu của trẻ lại vừa tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho phụ huynh. Các cửa hàng kinh doanh đồ chơi đã nhanh nhạy kiêm thêm dịch vụ này.

Sinh lời từ đồ thanh lý

Theo chị Thu Vân (ngõ 95, An Dương, Tây Hồ, Hà Nội), người mở dịch vụ này được hơn 2 tháng, trên mạng nhiều phụ huynh tham gia mua đi bán lại đồ chơi cũ của con. Từ đây, chị Vân nảy ra sáng kiến mua lại đồ thanh lý rồi cho thuê. Chị Vân cho biết: "Ông xã nhà mình chiều con, mua nhiều đồ chơi, bày chật cả nhà nên mình muốn cho thuê để rộng chỗ. Muốn đồ cho thuê phong phú thì phải mua đồ chơi thanh lý của các phụ huynh khác nữa. Ngoài ra, tôi muốn  tập cho con cách quản lí tài chính thông qua việc cho thuê đồ chơi của chính các bé".

Các bậc phụ huynh thời hiện đại, phần lớn nhà nào cũng ít con, "nâng như nâng trứng" và mua về cho con những thứ đồ chơi đắt tiền. Trẻ con thường nhanh chán, có những món đồ mua về chơi đúng 1 tuần là đã xếp xó mà mua đồ mới hoài thì tiếc tiền. Nhiều người mẹ đã đi thuê đồ chơi cho con chơi chán trong một thời gian dài mà giá vẫn rẻ hơn mua đồ mới nhiều, lại không phải bảo quản. Từ việc nắm bắt nhu cầu này, chị Vân đã mở dịch vụ cho thuê đồ chơi và quảng bá trên mạng.

Chị Vân cho biết: "Số tiền đặt cọc và giá thuê cụ thể  phụ thuộc vào từng món đồ chơi. Đồ chơi "khủng" thì giá thuê cũng cao hơn đồ chơi bình thường. Là người từng có con nhỏ nên tôi nắm rất rõ tâm lý của các bé. Trước khi đồng ý ký hợp đồng thuê, tôi luôn khuyến khích các mẹ đưa bé đến tận nơi xem và chọn đồ. Bé sẽ được chơi thoải mái tại nhà tôi, khi tỏ rõ thích món đồ chơi nào mới được mẹ thuê mang về nhà chơi tiếp và chỉ tính tiền món đồ thuê mang về nhà đó".

Khác với chị Vân, chị Thu Thủy (ngõ 164, Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) lại tận dụng cơ hội này từ chính nguồn hàng sẵn có của gia đình mình. Chẳng là chị Thủy có một cửa hàng đồ chơi nên chị tận dụng giới thiệu dịch vụ này đến khách hàng luôn.

Chị Thủy cho biết: "Với thời đại bão giá như hiện nay thì việc bỏ ra một số tiền, từ vài trăm nghìn thậm chí lên tới cả tiền triệu đồng mua đồ chơi cho con, không phải ai cũng làm được, dù rất muốn. Tôi từng chứng kiến nhiều ông bố, bà mẹ dắt con đến cửa hàng hỏi mua đồ nhưng khi chủ cửa hàng báo giá thì lại tần ngần dắt con quay đi vì khả năng tài chính có hạn. Trẻ con không được bố mẹ đáp ứng nên khóc, nhìn rất thương. Kể từ khi kiêm thêm dịch vụ này, tôi thấy vẹn cả đôi đường. Khách đến không đủ tiền mua thì thuê, chẳng ai phải ra về tay không, chẳng thấy đứa trẻ nào khóc nữa".

Theo chị Thủy thì hiện nay, khách đến thuê đồ chơi nhiều hơn là mua. Khi đồ cho thuê đã trở nên cũ, chị có thể bán rẻ để gỡ thêm chút vốn. Thế mới biết, người tiêu dùng đã thức thời nhưng người kinh doanh còn thức thời hơn rất nhiều.

Cho thuê cũng lắm công phu

Theo kinh nghiệm của chị Thủy thì các loại đồ chơi phổ biến dành cho bé dưới 2 tuổi như: "Ghế nôi rung, giường cũi...". Đây là những mặt hàng nhiều người thuê vì thời kỳ bé phù hợp với những thứ đồ này qua rất nhanh. Hay như đồ chơi "khủng" như xe đẩy, xe tập đi (ô tô chạy bằng điện), các kiểu dáng phong phú cũng khá hút khách. Tuy nhiên, khi bé cứng cáp chuyển từ giai đoạn nằm sang ngồi hay từ bám vịn chuyển sang đi thoăn thoắt rất nhanh, có khi chỉ  trong vòng 1 tháng thì lúc ấy những món đồ chơi kiểu này coi như vứt xó. Đồng ý kiến với chị Thủy, chị Vân cho biết, những đồ chơi chỉ dùng cho bé trong thời gian từ 1 - 2 tháng luôn ở trong tình trạng "cháy hàng".

Hiện nay, mức giá thuê phổ biến áp dụng cho các loại đồ chơi này từ 40.000 - 50.000/tuần. Nếu khách thuê cả tháng thì mức giá có thể giảm đi chút ít, khoảng 150.000 - 160.000/tháng. Tùy theo giá trị từng món đồ mà khách có nhu cầu thuê phải đặt cọc nhiều hay ít tiền. Số tiền đặt cọc này thường dao động từ 1 triệu đồng - 3 triệu đồng. Ngoài các đồ chơi cao cấp của Nhật Bản, Mỹ, Hàn, Ý, Đức, Nga... thì khá nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Giá cả những loại hàng Trung Quốc lúc nhập vào bình dân nên kéo theo đó là chất lượng cũng thuộc dạng "chả biết đường nào mà lần", giá thuê cũng vừa phải nhất.

Chị Thủy cho biết thêm, đã quy định rõ trong hợp đồng: Đồ chơi bị hỏng 1 chức năng hoặc toàn bộ các chức năng do bất kỳ nguyên nhân gì trong thời gian thuê, chị sẽ hoàn trả 100% tiền đặt cọc với điều kiện đồ chơi phải nguyên vẹn về hình dạng, không bị vỡ. Trường hợp vỡ tan nát rồi thì đây là điều mà mình và các mẹ đều không mong muốn, trên tinh thần thiện chí cùng chia sẻ rủi ro mình vẫn hoàn lại 50% tiền cọc cho các mẹ.

Chị Vân bật mí: "Thường những loại đồ chơi dành cho lứa tuổi từ 2,5 - 4 tuổi bao giờ giá thuê cũng cao hơn bởi tầm tuổi này các bé rất hiếu động nên khả năng hỏng đồ, vỡ đồ là khá cao. Khi đồ bị hỏng, tôi thường chia sẻ rủi ro với các phụ huynh bằng cách hạ thấp giá thuê một chút, đề phòng lúc họ phải đền thì cũng không cảm thấy xót xa. Đồ chơi nhà tôi đa phần là hàng hiệu nên rất bền, trường hợp vỡ tan nát khó xảy ra. Đồ chơi dành cho lứa tuổi lớn từ 8 tuổi trở lên thì độ bền của đồ chơi kém hơn vì trẻ đã có ý thức rồi. Phần lớn, những món đồ cho lứa tuổi này đều gắn liền với việc học tập và kích thích tư duy của bé phát triển".

Đồ chơi của trẻ nhỏ đa phần chạy pin nên các phụ huynh khi cho con chơi, tránh đổ nước, sữa vào. Nếu chẳng may bị ướt thì tháo pin và dùng máy sấy khô ngay, hy vọng sẽ khôi phục được. Nhiều phụ huynh thấy nước đổ vào, tưởng là hỏng nên đã không thực hiện các biện pháp "cứu chữa" nên tốn kém một cách không cần thiết.    
  
Theo Linh Nhi
Người đưa tin

Nhiếp ảnh gia trẻ chạy sô kiếm 20 triệu đồng/tháng

Có những người một tháng kiếm được 20 triệu đồng nhưng cũng có người chỉ 3-4 triệu.

Với sự bùng nổ về internet, trào lưu chụp ảnh, ảnh cưới... giới trẻ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn với nghề nhiếp ảnh. Với sự bùng nổ về internet, trào lưu chụp ảnh, ảnh cưới... giới trẻ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn với nghề nhiếp ảnh.

Thu nhập linh động

Bùi Đức Anh (SE) - một nhiếp ảnh trẻ ở Hà Nội chia sẻ: “Theo mình thấy, dân chụp ảnh chuyên nghiệp có thể làm được mọi yêu cầu của khách hàng. Lúc thì mình đi chụp thời trang hoặc studio, có lúc thì khách tự đến với mình. Đối với nhiếp ảnh thì việc thu nhập có cao hay không phụ thuộc vào số lượng sản phẩm mình chụp và khả năng của mỗi người. Chụp cho các cửa hàng chỉ là phụ, còn chủ yếu là chụp ảnh cưới cho các studio.

Giá trung bình cho mỗi lần chụp là từ 700.000 - 1 triệu đồng/album đám cưới. Vào những tháng như hiện tại thì một tháng chụp được khoảng 10 album nên thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cho đến nay mình vẫn chưa làm cố định ở bất kỳ đâu vì trong thời gian sắp tới mình sẽ mở một studio”.

Để đến được với nghề này, có người thì học tại khoa nhiếp ảnh của trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, nhưng cũng có bạn thì đi lên từ đam mê, rồi tự tìm tòi học hỏi và vào nghề.

Hơn nữa, với nghề này đôi khi bạn sẽ được kết hợp đi du lịch lẫn làm việc. Do muốn có một bộ album cưới phải đẹp và đặc sắc nên nhiều khách hàng có nhu cầu đi chụp ảnh ở các tỉnh xa. Vậy là khách hàng sẽ phải bao hết chi phí đi lại, ăn ngủ nghỉ của nhiếp ảnh gia. Nếu gặp phải khách hàng “chịu chơi” thì bạn còn được vào những địa danh nổi tiếng như bãi biển Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng…..

Lê Anh Quân (Quân Moon ) - đang làm nhiếp ảnh cho Moza Wedding Studio chia sẻ: “Mùa cưới năm ngoái, mình và ekip đã làm một album cưới rất đẹp. Do yêu cầu của khách hàng là phải làm thật tốt album, cảnh phải đẹp, lãng mạn nên mình đã đề xuất ý kiến là chụp tại Flamingo Đại Lải Sau khi mất một ngày chụp ở đó thì khách hàng quyết định sẽ vào Nha Trang chụp ảnh cho “chất”. Vừa là đưa cả gia đình đi chơi, vừa là để thực hiện thật tốt album. Đương nhiên, số tiền mà anh em nhận được sau mỗi chuyến đi như vậy sẽ cao hơn so với chụp các album ở nhà.

Về thu nhập, Quân cho biết: "Mức thu nhập của hầu hết các nhiếp ảnh hiện nay là khoảng 20 triệu đồng, đối với những ai đã có chút tên tuổi. Còn những người mở studio đã quá nổi tiếng, cộng với tay nghề tốt, quá chuyên nghiệp thì mức thu nhập của họ chắc chắn cao hơn rất nhiều. Những người như vậy đa số đều được người nước ngoài thuê rồi đi sang nước ngoài chụp. Với tay nghề như vậy thì mức thu nhập có thể lên tới 100 triệu đồng/tháng, thậm chí là hơn nữa”.

Là một nhiếp ảnh gia có trong nghề, Nguyễn Thành Sơn (biệt danh Sơn Lùn) chia sẻ về công việc của mình: “Mình có mở một studio riêng do mấy anh em cùng nhau chung vốn. Thời gian đầu, do mới đi vào hoạt động nên vắng khách, các em mẫu có gọi thì mình đi thôi. Nếu chụp cho các em ý thì trung bình mỗi tháng cũng được tầm 3-4 triệu đồng.

Được một thời gian thì bên mình đi sâu vào chụp album cưới, với mỗi album như vậy thì mình được 1-2 triệu đồng. Vào tháng cao điểm, có ngày mấy anh em phải chạy 3-4 show/ngày, tính ra tháng đấy mỗi người phải kiếm được trên 20 triệu đồng.

Điều này cũng tùy vào khả năng của mỗi người. Càng các studio có tiếng thì thu nhập sẽ tương xứng. Tuy nhiên, các tay máy cũng phải đầu tư cho máy móc, ống kính với chi phí khá cao”.

Kiếm nhiều, đầu tư càng nhiều

Nghề nhiếp ảnh có lẽ ít dành cho những ai không có điều kiện về kinh tế. Bởi chi phí đầu tư đối với một người mới vào nghề là khá lớn, từ 30-40 triệu đồng nếu muốn chụp dịch vụ. Đầu tiên, phải đầu tư mua cái máy ảnh tầm 20tr trở lên, sau đó là mua thêm các phụ kiện khác như ống kính, đèn flash….. Hoặc đối với những ai không đủ tiền thì có thể mua thân máy trước rồi đi thuê lens tại các cửa hàng. Giá cả cho mỗi lần thuê như vậy cũng dao động ở mức 150.000- 400.000 đồng/ngày tùy vào loại ống mà bạn muốn thuê.

Sau khi đã sắm đủ máy móc, thiết bị rồi thì hầu hết các bạn trẻ lại gặp khó khăn để có thể kiếm lại được số tiền đã đầu tư. Nếu như nhiều người mua với mục đích là thỏa mãn niềm đam mê của mình thì đây không phải là vấn đề khiến họ phải đau đầu. Còn riêng với những ai bước chân vào nghề và theo nghề một cách thực sự thì câu hỏi “mất bao lâu để kiếm lại số tiền đã đầu tư” làm họ phải suy nghĩ rất nhiều.

Antoni Minh - sinh viên trường ĐH FPT đi làm chụp ảnh cho rằng: “Một khi đã bước chân vào nghề này thì phải đầu tư nhiều, hơn nữa chỉ kiếm lại được tiền khi mình đã có tiếng trong nghề, có kinh nghiệm. Nếu làm việc lâu dài, bền bỉ thì tầm 6 tháng là sẽ thu lại được vốn. Cũng có những bạn rất khá, chỉ mất khoảng 3-4 tháng là đã tạo dựng được tên tuổi và khả năng chụp lên rất nhanh. Nếu như chăm chỉ và học hỏi cũng như tạo dựng được mối quan hệ thì chuyện lấy lại vốn là thừa sức trong 3 tháng. Nhiều người nếu không tìm được khách hàng thì có khi lại lỗ, vì không làm ra thu nhập nên sẽ bị thâm hụt vào vốn.

Ngoài ra, cũng phụ thuộc vào trình độ của mỗi người, nếu như mình chụp khá thì đương nhiên khách hàng sẽ tìm đến mình và ngược lại. Không phải ai cứ đầu tư máy móc rồi mang trên mình mác nhiếp ảnh là kiếm ra tiền”.

Khó khăn nhất đối với các bạn mới vào nghề đó là không có mối quan hệ. Nếu cứ giữ nguyên phong cách chụp ảnh chuyên nghiệp của riêng mình thì hầu như không bao giờ có khách.

Trần Việt Dũng (biệt danh Trần Dũng) - mới bước chân vào nghề được khoảng 2-3 tháng chia sẻ khó khăn trong nghề: “Hầu hết các em teen bây giờ đều thích chụp ảnh kiểu “xóa phông” đằng sau. Tức là chụp kiểu mẫu chỉ đứng cười và đằng sau lưng sẽ bị mờ tịt. Những kiểu đó chỉ đẹp lúc nhìn nhưng không đọng lại được cảm xúc, nếu nhìn nhiều sẽ trở nên nhàm chán. Nhưng những kiểu như vậy thì lại được các em teen thích vì tươi tắn.

Còn một số thể loại ảnh khác như chụp góc rộng, lấy cả cảnh cả người, xóa phông ít thì giới trẻ lại không thích nên thành ra mình lại không có khách. Sau một vài lần trải qua như vậy, mình đã rút ra được kinh nghiệm là dù cho ảnh chụp không thực sự chuyên nghiệp, bản thân mình không muốn thì vẫn phải chụp để làm hài lòng khách hàng. Nếu không mình sẽ bị mất đi một mối làm ăn”.

Không chỉ có vậy, các bạn còn gặp khó khăn nữa về phần máy móc. Mỗi khi đi chụp dịch vụ, khách hàng hay để ý đến máy to và khủng. Antoni Minh chia sẻ: “Mình đã gặp trường hợp khách hàng nói rằng “độ chuyên nghiệp của nhiếp ảnh phải phụ thuộc vào độ to của máy ảnh”. Ví dụ như ống “tele” và lens 85 1.2L. Do ống “tele” to hơn nên mọi người nghĩ ai dùng tele mới là chuyên nghiệp, đẳng cấp. Nhưng hầu hết khách hàng không biết rằng lens 85 1.2L lại đắt tiền hơn rất nhiều".

Tình cảnh trớ trêu nhất của các tay máy nam đó là rất hay bị người yêu ghen. Và ai cũng đều gặp phải tình trạng như vậy. Vì đặc thù nghề nghiệp là luôn luôn chụp ảnh và tiếp xúc với rất nhiều cô gái xinh đẹp nên việc bị người yêu ghen cũng là điều diễn ra hết sức thường xuyên. Hầu hết, các bạn trẻ đều mong người yêu có thể hiểu và thông cảm cho công việc của mình.

Theo TÙNG TRẦN
Zing/Infonet
Flag Counter