Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Làm giàu từ món ăn Việt ở Mỹ

Đặt chỗ ở nhà hàng Slanted Door của Charles Phan là một thử thách, bởi ở đây luôn chật kín khách đến thưởng thức những món ăn Việt không xa lạ nhưng được chế biến thành những tuyệt phẩm.
Dường như để khắc phục việc thực khách phải chờ hàng tuần để có cơ hội thưởng thức món mình nấu, ông chủ gốc Việt Charles Phan, 50 tuổi, đã ra mắt cuốn sách mang tựa đề "Vietnamese Home Cooking".
Phan cho biết cuốn sách gồm 226 trang, có giá 35 USD, đơn giản là sách hướng dẫn cách nấu món ăn Việt tại nhà, cung cấp hiểu biết chung về nền ẩm thực Việt Nam, cách thưởng thức món ăn.Đặc biệt, cuốn sách tiết lộ những câu chuyện thú vị đằng sau những món ăn có trong thực đơn của Slanted Door từ khi mở cửa năm 1995 và kỹ thuật nấu nướng khiến những món ăn ở đây trở nên đặc biệt.
Cấu trúc cuốn sách của Phan không sắp xếp theo món ăn mà theo kỹ thuật nấu. Anh cho rằng mọi người chỉ thường mua sách để biết một công thức nấu ăn mà không hiểu được những quy tắc cơ bản và cách kết hợp các nguyên liệu.
"Nếu bạn học cách chiên, xào, om, nướng, cách kiểm soát ngọn lửa, bạn có thể làm bất cứ điều gì", San Joe Mercury News dẫn lời anh. "Về cơ bản cuốn sách tương tự những gì chúng tôi đang làm ở Slanted Door, quảng bá ẩm thực Việt với những nguyên liệu địa phương", anh nói.
Anh bắt đầu đi làm ở nhà hàng khi đang học cấp ba. Mỗi tuần Phan làm việc 3 buổi tối, cho đến tận hai giờ sáng và nấu bữa ăn 6 món cho 5 người bạn trong phòng ký túc xá. "Mọi người nghĩ tôi bị dở hơi", anh kể.
Anh trải qua nhiều công việc nhưng không thành công và quyết định đi du lịch một thời gian. Tuy nhiên, trong tâm trí anh, ước mơ về một nhà hàng vẫn luôn day dứt.Bước ngoặt của cuộc đời Phan là khi anh đến châu Á năm 1994 và quyết định rằng "mình phải làm việc cho chính mình". Thế rồi nhà hàng Việt Nam Slanted Door ra đời một năm sau đó.
Đây là nhà hàng Việt Nam đầu tiên chuyên phục vụ các món ăn Việt chất lượng cao trong vùng, với các nguyên liệu địa phương tươi ngon nhập trực tiếp từ trang trại.
"Thừa thắng xông lên" sau Slanted Door, ông chủ Phan phát triển một "đế chế nhà hàng" nhỏ ở vùng vịnh San Francisco với những nhà hàng như Heaven's Dog, Academy Cafe hay Wo Hing General Store.
Năm 2004, anh giành giải Đầu bếp Giỏi nhất của Quỹ James Beard, giải thưởng được xem là "Oscars của Ẩm thực" Mỹ.
Phan cho biết bí quyết để nấu ngon là trước hết phải học cách ăn.
"Khi bạn thưởng thức nhiều món ăn ngon, bạn bắt đầu xây dựng cho mình vốn từ vựng về hương vị. Bạn hình dung ra hình ảnh món ăn và cách để làm chúng", anh nói.
"Đừng chỉ đến và nói với tôi rằng thức ăn rất tuyệt. Tôi nói thế với tụi trẻ con nhiều rồi. Mục tiêu của tôi là thực sự khiến mọi người nghiện thức ăn ngon. Có nhiều thứ gây nghiện, nhưng tôi nghĩ nghiện thức ăn thì tốt hơn, vì chúng ta tìm thấy niềm vui trong đó".

Nguồn: VNEXPRESS

Bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty May thêu Giày An Phước: "Còn sức khỏe là còn đam mê"

Từ cơ sở may chỉ có vài chục người, An Phước đã trở thành công ty lớn với hàng ngàn công nhân và là thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Đó là chặng đường không ít truân chuyên, bao lần con thuyền doanh nghiệp chòng chành trước sóng gió thương trường. Nhưng dưới sự lèo lái tài ba và bản lĩnh của người nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Điền, con thuyền ấy không những vượt qua giông bão mà còn thẳng tiến về phía trước một cách vững chãi.
Bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty May thêu Giày An Phước
Từng ước mơ làm thẩm phán nhưng cuối cùng cuộc đời bà lại gắn chặt với nghề kinh doanh như là duyên nợ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, bà công tác tại Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp TP.HCM trong vai trò cán bộ kế hoạch.
Đến năm 1992, trước xu thế “mở cửa” của nền kinh tế đất nước, máu kinh doanh trong cô nhân viên đã trổi dậy. Gom góp số tiền dành dụm được, bà mạnh dạn thành lập cơ sở may thêu chuyên làm hàng gia công xuất khẩu sang Nhật.
Với bản tính cẩn trọng và tỉ mỉ, bà đã chinh phục được thị trường khó tính này. Theo đó, công việc kinh doanh “thuận buồm xuôi gió” và từ cơ sở đã phát triển thành công ty.

Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá


Năm 1997, kinh tế khu vực Đông Nam Á rơi vào thời kỳ khủng hoảng nên các đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng rõ rệt. Đời sống của 1.200 công nhân là nỗi lo lớn khiến bà bao đêm trăn trở.
Cuối cùng, bà đưa ra một quyết định táo bạo mang tính “sống còn”: Đó là quay về“ao nhà” khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và mua bản quyền, khai thác thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng - Pierre Cardin.
Thực tế, trước khi đàm phán, tập đoàn thời trang đến từ nước Pháp đã làm việc với nhiều công ty may mặc lớn của Việt Nam nhưng không thành.
Cuối cùng, họ chọn công ty An Phước vì tin vào khả năng đảm bảo chất lượng sản phẩm cao của doanh nghiệp này.

Ở thời điểm đó, mức sống của người dân chưa cao, việc đầu tư như vậy của một doanh nghiệp nhỏ là rất mạo hiểm. Nhưng ngược lại, bà rất tự tin với quyết định của mình.
Bởi bà xác định “không khai thác đại trà mà định vị phân khúc thị trường tiêu dùng trung và cao cấp”. Quyết định táo bạo của bà đã tạo ra bước ngoặt phát triển thương hiệu thời trang Việt đạt tiêu chuẩn quốc tế về thiết kế lẫn kỹ thuật.
Tuy khai thác thương hiệu nước ngoài nhưng bà biết cách “bước ra từ cái bóng khổng lồ” của thương hiệu nước Pháp bằng cách đàm phán được song hành khai thác nhãn hàng của công ty.Vậy là cùng một cửa hiệu lại tồn tại hai thương hiệu tây và ta.

Với quan điểm “thà chậm mà chắc”, “chất lượng là số một” nên sản phẩm do công ty bà tạo ra có sự chăm chút tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ. Thời gian đầu, bà không ồ ạt mở cửa hàng mà rất thận trọng từng cửa hàng một để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như các dịch vụ hậu mãi.
Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian, sản phẩm mang thương hiệu Việt thể hiện sự sang trọng, lịch lãm đã lấn át được thương hiệu đến từ nước Pháp. Đến nay, công ty của bà là đơn vị may mặc duy nhất không có bất cứ đại lý nào. Hệ thống các cửa hàng trên toàn quốc đều do chính công ty mở với sự thống nhất về giá cả và chất lượng hậu mãi.

Nhưng không dám nản lòng

Năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tăng, tiêu thụ hàng hóa giảm... Cũng như những lần đối diện thách thức trước đây, bà vẫn tự tin và bản lĩnh tìm cách vượt qua.
Lần này, cách bà chọn là tiết kiệm, không sản xuất đại trà mà tập trung hơn nữa vào chất lượng và dịch vụ hậu mãi. Khó khăn nhưng bà vẫn quyết định mở thêm một xưởng ở Hóc Môn và đào tạo thêm hàng trăm công nhân để đảm bảo cung cấp hàng cho hệ thống cửa hàng của công ty.
Với những thành tích cống hiến cho ngành dệt may Việt Nam, bà từng được ghi nhận với những danh hiệu như “Nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2008”, cúp “Bông hồng vàng”... Nhưng với bà, niềm vui lớn nhất có lẽ là thương hiệu ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng.
Từ cô nhân viên đến tạo dựng sự nghiệp riêng, nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Điền đã chinh phục nhiều sóng gió thương trường bằng sự tận tâm, nhiệt huyết và bản lĩnh. Giờ ở ngoài ngũ tuần, bà vẫn chưa tắt đam mê với công việc. Bà vẫn tất bật như con thoi với công việc quản lý, những lần xuôi ngược Nam Bắc và đi nước ngoài để tìm cách giữ cho doanh nghiệp sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Đồng thời, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bà luôn tìm cách đổi mới mình. Hiện bà đang tích cực mở rộng khâu khai thác nguyên liệu để có thêm các loại vải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bên cạnh đó là thỏa thuận để phía đối tác từ nước Pháp có thể rút ngắn thời gian chuyển giao mẫu thiết kế.

Theo nghiệp kinh doanh, khó khăn thử thách chắc chắn là không tránh khỏi, nhưng trong hoàn cảnh nào, người ta đều thấy bà điềm tĩnh, sẵn sàng đối diện để tìm cách vượt qua.
Bà tâm sự: “Kiến tha lâu sẽ đầy tổ. Làm lãnh đạo phải kiên nhẫn và không nản lòng trước gian khó. Con thuyền doanh nghiệp chở biết bao nhiêu cộng sự, nếu người chèo lái nản lòng buông xuôi thì con thuyền sẽ dễ chìm. Vì vậy, tôi không cho phép mình ngừng. Ngày nào còn sức khỏe, tôi còn làm việc và còn đam mê”.
Bà cũng chia sẻ thêm bí quyết thành công: “Người đầu tàu phải làm gương. Bản thân mình không cưỡi ngựa xem hoa mà phải lao động vất vả cùng công nhân. Đồng thời phải có sự quan tâm chia sẻ và đồng cam cộng khổ với công nhân. Khi công nhân thấy mình quan tâm đến họ thì họ mới “sống chết” với công ty”.

TRẦN ĐÌNH
Flag Counter