Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Giáo sư giàu nhất thế giới và đam mê "lập công ty"

Có rất nhiều tỷ phú không có bằng đại học và có rất ít tỷ phú có học vị giáo sư. Với tài sản 1,3 tỷ USD, David Cheriton có lẽ là vị giáo sư đại học giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống như những tỷ phú khác, du thuyền, máy bay riêng không phải là sở thích của ông.
Vị giáo sư ngành khoa học máy tính của trường ĐH Stanford tự coi mình là "gàn". Món đồ xa xỉ nhất mà ông đã từng mua là một chiếc Honda Odyssey "cho bọn trẻ". Tuy nhiên, ông có một niềm đam mê tốn kém khác là "lập công ty". Hai công ty đầu tiên do ông tham gia thành lập được bán cho Cisco Systems và Sun Microsystems với giá hàng trăm triệu USD. Hơn 50 triệu USD kiếm được từ giao dịch đó ông tiếp tục đầu tư vào 17 công ty khác nhau, từ VMware cho đến gần đây nhất là Arista Networks.
Tuy nhiên, vụ đầu tư đáng nhớ nhất của ông là khi ký tờ séc 100.000 USD cho hai cậu sinh viên ĐH Stanford, Larry và Sergey năm 1998. Tờ séc đó giờ đây trị giá hơn 1 tỷ USD, tính theo giá trị cổ phiếu Google. Ông nói: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn trong đầu tư".
Thời gian là tất cả
Giáo sư Cheriton, 61 tuổi, là một người rất kín tiếng. Kết quả search Google về ông chỉ ra vài trang web đơn sơ, với phông chữ Times New Roman, không hề có LinkedIn, Facebook hay thậm chí Twitter, như người ta thường thấy ở dân Thung lũng Silicon. Khi hỏi sinh viên của Stanford, cũng chẳng mấy người biết về ông.
David Cheriton là một trong số ít tỷ phú có học vị giáo sư
Đó là cách sống mà Cheriton ưa thích. Ông vẫn đi lại bằng chiếc Volkswagen Vanagon 1986 mua từ thủa hàn vi, vẫn sống trong ngôi nhà giản dị ở Palo Alto từ 30 năm nay, và thậm chí tự cắt tóc, cạo râu cho mình. "Đó không phải là vì tôi tiết kiệm hay khó tính, mà chỉ là vì tôi thấy cắt tóc cho mình rất dễ và đỡ mất thời gian".
Với một người làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, Cheriton hiểu rằng thời gian là tất cả. Công cụ tìm kiếm Google mà ông đầu tư vào cho phép hàng tỷ người trên thế giới tiếp cận với thông tin họ cần nhanh nhất có thể. 
Công ty mới nhất của ông, Arista Networks, tạo ra bộ chuyển dữ liệu có thể giảm thiểu thời gian chờ giữa các máy chủ, tốc độ bit dưới 500 nanoseconds (một phần tỷ của giây), nhanh gấp hai lần tốc độ chuyển dữ liệu tốt nhất hiện của Cisco và Juniper Networks. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán thực hiện giao dịch nhanh hơn đối thủ trong vài phần tỷ của giây và cho phép các bác sĩ kết hợp bộ gen của bệnh nhân ngay lập tức.
Thông minh và tự lập
Là con thứ ba trong gia đình có 6 người con, ông lớn lên trong thời kỳ sau cuộc đại duy thoái. Bố mẹ ông, hai kỹ sư người Canada, đã luôn khuyến khích con tự tìm con đường đi riêng của mình. 
Cheriton được các anh chị miêu tả là một cậu bé độc lập, tự tin. Khi còn đi học, cậu không thích tham gia các đội thể thao của trường mà dành thời gian xây cho mình một căn nhà gỗ riêng trong vườn của gia đình để tránh xa những đứa trẻ khác. 
Cậu bé thông minh đã rời khỏi trường trung học từ năm lớp 11 bởi cậu thấy chương trình học quá "thấp" so với mình. Bố cậu nói: "Nó đã luôn tự tìm con đường riêng của mình, chúng tôi không can thiệp vào quyết định của con".
Là một cậu bé thông minh và ham tìm hiểu, Chariton đã không hề bị mắng mỏ khi chọn theo học chương trình ghi ta cổ điển và nghệ thuật trình diễn, đam mê lớn nhất của cậu khi còn là sinh viên. 
Sau khi bị trượt khoa âm nhạc của Đại học Alberta, Chariton lại tìm được mối quan tâm khác, đó là toán học và sau đó là khoa học máy tính. Ông theo học tại Đại học British Columbia và sau đó lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Waterloo.
Năm 1981, trong khi tìm vốn tài trợ nghiên cứu, Cheriton đến Stanford khi Thung lũng Silicon mới bắt đầu hình thành. Tại đây, ông đã gặp Andy Bechtolsheim, một nghiên cứu sinh người Đức rất xuất sắc, người đã thiết lập mạng máy tính Stanford University Network, gọi tắt là SUN. Bechtolsheim mời Cheriton tham gia phát triển phần mềm cho máy tính nối mạng. Cheriton đã không chỉ tham gia viết phần mềm mà còn bắt tay vào cả thiết kế phần cứng.
Năm 1982, Bechtolsheim rời Stanford để thành lập Sun Microsystems nhưng Cheriton vẫn tiếp tục sự nghiệp dạy học. Ông hầu như tránh xa trào lưu bỏ học, bỏ dạy để đi mở công ty như nhiều sinh viên và đồng nghiệp của mình. Nhiều người trong số họ đã trở thành tỷ phú, như cựu giáo sư Stanford Jim Clark, người sáng lập Netscape.
Khi Bechtolsheim rời SUN năm 1995, ông bắt đầu tìm kiếm ai đó hiểu về những vấn đề phần mềm cơ bản phía sau những kết nối Ethernet. Ông gọi điện cho Chertion và hai người thành lập ra Granite Systems, một công ty chuyển mạch Ethernet. Chỉ sau 14 tháng thành lập, hai người đã bán công ty này cho Cisco với giá 220 triệu USD. 
Năm 2001, hai người lại gặp nhau và lập nên công ty mạng lưới Kealia, rồi bán lại cho Sun với giá 120 triệu USD. Trong những lần hợp tác đó, cả hai đã cùng làm vụ đầu tư thành công nhất của họ, đó là mỗi người đầu tư 100.000 USD cho hai chàng sinh viên sáng lập Google.
Page và Brin không phải là hai sinh viên của Cheriton, nhưng họ tìm đến ông sau khi biết về thành công của ông với Granite, với hy vọng ông sẽ cho truyền họ kinh nghiệm về việc thương mại hoá thuật toán PageRank. Đang thắng lớn với Granite (sở hữu 10% công ty này, sau khi bán, ông thu được hơn 20 triệu USD), ông đã sẵn lòng giúp họ.
Bechtolsheim cũng có suy nghĩ tương tự. Ông đã mất một thời gian để hiểu về sự phổ biến của công cụ tìm kiếm cũng như ý đồ thu tiền trên mỗi đường link của người sáng lập. Ông nhớ lại: "Tôi đã nghĩ nếu họ có 1 triệu hit mỗi ngày, và 5 cent mỗi đường link, ít nhất họ sẽ không phá sản".
Cheriton và Bechtolsheim tự nhận họ là "nhà đầu tư vô tình" vào Google. Tuy nhiên, Ron Conway, một nhà đầu tư có mặt ở khắp Thung lũng Silicon, người mà Cheriton đã giới thiệu đầu tư vào Google nói: "Họ là những người cực kỳ thông minh, vì thế họ thu hút được nhiều kỹ sư thông minh khác để cùng chia sẻ ý tưởng với mình".
Phải nghĩ lớn
Rất nhiều sinh viên khác đã tìm đến văn phòng của Cheriton để tìm kiếm lời khuyên và cả tiền bạc. Sam Liang, một cựu sinh viên của Cheriton, sau khi rời khỏi Google đã đến gặp giáo sư cũ của mình để chia sẻ về ý tưởng một nền tảng cho di động có thể theo dõi trực tuyến vị trí và thói quen của người dùng. Liang đã nhận được nhiều hơn 100.000 USD từ Chariton để thành lập công ty Alohar Mobile.
"Tiêu chuẩn của ông cực kỳ cao", Liang nói. Những cuộc họp nghiên cứu với Chariton là thời gian căng thẳng nhất trong tuần của anh. "Ông bảo tôi: Phải nghĩ lớn. Cậu phải tạo được tác động đối với cả thế giới", Liang nhớ lại.
Siddharth Batra, cựu sinh viên cao học của Stanford, người từng nhận tài trợ của Cheriton cho công ty của mình năm 2009, rất ngưỡng mộ thầy cũ của mình ở sự chú ý đến chi tiết. "Các kỹ sư công nghệ rất dễ chia sẻ ý tưởng với David, bởi vì ông hiểu rất nhanh vấn đề họ trình bày. Nếu tôi đến gặp một vị chủ tịch hay giám đốc quỹ đầu tư, chắc chắn họ sẽ rất khó hiểu những gì chúng tôi đang làm".
Cheriton cho biết ông luôn tránh xa những trào lưu thị trường, mạng xã hội được coi là một trong số đó. Ông chỉ tập trung vào những ý tưởng góp phần cải thiện cuộc sống con người, như cách mà Google giúp các sinh viên hoàn thành bài viết của mình vào lúc 3 giờ sáng. 
"Tôi có một niềm tin rằng nếu bạn mang đến giá trị thực sự cho thế giới và thực hiện theo cách hiểu biết , thị trường sẽ không quên bạn", Cheriton nói.

Nguồn: Vnmedia

Khát vọng 1 tỷ USD của ông chủ NovaAds

Sân chơi tiếp thị trực tuyến dạy cho Nguyễn Minh Quý - CEO của NovaAds, hiểu thế nào là sự trả giá, nhưng cũng lại truyền cho anh khát vọng đưa doanh nghiệp mình đạt ngưỡng doanh số 1 tỷ USD.
Khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 20 và nhanh chóng thất bại ở nhiều dự án. Giờ đây, sau 6 năm, Nguyễn Minh Quý khiến người ta hồ nghi khi anh tuyên bố: NovaAds sẽ đạt doanh số 1 tỷ USD vào năm 2030 với quy mô công ty lên tới 10.000 người. Sự tự tin thái quá của tuổi trẻ hay một chiêu PR? Cả hai đều có thể!
"Tôi đã từng khóc nấc lên như đứa trẻ mất món đồ quý giá nhất"
* Anh từng khởi nghiệp kinh doanh rất sớm?
- Tôi học Đại học Ngoại thương, vốn dĩ không liên quan gì đến lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng vì tình yêu và thật không ngờ tôi lại có duyên kinh doanh sớm đến thế.Thời sinh viên, chỉ vì muốn được trò chuyện với người yêu đi du học mà tôi đã vay mượn mở 1 quán net. Thời điểm đó, tôi đã thu về mỗi ngày 1,5 triệu đồng bằng "tiền tươi thóc thật".
Có lẽ thành công ban đầu khá dễ dàng này đã khiến khi ra trường tôi hào hứng muốn tạo dựng ngay cho mình một sự nghiệp riêng.
Bố mẹ tôi không giàu, quan hệ của tôi không nhiều mà tôi lại muốn thành công nhanh thì chỉ có cách kinh doanh một cái gì đó mới mẻ, tiềm năng, ít vốn. Tôi bắt tay vào kinh doanh như vậy với viễn cảnh toàn màu hồng.
* Và chắc anh cũng sớm nếm mùi thất bại?
- Quả đúng là khi nhập cuộc rồi thì mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Đã có hàng chục dự án bị thất bại liên tiếp mà nguyên nhân chính là vì tôi không có kinh nghiệm và năng lực quản lý.
Cuối năm 2007, trang web Top 1 của tôi đã lọt top 30 website có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam với 150 nghìn khách ghé thăm mỗi ngày.
Đã có rất nhiều khách hàng lớn như: Ponds, V-Rohto, các công ty game… đặt quảng cáo trên website của tôi. Giá trị của website lúc đó được định giá khoảng 4-5 tỷ đồng.
Tôi đã từng ngất ngây vì những gì mình đạt được. Vậy mà, sau đó website này đã bị chia tách làm 2 và mọi thứ dần sụp đổ. Từ 30 nhân viên với doanh số vài trăm triệu/tháng, tôi bỗng chốc trắng tay và chỉ còn 3 nhân viên thử việc.
Nói thật là lúc đó tôi không nghĩ được bài học mình cần rút ra ở đây là gì mà chỉ biết khóc nấc lên như một đứa trẻ vừa bị mất đi một món đồ chơi quý giá nhất.
* Anh có nghĩ, trong một thế giới kinh doanh bằng quan hệ và tiềm lực vốn, sự thất bại của một doanh nghiệp trẻ "ba không" như anh là hoàn toàn có thể hiểu được?
- Tôi thì không nghĩ như vậy đâu. Bình tĩnh lại tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do tôi không đủ năng lực quản lý, ôm đồm quá nhiều và bản lĩnh còn non kém. Đó là những gì mà tôi có thể nhận ra để sửa sai.
* Có thể hiểu "sửa sai" đồng nghĩa với việc tiếp tục dấn thân thay vì từ bỏ?  
- Vào thời kỳ khó khăn nhất đó, tôi có hai lựa chọn: dẹp bỏ tất cả để đi xin việc như các bạn cùng trang lứa hoặc cố gắng gây dựng lại từ đầu. Cuối cùng tôi quyết định, liều thêm một lần nữa. Ngã ở đâu thì đứng lên từ đó!
Tôi bắt đầu lại bằng số vốn ít ỏi nhờ bố mẹ vay giúp. Tôi đã từng nghĩ rằng, công ty mình còn bé, chưa có nguồn thu nên cái gì cũng phải làm để có tiền hoạt động. Và nguyên nhân về cái chết của những dự án mà tôi làm đều là do xuất phát từ lối tư duy truyền thống đó.
Sau khi ngã lên ngã xuống, vùi dập thêm nhiều dự án nữa tôi mới nhận ra rằng, mình chỉ nên tập trung vào một thứ mà thôi. Và marketing online là cái đích cuối cùng mà tôi đã chọn.
Đến giờ NovaAds đã có hơn 140 nhân viên, 1.000 khách hàng và doanh thu trong 2 năm vừa qua tăng 100%/năm.
Khát vọng 1 tỷ USD
* Khai phá một lĩnh vực mới mẻ có thể ít đối thủ cạnh tranh hơn, nhưng lại không hề dễ dàng? Với một "CV" hầu như toàn những thất bại, kinh nghiệm thực tế về quảng cáo trực tuyến gần như bằng không, tại sao anh vẫn dấn thân?
- Tháng 7/2006 khi tôi chính thức gia nhập thị trường, quảng cáo trực tuyến chỉ chiếm 0,5% doanh thu (khoảng 50 tỷ) của toàn bộ ngành quảng cáo.
Đến nay tốc độ tăng trưởng của ngành này đã đạt mức 60-70%/năm và doanh thu năm 2011 đã tăng 20 lần so với 5 năm trước đó. Như vậy có thể nói là cơ hội cho NovaAds vẫn còn rất lớn.
* Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, chiến lược kinh doanh của NovaAds lần này có gì khác biệt?
Tôi xác định NovaAds hoạt động trong ngành quảng cáo trực tuyến, nhưng phải chọn một lĩnh vực chuyên sâu. Tôi đã từng có dự định làm các trang thông tin với mục đích mở kênh truyền thông để quảng cáo hiển thị, sau đó không thành công.
Cuối cùng tôi quyết định tập trung vào quảng cáo tìm kiếm, bởi trên thế giới loại hình này chiếm tới 47 - 48% trong quảng cáo trực tuyến, trong khi ở Việt Nam con số mới chỉ dừng lại ở mức 20%.
Hiện tại Việt Nam, NovaAds đứng trong top 2 công ty quảng cáo tìm kiếm lớn nhất. Năm 2010, NovaAds chính thức trở thành đối tác của Google tại Việt Nam để khai thác hoạt động quảng cáo tìm kiếm trên website này.
* Một công ty lớn như Google khi lựa chọn đối tác ắt hẳn sẽ phải đưa ra những tiêu chí rất khắt khe. Anh có thể chia sẻ bí quyết?
Tôi không có bí quyết nào ngoài sự nỗ lực và cố gắng hết sức. Do mình còn non yếu nên việc đứng trên vai người khổng lồ sẽ là một sự lựa chọn hợp lý cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển.
Để trở thành đối tác của Google, công ty của bạn phải đạt vài trăm khách hàng, doanh số yêu cầu có thể không cao, nhưng phải thi qua các chứng chỉ của Google và đơn vị này sẽ đánh giá xem độ hài lòng dịch vụ của khách hàng ra sao…Nếu mình làm tốt, ắt hẳn sẽ được công nhận. Tôi tin là như thế.
* Anh có nghĩ một ngày nào đó mình sẽ đưa NovaAds "ra biển lớn"?
-Tôi cũng đã có ý định đó. Nhưng trước mắt mục tiêu của NovaAds vẫn là cho ra đời những sản phẩm phục vụ thị trường trong nước vì cơ hội ở đây vẫn còn nhiều.
Tôi nghĩ quan trọng nhất là sản phẩm của mình có tốt hay không mà thôi. Mục tiêu của tôi là tới năm 2030, NovaAds sẽ đạt 1 tỷ USD về doanh thu, nhân sự lên tới 10.000 người.
* Mọi thứ đều có thể thay đổi và không ai có thể nói trước về tương lai, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Con số 1 tỷ USD mà anh đưa ra tôi thấy nó giống một chiêu PR hơn là một kế hoạch?
- (Cười) Đó là cách nghĩ riêng của bạn. Với tôi đó là một khát khao có định lượng hẳn hoi. Tôi không nói là chắc chắn tôi sẽ được như thế mà đó là mục tiêu mà tôi phải đạt được. Để hiện thực hóa điều đó, tôi có các lộ trình ngắn hạn cho mình.
Trước mắt là từ nay tới hết năm 2015 NovaAds sẽ có 10.000 khách hàng và doanh số đạt được là 20 triệu USD. Nhiều người cũng đã tỏ ra hoài nghi và đặt ngay câu hỏi tương tự như bạn khi tôi nói về khát vọng của NovaAds.
Theo tôi, một trong những nguyên nhân gốc của đợt khủng khoảng kinh tế này là do thế hệ các doanh nhân trước đó đã phụ thuộc quá nhiều vào các mối quan hệ để đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực mà mình không mạnh.
Bài học này tôi đã "ngấm" ngay từ khi khởi nghiệp. Và đến giờ tôi chỉ kiên quyết đi theo duy nhất một con đường mà mình đã chọn: marketing online.
Doanh nhân 3.0
* Thị trường như anh nói đã định danh những doanh nhân có tiềm lực tài chính và phát triển dựa vào mối quan hệ. Anh có lo ngại vì lẽ đó mà cánh cửa dành cho những doanh nhân trẻ như anh sẽ hẹp hơn?
- Thời kỳ làm việc dựa vào mối quan hệ, đầu cơ theo tôi đã qua dần. Biểu hiện rõ ràng nhất trong giai đoạn hiện nay là quyền lực đã thuộc về người mua, giá cả đã dần quay về đúng với giá trị. Và đó là cơ hội của những người mong muốn được kinh doanh để tạo ra giá trị thực cho xã hội như chúng tôi.
* Liệu những người mong muốn được kinh doanh để tạo ra giá trị thực cho xã hội mà anh đề cập có đủ sức tạo lập nên một thế hệ kinh doanh mới, đủ sức đối trọng với lớp kinh doanh theo quan hệ?
- Tự tin là một trong những sức mạnh của tôi mà (cười). Gần đây có một số người đưa ra khái niệm doanh nhân 3.0 để chỉ thế hệ doanh nhân mới có năng lực, khát vọng và văn hóa mới.
Ở đây tôi không bàn về khái niệm mà muốn nói đến bản chất của sự việc. Đây là thời kỳ mà các doanh nhân, doanh nghiệp phải dựa vào thực lực của mình để vươn lên chứ không chỉ đơn thuần là các mối quan hệ vốn có.
Thực lực ở đây được hiểu là tổng hợp nhiều yếu tố như: năng lực quản lý của anh có tốt không, thương hiệu tốt hơn, giá trị mang lại cho xã hội bền vững hơn chứ không phải mang tính chất ngắn hạn.
* Trong khủng hoảng người ta cũng đang nói nhiều về sức mạnh nội tại của mỗi doanh nghiệp mà việc tạo dựng tinh thần doanh nghiệp là một điểm không thể thiếu. Với anh và với NovaAds có gì thú vị để chia sẻ?
- Ở các công ty khác thế nào thì tôi không biết, nhưng ở NovaAds tôi tạo ra một môi trường thân thiện và có chế độ đãi ngộ nhân tài ít nơi sánh kịp.
Tôi sẵn sàng chi trả mức lương 50 - 60 triệu đồng cho một trưởng phòng trẻ có năng lực. Tôi cũng bỏ không ít công sức để chiêu mộ nhân tài. Có trưởng phòng tôi phải mất 1,5 năm đi lại nhiều lần mới mời về được. Với các nhân sự đang có, tôi luôn dành sự quan tâm hết mực…
Nếu mình không tôn trọng nhân viên thì ra đường mình chỉ là "thằng sếp" trong mắt họ thôi. Mới đây, tôi đã chính thức "ban chiếu cầu hiền" để chiêu mộ hiền tài.
* Một ý tưởng rất hay và không giống ai. Sau khi ban chiếu cầu hiền, đã có bao nhiêu hiền tài đến với anh? 
- Tôi là cháu của ông đồ và vì vậy mà cũng có chút khiếu thơ văn nên đã tự sáng tác ra "chiếu". Nhưng tôi làm việc này không phải để chứng tỏ gì cả, mà chỉ muốn mọi người biết tôi thực sự cầu thị, muốn chiêu mộ được các nhân tài thực sự.
Có nhiều người bạn đã hỏi tôi: "Có phải mày đi thuê PR làm cái "chiếu" này để đánh bóng tên tuổi không? Nếu là PR thì tao không về NovaAds, còn nếu là tâm sức của mày thì tao sẽ về cùng đồng cam cộng khổ với nhau".
Sức ảnh hưởng của vị thủ lĩnh cũng không nhỏ, phải không? Nếu có tâm thì tự khắc người hiền sẽ đến với mình thôi.
* Người ta thường nói, tìm người tài không khó, giữ người tài khó hơn. Đã có rất nhiều nhân viên kinh doanh ở các công ty khác bỏ ra ngoài làm riêng và kéo theo toàn bộ khách hàng. Anh có lo ngại điều này khi mình đang áp dụng chính sách "thả gà ra đuổi"?
- Hai năm nay doanh số trực tiếp đến từ tôi là 0%. Chuyện này có thể là khó tin, nhưng đó lại là sự thật 100%. Tôi chia công ty ra làm nhiều phòng ban khác nhau, tất cả đều làm theo một quy trình theo tiêu chuẩn ISO.
Tôi giao toàn quyền ký, quản lý hợp đồng cho nhân viên và mình chỉ đóng vai trò là người tạo môi trường để họ phát triển. Mọi thứ đã có quy trình, quy chuẩn rồi thì cứ thế mà chạy, không có gì đáng lo nữa cả.
* Trong ngành công nghệ, nhiều giám đốc thành đạt chủ yếu là đi du học ở nước ngoài. Còn anh, tốt nghiệp đại học trong nước và tại vị luôn ở đó đến giờ. Anh có lo ngại mình sẽ "tụt hậu" so với nhiều doanh nhân cùng thời?
- Du học ư? Tôi cũng rất thích và đã chấp nhận bảo lưu 1 năm ở đại học để học tiếng Anh. Sau khi xin được học bổng ở Mỹ tôi không xin được visa nên đành quay trở lại trường học tiếp. Nhưng tôi không coi đó là một thiệt thòi. Tôi không được đi du học thì sẽ học lại của những người đi du học về vậy.
Tôi rất chịu học và sẵn sàng học ở bất cứ đâu, bất cứ ai có lòng chia sẻ. Chẳng hạn như mới đây nhất, khi anh Đỗ Hoài Nam của Emotiv về nước, tôi đã đến xin được anh chỉ bảo cho 3 tiếng đồng hồ với rất nhiều kiến thức bổ ích. Như vậy thì đâu cứ phải là đi ra bên kia biên giới mới học được điều hay, phải không?
* Nhưng lắm thầy thì nhiều ma. Anh có sợ mình sẽ giống chàng trai trong câu chuyện dân gian "Đẽo cày giữa đường"?
- Bạn hỏi xoáy quá. Tôi là người cầu thị, nhưng không phải cái gì tôi cũng nghe theo. Sau khi học xong tôi thường chia sẻ với đội ngũ tư vấn của mình xem cái gì hay thì làm, dở thì thôi. Mà không phải bạ ai tôi cũng học mà có chọn lọc.
Khi công ty ở tầm 50 người thì tôi học của một người quản lý tốt một công ty có 50 người, đến khi lên đến 100 thì tìm người có công ty tầm 100 người hoạt động tốt…
Cứ như thế tôi sẽ học dần dần, học cái mình cần chứ không vươn tới cái gì quá cao siêu, vượt ngoài tầm tay của mình vì như vậy sẽ rất khó kiểm soát.
Nguyễn Minh Quý cho biết tuổi của anh ứng với chữ "Hòa". Vì lẽ đó mà anh không thích cạnh tranh, không ham đấu đá. Quý chỉ muốn được làm thật tốt công việc của mình và tạo môi trường để mọi người cùng phát triển. Và chính chữ "Hòa" ấy là chìa khóa giúp anh thành công trên thương trường khốc liệt này.

Nguồn: DĐDN
Flag Counter