Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Lập“sàn”cho hàng“handmade”

Sở hữu giải II tại Hội trại Khởi nghiệp VYE2012, Mintown, nhóm chủ nhân của mô hình sàn thương mại đồ thủ công, chỉ ra hướng đi chiến lược cho ngành hàng giàu tiềm năng nhưng lại ít phát triển nhất Việt Nam hiện nay: hàng thủ công.
Mintown là tên gọi của nhóm bốn sinh viên Hà Nội. Nghiêm Minh Hoàng, cựu sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, cho biết, ý tưởng lập sàn giao dịch đồ thủ công của nhóm hình thành trong thời gian cả nhóm thử kinh doanh một số mặt hàng thời trang và tham gia các hội chợ của các bạn trẻ.

Đam mê lĩnh vực thương mại điện tử, Hoàng đã dành thời gian tìm hiểu khá nhiều mô hình của nước ngoài. Theo đánh giá của Hoàng về thị trường Việt Nam, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng luôn ưu tiên các mặt hàng giá cả hợp lý. “Điều này tạo nên chiều đi lên của thương mại điện tử, nhất là khi niềm tin vào phương thức mua bán này tăng dần”, Hoàng nhấn mạnh. Từ điểm thuận lợi này của thị trường, cả nhóm nảy ra ý tưởng về một sàn giao dịch đồ thủ công.
Đối tượng Mintown nhắm tới trước hết là những mặt hàng“handmade”hiện tại của các bạn trẻ. Sau khi ổn định được phân khúc này sẽ phát triển nhánh các mặt hàng có giá trị cao hơn, như sản phẩm nghệ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ...
“Mong muốn của chúng tôi là giúp được các cá nhân nhỏ lẻ có thể bán được những món đồ do mình sáng tạo ra, vì thực tế có nhiều bạn thích làm đồ thủ công nhưng hầu hết không thể coi nó là nghề vì không có nơi “dụng võ”, các thành viên Mintown cho biết. Theo Minh Hoàng, tính khả thi và khả năng cạnh tranh của dự án này khá cao là bởi vì thương mại điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự phát triển, do đó vẫn còn các thị trường ngách cho các công ty nhỏ đầu tư.

Đồng thời, yếu tố “trẻ” giúp Mintown gần gũi và hiểu các “chủ xưởng” làm đồ “handmade” hơn so với công ty chuyên nghiệp, bởi rất khó để làm được những hội chợ mang tính sinh viên. Hoàng tự tin: “Mô hình của chúng tôi có khả năngmở rộng rất cao do nhu cầu về quà tặng và thời trang vẫn rất lớn”. Điểm đặc biệt của dự án này là lượng vốn bỏ ra không quá lớn, do vậy, sau khi kết thúc Hội trại VYE, Mintown đã bắt tay chuẩn bị thực hiện, bắt đầu từ việc tìm chỗ làm văn phòng và tiến hành dần các công việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin thị trường.

“Ngày 14/10 tới sẽ là thời điểm Hội chợ Handmade đầu tiên của Mintown ra đời tại Hà Nội”, Hoàng tiết lộ. Bắt tay vào hiện thực hóa dự án, Mintown cũng không tránh được khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Theo các thành viên, Mintown gặp khó khăn về kiến thức công nghệ thông tin do họ đều là sinh viên ngành kinh tế. “Nếu có thêm nhà đầu tư và người hướng dẫn thì tuyệt vời, con đường phát triển của chúng tôi sẽ tiết kiệm được thời gian hơn”, Hoàng chia sẻ.

Kêu gọi đầu tư như vậy nhưng trước mắt cả nhóm vẫn miệt mài tự học, tự tìm hiểu để làm chủ những bước đi của mình. Biết trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng Mintown vẫn xác định dự án này là con đường dài của các thành viên. “Chúng tôi tin vào khả năng phát triển của dự án. Đó chính là lý do khiến tôi quyết định dừng công việc tại công ty cũ và tạm gác chuyện du học để tập trung vào dự án”, Hoàng tự tin.

Quý Yên

Lí do khiến bạn thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp

Hãy cùng nghe chia sẻ của Martin Zwelling, cố vấn khởi nghiệp dày dạn kinh nghiệm của Mỹ, về những bài học khởi nghiệp đắt giá, nhưng hoàn toàn có thể tránh được.

Doanh nhân – đặc biệt là những người mới bắt đầu khởi nghiệp– thành công có mà thất bại cũng không ít. Tôi đã thấy điều này khi làm cố vấn, cũng như doanh nhân. 50% số công ty mới thành lập không thể tồn tại quá 5 năm, chủ yếu vì người khởi nghiệp đã không đánh giá đúng về những gì họ cần học.

Chúng tôi đã tổng kết được 10 lý do hàng đầu khiến khởi nghiệp thất bại – và cách để vượt qua những cản trở này:1. Không hoạch định cụ thể: Hãy dẹp bỏ quan niệm sai lầm là kế hoạch kinh doanh chỉ cần những “phút giây lóe sáng” của trí óc bạn. Viết ra kế hoạch kinh doanh cụ thể là cách tốt nhất để có thể áp dụng ý tưởng của bạn vào kinh doanh.
2. Khả năng thu nhập nghèo nàn: Kể cả các tổ chức phi lợi nhuận cũng cần phải có thu nhập (hoặc nhận tiền ủng hộ) để bù lại chi phí hoạt động. Không có mô hình thu nhập cụ thể, doanh nghiệp của bạn sẽ không thể tồn tại lâu được. Bạn cần phải tính toán đến thu nhập của doanh nghiệp của bạn.
3. Không làm nghiên cứu thị trường: Không phải ý tưởng hay nào cũng có thể trở thành một công việc kinh doanh phát đạt. Niềm tin mãnh liệt và đam mê vào sản phẩm của bạn chưa đủ để khiến mọi người sẽ mua nó. Không gì có thể thay thế được nghiên cứu thị trường.

4. Không chú trọng việc thực hiện ý tưởng: Khi những doanh nhân trẻ gặp tôi với những “ý tưởng hàng triệu đô”, tôi phải nói với họ rằng chỉ ý tưởng thôi thì ko đáng một xu. 99% đến từ nỗ lực thực hiên. Bạn sẽ phải sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn và mạo hiểm.

5. Quá nhiều đối thủ cạnh tranh: Không có bất kì đối thủ cạnh tranh nào có tốt không? Đó là một dấu hiệu nguy hiểm – rất có thể thị trường đó không tồn tại. Nhưng nếu bạn làm một phép tra cứu đơn giản trên Google và tìm ra 10 đối thủ cạnh tranh hay hơn, thì thị trường này quá khắc nghiệt. Những gã khổng lồ ngủ quên có thể thức dậy bất cứ lúc nào, và hất cẳng bạn ra khỏi cuộc đua. Đã có rất nhiều người thử tung ra sản phẩm cạnh tranh với những “ông lớn chậm chạp” như Microsoft hay P&G và thất bại thảm hại.

6. Không đăng kí sở hữu trí tuệ: Nếu bạn muốn tìm kiếm nhà đầu tư, hay muốn duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài với các ông lớn trong lĩnh vực của bạn, bạn cần phải đăng kí bằng sáng chế, tên thương mại và tác quyền, cũng như xin được giấy phép cấm sao chép và cấm tiết lộ thông tin. Sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố quyết định giá trị của những công ty mới thành lập trong con mắt của các nhà đầu tư.

7. Đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm: Trên thực tế, các nhà đầu tư xem xét nhân lực, không phải ý tưởng. Họ tìm kiếm con người với kinh nghiệm thực tế trong số những người khởi nghiệp. Hãy tìm một người nào đó đã từng có kinh nghiệm khởi nghiệp để cân bằng với sự đam mê của bạn, và mang đến kinh nghiệm cho đội ngũ.
8. Những yêu cầu về nguồn lực bị đánh giá thấp: Nguồn lực quan trọng nhất là dòng tiền đầu tư, nhưng các nguồn lực khác như quan hệ trong ngành hay kênh quảng bá cũng rất quan trọng cho việc kinh doanh của bạn. Đừng chỉ chú trọng đến vốn mà bỏ quên việc thiết lập những nguồn lực khác.
9. Không quảng bá đủ lực: Có được chiến lược quảng bá truyền miệng hấp dẫn chưa đủ để thương hiệu của bạn được ghi nhận trong thời đại thông tin không ngừng hiện nay. Kể cả quảng bá kiểu lan truyền (viral marketing – tạo sản phẩm quảng bá khiến mọi người thích thú và muốn chia sẻ trên mạng xã hội) cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nếu không có nỗ lực và sự đột phá trong quảng bá hình ảnh thương hiệu, bạn sẽ không có khách hàng, và dĩ nhiên doanh nghiệp của bạn không thể tồn tại.
10. Bỏ cuộc quá sớm: Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên nhân phổ biến nhất khiến khởi nghiệp thất bại là vì người khởi nghiệp trở nên chán chản, bỏ cuộc và giải thể công ty. Bất chấp những khó khăn, rất nhiều doanh nhân như Steve Jobs hay Thomas Edison vẫn giữ vững niềm tin vào khả năng của họ cho đến khi họ thành công. Đừng bỏ cuộc khi còn dang dở!


 

Nguồn: nhuongquyenvietnam.com
Flag Counter