Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

"Tỷ phú ẩn danh của Việt Nam"

Hãng tin tài chính Bloomberg ngày 25/10 có đăng một bài viết về doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
Trong bài viết này, ông Vượng được giới thiệu là đã vươn lên trở thành tỷ phú USD với bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền ở Ukraina và sau đó đã sáng lập nên công ty bất động sản lớn nhất ở Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng: "Nếu anh đưa cho tôi 10 tỷ USD, tôi sẽ dùng tất cả số tiền đó đầu tư vào xây dựng vì còn quá nhiều thứ phải xây. Nhu cầu tại Việt Nam vẫn rất lớn"
Năm nay 44 tuổi, ông Vượng đang xây dựng 8 dự án bất động sản đa năng tại các vị trí đắc địa ở Việt Nam với tổng chi phí dự kiến hơn 4 tỷ USD. Ông còn muốn làm giầu hơn nữa cho công ty của mình bằng cách bán các căn hộ trung - cao cấp cho người dân muốn đa dạng hóa các tài sản nắm giữ chứ không còn chỉ giữ tiền mặt và vàng như trước nữa, Bloomberg cho biết.

"Người dân Việt Nam hiện đang còn đang giữ một lượng vàng lớn. Người Việt Nam có một điểm tương đồng với người Trung Quốc, đó là họ không thể cứ giữ vàng dưới chân giường mãi được. Thế nào rồi cũng có lúc họ sẽ phải lấy ra và mang đi đầu tư. Và điều này sẽ giúp cho thị trường bất động sản bùng nổ", ông Vượng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Bloomberg.
Doanh nhân này và vợ, bà Phạm Thu Hương, hiện nắm giữ khoảng 50% số cổ phiếu của Vingroup, doanh nghiệp lớn thứ 5 ở Việt Nam về giá trị vốn hóa thị trường. Bởi vậy mà Bloomberg gọi ông là “tỷ phú ẩn danh của Việt Nam”. Cho đến nay, ông Vượng chưa từng xuất hiện trên các xếp hạng tỷ phú của thế giới, Bloomberg cho biết.
Vingroup hiện đang có kế hoạch huy động khoảng 300 triệu USD vào năm sau thông qua việc chào bán và niêm yết cổ phiếu của công ty tại Singapore để bổ sung vốn cho việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Năm ngoái, Vingroup đã gác lại kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại thị trường Singapore sau khi chỉ số Straits Times Index của thị trường này giảm 17%.

Tỷ phú này cũng cho biết, ông có tham vọng xây các dự án địa ốc ở Singapore và Hồng Kông, nơi có những công ty bất động sản vào hàng lớn nhất của châu Á.


Trước đây, ông Vượng theo học ngành kinh tế địa chất thuộc Đại học Địa chất Moskva tại Nga. Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển tới Ukraine, thành lập nên công ty thực phẩm LLC Technocom. Công ty này sản xuất hơn 100 sản phẩm khác nhau, từ mỳ ăn liền tới khoai tây nghiền.


Vào năm 2010, ông bán LLC Technocom cho tập đoàn Nestle SA, mức giá bán không được tiết lộ. Ở thời điểm đó, công ty này có mức doanh thu trên 100 triệu USD/năm. Tuy nhiên, ông Vượng từ chối bình luận về giá bán do thỏa thuận về bảo mật giữa hai bên.

Ông Vượng bắt đầu đầu tư về Việt Nam từ năm 2001. Đó cũng là thời điểm mà ông thành lập nên công ty du lịch khách sạn mang tên Vinpearl. Năm 2002, ông thành lập Vincom, công ty chuyên phát triển các dự án bất động sản thương mại và nhà ở trung - cao cấp.
Vinpearl và Vincom đều là công ty niêm yết và đã sáp nhập thành Vingroup trong năm nay. Hiện Vingroup đang nắm lợi ích kiểm soát trong 19 dự án bất động sản đa năng và nghỉ dưỡng mà tập đoàn này đang xây dựng tại Hà Nội, Tp.HCM, Hưng Yên và Đà Nẵng.

Dự án đa năng Royal City của Vingroup tại Hà Nội có giá bán căn hộ từ 1.800-2.500 USD/m
2. Khi hoàn thành vào năm tới, dự án này sẽ có công viên nước trong nhà và sân trượt băng đầu tiên ở Việt Nam.

Là một ông bố 3 con, ông Vượng nói ông muốn đem đến “trải nghiệm cuộc sống” mới cho người dân Việt Nam.


Theo chuyên gia phân tích Phương Tôn của Công ty Chứng khoán Bản Việt, thì vị trí đẹp chính là nhân tố giúp cho Vingroup bán được nhà với giá cao. Ngoài ra, một thế mạnh của Vingroup, theo bà Tôn, là công ty này có thời gian hoàn tất dự án nhanh chóng. Bà Tôn hiện khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ cổ phiếu của Vingroup.


Vincom Center A của Vingroup mới khai trương hôm 10/10/2012 tại TP.HCM
“VIC có một lợi thế đặc biệt về vốn, đó là lý do tại sao họ có thể thực hiện được các dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn ngay từ khi bắt đầu thực hiện”, bà Tôn nhận định. Năm nay, Vingroup đã huy động được 300 triệu USD nhờ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư quốc tế. Vào năm 2009, doanh nghiệp này là công ty Việt Nam đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi ở nước ngoài, huy động được 100 triệu USD.Ông Vượng cho biết sẽ thực hiện dự án bất động sản ở nước ngoài “khi nào có cơ hội tốt”. Năm nay, ông đã thuê hãng tư vấn McKinsey & Co. thực hiện rà soát chiến lược hoạt động kinh doanh của Vingroup và tư vấn công ty về chiến lược tương lai.

“Với tầm nhìn của họ thì việc bó buộc trong biên giới Việt Nam sẽ hạn chế tiềm năng phát triển của họ”, bà Tôn nói về Vingroup. Ông Vượng thường tới thăm nhiều thành phố nước ngoài để tìm kiếm ý tưởng khi xây dựng các dự án của mình.

Ông cũng là người coi trọng nguyên tắc và trao thưởng xứng đáng cho những ai làm việc hiệu quả với chất lượng tốt, luôn nhấn mạnh khẩu hiệu “tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong từng hành động” đối với nhân viên.
Bloomberg viết, nhà tỷ phú này thường chơi bóng đá và bóng rổ mỗi tuần với các nhân viên của mình tại trung tâm thể thao của công ty. Trong bộ đồ thể thao và giày đá bóng, ông thường chơi ở vị trí tiền đạo, người giữ nhiệm vụ ghi bàn cho đội bóng.
“Tấn công hơn là phòng thủ”, nguyên tắc này được vị chủ tịch tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam áp dụng cho tất cả mọi việc ông làm.

Nguồn: VnEconomy

CEO Mobiistar Carl Ngô Nguyên Kha: Lấy nông thôn vây thành thị

Với chiến lược Smartphone thương hiệu Việt, Mobiistar đã ghi dấu ấn thành công ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt sức mua và thị trường điện thoại thương hiệu Việt đuối sức trên sân nhà hiện nay.
Cuộc trò chuyện với Carl Ngô Nguyên Kha - Giám đốc điều hành Mobile Star - DN sáng lập và sở hữu Mobiistar từ tiền thân P&T Mobile - cho thấy không hẳn điện thoại Việt đã “hết đất sống”, và những điều đang đón đợi các DN điện thoại Việt ở phía trước.
Tìm một chỗ trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu
* Xin được bắt đầu bằng một câu hỏi mà bất kỳ ai là người Việt, cũng thấy “nóng” : Tại sao một thương hiệu điện thoại của VN, nhưng nhà máy sản xuất lại đặt ở Trung Quốc, thưa anh?
- Rất đơn giản, ở Trung Quốc có “vùng nguyên liệu”, hay còn gọi là công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho ngành sản xuất điện thoại di động nói riêng và các sản phẩm điện tử nói chung. Họ có những tỉnh, thành phố, khu công nghiệp chỉ chuyên sản xuất điện thoại đi động và các sản phẩm phụ trợ, bao quanh đó là các DN về cung ứng vỏ cứng, cung ứng bao vỏ hộp, làm khuôn...
Cũng cần phải nói thêm là hầu hết những thương hiệu điện thoại nổi tiếng hiện nay, đều đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Có lẽ cũng vì nguyên do này.
Tuy là sản xuất ở Trung Quốc, nhưng “đầu não” nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện của sản phẩm Mobiistar vẫn ở VN. Thiết lập hoặc ứng dụng phần mềm cho sản phẩm, thiết kế sản phẩm, khảo sát thị trường và chăm sóc khách hàng của Mobiistar đều là người VN, và của VN, đặt tại VN. Các đối tác sản xuất ở Trung Quốc là các đơn vị “outsourcing” theo đơn hàng của Mobile Star.
* Dù vậy, anh có thấy “lấn cấn” và mong muốn có một nhà máy sản xuất Mobiistar tại VN?
- Có không ít khách hàng đặt câu hỏi giống như chị. Họ tha thiết muốn có sản phẩm Việt 100%, do người Việt gia công, sản xuất. Vấn đề ở đây là chúng tôi có thể có vốn liếng, có thể đầu tư nhà máy, nhưng những khâu còn lại như đã nói ở trên, thì giải quyết ra sao?
Khi không có vùng nguyên liệu ngay sẵn bao quanh nhà máy, không có các nhân công chuyên gia công sản xuất sản phẩm điện thoại, chúng tôi sẽ phải “nhập khẩu”.
Như vậy không những tăng chi phí cơ hội mà chi phí cấu thành sản phẩm cũng tăng rất nhiều. Trong thời đại hiện nay, chúng ta vẫn hay đề cao “Just in time” - Đúng thời điểm. Nếu không đúng thời điểm thì không còn được người tiêu dùng đón nhận.
Không đúng thời điểm thì giá sản phẩm cũng có sự dao động và gia tăng rất lớn. Và không giải quyết được những vấn đề đó, cũng không còn lợi thế của Mobiistar là sản phẩm tốt nhưng giá hợp túi tiền người dân được nữa!
* Có nghĩa là trong tương lai, người Việt vẫn rất khó mơ về một thương hiệu điện thoại thuần Việt?
- Cá nhân tôi có suy nghĩ khác. Bây giờ đã là thời đại của kinh tế toàn cầu. Mọi sự phân công lao động hợp lý và bản thân mình có được sự đóng góp của mình trong một vị trí, công đoạn nào đó của chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, qua đó tìm kiếm được giá trị gia tăng, tôi cho đã là rất tốt. Không nhất thiết một DN phải làm hết từ đầu đến cuối ! Và không nhất thiết phải phân biệt mọi công đoạn, xuất xứ các công đoạn một khi đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
* Nhưng có lẽ nếu không vì một ước mơ điện thoại thương hiệu Việt, hẳn anh đã không từ bỏ vị trí rất được nhiều người mơ ước trước đây - Trưởng đại diện Sony Ericsson VN - vị trí anh bắt đầu từ năm 30 tuổi?
- Giữa việc xây dựng một sản phẩm, thương hiệu của riêng Cty mình, chăm chút cho mỗi sản phẩm ngay từ những đường nét chi tiết nhất để nó long lanh, vừa ý người tiêu dùng, chắc chắn sẽ khác nhiều so với việc quảng bá - marketing về chất lượng, vẻ đẹp của một sản phẩm không phải của chính mình.
Công việc ở vế thứ nhất như vậy theo tôi cũng thú vị hơn. Đương nhiên, với mỗi người điều đó sẽ được đánh giá khác nhau, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ với đại đa số những người làm kinh doanh, ngoài kinh doanh thu lợi nhuận, ai cũng mong có được những “đứa con” của mình, được chăm bẵm nó, nhìn nó lớn lên.
Quan trọng nhất: Khách hàng muốn gì!
* Vậy là khi đặt ra việc sản xuất và xây dựng nhãn hàng Mobiistar, P&T Mobile lúc ấy cũng không chỉ tính đến chuyện thu lợi?
- Có nhiều người do sở thích hoặc năng lực, mục tiêu, ngay từ đầu và cho đến về sau, họ chỉ chọn công việc phân phối. Sự phân công lao động và lựa chọn của mỗi người và điều đó khiến bức tranh kinh doanh phong phú hơn.
Để xác định được vị trí trong một chuỗi giá trị trong kinh doanh, người làm kinh doanh bao giờ cũng phải hiểu mình muốn gì và quan trọng hơn hết, là các đối tượng khách hàng mục tiêu của mình muốn gì.
Từ đó, mới thiết lập các công việc, hoạt động, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được mong muốn của các khách hàng mục tiêu. Điều đó quyết định ta chọn tham gia công đoạn nào hay sẽ đi từ đầu đến cuối sự ra đời, vận hành guồng máy phân phối một sản phẩm.
Thật ra nếu nhìn lại công việc của P&T, tiền thân của Mobile Star hôm nay, chúng tôi đã bắt đầu từ việc phân phối các sản phẩm, nhãn hàng khác. Nhờ các kinh nghiệm trong việc bán hàng, ra mắt các sản phẩm quốc tế, chúng tôi chọn con đường cho ra đời các dòng sản phẩm mới của mình hôm nay.
* Thị trường điện thoại thương hiệu Việt có khá nhiều “ông lớn”, như VNPT, FTP, Viettel... Vậy đâu là lợi thế cạnh tranh của Mobile Star bên cạnh những “nhà giàu” này?
- Chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề phải cạnh tranh, mà chỉ quan tâm đến chuyện mình có hiểu người tiêu dùng hay không, và làm thế nào để người tiêu dùng có cảm hứng muốn mua, muốn sử dụng không chỉ vì thấy nó hợp túi tiền.
Vì lý do đó, chúng tôi cũng huy động mọi khả năng có thể từ cộng sự, nhân viên để tập trung cho ra sản phẩm tốt nhất, để những đại lý phân phối, bán hàng cũng thấy họ có lý do, có lợi ích thực sự khi lựa chọn sản phẩm của chúng tôi và mang đến cho người tiêu dùng. Đó là cách mà chúng tôi cố gắng để phát triển, và cũng phù hợp với quy mô của Mobile Star.
* Anh có thể giới thiệu đôi chút về các dòng sản phẩm của Mobiistar?
- Chúng tôi hiện có 5 dòng sản phẩm chính : Dòng 1 là các sản phẩm chuyên dùng nghe gọi đơn giản, dòng B. Dòng 2 là @ với đặc trưng là các bàn phím tiện ích cho nhắn tin message.
Dòng 3 là sản phẩm với những tiện ích dành cho người nghe nhạc - M. Dòng thứ 4 với các đặc trưng dành cho người yêu thích thời trang - Fashion. Còn mới đây chúng tôi có thêm S - Smartphone, cho làn sóng ưa chuộng các sản phẩm này vốn mới bùng nổ.
Trong mỗi dòng chúng tôi thường có những nhóm sản phẩm với các đặc trưng khác nhau. Ở giai đoạn hiện nay thì có lẽ Smartphone theo tôi vẫn sẽ là dòng sản phẩm có thể khai triển trong tương lai. Nhưng “tương lai” trong lĩnh vực kinh doanh này cần phải hiểu chỉ có ý nghĩa đôi khi rất ngắn, vì sự thay đổi và chuyển biến là không ngừng.
* Nghĩa là một DN sản xuất và kinh doanh điện thoại khó có thể xây dựng, định vị và trông cậy vào một dòng sản phẩm chính, dù đó là dòng nào?
- Cách đây một năm, chúng tôi đã dự báo sẽ có làn sóng sử dụng Smartphone tại VN. Căn cứ trên dự báo đó, chúng tôi đã đưa ra sản phẩm Pre-Smartphone (tiền smartphone), với khoảng 7 sản phẩm.
Cách đây khoảng 3 tháng chúng tôi cho ra đời sản phẩm Touch S01, ứng dụng hệ điều hành Android với 3G, giá dưới 3 triệu VND và được người tiêu dùng đón nhận, tạo ra độ nóng nhất định. Có thể nói đây là dòng sản phẩm thành công của Mobiistar hiện nay.
Ngay sau đó, chúng tôi giới thiệu điện thoại Touch S02, smartphone android với kết nối wifi, giá khoảng 1,8 triệu đồng. Chúng tôi cũng được đón nhận tốt với sản phẩm Touch Lai 5, sản phẩm “lai” giữa máy tính bảng và điện thoại thông minh.
Trong tháng 9 này, chúng tôi có sản phẩm Touch S03 với màn hình 4.0, chạy HĐH Android, kết nối 3G mà giá có 2,8 triệu, Đặc biệt là sản phẩm Touch Kem 430 với phiên bản Ice Cream Sandwich (Android 4.0) giá khoảng 3,4 triệu.
Nói vậy để thấy: chưa nói đến chuyện đi đầu, đón trước, nắm bắt được xu hướng thị trường, chỉ mỗi việc bắt kịp thôi thì DN đã không thể dừng lại ở một vài sản phẩm và cứ thế sản xuất hoài. Thế giới ngày càng thông minh và bất kỳ DN nào trong ngành này muốn tồn tại, cũng phải không ngừng đón trước và thay đổi !
* Nói như vậy, có thể kỳ vọng vẫn còn có những “ngách” để các nhãn hàng điện thoại Việt phát triển?
- Tôi cho là mọi sự so sánh đều rất khó chính xác. Các nhãn hàng quốc tế đa phần đều đã định vị mình và có những dòng sản phẩm rất nổi tiếng. Các nhãn hàng trong nước tuy cũng có lợi thế riêng trên thị trường nội địa, nhưng khó khăn vẫn là chính. Chúng tôi cố gắng khai thác những lợi thế riêng trên thị trường nội địa, để làm ưu thế phát triển của mình.
Lấy ví dụ cùng là một sản phẩm điện thoại Smartphone, với thương hiệu quốc tế, người tiêu dùng phải trả tiền gấp đôi, hoặc gấp ba trong khi một sản phẩm tương tự của thị trường nội địa, chất lượng khoảng một 8 một 10, thì chỉ phải trả một cái giá rẻ bằng 1/2, thậm chí 1/3. Để làm được như vậy, chúng tôi tiết giảm mọi chi phí.
Chúng tôi tiết kiệm thay cho khách hàng để cùng một đồng chi phí bỏ ra, khách hàng được “tận hưởng nhiều hơn” như slogan của chúng tôi.
Nhưng rất khó để có thể nói rằng liệu đó có phải ngách cho nhãn hàng điện thoại Việt cùng tìm đường hay không.
* Vậy Mobiistar sẽ tiếp tục đối mặt với những ngả đường phía trước, bằng “kim chỉ nam hành động” nào?
- Đẹp. Độc. Đã. – đó là những ”từ khóa” chúng tôi đã đề ra khi giới thiệu dòng sản phẩm điện thoại xem phim 3D không cần đeo kính. Đây là kim chỉ nam Mobiistar hướng tới để khách hàng của mình “tận hưởng nhiều hơn”.
* Xin cảm ơn và chúc anh thành công!
Flag Counter