Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Nguyễn Thùy Liên - nữ giám đốc 8x xinh đẹp và tài năng

“Chúng ta có thể thay đổi sâu sắc cuộc đời bằng một quyết định đơn giản, ít nhất là mở lòng ra đón nhận cái mới” - Quan niệm sống của Nguyễn Thùy Liên.

Khởi nghiệp vào năm 21 tuổi chỉ với chiếc laptop cũ trong căn phòng nhỏ mượn tạm của người bạn, sau ba năm Nguyễn Thùy Liên đã là chủ sở hữu của ba công ty có tiếng trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu, đào tạo, định hướng, nâng cao năng lực lãnh đạo. Sau những gì đã đạt được, giờ đây Thùy Liên vẫn như con thoi giữa các chương trình cho cộng đồng, trao tặng và tìm kiếm học bổng cho các bạn sinh viên. Nhân ngày 20/10, chúng ta cùng lắng nghe những chia sẻ của nhà nữ lãnh đạo trẻ sinh năm 1987 về công việc - cuộc sống - gia đình nhé!

Theo tôi được biết, từ khi còn trong đại học chị đã lãnh đạo khá nhiều câu lạc bộ đội, nhóm sinh viên và vừa học vừa làm. Vậy những điều ấy đã giúp ích như thế nào cho chị trong quá trình làm việc sau này?

Khoảng thời gian này đã đem lại cho Liên rất nhiều những trải nghiệm hữu ích, giúp Liên có nhiều tự tin khi kinh doanh, nhất là khả năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ, khả năng thuyết phục… và nhất là đã giúp Liên phát hiện và phát huy sở trường  của mình là những hoạt động liên quan đến làm việc với con người và có thể suy nghĩ liên tục mấy ngày mà không thấy chán.

Tuy còn trẻ nhưng chị đã gặt hái được khá nhiều thành công, cũng không phải là dễ dàng gì để có được kết quả như ngày hôm nay thế chị đã thấy hài lòng với những gì mà mình đạt được chưa? Trong thời gian tới chị có dự định gì không?

Trong thời gian tới Liên sẽ vận động thực hiện chương trình “Tôn vinh trí tuệ Việt Nam”. Liên nhận thấy là hệ quả về kinh tế, xã hội ở các nước được xem là tiên tiến trên thế giới đặt ra một câu hỏi là “liệu cái gì của nước ngoài cũng đều tốt không?”. Tâm lý người Việt mình khá là sính ngoại, cứ đua đi học và bắt chước theo nước ngoài. Càng hội nhập thì càng hòa tan. Liên không phủ nhận việc mình phải học hỏi tiếp thu tinh hoa, nhưng trước hết mình phải nắm được cái tinh túy của chính mình cái đã. Việt Nam có rất nhiều cái hay để học lại như Ông cha ta đã làm gì để thành công trong các cuộc kháng chiến? Truyền thống gia đình và gìn giữ các mối quan hệ thâm giao? Sự nhẫn nhịn... hay dù khó khăn đủ điều nhưng 1 số Doanh nghiệp Việt vẫn phát triển tốt? Vậy thì tại sao mình không quay lại học ở VN trước? Chẳng phải những chuyên gia người Việt ở nước ngoài thành công cũng vì họ phối hợp cái tinh hoa tư duy của người phương Đông với phương pháp khoa học của phương Tây hay sao?... Và việc gần nhất Liên là viết 1 cuốn sách về những phát hiện mới về con người và nghệ thuật quản trị phù hợp cho người Việt trong quá trình công tác và quan sát của mình.

Những lúc bế tắc trong công việc và cuộc sống chị thường nghĩ tới điều gì hoặc làm gì để có động lực tiếp tục tiến lên hoàn thành công việc một cách tốt nhất cũng như cân bằng được cuộc sống của chính mình?

Liên ít khi gặp bế tắc, nhưng mỗi khi gặp thì Liên tĩnh tâm lại và hỏi “ mình thực sự muốn gì?” và “ bây giờ mọi chuyện đang như thế nào?”. Sau đó giải pháp xuất hiện và cứ thế làm tiếp.

Theo chị, một người phụ nữ, giữa gia đình và sự nghiệp cái nào quan trọng hơn và cái nào quyết định cái nào?

Theo Liên thì cái nào cũng quan trọng cả. Và quan trọng nhất là bản thân mình, bản thân mình tốt, hạnh phúc thì mới làm tốt vai trò trong gia đình và sự nghiệp.

Chị có mẫu người đàn ông của riêng mình không? Nếu có, đó là một người như thế nào?

Liên đã có gia đình, muốn biết mẫu đó như thế nào chắc phải đến gặp ông xã của Liên để tìm hiểu.


Chị đã có gia đình, vậy trong cuộc sống vợ chồng, ông xã chị đã giúp đỡ chị như thế nào trong công việc cũng như trong cuộc sống?

Liên có thiên hướng về tư duy, giao tiếp, viết lách nhưng về đi đứng, công nghệ... thì lại như một nàng ngố. May là có ông xã luôn bên cạnh hỗ trợ. Hai vợ chồng có chung suy nghĩ về cuộc sống và triết lý kinh doanh nên ông xã hỗ trợ Liên hết mình trong công việc, từ những việc nhỏ như đi đâu cũng chở Liên đi, tìm các giải pháp công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng của Liên hay luôn khen mấy món ăn Liên " tự chế" và  không cho Liên động tay vào việc nhà sợ hư tay... cho đến việc nỗ lực học phát triển bản thân để có thể chia sẻ nhiều hơn với Liên trong công việc. Liên cảm thấy mình và ông xã giống như hai người sinh đôi vậy. Nhờ ông xã đồng cảm như vậy mà Liên cảm thấy mình cần nỗ lực hơn nữa.

Nhân cơ hội này, chị có muốn nhắn nhủ gì đến người chồng yêu quý của mình không ạ?

Cảm ơn ba mẹ đã sinh ra anh, cảm ơn cuộc đời đã cho anh và em gặp nhau, cảm ơn anh.

Như được biết, chị là một người phụ nữ trẻ, hiện đại. Vậy lý do hay động lực nào khiến chị mở một trung tâm liên quan đến Thiền?

Trung tâm được lập ra với sứ mệnh ứng dụng Thiền để nâng cao năng lực lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo được định nghĩa là Lãnh đạo bản thân. Lãnh đạo bản thân mình thì mới Lãnh đạo được người khác. Khi đạt đến mức phát triển cao trong lãnh đạo bản thân thì mình sẽ đạt đến sự bình an thường trực và trí tuệ sáng suốt. Loại Thiền mà trung tâm triển khai là Thiền chủ động - proactiveZen, tác giả của loại Thiền này là người Việt Nam và theo hiểu biết của Liên từ những người đi du lịch Thiền ở nước ngoài và sách vở thì loại Thiền này chưa được khai thác kinh doanh trên thế giới.

Thực ra, Liên ấp ủ một mong muốn lớn hơn, đó chính là góp phần định vị lại Việt Nam trên bản đồ thể giới. Như chúng ta biết thì Việt Nam đang bị bế tắc trong việc tìm ra điểm khác biệt để thu hút khách du lịch quay lại VN từ lần thứ 2.

Có một câu chuyện là có một người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, họ muốn học thiền, bạn Liên dẫn họ đi học Thiền cổ truyền, hỏi ra nguồn gốc thiền này có từ đâu? Thì là từ Ấn Độ, thế là họ hỏi lại “ vậy tôi qua Ấn Độ học tận gốc cho hiệu quả chứ sao lại học ở Việt Nam?”, thế là họ không học.

Từ đó Liên thấy rằng, muốn thu hút khách lâu dài thì Việt Nam cần có những sản phẩm – dịch vụ riêng có và thuần Việt chứ không thể nào vay mượn được. Trong đó, sự bình an là một món hàng mà ai cũng cần, và họ càng cần hơn trong thời đại hỗn loạn này. Nên Liên nhận định đây là một sản phẩm sẽ tạo nét khác biệt lõi cho Du lịch Việt.

Và quan trọng hơn cả là: nếu Việt Nam muốn phát triển du lịch loại Thiền này thì Các công ty du lịch và người dân phải học loại thiền này ở trình độ cao. Thế là ai cũng bình an, ai cũng trí tuệ, cuộc sống sẽ rất là tuyệt vời, không những giảm được tệ nạn xã hội, bạo hành mà còn dịch chuyển cấu trúc kinh tế VN sang các ngành Trí tuệ hơn và mang tính “người” hơn.

Qua những khó khăn đã trải qua cũng như thành công mà chị đã gặt hái được, chị có chia sẻ gì đến những người phụ nữ muốn kinh doanh và cách khẳng định mình trong xã hội?

Liên nhận ra rằng để thành công thì mình cần phải là chính mình. Mình đừng cố gắng khẳng định mình với ai hay với xã hội, hãy tập trung phát triển bản thân mình để có trí tuệ và bình an cho chính mình. Rồi sau đó chuyện gì đến sẽ đến. Thành công không phân biệt giới tính, quan trọng ở chỗ nhận thức “mình là ai” mà thôi.

Chị muốn chia sẻ điều gì nhân dịp 20/10 này không?

Liên thấy ngày 20/10 là dịp rất ý nghĩa để chị em mình tự hào mình là người phụ nữ Việt Nam với những truyền thống rất đáng trân trọng. Và trong xã hội hiện đại này, phụ nữ chúng ta càng phải yêu thương bản thân mình hơn để thực sự được hạnh phúc và mang lại sức sống cho những người xung quanh. Nhân ngày 20/10, Liên xin chúc cho chị em phụ nữ chúng ta ngày càng trí tuệ và hạnh phúc hơn.

Chúc chị có một ngày 20/10 thật vui và ý nghĩa bên cạnh những người thân yêu, luôn dồi dào sức khỏe và thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp.

11 nữ doanh nhân điều hành tập đoàn nghìn tỷ

1. Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953, nguyên quán Cần Thơ, tốt nghiệp đại học ở Nga. Hiện tại, bà đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM).
Tới 30/6/2012, Vinamilk có vốn chủ sở hữu ước tính 13.864 tỷ đồng, tổng tài sản lên tới 18.122 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, công ty có doanh thu 20.098 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và hoàn thành 76% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2012 của doanh nghiệp cũng tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 5.000 tỷ đồng. Đầu năm, vị chủ tịch Vinamilk còn được tạp chí Mỹ Forbes bình chọn là một trong 50 nữ CEO quyền lực nhất châu Á, xếp vị trí thứ 35. Bà Liên là một trong 50 Người Tiên phong năm 2012 do VnExpress bầu chọn.

2. Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai

Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960, nguyên quán Phú Yên. Bà là người thành lập và điều hành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) với tổng tài sản tính tới hết quý II trên 5.000 tỷ đồng. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai hiện nắm 47,67% cổ phần doanh nghiệp.
Quốc Cường Gia Lai là tập đoàn danh tiếng trong ngành bất động sản. Do thị trường không thuận lợi, báo cáo kết quả kinh doanh trong quý II của đơn vị không mấy khả quan. Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm khoảng 3 lần so với năm ngoái, đạt hơn 910 triệu đồng. Hiện, giá cổ phiếu QCG dao động quanh mức 7.000 đồng một đơn vị.

3. Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công

Bà Huỳnh Bích Ngọc sinh năm 1962, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Thành Thành Công. Đồng thời, bà Ngọc cũng là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal - mã: SCR) kiêm Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT).
Được mệnh danh là "nữ hoàng" ngành mía đường, tuy nhiên theo các thông tin công khai, bản thân bà Ngọc lại sở hữu rất ít cổ phiếu của các công ty trên. Hiện, bà Ngọc chỉ nắm trên 670.000 cổ phiếu BHS, tương đương 2,25% cổ phần tại Công ty cổ phần Đường Biên Hòa.
Thành Thành Công hiện đầu tư vào 16 nhà máy mía đường tại Việt Nam. Trong đó, phải kể tới 4 công ty lớn thuộc tập đoàn như Bourbon Tây Ninh (tổng tài sản trên 2.400 tỷ), Đường Biên Hòa (tổng tài sản gần 1.100 tỷ), Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS - tổng tài sản gần 1.100 tỷ đồng), Công ty cổ phần Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai (SEC - tổng tài sản gần 660 tỷ đồng).
Bà Ngọc là phu nhân ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ngân hàng cổ phần thuộc tốp đầu ở Việt Nam. Con trai và con gái ông bà cũng đang được giao trọng trách tại các công ty lớn của gia đình.

5. Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Vàng bạc đá quý Phú Nhuận

Bà Dung sinh năm 1957, nguyên quán Quảng Ngãi, từng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thương nghiệp. Bà bắt đầu tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận từ năm 1988 trên cương vị Giám đốc.
Từ năm 2004 tới nay, bà trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp, lúc này đã được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Năm 2011, bà Dung được bầu chọn vào top 5 danh sách Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ernst & Young tổ chức.
Theo thông tin công bố, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận hiện có vốn chủ sở hữu đạt 1.203 tỷ đồng, tổng tài sản trên 2.800 tỷ đồng. Báo cáo bán niên năm 2012 soát xét của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cho thấy, lãi ròng lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp thu về 131,9 tỷ đồng, doanh thu lên tới 3.668 tỷ đồng.
Được mệnh danh là bà hoàng của nữ trang Việt, bà Dung cũng nằm trong danh sách 50 Người Tiên phong năm 2012 theo bình chọn của VnExpress.

5. Nguyễn Thị Phúc Lâm - Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt

Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm sinh năm 1958, nguyên quán Nghệ An. Năm 2007, bà Lâm giữ chức Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Tập đoàn Bảo Việt. Đồng thời nữ CEO Bảo Việt cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Bảo Việt (BaoViet Bank) và Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVS).
Tập đoàn Bảo Việt là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm. Tính đến hết quý II năm nay, theo thông tin công bố, Bảo Việt có tổng tài sản trên 48.847 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.027 tỷ đồng; tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.720 tỷ đồng.

6. Chu Thị Thanh Hà - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT

Bà Chu Thị Thanh Hà sinh năm 1974, được xem như một bông hồng của ngành công nghệ thông tin. Bà có bằng cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Hawaii, Mỹ. Hiện tại, bà Hà đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT (FPT).
Đến quý II/2012, Tập đoàn FPT có tổng tài sản ước tính 14.404 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 6.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 1.755 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch cả năm.

7. Chu Thị Bình - Phó tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú

Bà Bình sinh năm 1964, hiện là Phó tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC). Buổi sơ khai, Thủy sản Minh Phú do bà và chồng sáng lập có mức vốn chỉ vỏn vẹn 120 triệu đồng.
Tính tới 30/6/2012, tổng tài sản tại tập đoàn này lên tới 5.649 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.569 tỷ đồng. Lũy kế lãi ròng 6 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú thu về gần 61 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 3.824 tỷ đồng.

8. Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT Bourbon Tây Ninh

Ức My là nữ tướng trẻ nhất danh sách, chị sinh năm 1981 trong gia đình có truyền thống kinh doanh, bố là ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Sacombank (STB), mẹ là bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Thành Công. Trước đây, Ức My từng sang New Zealand học tập và lấy bằng cử nhân Quản trị kinh doanh - tài chính.
Năm 2009, chị đã đảm nhiệm chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công. Tới tháng 4 năm nay, Ức My trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT).
Hiện tại, SBT là một trong những blue chip góp mặt vào danh sách VN30 trên sàn HOSE. Theo báo cáo tài chính bán niên 2012 soát xét, Công ty Bourbon Tây Ninh có tổng tài sản đạt 2.423 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 1.677 tỷ đồng.

9. Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang

Bà Việt Nga sinh năm 1951, nguyên quán Cần Thơ, hiện điều hành Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) trên cương vị Chủ tịch HĐQT. Bà từng tốt nghiệp Đại học Dược và trở thành dược sĩ, nhưng đồng thời, bà cũng tiếp tục sự nghiệp học hành và chinh phục học vị tiến sĩ kinh tế.
Năm 1988, bà Nga chính thức được bổ nhiệm chức Giám đốc Xí nghiệp Dược Hậu Giang. Tới năm 2004, khi doanh nghiệp chuyển mô hình sang cổ phần hóa, bà vẫn tiếp tục cương vị Tổng giám đốc.
6 tháng đầu năm 2012, Dược Hậu Giang đạt doanh thu thuần 1.311 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về 262,8 tỷ đồng. Tổng tài sản công ty đạt 2.232 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.526 tỷ đồng.
Bà Nga là một trong 50 Người Tiên phong do VnExpress bầu chọn.

10. Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Cơ điện Lạnh

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh năm 1952, nguyên quán Tây Ninh, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE (REE). Ngoài ra, bà Thanh cũng là Thành viên HĐQT Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP HCM.
REE là đơn vị kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ điện công trình, sản xuất, lắp ráp và kinh doanh hệ thống điều hòa không khí, phát triển, quản lý bất động sản. Hết quý II, tổng tài sản của REE đạt trên 5.300 tỷ. Theo báo cáo gần mới đây về kết quả kinh doanh, 9 tháng, REE đạt doanh thu trên 1.768 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 630 tỷ đồng.
Bà Thanh cũng là một nhân vật Tiên phong của năm 2012, theo bình chọn của VnExpress.

11. Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn

Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961, nguyên quán An Giang. Bà Khanh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), với tỷ lệ nắm giữ 50,86% cổ phần, tương đương gần 23,4 triệu cổ phiếu VHC.
Vĩnh Hoàn là một trong những công ty đứng đầu về thủy sản tại Việt Nam. Theo báo cáo tài chính quý II, VHS có tổng tài sản trên 2.727 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 1.930 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 133 tỷ đồng.

Flag Counter