“Thất bại” thường gợi cho
con người nỗi sợ hãi, chán nản. Những đứa trẻ không biết đến khái niệm
này nên chúng thoải mái, tự do học hỏi, khám phá cuộc sống. Khi với thử
một vật hấp dẫn ở trên cao mà không được, chúng không cho đó là thất
bại, chúng không chán nản mà sẽ bắc ghế cho mình cao hơn để có thể với
được đồ vật đó.
Nếu sút bóng lệch khỏi khung thành, chúng lại tiếp tục đuổi theo quả
bóng và sút lại cho tới khi mệt nhoài mới thôi. Không chán nản vì thất
bại, đứa trẻ sẽ biết được cảm giác hạnh phúc, sung sướng khi thành công.
Trái lại, người lớn thường bị ảnh thưởng rất lớn bởi “thất bại”. Mỗi khi
vấp ngã, họ tự dằn vặt mình: mình là đồ vô dụng, không thể làm được
việc gì. Con người thường nhớ đến những đau khổ, bất hạnh, khó khăn mình
đã trải qua hơn là niềm vui, những may mắn, hạnh phúc mình có được. Vì
vậy khi một chiến lược kinh doanh không thành, họ chỉ nghĩ vốn và những
khoản lợi nhuận đã mất chứ không thấy được những cái họ đã đạt được như
mối quan hệ và uy tín với khách hàng… Và nhiều người e ngại thất bại, sợ
tới mức không dám đầu tư vào những kế hoạch làm ăn mà họ chưa nắm chắc
phần thắng, nhưng như vậy cũng có nghĩa là họ sẽ bỏ qua mất cơ hội làm
giàu. Khi yên vị trong cái vòng tròn an toàn do chính họ đặt ra, họ sẽ
tránh được tổn thương và không còn lo phải xấu hổ, mất mặt vì thất bại,
nhưng họ cũng tự làm mất đi nhiều cơ hội học hỏi, phát triển và hoàn
thiện bản thân.
Bất kì một người nào, dù có cẩn thận và hiểu biết sâu rộng đến đâu cũng
không thể tránh khỏi những sai lầm và thất bại, bởi đó không phải là thứ
con người có thể kiểm soát được. Dù không ai muốn thất bại, nhưng những
người không chấp nhận thất bại thì cũng không thể đến được với thành
công, bởi vậy mới có câu: “Thất bại là mẹ thành công”.
Khi bước vào con đường kinh doanh, chúng ta phải học cách chung sống với thất bại:
Mỗi lần ngã là một lần bớt dại
Ai nên khôn chẳng dại một đôi lần.
Hãy coi “thất bại” chỉ là một bước sẩy chân trên con đường đời. Chúng ta
sẽ không vì một bước xảy chân mà dừng lại giữa đường không đi tiếp, nên
cũng không thể vì sợ một vài lần thất bại mà không dám làm tiếp. Hãy
đối mặt với hậu quả của thất bại ở cả hai mặt bên ngoài (Những gì xảy ra
trong thế giới xung quanh) và bên trong (Những gì bạn nghĩ về bản thân
bạn và những điều bạn cho là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của bạn).
Hậu quả bên ngoài thật ra còn không tai hại bằng hậu quả bên trong: nói
khiến bạn lo lắng, nặng nề, lo sợ không dám làm việc, phấn đấu nữa.
Không làm gì, bạn sẽ không thất bại, nhưng cũng có nghĩa là bạn không hề
có cơ hội thành công và đạt được những ước mơ của mình.
Bạn hãy thay đổi cách suy nghĩ, kiểm soát những hậu quả bên trong của
thất bại. Cần nhìn mọi việc một cách khách quan hơn, tự tin vào bản
thân. Vụ đầu tư vừa rồi bạn bị lỗ, nhưng có thể nó đã gây dựng được các
hệ thống phân phối hàng, gây dựng được lòng tin với khách hàng. Khách
hàng đã biết đến sản phẩm của bạn, và bạn sẽ tiếp tục đầu tư, dần dần
sản phẩm của bạn đã chinh phục được thị trường, và bạn đã thành công.
Bạn sẽ không thể có được điều này nếu vì sợ lỗ mà bạn dừng lại ngay từ
phi vụ đầu tư thất bại đầu tiên.
Nỗi sợ hãi mắc sai lầm sẽ làm người ta không dám mạo hiểm, không dám áp
dụng những ý tưởng mới, khả năng sáng tạo sẽ bị giết chết và con người
không thể tiến lên. Nếu dẹp bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực, nhìn mọi thứ
một cách khách quan hơn và tập trung vào những kết quả thực tế đã đạt
được, chúng ta sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi, rèn luyện được kĩ năng và
xây dựng được môi trường tích cực để phát triển. Hãy nói “Tôi sẽ cố gắng
hết mình, tôi sẽ làm được” chứ đừng tâm niệm: “Tôi là kẻ vô dụng, tôi
luôn luôn thất bại, chắc chắn tôi sẽ không làm được”. Chắc chắn hiệu
quả, năng suất làm việc của bạn sẽ tăng lên rất nhiều và thành công sẽ
nằm trong tầm tay. Thành công sẽ càng khiến bạn tự tin hơn, và tích cực
làm việc hơn. Những thất bại sẽ không thể vĩnh viễn không còn, nhưng bạn
sẽ không e ngại nó, mà nó lại đem lại cho bạn những bài học, kinh
nghiệm để bạn bước tới thành công khác.
Thất bại là cơ hội để học tập. Bạn sẽ rút ra được vì sao bạn thất bại và
lần sau bạn sẽ không mắc sai lầm như vậy nữa. Nếu không dám đối mặt, cố
quên đi những sai lầm của mình, có thể sau này bạn sẽ lại mắc phải sai
lầm tương tự. Những người chưa từng vấp ngã, chưa từng thất bại thì cũng
chưa từng được rèn luyện và họ sẽ dễ dàng ngã khụy khi gặp khó khăn.
Hầu hết các thương gia trở nên thành đạt sau những sai lầm lớn. “Thất
bại” đối với họ chỉ là bước sẩy chân trên con đường đi đến thành công.
Thành công cũng là cơ hội để học hỏi. Bạn hãy xem xét kĩ lại những thành
công của mình, của đồng nghiệp, của đối tác… để rút ra những điều làm
nên thành công đó và học hỏi, rút kinh nghiệm.
Hãy lạc quan, tin tưởng vào bản thân rằng mình sẽ vượt qua tất cả, những
gì mình đã làm dù thất bại thì cũng là bài học kinh nghiệm giúp bạn học
hỏi và phát triển. Hãy tự thưởng cho mình sau mỗi chặng đường thực hiện
mục tiêu, chia sẻ thành quả mình đã làm được với người khác và gây dựng
sự tự tin, tự hào về bản thân. Nỗi sợ hãi sự thất bại sẽ không bao giờ
có thể đánh gục được bạn, và sự lạc quan của bạn cũng sẽ tác động tốt
đến nhân viên, khách hàng của bạn. Sau mỗi bước “sẩy chân”, bạn càng đến
gần thành công hơn.
Theo Vietchinabusiness