Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Ngày cắt 6 mái tóc, tháng lương hơn 50 triệu đồng


Gia đình từng là “dân nghèo giữa thủ đô” nên Thanh Monaco, ông chủ hiệu cắt tóc trên phố Lạc Trung - Hà Nội đã khởi nghiệp “cầm kéo” từ những sợi dây ni lông xé nhỏ.

Tập cắt từ sợi dây ni lông

Từ khi học lớp 10, Phạm Ngọc Thanh đã quyết định không thi đại học mà sẽ học nghề cắt tóc. Không phải vì anh học kém mà chỉ đơn giản, được cắt tóc là đam mê, là ước mơ của anh.

Ngày đó, ước mơ này bị gia đình, nhất là bố anh phản đối kịch liệt vì trong mắt ông, thợ cắt tóc là những kẻ “a-ma-tơ”, học hành chẳng ra gì, không đỗ ĐH và có “máu” chơi bời, ăn diện mới đi làm nghề cắt tóc.

Thế nhưng tôi là đứa bướng bỉnh số một, thế nên ông cụ không thể “đánh cắp” được ước mơ của tôi” - Thanh Monaco cười nói.

“Lúc đó tôi nghĩ, nếu mình học ĐH, sau này ra trường cầm mảnh bằng đi xin việc, lương tháng 5 triệu. Nếu không thích lại “nhảy” chỗ khác, lại mang mảnh bằng 4 năm của mình ra mặc cả. Tôi thấy cái giá như vậy rẻ quá. Tôi không muốn sống như vậy".


Tiệm cắt tóc của Phạm Ngọc Thanh
Hà Nội những năm 2000, gia đình Thanh vẫn nghèo đến mức không thể sắm cho anh cây kéo tốt, cái đầu ma-nơ-canh. Đồ nghề khởi nghiệp của Thanh là cái cột trụ lan can trong nhà.

“Tóc” được anh chàng này “thiết kế” từ những sợi dây ni lông xé nhỏ. Cứ thế, anh chàng ham tóc, ham cắt này ngày ngày xé dây ni lông, bện bện, cắt cắt, tạo kiểu. Thậm chí, anh chàng này từng tập cắt cả trên… lông gà, lông vịt!
“Rồi hồi đó, tôi cũng có cái sĩ diện của thằng con trai chứ. Có ai lại đi ca ngợi, thần tượng một thằng cắt tóc! Thế nên khi tôi treo cái biển ở vỉa hè, bon bạn tôi cười nghiêng ngả. Nhiều đứa còn chọc ghẹo. Mà gặp con gái thì xấu hổ lắm!” (lại cười).
Pha một chút tự kiêu, chàng trai sinh năm 1986 này kể lại chuyện cái biển: “Hồi đó cứ tan học là tôi lại treo cái biển ở góc phố. Thực ra nó là một mảnh gỗ chỉ đủ viết hai chữ “cắt tóc” theo chiều dọc, còn hai chữ “nghệ thuật” viết tắt là “NT”. Cũng oai như cóc!” (cười nghiêng ngả).
Cái hồi đó mà Phạm Ngọc Thanh kể mới cách đây 7, 8 năm. Anh chàng được mệnh danh kiêu căng này kể lại, người thầy đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này là một người bạn dạy anh cách cắt kiểu tóc lá. Từ người thầy đầu tiên này, anh nhận ra là chỉ có tự học mới giỏi!
Thế nên Phạm Ngọc Thanh có kiểu học cắt tóc không giống ai. Anh không học từ bất kỳ người nào vì cho rằng, nếu làm theo họ, anh sẽ lặp lại cách cắt của họ- những cách cắt phổ biến không mang lại cho khách hàng một mái tóc tự nhiên, ít cần phải chăm sóc mà vẫn đẹp. Vì thế, anh tự mày mò để tìm ra cách làm riêng.
Cho đến bây giờ, tiếng Anh vẫn là thứ Phạm Ngọc Thanh phải đầu tư học nhưng từ trước tới nay, anh chàng này đã dùng Internet để tìm kiếm trên các trang web nước ngoài cách dạy cắt tóc. Tự tra từ điển, dịch từng từ, từng câu rồi ghi chép lại, rồi thực hành, rồi rút ra kinh nghiệm….
Suốt mấy năm ròng, Thanh Monaco say sưa với cây kéo, những lọn tóc giả, những bó dây ni lông hơn bất cứ thứ gì. Về sau, khi biết các kiểu cắt, những mái tóc của các bạn trai, bạn gái đều được Thanh “chém” nhiệt tình.
Theo Phạm Ngọc Thanh, không phải nghề “học” mới cần sự học hành bài bản, học từ gốc mà nghề tóc của anh cũng phải như vậy. Nếu chỉ học theo lối bắt chước, không am hiểu tận gốc về tóc, về màu sắc, kiểu mẫu tóc … thì người thợ không thể sáng tạo.
Thay vì chỉ học lấy vài kiểu cắt, vài cách pha màu, uốn nhuộm rồi mở cửa hàng, Phạm Ngọc Thanh đã tự viết cho mình những cuốn “giáo trình” bài bản về từng chi tiết nhỏ trong nghề.

Không cắt quá 6 mái tóc một ngày

Giờ Thanh đã là ông chủ của một salon tóc. Những ai từng cười chê và phản đối con đường đi của anh đều phải công nhận anh đã lựa chọn đúng. “Lương” bình quân của ông chủ 26 tuổi, mỗi ngày cắt 6 mái tóc, có 3 đệ tử này là 50 triệu/tháng.


Phạm Ngọc Thanh (ngoài cùng bên trái) và 3 đệ tử
Lý giải cho cái thói “chảnh” không cắt quá 6 đầu/ngày này, Phạm Ngọc Thanh cho biết: “Cắt tóc cần sự sáng tạo. Mà sáng tạo thì phải có thời gian. Đó là thái độ làm việc nghiêm túc trong nghề nghiệp".

Ẩn đằng sau quy định 6 mái tóc/ngày này là dự định về một Monaco Academy, một nơi ứng dụng phong cách làm việc hoàn toàn mới và đầy vẻ mạo hiểm của anh. Anh thu tiền dựa trên mức độ hài lòng của khách.
Nếu khách hoàn toàn hài lòng, anh sẽ thu theo giá quy định và khách được quyền “miễn trả công” nếu họ không hài lòng với chất lượng dịch vụ của cửa hàng.
“Nghe có vẻ mạo hiểm nhưng tôi tin rằng khi người ta được phục vụ tốt, hoàn toàn hài lòng thì họ rất khó không chi trả tiền công cho mình. Nếu có người như vậy thì tôi cũng … không chấp! (Cười to)… Tôi chưa thấy có gì không suôn sẻ vì từ khi áp dụng cách này, chưa có vấn đề gì xảy ra cả. Như thế, các tay kéo ở cửa hàng tôi chỉ có một cách là làm cho khách hoàn toàn hài lòng!”.
Thanh cho rằng, đã qua rồi cái thời một số ít người giỏi nghề nên muốn phục vụ khách hàng thế nào cũng được. Dần dần, mặt bằng tay nghề sẽ ngang nhau, nơi nào phục vụ tốt, nơi đó sẽ làm ăn tốt.
Ông chủ cửa hàng tóc bây giờ vẫn giữ thói quen lên mạng tự học mỗi ngày. Và cái lý do quan trọng nhất “đè bẹp” cái kiêu cho rằng mình giỏi, không phải thay đổi là vì anh đã “nhìn ra thế giới”.
Phong cách làm việc chuyên nghiệp của những thợ cắt tóc phương Tây khiến anh quyết định sẽ có một chuyến du học. Du học không chỉ để học nghề, mà còn để học lề lối làm việc, văn hóa phục vụ của những người thợ cắt tóc chuyên nghiệp hàng đầu thế giới để có thể định hình phong cách cho sự nghiệp cắt tóc và salon tóc của mình - đó là lối đi riêng của Thanh Monaco.

Nguồn: Vietnamnet

Chủ tịch HĐQT VTC Online Phan Sào Nam: "Giỏi mà nghèo thì không thể sống khỏe!"


Gặp Phan Sào Nam ngoài đời, tôi chắc 100% không ai nghĩ anh là CEO của một công ty công nghệ có giá trị hàng ngàn tỉ đồng với hơn 500 nhân viên. Nhìn anh có vẻ lãng tử như một… nghệ sĩ Hàn Quốc và phong cách rất "casual": cả tuần mặc jeans và áo phông (áo đồng phục công ty).
Có dạo, anh còn để tóc dài bồng bềnh. Hai thương hiệu mà Nam yêu thích và biết duy nhất là Jeep và National Geography bởi chúng gần giống với phong cách của anh: ưa mạo hiểm, bụi bặm, phóng khoáng nhưng lịch lãm và quyến rũ.

Chủ tịch VTC Online, Phan Sào Nam say sưa nói về làn sóng Internet lần 2
Với sự hấp dẫn từ "cái nhìn đầu tiên", anh được các nhân viên trong Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, đặc biệt là các nhân viên nữ gọi đùa là "hot boy". Anh còn được đặt biệt danh "hoàng tử bóng đêm" với những cuộc họp thâu đêm hay những email được gửi vào khoảng 2 - 3 giờ sáng.

"Tôi giỏi nhất là… sinh con"
Anh đã nói đùa như vậy trong đêm Gala Dinner toàn công ty đi nghỉ mát tại Đà Nẵng hè vừa qua khi được hỏi về những việc anh thường làm ở gia đình. Câu đùa đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!
Nghĩa đen: anh đã có 2 cậu nhóc tì đẹp trai như bố. Còn theo nghĩa bóng, anh có rất nhiều "con" bởi vừa là sáng lập viên VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online, đồng thời là cha đẻ của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của Mạng Việt Nam go.vn…
* Chọn Hàn Quốc là đất nước nổi tiếng về công nghệ số để du học, trở về Việt Nam đúng vào thời điểm khởi đầu cho một giai đoạn bùng nổ của thị trường internet, lại có lợi thế về… ngoại hình, chắc hẳn anh được nhiều công ty săn đón, chào mời lắm nhỉ?
- Internet là lĩnh vực tôi yêu thích và nghiên cứu suốt từ thời sinh viên. Tôi luôn mong muốn được làm công việc mình đam mê. Ở Việt Nam thời điểm đó chưa có nhiều công ty về internet nên tôi nộp hồ sơ vào những công ty lớn ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Lúc đó, anh Trương Đình Anh (Tổng Giám đốc FPT) đã đồng ý nhận tôi về làm Phó Giám đốc cho trung tâm Internet FPT TP.HCM, tiền thân của FPT Telecom bây giờ.
Tuy nhiên, thời điểm đó FPT đang tái cấu trúc nên việc tuyển dụng chưa thể tiến hành ngay. Vì muốn sớm được trải nghiệm, tôi đã bay ra Hà Nội đầu quân cho VASC và chấp nhận làm 2 tháng không lương. Năm 2006, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào nội dung số, nhóm anh em ở VASC đã cùng chuyển về và tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VTC Intecom.
Gọi là Phó giám đốc cho oai còn thực tế, tôi cũng trực tiếp làm mọi việc cùng anh em, làm ngày làm đêm. Khi đó công ty mới khởi nghiệp, dịch vụ công nghệ nội dung số còn rất sơ khai, chúng tôi lại làm chương trình truyền hình "đêm trắng" nên thức đêm là chuyện hết sức bình thường.
"Thức đêm" được 2 năm, chúng tôi lập ra VTC Online, ban đầu tôi là Giám đốc còn bây giờ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chuyển động không ngừng nghỉ, nhỉ (cười)?
* Mới học xong đã được mời làm Phó Giám đốc, có vẻ như anh sinh ra chỉ để làm sếp?
- Tôi nghĩ là tôi may mắn! May mắn đầu tiên là chọn Hàn Quốc để du học trong khi bạn bè toàn đi Anh, Mỹ… Hàn Quốc có nền công nghệ phát triển không quá xa Việt Nam, có văn hóa gần Việt Nam và đặc biệt là có những "huyền thoại" thần kỳ về sự vươn mình trỗi dậy. Điều đó thực sự kích thích những thanh niên trẻ giàu đam mê.
Thứ hai là chọn đúng ngành học. Tôi học về IT Business Management, một ngành rất mới khi đó, kết hợp được cả 2 lĩnh vực tôi yêu thích: quản trị và công nghệ thông tin. Nhưng may mắn lớn nhất là tôi gặp được đúng "thầy" và đúng môi trường.
Anh Nguyễn Xuân Cường (Tổng giám đốc VTC), người "thầy" đầu tiên trong trường đời của tôi là người rất giỏi và đầy nhiệt huyết. Anh đã truyền cho tôi những khát vọng và đam mê.
Tập đoàn truyền thông đa phương tiện VTC cũng là một môi trường thuận lợi, hội tụ đủ những điều kiện cần cho những đam mê công nghệ thăng hoa. Với những may mắn đó, tôi sớm được bổ nhiệm làm quản lý và đạt được những thành tựu nhất định trong sự nghiệp.
* Chưa từng trải qua vị trí nhân viên, anh có lo ngại về việc khó tìm được tiếng nói chung với cán bộ nhân viên của mình?
- Vợ tôi là một nhân viên điển hình. Những câu chuyện của cô ấy giúp tôi hiểu hơn nhân viên của mình. Một ngày đi làm của vợ tôi có thể là một chuỗi những kiểu ăn uống khác nhau: cà phê, sữa chua, hoa quả… Chưa kể thỉnh thoảng còn… trốn đi shopping.
Nhưng khi việc đến thời hạn thì làm kinh lắm, nhất là những chương trình media cô ấy yêu thích. Cô ấy có thể thức cả đêm, trăn trở với từng ý tưởng, từng chi tiết nhỏ của kịch bản…
Điều đó khiến tôi hiểu rằng, nếu được bố trí công việc phù hợp, được làm những thứ mà mình đam mê một cách chủ động thì năng lượng của con người là khủng khiếp.
* Nhưng đâu phải lúc nào người quản lý cũng có thể bố trí công việc phù hợp với nhân viên! Bao giờ cũng sẽ có những việc không ai muốn làm!
- Thì khi đó phải thuyết phục. Tôi vẫn luôn tâm niệm câu của các cụ: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi có được vị trí ngày hôm nay phần nhiều là do "thiên thời". Nhưng để điều hành được công ty tốt thì "nhân hòa" chiếm vị trí hàng đầu. Nếu người đứng đầu đưa ra đường lối, giải pháp được nhiều người đồng thuận thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tất nhiên, không phải bất cứ cái gì mình đưa ra cũng được mọi người đồng tình ngay từ đầu. Để có được điều đó, mình phải thuyết phục được mọi người, và trong quá trình thuyết phục, bản thân tôi cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện giúp cho ý tưởng của mình được hoàn thiện hơn.
* Vâng, điều hành công ty thì nhân hòa là quan trọng nhất, nhưng riêng với sự nghiệp kinh doanh của anh thì thiên thời, địa lợi hay nhân hòa chiếm vị trí hàng đầu?
- Tôi nghĩ không nên tách biệt 3 yếu tố này mà coi nó là những nhân tố bổ sung, tác động cho nhau để tạo nên thành công. Càng ngày tôi càng nhận thấy không phải ngẫu nhiên mà các yếu tố lại được sắp xếp theo trình tự thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thiên thời là tiền đề quan trọng tạo nên thời cơ và nó thường không đến lần thứ 2. Nếu một CEO mà không nhìn ra được cơ hội, không kịp thời chớp lấy nó thì có thể sẽ phải đi chậm hơn nếu không muốn nói là thất bại.
Trong ngành internet, yếu tố "thiên thời" lại càng quan trọng, cơ hội không dài, đặc biệt là trong giai đoạn này nó chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Nếu chúng ta chần chừ không quyết thì chỉ 3 tháng sau thôi, cơ hội đó sẽ không còn nữa. Sau khi nắm bắt được thiên thời, địa lợi thì nhiệm vụ của người lãnh đạo là làm sao để có được nhân hòa.
"Không có chiến lược đúng, ngai vàng nào rồi cũng sụp"
* Anh thường nhắc đến "thời điểm vàng" cho internet Việt Nam, có thể cụ thể hơn?
- Hiện thị trường internet Việt Nam có khoảng 34 triệu người dùng và con số này sẽ tăng lên 50 triệu trong vòng 3 năm tới. Vào năm 2015, khi đạt con số 50 triệu người dùng thì thị trường internet Việt Nam được tạm coi là bão hòa.
Do đó đây chính là thời điểm vàng để các công ty công nghệ tăng tốc. Cơ hội vàng này sẽ không lặp lại lần 2. Ngai vàng nào cũng sẽ sụp đổ nếu người đứng đầu không có chiến lược, chiến thuật đúng đắn để dẫn dắt đội quân của mình.
* Trong cuộc đua ấy, anh đặt công ty của mình ở vị trí nào sau 3-5 năm tới? 
- Dù xét dưới bất kỳ quy mô hay góc độ nào thì VTC vẫn ở Top 3 công ty công nghệ mạnh nhất Việt Nam hiện nay và sau này. Tôi tin là như thế. Và thực sự trong ngành internet là phải ở trong Top 3 thì công ty mới có thể tồn tại và phát triển.
* Anh sẽ làm gì để đạt được mục tiêu? 
- Xu hướng của làn sóng mới là hội tụ công nghệ. Chúng tôi sẽ phát huy thế mạnh truyền thông đa phương tiện của VTC để phát triển những sản phẩm mới với tiêu chí "Một nội dung, đa kênh dùng" trên tất cả các hạ tầng truyền thông số.
Để có tiềm lực phát triển, chúng tôi cần thêm tài chính. Tôi vẫn thường nói vui, các công ty dotcom của Việt Nam trước đây giống như những chàng "sinh viên nghèo học giỏi", đang cố gắng tự đi lên bằng nội lực của mình.
Nhưng cuộc đua bây giờ không còn giới hạn ở phạm vi trong nước. Chúng ta phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn trên thế giới như Google, Facebook, Yahoo… Nếu chúng ta chỉ giỏi mà nghèo thì không thể sống khỏe được. Thà chia sẻ sở hữu để có đà đi lên còn hơn.
Đó là lý do mà tôi đã nỗ lực để có được những khoản đầu tư từ các quỹ. Vào lúc 4 giờ 10 phút ngày 4/7/2012, 10 triệu USD của Công ty quản lý quỹ Duxton đã được chuyển hết một lần vào tài khoản của VTC Online sau hơn nửa năm đàm phán!
* Quy luật cuộc đời là nhận cái này thì lại phải cho đi cái khác. Có được khoản đầu tư này, anh có lo ngại "ngai vàng" sẽ bị mất vào tay nhà đầu tư ngoại giống như trường hợp của một công ty công nghệ gần đây?
- Không, tôi hoàn toàn không lo ngại điều đó. Một khi Duxton đầu tư vào có nghĩa là họ đã tin tưởng chúng tôi, ngồi chung xuồng và là "chúng ta" chứ không phải "bên anh bên tôi". Việc Duxton có thêm 1 người trong ban kiểm soát và 1 người trong Hội đồng quản trị VTC Online không phải là mối lo ngại của chúng tôi mà chỉ làm cho chúng tôi trở nên mạnh hơn.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào VTC Online là trong vòng 3 năm tới đạt lợi nhuận 500 tỷ đồng. Tất cả chúng tôi sẽ chung tay để có được kết quả kinh doanh tốt nhất.
* Nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, duy trì công ty đã rất khó, con số lãi lớn như vậy thì hẳn khó khăn sẽ lớn hơn gấp bội?
- Khó không có nghĩa là không làm được. Bằng chứng thực tế nhất là lợi nhuận 6 tháng đầu năm của chúng tôi đã tăng gấp 1,5 lần cả năm 2011. "Vẻ đẹp" của internet ở chỗ nó là một ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, chi phí đầu tư ít hơn so với các ngành sản xuất truyền thống khác nên mức độ tác động của suy giảm kinh tế là có, nhưng không lớn.
Tôi chủ trương tái cấu trúc lại VTC Online để có được nguồn lợi nhuận tốt nhất, dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần trong năm 2012. Một số lĩnh vực như thanh toán điện tử, mặc dù doanh số cao, nhưng lợi nhuận rất mỏng thì sẽ không chú trọng phát triển nữa.
* Và để có thể thích ứng được với thời cuộc, tôi nghĩ anh cũng đã có kế hoạch tái cấu trúc cho riêng bản thân mình?
- Trong vòng mấy năm trở lại đây, đi đâu, ở thời điểm nào tôi cũng được nghe người ta nhắc đến tái cấu trúc. Tôi vẫn là tôi như vốn có, nhưng có một thứ mà tôi thấy mình đã trưởng thành tương đối nhiều, đó là TƯ DUY. Bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng vậy, khi môi trường thay đổi quá nhanh thì phải tìm cách để thích nghi và sinh tồn.
VTC Online đang có hơn 500 con người và vì lẽ đó tôi không được phép dễ dãi với mọi quyết định của mình. Trước đây, tôi có thể quyết rất nhanh mà không nghĩ quá xa đến việc triển khai. Còn bây giờ, tôi vẫn quyết nhanh, nhưng phải nghĩ xa thêm nhiều chặng nữa. Tôi vẫn "liều", nhưng bây giờ là "liều một cách tinh tế" để có thể kiểm soát rủi ro tốt nhất.

Nguồn: DĐDN
Flag Counter