Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Những doanh nghiệp khổng lồ trong tay CEO nữ


 Một số công ty hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực như Yahoo, HP, Pepsi… đang nằm dưới sự lãnh đạo của giám đốc điều hành (CEO) là phụ nữ.

Trang CNBC cho biết, trong hàng ngũ CEO của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ có 5% là nữ. Trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune 500), cũng chỉ có 20 CEO nữ.

Tuy nhiên, thành công của các công ty do CEO nữ cầm lái đã phần nào minh chứng rằng, khả năng lãnh đạo doanh nghiệp của các CEO nữ cũng không kém gì các đồng nghiệp nam.Trang CNBC đã điểm qua 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất được CEO nữ lãnh đạo.

10. Xerox



CEO: Ursula Burns

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 9,915 tỷ USD

Vào năm 2009, bà Burns trở thành nữ CEO Mỹ gốc Phi đầu tiên trong đội ngũ CEO của Fortune 500. Bà đạt tới vị trí này sau khi làm việc cho hãng máy in Xerox 29 năm, với vị trí ban đầu là thực tập sinh ở mảng kỹ thuật cơ khí. Xerox hiện có hơn 140.000 nhân viên và phục vụ khách hàng ở hơn 160 quốc gia trên thế giới. Vào năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm bà Burns vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng xuất khẩu của Tổng thống.

9. Sempra Energy


CEO: Debra Reed

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 15,633 tỷ USD

Bà Reed gia nhập Sempra Energy vào năm 1978 khi công ty này còn có tên gọi là SoCalGas. 10 năm sau đó, bà trở thành CEO nữ đầu tiên của công ty này. Sempra Energy là công ty chuyên phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, vận hành các nhà máy phát điện và cung cấp các dịch vụ khác. Công ty có 17.500 nhân viên và hơn 31 triệu khách hàng trên toàn cầu.

8. ADM


CEO: Patricia Woertz

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 18,011 tỷ USD

Bà Woertz đã giữ cương vị CEO của Archer Daniels Midland (ADM) từ năm 2006. Một năm sau đó, bà trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty chuyên về chế biến và sản xuất thành phần thức ăn, thức ăn chăn nuôi và năng lượng hữu cơ này. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Hội đồng quản trị hãng Procter & Gamble, Hội đồng Thương mại Mỹ, và Hội đồng xuất khẩu của Tổng thống Mỹ.

7. Yahoo!


CEO: Marissa Mayer

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 18,895 tỷ USD

Năm nay, bà Mayer đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi bà “nhảy việc” từ Google để trở thành CEO của Yahoo! ở tuổi 37. Bà hiện là CEO nữ trẻ nhất trong danh sách công ty Fortune 500. Ngay sau khi nhậm chức CEO Yahoo!, bà Mayer cho biết bà đang mang bầu, một điều chưa từng xảy ra đối với các CEO trong Fortune 500. Bà Mayer là CEO thứ tư của Yahoo! kể từ năm 2007 đến nay.

6. TJX Companies


CEO: Carol Meyrowitz

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 33,309 tỷ USD

Bà Meyrowitz gia nhập TJX vào năm 1983 và trở thành Chủ tịch công ty vào năm 2005. Năm sau đó, bà trở thành thành viên Hội đồng quản trị TJX, công ty vận hành hơn 2.900 cửa hiệu bán lẻ giá rẻ với các thương hiệu như TJ Maxx, Marshalls và Home Goods.

5. Hewlett-Packard


CEO: Margaret ”Meg” Whitman

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 35,686 tỷ USD

Bà Whitman đã có 10 năm giữ cương vị CEO của hãng bán lẻ trực tuyến eBay trước khi trở thành người “đứng mũi chịu sào” ở hãng máy tính HP. Bà là một thành viên trong đảng Cộng hòa của Mỹ và đã chi 178 triệu USD để chạy đua vào ghế Thống đốc bang California hồi năm 2010, nhưng thất bại. Đây được xem là chiến dịch chạy đua thống đốc tốn kém nhất trong lịch sử bang này.

4. DuPont


CEO: Ellen Kullman

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 47,607 tỷ USD 

Sau 3 tháng giữ cương vị Chủ tịch công ty của DuPont, bà Kullman đã trở thành CEO của công ty hóa chất này vào ngày đầu tiên của năm 2009. Đến ngày cuối cùng của năm 2009, bà tiếp tục đảm trách thêm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bà Kullman gia nhập DuPont vào năm 1988 ở vị trí quản lý marketing. Hiện nay, bà còn tham gia Diễn đàn CEO Mỹ-Ấn, Hội đồng Kinh doanh Mỹ…

3. Kraft Foods


CEO: Irene Rosenfeld

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 71,412 tỷ USD

Sau 3 thập kỷ làm ở bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng của các hãng Kraft Foods, General Foods và Frito-Lay, bà Rosenfeld đã trở lại với Kraft vào năm 2006 với tư cách CEO và tiếp tục kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2007. Kraft là một trong những công ty thực phẩm và đồ uống đa quốc gia lớn nhất thế giới. Tháng 10 năm nay, khi Kraft tách làm hai nhánh, bà Rosenfeld sẽ lãnh đạo bộ phận Global Snacks của hãng này.

2. Pepsico


CEO: Indra Nooyi

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 110,138 tỷ USD

Bà Nooyi trở thành Chủ tịch công ty kiêm CEO của Pepsico vào năm 2006, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng này vào năm 2007. Hãng đồ uống này có 22 thương hiệu khác nhau như Pepsi, Frito-Lay, Gatorade, Quaker, Tropicana…và doanh thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

1. IBM


CEO: Virginia “Ginni” Rometty

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty: 236,226 tỷ USDBà Rometty mới trở thành CEO của IBM từ đầu năm nay. Bà đã làm việc cho IBM từ năm 1981 và đã giữ nhiều vai trò lãnh đạo tại hãng công nghệ đa quốc gia khổng lồ với 430.000 nhân viên này. Bà còn là một thành viên của Hội đồng Đối ngoại Mỹ và nhiều tổ chức của giới doanh nghiệp.

Cuộc đời kỳ lạ của tỷ phú... vô gia cư


 Nếu bạn chưa từng bao giờ nghe nói đến cái tên Nicolas Berggruen thì thật là một thiếu sót. Cuộc sống của tỷ phú Nicolas xoay quanh những công ty của ông hiện diện khắp châu Âu.
Nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của tỷ phú Berggruen rất đơn giản



Ông là một nhà tỷ phú hẳn hoi. Khởi nghiệp chỉ với số tiền 250.000 USD nhưng ngày nay ông là chủ nhân của khối tài sản lên đến hơn 2,3 tỷ USD.

Ngày nay công dân mang hai quốc tịch Mỹ và Đức này thường xuyên di chuyển bằng chiếc máy bay phản lực của mình. Nhưng ông không hề có nhà riêng mà chỉ chuyên thuê phòng tại các khách sạn để ở, bởi thế báo chí gọi ông bằng cái tên khác là “tỷ phú vô gia cư”.

Vài cái áo, dăm cuốn sách... là đủ

Với số tài sản hơn 2,3 tỷ USD, Berggruen thừa khả năng mua những lâu đài lộng lẫy để hưởng thụ cuộc sống nhưng người đàn ông 51 tuổi này không mua hay thuê ngôi nhà nào hết, ông cũng không có xe hơi hay thậm chí là một chiếc đồng hồ đeo tay. Giữ công tác liên lạc cho ông là chiếc BlackBerry cũ. Đi đâu, ông cũng khệ nệ xách một chiếc túi giấy khá lớn.

Vào năm 2000, Berggruen cho bán những bất động sản cuối cùng: ngôi nhà trên đại lộ số 5 ở New York và một hòn đảo tư nhân ở ngoài khơi biển Miami (bang Florida). Ông quan niệm nhà không cần thiết, bởi có những tháng ông phải lui tới 14 thành phố khác nhau để làm ăn. Việc ở không cần lắm nhưng việc đi lại rất quan trọng, vì thế ông mua chiếc máy bay phản lực Gulfstream IV để tiện đi lại.

Thú vui của Berggruen là đi săn lùng, mua cổ phần của các công ty để bổ sung vào tập đoàn kinh tế của mình. Ông vừa mua 1,5 tỷ USD cổ phần của Burger King, một thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng toàn cầu thông qua Công ty Justice Holdings ở Anh của ông.

Lý giải cho cuộc sống “vô gia cư” của mình, Berggruen nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi ở trong khách sạn. Tôi không thích gắn bó với những thứ vật chất rườm rà, chỉ vài tờ báo, dăm cuốn sách, vài cái áo sơ mi, áo khoác, áo len... thế là đủ với tôi”. Ông quan niệm những ai mua hàng xa xỉ chỉ là giàu rởm. Cũng phải nói thêm, Berggruen độc thân và không có con.

Dù khá khiêm tốn trong cuộc sống của mình, nhưng Berggruen không hề tiếc khi bỏ ra hàng chục triệu USD để mua các họa phẩm của danh hoạ Andy Warhol và Damien Hirst rồi ngay tức khắc biếu chúng cho các viện bảo tàng. Ông cũng đứng ra tổ chức các buổi tiệc Oscar hằng năm tại khách sạn Chateau Marmon ở Los Angeles, nơi đây, ông đón tiếp những tài tử hàng đầu Hollywood như Leonardo DiCaprio.

Kiếm tiền để... cho người khác


Nicolas Berggruen trong một buổi tiệc Oscar tại khách sạn Chateau Marmon


Nicolas Berggruen chào đời vào năm 1961 tại Paris, có một người anh trai và hai người chị gái cùng cha khác mẹ, tuổi thơ của ông trôi qua êm đềm trong sự giàu sang của gia đình. Cha của ông tên là Heinz Berggruen, vốn là một người Do Thái ở Berlin trốn chạy sự tàn sát của Đức quốc xã tới Tây Ban Nha và kết thân với đại danh họa Pablo Picasso. Trong suốt đời mình, cụ Heinz đã trở thành một nhà sưu tập hội họa lớn với nhiều kiệt tác của các danh họa Tây Ban Nha.

Lớn lên ở Paris, cậu thiếu niên Nicolas Berggruen ngay từ nhỏ đã bộc lộ tính cách “nổi loạn”, điều khiến cậu bị trục xuất khỏi một ngôi trường nội trú ở Thụy Sỹ. Trở về lại Paris, Nicolas cố gắng hoàn tất việc học của mình.

Cũng thời gian này, cậu đã bắt đầu đồng cảm cho những người nghèo khổ. Cậu từng tuyên bố: “Tôi sẽ không học tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ của chủ nghĩa đế quốc”. Nhưng Nicolas sau đó đã chuyển tới London và New York để học tài chính, anh lập luận về quyết định của mình: “Tôi nói OK vì muốn tìm hiểu về mặt thực của chủ nghĩa tư bản”.

Những năm sau đó, Nicolas Berggruen lao đầu vào kinh doanh và gặt hái nhiều thành công đáng kể từ số vốn 250.000USD mà ông bố Heinz cho vay. Sau chặng đường dài kiếm hàng tỷ USD, Berggruen đột nhiên cảm nhận rằng ông “chán” sống trên đống tiền của chính mình, ông lập luận: “Tôi không muốn lệ thuộc vào tiền bạc, nghĩ nhiều đến nó là cả một gánh nặng.

Hành động có ích cho xã hội mới giá trị và trường tồn mãi mãi”. Nicolas đang ấp ủ để lại toàn bộ tài sản của mình cho hoạt động từ thiện và bộ sưu tập nghệ thuật của mình cho một bảo tàng mới ở Berlin.

Theo http//danviet.vn
Flag Counter