Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Dấu hiệu công ty sắp cắt giảm nhân sự


Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều công ty phải đối mặt với nguy cơ cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí. Liệu công ty của bạn có nằm trong số đó? Hãy nhận biết những dấu hiệu dưới đây để biết câu trả lời:
 
Dấu hiệu ban đầu:

- Nhiều khoản ngân sách bị giảm hoặc cắt bớt: Nhân viên phải đi công tác bằng tàu, ô tô thay vì máy bay như trước kia. Văn phòng phẩm cũng được cấp phát một cách hạn chế.

- Sản phẩm/ Dự án mới bị trì hoãn hoặc hủy bỏ: Trong lúc hoạt động tốt, công ty luôn tìm cách tung ra các sản phẩm, dự án mới. Nhưng trong thời buổi khó khăn, họ tập trung vào những công việc tạo ra lợi nhuận cho hiện tại hơn là tương lai.

- Ý kiến của nhân viên bị phớt lờ: Đây là điều nhân viên cảm nhận được nhưng không được ước lượng chính xác. Jim Link, giám đốc nhân sự của một công ty tuyển dụng, cho biết: “Có thể trước kia, sếp là người luôn lắng nghe nguyện vọng, thắc mắc của nhân viên nhưng hiện tại, anh/ cô ấy không có tâm trí hoặc thời gian cho hoạt động này nữa”.

Dấu hiệu nghiêm trọng:

- Ngân sách cho các hoạt động giảm sút đáng kể: Việc công tác chỉ dành cho những người mang lại doanh thu cho công ty. Các bữa tiệc, buổi liên hoan của công ty, phòng ban bị loại bỏ. Thậm chí, trợ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại cho nhân viên cũng không còn.

- Quản lý cấp cao từ chức: Một người từ chức chưa phải là vấn đề lớn nhưng khi 2 hoặc nhiều hơn cán bộ cấp cao trong công ty đồng loạt xin nghỉ, có thể họ muốn thoát khỏi bế tắc hiện tại để tìm kiếm “phao cứu sinh”. Theo Mike Manoske, một nhà quản lý kinh doanh và tuyển dụng, “khi những nhân vật chủ chốt đột ngột nghỉ việc cùng lúc, đó là do họ không còn tự tin ở công ty”.

- Cách giao tiếp thay đổi: Mọi thứ trước kia từng trao đổi qua lời nói giờ phải qua văn bản hoặc ngược lại. Hay tồi tệ hơn: bạn bị loại khỏi cuộc họp mà trước kia mình từng là nhân vật chính. Những thay đổi này có thể do thay đổi cơ cấu hoặc người quản lý muốn làm mọi thứ khác đi. Dù vậy, khi không có lý do chính đáng cho sự thay đổi, đó là dấu hiệu xấu.

Dấu hiệu cảnh báo:

- Ngân sách cắt giảm triệt để: Tất cả việc công tác giảm thiểu tốt đa. Công ty thu hẹp quy mô và chuyển tới vị trí ít đắt đỏ hơn.

- Các phòng ban, nhóm hoặc văn phòng được hợp nhất để tránh dư thừa, tiết kiệm chi phí.

- Nhà cung cấp phàn nàn vì không được công ty thanh toán hóa đơn hàng đã cung ứng: Đây là tình trạng phổ biến ở công ty nhỏ khi dòng tiền bấp bênh. Nhân viên thu mua và kế toán sẽ biết vấn đề này trước tiên.

Khi nhận thấy một vài dấu hiệu trên ở công ty bạn, có thể đã quá muộn để duy trì công việc hiện tại. Vì vậy, bạn phải luôn luôn tỉnh táo, nhanh chóng nắm bắt thông tin trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn để “cứu cánh” cho sự nghiệp của mình. Dưới đây là một số việc bạn nên làm cho dù nền kinh tế đang khó khăn hay thịnh vượng:

- Thu thập thông tin: Những câu chuyện “phiếm”, lời đồn đại có thể giúp bạn có cái nhìn sơ bộ về tình hình đang diễn ra. Nhưng để có thông tin chính xác hơn, bạn nên cởi mở với người quản lý và cả các thành viên ở phòng ban khác. Manoske gợi ý bạn nên làm thân với kế toán bởi đây là những người nắm rõ nhất tình hình tài chính của công ty. Tuy nhiên, hãy khéo léo, đừng lợi dụng họ hay đặt họ vào những tình huống khó xử.

- Làm việc năng suất và hiệu quả: Nhân viên yếu kém là những người đầu tiên phải ra đi khi công ty làm ăn xuống dốc, thậm chí ngay cả khi hoạt động tốt. Ngoài ra, nếu có nhiều người làm cùng một vị trí, công việc, tất nhiên người làm tốt hơn sẽ được giữ lại. Do đó, bạn phải không ngừng duy trì và phát huy năng suất, hiệu quả làm việc của mình. 

Bạn nên tìm kiếm những cơ hội mới để chứng tỏ bản thân, chủ động đề nghị những dự án không nằm trong mô tả công việc của mình. Hãy chứng tỏ bạn là người nhiệt tình, năng động và luôn muốn giúp đỡ. Dù bạn bị sa thải, những kỹ năng đó cũng giúp bạn tìm kiếm một công việc mới hoặc khởi nghiệm kinh doanh của riêng bạn một cách thuận lợi hơn.

- Luôn luôn học hỏi: Không có gì là chắc chắn trong nền kinh tế hiện nay và bạn phải bắt kịp với những thay đổi. Điều đó có nghĩa là tiếp tục học tập, mở rộng kỹ năng và sáng tạo để có thêm kinh nghiệm.

Theo Vũ Vũ
Dân Trí/Monster

TPHCM xem trọng phát triển nghề "Osin"


Người giúp việc nhà ngày càng được xem trọng trong các gia đình hiện đại.
Nghề giúp việc nhà đã xuất hiện từ lâu tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... nhưng vẫn chưa được xem như một nghề. Trong khi đó, nhu cầu về người giúp việc nhà rất cao và dự báo tương lai nghề này sẽ phát triển mạnh.
 
Nhu cầu cao

Hiện không ít gia đình tại TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn vì không tìm được người giúp việc nhà ưng ý. Một phần vì nhiều người giúp việc thiếu tính chuyên nghiệp nhưng đòi hỏi mức lương quá cao, một phần do các gia đình lo ngại sợ gặp phải người giúp việc không trung thực.

Chị Nguyễn Thanh Tâm (quận Thủ Đức) cho hay: “Tôi sắp sinh em bé nên đang cần tìm người chăm bé và giúp việc nhà. Yêu cầu của tôi về người giúp việc là phải thật thà, trung thực và có kinh nghiệm chăm em bé vì mình sẽ không thể yên tâm giao con cái, tài sản cho người không trung thực, thật thà. Khi ở với gia đình, người giúp việc sẽ được bao ăn, ở và hưởng lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi tìm cả mấy tháng nay mà vẫn chưa tìm được người vừa ý”.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên, cho biết nhu cầu tìm lao động giúp việc nhà tại TP Hồ Chí Minh hiện khá cao. “Vừa qua, trung tâm có tổ chức “Ngày hội việc làm giúp việc nhà” cho hơn 200 gia chủ và người giúp việc nhà. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 trường hợp kết nối thành công giữa gia chủ và người giúp việc. Vì vậy, nhiều gia chủ tìm không được người phù hợp đã để lại địa chỉ với hi vọng những ngày sau sẽ có người. 

Mặt khác, hầu hết gia chủ muốn tìm người ở tại nhà trong khi đó xu hướng làm việc theo ca, theo giờ được nhiều người giúp việc nhà ưa thích nên gia chủ cũng khó tuyển được người ưng ý”. Trong khi đó, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nghề giúp việc nhà trên địa bàn thành phố đang có xu hướng phát triển khá nhanh về số lượng và cả tính chuyên nghiệp, nhu cầu thường xuyên là 9.000 - 10.000 người/năm. 

Hiện, mức lương trung bình của người giúp việc nhà thường xuyên (chủ bao ăn, ở) là 2 - 3 triệu đồng/tháng, giúp việc nhà theo giờ từ 25.000 - 30.000 đồng/giờ. Riêng khu vực giúp việc nhà cho gia đình người nước ngoài thì mức lương trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng và 50.000 - 60.000 đồng/giờ.
 
Cần được coi là nghề

Mặc dù có nhu cầu cao và phát triển nhanh, nhưng nhiều gia chủ và chính người giúp việc vẫn chưa xem lao động giúp việc là một nghề. Thậm chí, nhiều người còn suy nghĩ giúp việc là nghề thấp hèn và người giúp việc chỉ là “con ở” trong gia đình. Chính lối suy nghĩ đó đã khiến người giúp việc làm việc theo ngẫu hứng, không chú trọng đến tay nghề, không được huấn luyện bài bản về các kỹ năng cần thiết như: sử dụng thiết bị hiện đại, sơ cấp cứu, dinh dưỡng... Ngoài ra, nhiều người chủ luôn xem người giúp việc là “kẻ hầu người hạ” trong gia đình nên có thái độ không tôn trọng dẫn đến mâu thuẫn giữa gia chủ và người làm.

Theo ông Nguyễn Văn Sang, cần có sự thay đổi nhận thức về lao động giúp việc nhà. “Bởi thực ra, người giúp việc không phải chỉ làm công việc dọn dẹp nhà cửa mà họ giống như một quản gia, có thể thay thế người chủ gia đình xử lý mọi tình huống như: chăm lo nhà cửa, dinh dưỡng bữa ăn, sơ cứu y tế... Do đó, chúng ta phải nhìn đây là một nghề để có những hướng đào tạo và giới thiệu việc làm phù hợp”.

Tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, nghề giúp việc nhà chủ yếu sử dụng lao động nữ đến từ các khu vực nông thôn ngoại tỉnh, chưa qua đào tạo nghề, chưa có kiến thức kỹ năng chuyên nghiệp. Nhiều lao động nữ có trình độ từ trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học, có hiểu biết về ngoại ngữ cũng làm nghề giúp việc nhà cho gia đình người nước ngoài với mức thu nhập khá cao. Tuy nhiên, nhìn chung lực lượng làm nghề này khá đông nhưng tay nghề chưa cao. 

Trong khi đó, tình trạng không kí hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng lao động với người giúp việc nhà đang diễn ra khá phổ biến, càng khiến nghề này khó phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, khi có mâu thuẫn xảy ra, pháp luật cũng rất khó can thiệp, vì vậy cả người lao động và chủ sử dụng lao động đều phải chịu thiệt thòi.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết, nghề giúp việc nhà tại TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng phát triển khá nhanh về số lượng và cả tính chuyên nghiệp. Hiện thành phố có hơn 10 trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước và công ty TNHH có chức năng đào tạo, cung ứng người giúp việc nhà. 

Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng có lớp sơ cấp nghề “Dịch vụ chăm sóc gia đình” với thời gian đào tạo từ 3 - 6 tháng; trường Trung cấp nghề du lịch Khôi Việt có các khóa học nhân viên giúp việc nhà, thời gian đào tạo từ 2 - 5 tuần; hay Trung tâm giới thiệu việc làm Phụ nữ có khóa đào tạo kỹ năng dịch vụ gia đình…

Để phát triển nghề này trong tương lai, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang hoàn thiện Bộ luật Lao động sửa đổi về vấn đề "lao động giúp việc gia đình" với các quy định cụ thể, có tính chất pháp lý để quản lý loại hình công việc này. Theo đó, sẽ quy định cụ thể về hợp đồng lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chính sách đào tạo và bảo hiểm xã hội… cho người lao động.

Theo Hoàng Tuyết
Báo Tin tức
Flag Counter