Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Thu tiền tỉ từ nghề nuôi rắn, kỳ đà, rùa

Với trang trại rộng hơn 4.000m2, anh Huỳnh Chí Công (TP.HCM) đã thu hàng tỉ đồng từ nghề nuôi rắn, kỳ đà và rùa để xuất khẩu.
Xuất bán kỳ đà tại trang trại anh Huỳnh Chí Công (Củ Chi, TP.HCM)
Từ đầu năm đến nay, trang trại này đã xuất khoảng 2 tấn rùa sang Trung Quốc với giá gần 400.000 đồng/kg. Theo anh Công, chỉ riêng năm nay trang trại này có thể xuất khẩu khoảng 4 tấn kỳ đà và rùa thương phẩm với giá dao động 400.000-600.000 đồng/kg.
Một trang trại có diện tích không lớn nhưng trong đó là hàng trăm chuồng với hàng nghìn con vật nuôi giá trị cao, đem lại lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm.
Anh Công cho biết bốn năm trước anh là tài xế xe khách, trong một lần qua Bình Phước được người quen giới thiệu về mô hình nuôi rắn. Tìm hiểu qua sách báo và được bạn giúp đỡ thấy hứng thú với nghề nuôi rắn, anh bỏ hẳn nghề lái xe để về mảnh đất Củ Chi dựng trang trại nuôi thử.
Sau hơn một năm thấy nghề nuôi rắn có triển vọng, anh đã mở rộng quy mô trang trại. Hiện trang trại anh có 200 chuồng nuôi rắn với hơn 2.000 con thương phẩm và 100 cặp bố mẹ.
“Một năm tôi xuất khẩu trên 1 tấn rắn thương phẩm với giá dao động từ 600.000-1,2 triệu đồng/kg tùy loại. 100 cặp rắn bố mẹ mỗi năm sinh một lứa khoảng 3.000 trứng được ấp thủ công với tỉ lệ nở thành công khoảng 99%, con non nuôi trên một năm có thể xuất bán giống với giá 1,2 triệu đồng/con” - anh Công cho biết.
Không chỉ có rắn mà kỳ đà và rùa tại trang trại anh cũng đã được xuất khẩu. Theo anh Công, hiện nay tại trang trại có trên 500 con kỳ đà và 700 con rùa. “Chúng tôi chủ yếu xuất sang Trung Quốc và một số nước Trung Đông. Với lượng xuất khẩu rắn, kỳ đà và rùa hiện tại mỗi năm tôi thu về hơn 1,5 tỉ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50%” - anh Công cho hay.
Theo anh Công, hiện cơ sở anh đã liên kết với năm hộ nông dân tại địa phương và một số trang trại ở Bình Phước và Đồng Tháp để gom hàng khi cần, nhưng theo anh nguồn cung hiện nay như “muối bỏ biển” so với nhu cầu.
“Nhiều lúc trong hai tháng nhưng công ty thu mua đặt đến 4 tấn rắn, kỳ đà, cố gom hàng chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Các tháng giáp tết và ra tết thị trường Trung Quốc rất cần nên giá bán cao hơn mức bình thường từ 10-20%” - anh Công nói.
Theo lời anh Công, các loài vật nuôi này đang được anh cung cấp theo hợp đồng cho trang trại Thái Dương tại TP.HCM, đơn vị trực tiếp xuất khẩu qua Trung Quốc. Đầu ra mặt hàng này rất ổn định do rắn, kỳ đà, rùa chỉ phát triển với khí hậu nóng, Trung Quốc có mùa lạnh kéo dài, đặc biệt những tháng cuối năm nên nhu cầu rất lớn.
“Sắp tới, khi lượng ổn định tôi sẽ xin giấy phép để xuất khẩu trực tiếp” - anh Công dự tính. 
Theo Nguyễn Trí
Tuổi trẻ

Chợ Ninh Hiệp: Sạp vải nhỏ, lãi vài triệu mỗi ngày


Thiên đường quần áo và vải Trung Quốc.
Không cửa hiệu hào nhoáng mặt phố, các hộ kinh doanh tại chợ quê Ninh Hiệp (Hà Nội) đạt doanh thu "khủng" nhờ bán buôn bán lẻ các mặt hàng quần áo may sẵn và vải vóc nhập từ Trung Quốc.
 
Chợ vải Ninh Hiệp (thuộc huyện Gia Lâm), cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km được biết đến như một trong những đầu mối trung chuyển vải Trung Quốc lớn nhất miền Bắc. Gần như quanh năm, khu chợ tấp nập người mua kẻ bán.
Không chỉ vải vóc, quần áo may sẵn cũng trở thành "đặc sản" của chợ Ninh Hiệp, với rất nhiều mẫu mã khác nhau.
Là khu vực đầu mối hàng vải và quần áo thời trang, người mua hàng ở đây ít có cơ hội mặc cả, ngã giá. Khách hàng có thể nói "Mua buôn" để nghe...giá gốc, sau đó hỏi để mua lẻ thì giá sản phẩm tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Một chiếc áo phông nữ thông thường nếu hỏi giá mua buôn tại đây khoảng 60.000 đồng, tuy nhiên giá mua lẻ sẽ là 120.000 hoặc 130.000 đồng.
Một chiếc quần jeans mua buôn giá 178.000 đồng, nhưng mua lẻ sẽ "đội lên" 300.000 đồng.
Những mặt hàng được giảm giá "mềm" tại các quầy luôn thu hút người mua. Giá thuộc diện "xả hàng" rẻ nhất là 35.000 đồng, đắt hơn chút khoảng 50.000 và 70.000 đồng. Các chủ cửa hàng cho biết, quần áo bán hạ giá là hàng cuối vụ, không phải hàng lỗi hỏng.
Giá treo, hay thậm chí là chậu, sọt, thùng bìa đều được tận dụng để chủ hộ kinh doanh bán hàng giảm giá. Mặc dù mới bắt đầu sang vụ quần áo thu đông, nhưng không ít áo dài tay, áo len mỏng cũng được bán đổ đống với mức trung bình 50.000 đồng mỗi sản phẩm.
Một chủ cửa hàng chợ Ninh Hiệp chia sẻ, mỗi ngày trung bình chị thu về gần 20 triệu tiền hàng, tính ra tiền lãi khoảng 3 triệu đồng. Phần lớn là hàng bán buôn cho các shop quần áo tại Hà Nội, kể cả bán hàng trực tuyến. "Thời gian gần đây nhiều người đến mua hàng về để bán hàng qua mạng, các chủ hàng trẻ hơn trước nên việc kinh doanh cũng khá thoải mái".
Không riêng thị trường Hà Nội, nhiều cửa hàng ở các tỉnh thành khác thuộc miền Bắc và cả miền Trung cũng nhập hàng từ Ninh Hiệp. Cả 3 bao tải quần áo lớn trên đều cho một chủ hàng ở thành phố Vinh (Nghệ An) đặt.
Quần áo trẻ em năm nay cũng nở rộ với mẫu mã và màu sắc đa dạng, nhưng không có biến động lớn về giá cả tại đây. Một bộ đồ thu đông cho trẻ sơ sinh có giá khoảng 120.000 đồng, so với năm ngoái ở mức dưới 100.000 đồng (giá mua buôn).
Việc kinh doanh vải những năm gần đây không sôi động như trước vì xu hướng sử dụng các sản phẩm may sẵn, nhưng nếu so doanh thu với bán quần áo thì mức chênh lệch cũng không nhiều.
Mặc dù bán quần áo may sẵn, nhưng khách mua hàng sẽ không có cơ hội thử đồ. Kinh nghiệm chọn đồ vừa sẽ có lợi hơn kỹ năng mặc cả giá khi mua quần áo tại Ninh Hiệp.
Tấm biển "độc nhất vô nhị" tại một hàng quần áo ở Ninh Hiệp.
Việc kinh doanh các phụ kiện đi kèm cũng mang lại doanh thu tốt. Mặt khác, số cửa hiệu bán mặt hàng này không nhiều nên sức cạnh tranh cũng ít hơn so với bán quần áo.
Một số nhà tận dụng khoảng sân rộng để kinh doanh dịch vụ gửi xe, với giá 5.000 đồng/xe/lượt. Thu nhập mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn đồng, có nhà lên tới gần một triệu đồng.
Đi kèm với sự phát triển của chợ là các loại hàng rong, chuyên bán đồ ăn và giải khát. Một túi nước có giá khoảng 5.000 đồng.
Sung ngâm là món ăn vặt được bán khá nhiều tại chợ Ninh Hiệp. Tuy nhiên, những miếng bìa với dòng chữ viết tay cảnh báo người dùng về hiện tượng sung thối, ngâm bột màu, dùng chất tẩy, nhiễm chì,...được treo dọc khu chợ.
Những tấm bìa này thu hút sự chú ý của nhiều khách đi mua quần áo.
Những tấm bìa trên đã có tác động không nhỏ tới tâm lý của những khách đến chợ Ninh Hiệp đang có ý định thưởng thức món sung ngâm. Có người cho rằng đây là một cách "đuổi khéo" những người bán sung của các chủ cửa hàng quần áo, để họ không thể đứng bán trước quầy của mình.
Tuy nhiên, vẫn có người mua vì mức giá rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng là đã có một túi sung đầy.
Những quả sung ngâm mặc dù được để tiếp xúc với không khí nhưng vẫn trắng, không có dấu hiệu bị thâm.
Theo Anh Quân
Vnexpress

Flag Counter