Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Chợ Ninh Hiệp: Sạp vải nhỏ, lãi vài triệu mỗi ngày


Thiên đường quần áo và vải Trung Quốc.
Không cửa hiệu hào nhoáng mặt phố, các hộ kinh doanh tại chợ quê Ninh Hiệp (Hà Nội) đạt doanh thu "khủng" nhờ bán buôn bán lẻ các mặt hàng quần áo may sẵn và vải vóc nhập từ Trung Quốc.
 
Chợ vải Ninh Hiệp (thuộc huyện Gia Lâm), cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km được biết đến như một trong những đầu mối trung chuyển vải Trung Quốc lớn nhất miền Bắc. Gần như quanh năm, khu chợ tấp nập người mua kẻ bán.
Không chỉ vải vóc, quần áo may sẵn cũng trở thành "đặc sản" của chợ Ninh Hiệp, với rất nhiều mẫu mã khác nhau.
Là khu vực đầu mối hàng vải và quần áo thời trang, người mua hàng ở đây ít có cơ hội mặc cả, ngã giá. Khách hàng có thể nói "Mua buôn" để nghe...giá gốc, sau đó hỏi để mua lẻ thì giá sản phẩm tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Một chiếc áo phông nữ thông thường nếu hỏi giá mua buôn tại đây khoảng 60.000 đồng, tuy nhiên giá mua lẻ sẽ là 120.000 hoặc 130.000 đồng.
Một chiếc quần jeans mua buôn giá 178.000 đồng, nhưng mua lẻ sẽ "đội lên" 300.000 đồng.
Những mặt hàng được giảm giá "mềm" tại các quầy luôn thu hút người mua. Giá thuộc diện "xả hàng" rẻ nhất là 35.000 đồng, đắt hơn chút khoảng 50.000 và 70.000 đồng. Các chủ cửa hàng cho biết, quần áo bán hạ giá là hàng cuối vụ, không phải hàng lỗi hỏng.
Giá treo, hay thậm chí là chậu, sọt, thùng bìa đều được tận dụng để chủ hộ kinh doanh bán hàng giảm giá. Mặc dù mới bắt đầu sang vụ quần áo thu đông, nhưng không ít áo dài tay, áo len mỏng cũng được bán đổ đống với mức trung bình 50.000 đồng mỗi sản phẩm.
Một chủ cửa hàng chợ Ninh Hiệp chia sẻ, mỗi ngày trung bình chị thu về gần 20 triệu tiền hàng, tính ra tiền lãi khoảng 3 triệu đồng. Phần lớn là hàng bán buôn cho các shop quần áo tại Hà Nội, kể cả bán hàng trực tuyến. "Thời gian gần đây nhiều người đến mua hàng về để bán hàng qua mạng, các chủ hàng trẻ hơn trước nên việc kinh doanh cũng khá thoải mái".
Không riêng thị trường Hà Nội, nhiều cửa hàng ở các tỉnh thành khác thuộc miền Bắc và cả miền Trung cũng nhập hàng từ Ninh Hiệp. Cả 3 bao tải quần áo lớn trên đều cho một chủ hàng ở thành phố Vinh (Nghệ An) đặt.
Quần áo trẻ em năm nay cũng nở rộ với mẫu mã và màu sắc đa dạng, nhưng không có biến động lớn về giá cả tại đây. Một bộ đồ thu đông cho trẻ sơ sinh có giá khoảng 120.000 đồng, so với năm ngoái ở mức dưới 100.000 đồng (giá mua buôn).
Việc kinh doanh vải những năm gần đây không sôi động như trước vì xu hướng sử dụng các sản phẩm may sẵn, nhưng nếu so doanh thu với bán quần áo thì mức chênh lệch cũng không nhiều.
Mặc dù bán quần áo may sẵn, nhưng khách mua hàng sẽ không có cơ hội thử đồ. Kinh nghiệm chọn đồ vừa sẽ có lợi hơn kỹ năng mặc cả giá khi mua quần áo tại Ninh Hiệp.
Tấm biển "độc nhất vô nhị" tại một hàng quần áo ở Ninh Hiệp.
Việc kinh doanh các phụ kiện đi kèm cũng mang lại doanh thu tốt. Mặt khác, số cửa hiệu bán mặt hàng này không nhiều nên sức cạnh tranh cũng ít hơn so với bán quần áo.
Một số nhà tận dụng khoảng sân rộng để kinh doanh dịch vụ gửi xe, với giá 5.000 đồng/xe/lượt. Thu nhập mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn đồng, có nhà lên tới gần một triệu đồng.
Đi kèm với sự phát triển của chợ là các loại hàng rong, chuyên bán đồ ăn và giải khát. Một túi nước có giá khoảng 5.000 đồng.
Sung ngâm là món ăn vặt được bán khá nhiều tại chợ Ninh Hiệp. Tuy nhiên, những miếng bìa với dòng chữ viết tay cảnh báo người dùng về hiện tượng sung thối, ngâm bột màu, dùng chất tẩy, nhiễm chì,...được treo dọc khu chợ.
Những tấm bìa này thu hút sự chú ý của nhiều khách đi mua quần áo.
Những tấm bìa trên đã có tác động không nhỏ tới tâm lý của những khách đến chợ Ninh Hiệp đang có ý định thưởng thức món sung ngâm. Có người cho rằng đây là một cách "đuổi khéo" những người bán sung của các chủ cửa hàng quần áo, để họ không thể đứng bán trước quầy của mình.
Tuy nhiên, vẫn có người mua vì mức giá rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng là đã có một túi sung đầy.
Những quả sung ngâm mặc dù được để tiếp xúc với không khí nhưng vẫn trắng, không có dấu hiệu bị thâm.
Theo Anh Quân
Vnexpress

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc VNG: Kinh doanh internet là chấp nhận cạnh tranh toàn cầu

Là một trong những cái tên có công đi đầu trong việc khai phá thị trường nội dung số tại Việt Nam với hàng loạt dự án, việc Vương Quang Khải đầu quân về VNG được xem như hổ chắp thêm cánh.
Hơn 5 năm, với “đôi cánh” ấy, Vương Quang Khải đã khiến Zing, một sản phẩm chủ lực của VNG, do anh sáng lập và điều hành, “bay” đến vị trí hàng đầu trên thị trường Internet Việt Nam với ba chỉ số ấn tượng: lượng người dùng đến nay đã hơn 15 triệu, tổng thời gian truy cập tương đương 2,5 tỷ phút và lượt xem là gần 1,4 tỷ.
* Chấp nhận đầu quân về VNG được xem là lựa chọn khôn ngoan của ông để có thể tận dụng lợi thế tài nguyên, cơ sở vật chất. Đến nay, sau 5 năm gắn bó, ông có thấy mình đã quyết định đúng đắn?
- Hơn 5 năm về với VNG là khoảng thời gian hạnh phúc của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy hối hận về quyết định của mình. Tuy nhiên, không phải tài nguyên hay cơ sở vật chất đã hấp dẫn và giữ chân tôi lại, mà là lợi thế về con người. Trong lĩnh vực kinh doanh Internet, đây mới chính là điểm tạo nên thế mạnh của công ty.
Bên cạnh đó, tôi cũng tìm thấy sự đồng cảm và ủng hộ từ Ban giám đốc. Không như nhiều công ty khác, ở VNG, đội ngũ lãnh đạo đã định hướng kinh doanh Internet là con đường dài nên sẵn sàng đợi chứ không đòi hỏi thành quả trong một hay hai năm. Tinh thần chấp nhận khác biệt, chấp nhận làm khác này không phải tổ chức nào cũng có thể có được.

*Có điều gì khiến ông băn khoăn?
- Nếu mình yêu thích và để tâm vào công việc thì làm ở đâu cũng khiến mình cảm thấy lo cho công việc. VNG kinh doanh Internet nghĩa là chấp nhận cạnh tranh ở mức độ toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng nhân sự bản địa còn hạn chế, nên khá chật vật trong trận chiến toàn cầu này.
Tôi đã từng sang thăm trụ sở của Google và Facebook. Ở đó, họ có đội ngũ nhân sự là hàng chục ngàn kỹ sư đẳng cấp thế giới. VNG hay bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào đều không có được lợi thế ấy. Cạnh tranh với “vốn liếng” nhân lực như hiện giờ là điều khiến tôi băn khoăn nhất.

* Có một thực tế là nhân viên VNG thường ra đi từng nhóm lớn. Điều này tác động thế nào tới người làm quản lý như ông?

- Ở bất cứ công ty nào hiện tượng “nhảy việc” cũng xuất phát từ hai nguyên nhân: không thành công ở vị trí hiện tại hoặc nhận được lời đề nghị hấp dẫn hơn.

Tôi nghĩ, việc ra đi trong cả hai trường hợp đều đúng đắn. Bởi nhân viên không thành công ở môi trường này thì cần thay đổi môi trường khác thích hợp để có thể phát huy khả năng. Trong trường hợp họ nhận được đãi ngộ tốt hơn thì cũng nên chúc mừng, vì họ đã được hưởng những điều công ty cũ không thể mang lại cho họ.

Ngày trước, khi VNG khởi nghiệp, các thành viên chủ chốt cũng được tập hợp từ các công ty công nghệ khác sang, đó là quy luật tự nhiên. Hiện nay, nhân viên ở VNG sang công ty khác đều được thăng một đến hai cấp. Ban lãnh đạo VNG cũng tự hào vì đã đào tạo được những con người có năng lực. Với người trong ngành CNTT, FPT trước đây được xem nơi đào tạo nhân lực tốt và đã cung cấp được nguồn lực chất lượng cho ngành. Như vậy, dù người của VNG đi ra thì cũng là đóng góp của VNG cho ngành Internet Vietnam.

* Nói như vậy nghĩa là VNG không có chiến lược giữ người?
- Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho tất cả nhân viên. Tuy nhiên chúng tôi luôn có sự ưu ái cho những người thực sự tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi gọi đó là chiến lược tập trung nguồn lực.

* Chính sách đãi ngộ này vô hình trung sẽ tạo nên sự phân biệt đối xử, điều này không tốt cho công tác quản trị. Ông có nghĩ vậy?
- Cách làm của VNG tạo nên sự công bằng trong đóng góp. Nếu muốn được đãi ngộ tốt thì hãy đóng góp tốt. Tuy nhiên, không phải đã thuộc lực lượng chủ chốt của công ty thì không cần cố gắng nữa. Nếu ngừng sáng tạo, những thành viên ấy sẽ không giữ được vị trí của mình.

* Việc tuyển dụng ở VNG có khắt khe lắm không, thưa ông?
- Chúng tôi xét sáu giá trị cốt lõi để tuyển dụng. Trong đó, chúng tôi không đề cao sự sáng tạo, mà coi trọng tính năng động. Chúng tôi cho rằng năng động giúp mọi người làm tốt nhiệm vụ của mình trong điều kiện thực tế trong công ty hiện nay.

Về mặt bản chất, tôi nghĩ cuộc sống hiện nay rất khó có sự sáng tạo hoàn toàn, mà chủ yếu là không ngừng cải tiến, làm tốt hơn những cái đã có. Với ngành Internet, điều này càng rõ hơn. Ví dụ: Trước Google đã có nhiều công ty làm công cụ tìm kiếm, và Facebook cũng không phải là công ty đầu tiên làm mạng xã hội.

Chúng tôi tự tin VNG có chiến lược tốt nhất, biết rõ mình muốn làm gì. Định hướng rõ ràng là thế mạnh của chúng tôi.

* Niềm tin của ông dựa vào đâu?
- Lịch sử được khắc họa bởi niềm tin của một số cá nhân. Họ thuyết phục những người xung quanh cùng tập hợp và đi theo con đường chung. Niềm tin của chúng tôi tất nhiên là Internet. Internet đã tạo thành “sứ mệnh, tầm nhìn” của VNG: phát triển Internet để thay đổi đời sống con người.

*Trong những buổi họp mặt vẫn thấy ông hòa đồng hết mức với nhân viên, tác phong này có được duy trì trong công việc?

-
Tôi là người hướng nội, không tự tin trước đám đông và không có khả năng thuyết phục hùng hồn. Tôi chỉ có thể tự tin khi chia sẻ những gì bản thân mình tin tưởng. Tôi quản lý nhân viên theo tinh thần dân chủ nên thường để mọi người độc lập với công việc của mình, miễn là theo định hướng chung.
Người lãnh đạo không cần biết nhiều nhất, mà phải biết tạo điều kiện để những người làm việc với mình có thể phát huy năng lực bản thân. Tôi nghĩ, có nhiều cách để thành công và kết quả công việc tốt quan trọng hơn phương pháp tiến hành như thế nào. Tất nhiên, ở đâu cũng có những nguyên tắc chung. Đạt được kết quả mà phạm những nguyên tắc chung thì tôi không ủng hộ.

* Đây là quan niệm do ông ảnh hưởng từ gia đình?

- Ngoài sự tự tin, bố tôi dạy tôi nguyên tắc sống phải tôn trọng người khác. Mỗi người có cách làm của riêng mình và nên hỗ trợ để mọi người có thể phát huy được hết khả năng. Tất nhiên, tự do của việc tôn trọng cũng có giới hạn, đó cũng là nguyên tắc sống của tôi.

* Với đối tác của ông thì sao, thưa ông?
- Không có công ty nào làm được tất cả mọi việc. Đây là thời đại của “Open platform” (nền tảng mở). Chúng tôi đã và đang mở nền tảng Zing để các công ty khác có thể cùng hợp tác và chia sẻ doanh thu.

* Gây dựng Zing, điều ông tự hào nhất về Zing là gì?

-
Thành công lớn nhất của Zing là sự đón nhận của người dùng. Cứ 5 người Việt Nam thì có 1 người sử dụng sản phẩm của Zing. Tất nhiên, đó không phải là thành quả của một vài cá nhân, mà là thành công của một tập thể.
* Điều ông chưa làm được cho Zing?
- Một trong những điều tôi băn khoăn là làm sao mở rộng tập người dùng cho Zing. Mong muốn của tôi là một ngày nào đó, tất cả người dùng Internet Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của Zing.

* Vậy chiến lược phát triển của Zing trong thời gian tới?
- Tất nhiên vẫn là số lượng người truy cập. Dù vậy, với xu hướng mobile Internet đang ồ ạt: 15% lượng truy cập Internet từ điện thoại, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh cho lĩnh vực này trong thời gian sắp tới. Nếu như ngày trước Zing chỉ có một nhóm làm ứng dụng mobile thì nay tất cả các nhóm đều phải làm.

* Dành tổng lực cho công việc, một ngày của Vương Quang Khải có gì khác với người thường?
- Tôi cũng như người thường. Có việc làm, có gia đình, có phim, có nhạc, có sách. Tôi làm việc trên 10 tiếng/ngày. Có khi không đủ thời gian tôi cũng mang việc về nhà làm.

* Nghĩa là ông và vợ ôm laptop, còn con ôm iPad?

- Áp lực công việc đến từ nội tại bản thân chứ không phải từ môi trường xung quanh. Đây là vấn đề của các gia đình hiện đại. Tôi luôn nhắc mình phải điều hòa công việc và gia đình, khuyến khích nhân viên của mình về sớm.

* Công việc của ông không theo con đường của người bố - nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn, ông có muốn con ông cũng đi theo con đường giống mình?
- Điều tôi mong muốn nhất là con tôi có thể chia sẻ quan niệm sống với tôi. Còn con đường đi của các con, tôi muốn chúng đi theo tiếng gọi của chính trái tim.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Flag Counter