Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Ba lời khuyên cho người khởi nghiệp

Kevin Systrom là đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành Instagram – phần mềm chia sẻ ảnh vừa mới được mua với giá một tỷ đô la Mỹ.
Instagram là phần mềm chia sẻ ảnh miễn phí cho phép người dùng chụp ảnh trên điện thoại của mình, thêm các bộ lọc hình ảnh, và sau đó chia sẻ trên nhiều mạng xã hội khác nhau. Theo tính toán, Kevin Systrom thu được 400 triệu USD từ thương vụ trên.
Dưới đây là những câu chuyện của anh về việc sáng lập Instagram, những trở ngại và bài học dành cho những bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp.* Cảm hứng sáng tạo ra Instagram và trở ngại lớn nhất khi anh bắt đầu tạo ra phần mềm này là gì?
- Mike Krieger (đồng sáng lập Instagram) và tôi đã tạo ra Instagram bởi vì chúng tôi muốn có một cách để giao tiếp trực quan. Instagram được tạo ra vì chúng tôi nhận thấy không có chỗ dành riêng cho hình ảnh di động của bạn và có thể giúp đưa những bức ảnh chụp bằng điện thoại đến với cuộc sống, cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Tất nhiên, một trong những khía cạnh phổ biến của Instagram là các bộ lọc giúp chuyển bức ảnh của bạn thành những kỷ niệm mang màu sắc nghệ thuật.
Trở ngại lớn nhất khi chúng tôi bắt đầu là việc làm thế nào để mở rộng ứng dụng. Chúng tôi không có ý tưởng rằng dự án được đặt tên Instagram sẽ trở thành một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Tôi nhớ rõ ràng ngày đầu tiên ra mắt và hệ thống đã sụp đổ dưới nhu cầu quá lớn. Chúng tôi chỉ có thể giữ các máy chủ của mình dưới mức cho phép, nhưng cuối cùng chúng tôi đã tìm ra hướng đi và mạnh dạn xây dựng ở quy mô rộng lớn hơn.
* Trong khi dành hết tâm huyết cho công ty của mình, anh làm thế nào để sắp xếp mọi việc trong cuộc sống thường nhật? Điều gì giúp cân bằng giữa công việc và cuộc sống của một doanh nhân?
Cổng giao tiếp Instagram
- Trong giai đoạn khởi đầu, tôi dành hầu hết thời gian cho công việc. Tôi đã bỏ lỡ ngày sinh nhật, các bữa ăn tối, những buổi tụ họp gia đình vào dịp cuối tuần. Thật sự, lúc đó, tôi không có nhiều lựa chọn giữa làm việc trên Instagram với việc nó sẽ sụp đổ hoặc không hoạt động. Trong một giai đoạn, chúng tôi phải làm việc liên tục, chạy đua với thời gian để phát triển ứng dụng một cách phù hợp.Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tôi nghĩ rằng trong giai đoạn khởi đầu là một điều quá xa vời. Tôi thực sự nghĩ rằng những khoảnh khắc tốt nhất trong cuộc sống là khi tôi được gặp gỡ mọi người thông qua Instagram, được nhìn thấy những người rất thú vị mà tôi chưa từng gặp, được biết đến cuộc sống của những người quen cũ thông qua những bức ảnh của họ.
* Những cảm hứng và bài học từ các doanh nhân khác đối với anh là gì?
- Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng tôi nghĩ rằng Steve Jobs đã có ảnh hưởng tới tất cả mọi thứ chúng tôi làm.
Tập trung là yếu tố quan trọng nhất. Tôi cho rằng, khả năng tạo ra các máy tính cá nhân tiên tiến nhất thế giới mà không có một nền tảng kỹ thuật là một cái gì đó có thể truyền cảm hứng cho mọi doanh nhân đơn lẻ, cho dù bạn có bằng cấp về khoa học máy tính hay không.
* Dự án tiếp theo mà anh đang thực hiện là gì?
- Instagram! Chúng tôi mới đang ở mức 1% của mục tiêu. Tôi đang rất hào hứng để tiếp tục phát triển nó.
* Anh có thể đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ mới khởi nghiệp?
- Có 3 điều tôi muốn nói với các bạn trẻ. Thứ nhất là về cách giải quyết các vấn đề thực tế. Mỗi khi khởi động một công việc nào đó, các bạn nên bắt đầu với nhu cầu thực tế và được chứng minh trên toàn thế giới. Nếu xây dựng một giải pháp cho vấn đề nhiều người gặp phải, bạn sẽ dễ dàng để bán sản phẩm hơn.
Thứ hai, các bạn phải tuyệt đối tập trung. Không nên làm quá nhiều thứ và hãy cắt bớt những thứ không quan trọng cho sự thành công của sản phẩm. Làm quá nhiều việc có thể tạo ra sự lộn xộn và cản trở khả năng giải quyết những vấn đề cần thiết.
Thứ ba, nếu được chọn người, hãy chọn những người thật tuyệt vời. Có thể ít người hơn nhưng khả năng giải quyết công việc lại cao hơn rất nhiều. Bạn sẽ thấy rằng một kỹ sư tuyệt vời có thể làm công việc của năm người bình thường, do đó hãy tập trung vào việc tìm kiếm những người tốt nhất, những người có chung niềm đam mê với những gì bạn đang làm.

Nguồn: Infornet

Hoa tay khởi nghiệp

Trong suốt quá trình từ khi đi học cho đến khi đi làm của Đỗ Hoàng Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Hoàng Quang, luôn có sự hiện diện của hai từ “mặc cảm”. Nhưng khi vượt qua được rào cản này rồi, Quang đã chinh phục thị trường bằng chính những sáng tạo mang dấu ấn của hoa tay.

Cuối tháng sáu vừa qua, Phòng triển lãm Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM nhộn nhịp với hàng ngàn lượt khách tham quan. Triển lãm các sản phẩm móc len sợi của giáo viên Đỗ Hoàng Quang và học viên khiến người xem bất ngờ.

Thông qua những đôi bàn tay khéo léo, len sợi không chỉ dùng trong lĩnh vực may mặc, mà còn có ứng dụng khác: này là thảm chùi chân; kia là bộ drap, gối, chăn; kia nữa là giỏ xách, những con thú bông..., đặc biệt hơn cả là hàng chục loại hoa khác nhau được làm bằng những sợi len đầy màu sắc.
 
Ngoại công, nội kích

“Khả năng ứng dụng của sản phẩm len móc đã phổ biến ở nước ngoài từ lâu. Với lợi thế nhân công, đây là một thị trường rộng mở cho doanh nghiệp Việt”, Hoàng Quang cho biết. Minh chứng cho nhận định này là khả năng xuất khẩu sản phẩm len sợi sang Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... của Công ty Hoàng Quang. Bởi, mỗi đơn hàng của một doanh nghiệp nước ngoài thường lên đến 2.000 sản phẩm và phải giao hàng trong vòng 1 - 2 tháng.

Câu chuyện “mang len đổi USD” của Quang cũng rất duyên. Ngày đó Quang đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Kỹ thuật, tình cờ thấy một cô bán quán ở Đà Lạt ngồi móc len, tạo nên các họa tiết rất đẹp. Ấn tượng trở thành động lực, Quang về lại thành phố, tìm mua các sách dạy đan, móc và mày mò tự thực hành.
Vốn khéo tay, các con thú, áo khoác... Quang làm ra nhanh chóng trở thành sản phẩm “hút hàng” vì các bạn sinh viên trong trường Quang học rất ưa thích. Phát hiện gần xóm nhà trọ của mình có các chị nhận móc gia công, Quang đem thiết kế của mình đặt hàng các chị. Điều bất ngờ là sau đợt hàng ấy Quang lại bị đặt hàng ngược lại, “Các chị hỏi tôi còn hàng làm để các chị cải thiện thu nhập nữa không”, Quang kể.

Từ đơn đặt hàng này, Quang mang sản phẩm đến các siêu thị Maximark, Co.opMart... chào bán và được đón nhận. Có đầu ra, có thiết kế, có nhân công..., Quang đưa sản phẩm tiến thẳng vào siêu thị. Quang nhớ lại: “Năm 2004, thời điểm xuất hiện trào lưu mặc áo khoác ngắn, sản phẩm đưa vào siêu thị bán chạy không ngờ...”.

Thắng lớn nhờ sản phẩm này, Quang mạnh dạn cho ra thêm nhiều sản phẩm khác nhưng đáng tiếc, khả năng tiêu thụ lại chẳng như ý. “Mọi người vẫn chưa hiểu được công sức đầu tư cho sản phẩm đan móc nên cho rằng giá bán quá cao”, Quang phân tích.
Khách hàng trong nước chẳng mặn mòi với sản phẩm của Quang nhưng với người nước ngoài thì khác.

Từ kênh siêu thị, Quang được các doanh nghiệp ngoại quốc tìm đến đặt hàng. Miếng rửa chén, găng tay, giỏ xách, phụ kiện cho trang phục, thảm chùi chân... là những mặt hàng Quang đưa ra thị trường thế giới. Quang cho biết, xuất khẩu hàng sang các nước không đơn giản chỉ là thỏa thuận giữa hai bên, mà phải chứng nhận đảm bảo chất lượng, phải đạt độ tinh xảo đúng với mẫu khách hàng đã đặt.

Đơn hàng đầu tiên, Quang khiến khách hàng bất ngờ về giá. “Đối tác hỏi đi hỏi lại rằng tôi đã nói đúng giá chưa”, Quang kể. Lúc đó Quang mới biết mình bị “hớ”. Tuy nhiên, anh vẫn chọn chiến lược này để chinh phục khách hàng. Để giữ lợi thế cạnh tranh, Quang duy trì hình thức lao động vệ tinh. Anh lên tận Đà Lạt, về Tiền Giang... để tổ chức nguồn thợ cho mình. Nhờ vậy, công việc chính của Quang chỉ còn là tìm đối tác, sáng tạo mẫu và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Quang và tác phẩm của mình
Vượt qua mặc cảm

Đưa hàng đi khắp thế giới nhưng ít ai biết, đeo đuổi suốt quá trình lập thân của Quang là nỗi mặc cảm rất... con trai. Ngày đó không đủ điểm đậu vào Đại học Y Dược TP.HCM, Quang “chữa cháy” bằng việc đăng ký học Đại học Sư phạm Kỹ thuật, khoa Nữ công để trở thành đầu bếp vì khả năng chế biến thức ăn cũng tạm được. “Cả lớp chỉ có hai nam, đi học mà cứ thấy xấu hổ thế nào ấy”, Quang chia sẻ. Vì nỗi mặc cảm này mà đã có lúc Quang bỏ học. May mà thầy cô đến tận nhà động viên, Quang mới có “dũng khí” đi tiếp con đường của mình.

Rồi khi ra trường và doanh nghiệp hoạt động đã khá ổn định, Quang lại mặc cảm vì sản phẩm của mình xuất đi các nước nhưng chả ai biết đó là hàng Việt vì phải “núp” dưới thương hiệu của đối tác. “Không thể đơn giản hài lòng với lợi nhuận, tôi muốn phải gây dựng được thương hiệu và bắt đầu từ thị trường trong nước”, Quang tiết lộ.

Để chuẩn bị cho bước tiến này, Quang đầu quân về Nhà văn hóa Phụ nữ với vai trò giáo viên giảng dạy bộ môn đan móc. Theo cách tính của Quang, 1 tháng Quang dạy nghề cho khoảng 200 người, rồi những người này truyền nghề lại cho người khác, chỉ khoảng 5 năm nữa là Việt Nam sẽ có thị trường cho sản phẩm len móc. “Rất vui vì được làm thầy giáo dạy nghề, nhưng lại mặc cảm khi làm việc trong môi trường cũng toàn là nữ”, Quang tâm sự. Nhưng sự đam mê một lần nữa lại giúp Quang vượt lên mặc cảm này.

Trong một đêm, sau khi đọc truyện ngắn viết về hoa vạn thọ của nhà văn Lý Lan, Quang nảy ra ý định dùng len làm thành hoa. Sản phẩm được làm suốt đêm hôm đó của Quang là một bông hoa vạn thọ bằng len, sống động và tinh xảo. Từ bước sáng tạo đầu tiên, Quang bắt đầu tập trung thiết kế hoa len.

Con số hơn 500 mẫu hoa Quang thiết kế khiến nhiều người bất ngờ nhưng với Quang, đó chỉ mới là điểm khởi đầu. “Đây là sản phẩm sáng tạo chỉ ở Việt Nam mới có, tôi sẽ phấn đấu để đưa sản phẩm này ra thế giới”, Quang tỏ ra lạc quan. Tuy nhiên, với Quang, đây là một quãng đường dài mà việc trước tiên cần làm là cho ra mắt tập sách kỹ thuật móc hoa len để đảm bảo chứng nhận sáng tạo của mình và lập một showroom để có nơi “khoe” sản phẩm với khách hàng trong nước.
Flag Counter