Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Trở thành doanh nhân vì tự nhiên thuộc về công việc ấy

Không thuộc tuýp người có sắc đẹp, không được học hành đến nơi đến chốn nhưng ấn tượng khi gặp chị là sự mộc mạc, dễ gần pha lẫn cảm giác chắc chắn, tin cậy rất dễ gây cảm tình với người đối diện. Chị tự nhận mình không phải là doanh nhân mà vì đơn giản thuộc về công việc ấy. Người phụ nữ tôi đang muốn nói đến là chị Đàm Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Gia Hưng chuyên cung cấp các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ mây tre đan. Chị đã đi lên từ một công nhân nhà máy may để trở thành bà chủ của những đơn hàng xuất khẩu lên đến hàng triệu sản phẩm.
Chị Đàm Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Gia Hưng

Những mùa hè học nghề và sự lận đận thi cử

Chị Đàm Thu Hà sinh ra tại Hà Nội. Bố mẹ chị đều là bộ đội nên cuộc sống chỉ tàm tạm đủ sống chứ không hề dư dật.

Với lối suy nghĩ đơn giản để lo cho con sau này có một cái nghề, ngay từ bé, mẹ đã cho chị đi học đủ thứ: thêu thùa, đan lát... Lên cấp 2, với tâm lý lo xa “không biết học hành thế nào, nhưng có cái nghề thì sống”, mẹ chị hướng cho con gái đi học may sau này có cái nghề kiếm sống. Do vậy, những mùa hè học cấp 2, mẹ cho chị về quê Hưng Yên học nghề may từ các bác (vốn dạy may từ thời Pháp). 

Rào cản tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của các bác cũng khiến cho công cuộc học may của chị nhiều trắc trở vì chỉ muốn truyền nghề cho con trai chứ không truyền nghề cho con gái. Vì thế, đi học nghề may mà chủ yếu chị được giao thùa khuyết. Có mùa hè chị thùa được 2000 cái khuyết áo đủ các kiểu: khuy tết, khuy bọc, khuy không đường may... Công việc thuần thục, tay nghề thùa khuyết của chị đẹp mỹ mãn đến tận bây giờ. Đối với chị, chỉ với 1 cái khuyết nếu đi tới cùng vẻ đẹp của nó cũng thể làm giàu được. Chị cũng không ngờ vốn học may, thêu thùa lúc nhỏ lại trở thành nghề và giúp chị không chỉ sống được mà còn làm giàu về sau.

Thời đi học, chị rất thích học ngoại ngữ. Học hết phổ thông, cũng như bao học sinh khác chị đặt hồ sơ thi vào trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Hà Nội bây giờ). Những tưởng thi đỗ vì nằm trong khả năng nhưng kết quả chị thi trượt. Không nản lòng, chị ôn tiếp năm thứ 2 và thi vẫn trượt. Quyết tâm thi lại lần 3 nhưng cánh cửa giảng đường Đại học vẫn đóng lại trước chị. Sự trớ trêu của “học tài thi phận” đã buộc chị phải đổi hướng theo con đường khác.

Vụ xử lý mất đồ hoàn hảo của sếp mới

Sau 3 lần thi rớt, bố xin cho chị vào làm tại nhà máy may xuất khẩu. Sau 6 tháng đào tạo, chị chính thức trở thành công nhân tại nhà máy. Đã sẵn biết nghề may từ những mùa hè còn là học sinh nên tay nghề của chị lên rất nhanh và sớm trở thành công nhân có tay nghề cứng. Con đường thăng tiến từ một công nhân quèn mở ra với chị, chị lần lượt được đề bạt lên làm tổ trưởng, phụ trách kỹ thuật rồi lên quản lý. 

Trẻ, tay nghề giỏi, chị lên làm quản lý trong sự ghen tị của nhiều đồng nghiệp hơn tuổi khác. Một kỷ niệm khó quên  năm 22 tuổi khi chị lần đầu bước vào nghề quản lý: Có một vụ mất mát (quần sooc) trong ngày đầu tiên chị nhận quản lý một tổ sản xuất 60 người:

Đứng trước tình huống mất đồ gay cấn này, chị đã rất bình tĩnh xử lý êm thấm vụ việc và thu hồi lại được 22 chiếc quần. Chị cho họp mọi người lại và thông báo “Mình đã họp với Ban quản lý, mất hàng thì phải bồi thường, trị giá quy đổi theo đơn giá của khách hàng. Mỗi người sẽ nộp 50 nghìn cho vụ mất mát này”. Hiểu chắc chắn rằng không ai chịu mất tiền nên tất cả không ai nhận lỗi, chị đề nghị bỏ phiếu kín để tìm lại công bằng cho mọi người. Kết quả tất cả số phiếu đều trắng vì đây chỉ là trò đùa với sếp mới. Chị đành: “Cảm ơn tất cả mọi người đã giúp tôi tìm ra số hàng đã mất, những ai đã làm việc này tự giác chiều nay mang quần trả lại vào phòng quản lý”. Câu nói này đã khiến cho mọi người tự phải đấu tranh tư tưởng và nghi ngờ xem ai là “kẻ phản bội”. Ngày thứ nhất không có ai nộp lại nhưng đến ngày thứ 2 họ đã tự đấu tranh với chính mình và chỉ thiếu duy nhất 1 chiếc. Chị nói “Còn một chiếc nữa, tôi không muốn nhắc tên bạn vì tôi đã biết bạn rồi, bạn nên mang đến vì tôi không muốn bạn phải xấu hổ trước mặt mọi người”. Ngày hôm sau thì cái quần cuối cùng cũng về vị trí và 22 cái quần mất thu hồi lại được hết trong khi đó thực tế chị không có một thông tin nào.

Vụ việc xử lý này đã giúp chị giải quyết xuất sắc bài toán mất mát nhờ biết đánh vào tâm lý người khác mà không làm tổn hại đến danh dự của họ và vẫn đảm bảo công việc công ty. Chị được mọi người chấp nhận và nể phục. Làm ở vị trí nào chị cũng thể hiện rõ vai trò thủ lĩnh, chị được cử tham gia cuộc thi thợ giỏi toàn quốc.

Bén duyên với ngành xuất khẩu từ nghề may

Vừa là một công nhân giỏi tại nhà máy may, cơ duyên đưa chị đến với ngành xuất khẩu một cách tình cờ. Có một Việt Kiều quê ở Ứng Hòa Hà Tây muốn đầu tư một nhà máy tại quê hương để tạo công ăn việc làm cho người dân. Anh ta tìm một thầy giáo để gửi gắm tâm nguyện này. Gia đình thấy giáo đông con, thu nhập không đủ sống nên rất muốn làm việc gì để tăng thu nhập. Thầy không biết nghề may nên qua giới thiệu đã tìm đến chị để tìm hiểu về quy trình may công nghiệp.

Nếu theo lẽ thông thường, chị sẽ mãi là công nhân may nhưng khi có cơ hội tới buộc chị phải tiếp cận và tư duy về nó. Chị tham khảo cuốn “công nghệ may” được treo ở dây chuyền sản xuất và bắt đầu đọc kỹ càng rồi cặm cụi mày mò, tính toán, kẻ vẽ để xây dựng công nghệ sản xuất quần len xuất khẩu gồm chi tiết kiểu dáng công nghiệp, mô tả dây chuyền, bóc tách giá, nguồn nguyên liệu... Sau khi hoàn thành, chị đưa cho anh thày giáo để trình cho ông Việt Kiều và họ đã quyết định đầu tư máy móc, trang thiết bị mở xưởng may. Năm đó chị 24 tuổi .

Chị và người thầy giáo đã kết hợp hoàn hảo để cho ra một dây chuyện khép kín từ khâu nguyên liệu đến việc hoàn thiện và xuất khẩu hàng đi Ba Lan. 

Khi làng nghề mở ra thì công việc được triển khai trên diện rộng, mỗi tháng chị làm được 30.000 sản phẩm quần len xuất khẩu. Chị đã đưa công nghệ vào sản xuất để giải quyết vấn đề năng xuất, chất lượng đang tồn đọng tại các làng nghề khác. Kết quả với 5 chiếc máy chuyên dùng chị làm ra 3000 sản phẩm/ngày/3 ca, mỗi ca 1000 sản phẩm, năng suất gấp 6 lần. 

Năm 1997, Đông Âu tan vỡ, công việc xuất khẩu quần len chậm lại và không được thuận như trước. Tuy nhiên chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm xuất khẩu và giải quyết các khâu khác nhau trong quá trình xuất hàng đi. 

Một cơ hội khác lại đến với chị: có một khách hàng Đài Loan nhập khẩu hàng mây tre đan, anh này muốn những sản phẩm được trang trí thêm vải và phụ kiện. Chị đã hình dung ngay ra những chiếc hộp xinh xắn với ren, vải, phụ kiện và đó là sở trường của chị “sáng tạo và thích tìm tòi cái mới”. Khi kết hợp với phụ kiện thì những sản phẩm mây tre đan không chỉ đơn thuần nữa mà có ren, có bèo rất thẩm mỹ.

Trở thành bà chủ của thương hiệu mây tre đan xuất khẩu

Năm 2007, sau những cái duyên với nghề may, chị đã định vị lại sản phẩm và ngành hàng mình làm nên chị quyết định mở doanh nghiệp để sản xuất trọn vẹn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan kết hợp với vải lót, ren lót. Chị kết nối với các làng nghề tại nhiều tỉnh thành trong cả nước để làm các chi tiết cho các mã hàng của mình. Thời gian đầu, tự mình thiết kế các sản phẩm, chị phải tự mày mò, tính toán diện tích, thể tích các hình, các khối. Sau khi đã lên được mẫu sản phẩm gồm những mảng miếng khác nhau, chị giao chi tiết đơn hàng về các địa phương để làm các công đoạn. 

Trong suốt quá trình kinh doanh điều chị nhấn mạnh nhất chính là vai trò của người “cầm cờ”. Các tình huống khó khăn, đầy mạo hiểm, đầy bất trắc mang tính đặc thù công việc  do khách quan mang lại cần người đứng đầu phải có cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Vào mùa chiến dịch chị lặn lội khắp các làng nghề, triển khai lắp ghép công việc để tạo thành một cỗ máy vận hành đúng đường ray. Và không ít những phen thừa sống thiếu chết, dở khóc dở cười với những sự khập khễnh trong quá trình làm việc.

Hình ảnh một số mã sản phẩm xuất khẩu:








Sản phẩm được đóng thùng trước khi xuất khẩu

Công việc vào guồng và chạy nhịp nhàng, thành công và tiền bạc đến với chị cũng rất thuận lợi. Hiện nay, công ty chị đã trở thành nhà thầu phụ của nhãn hàng IKEA. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm mới nhất của chị là “lót mũ bảo hiểm” đang là sản phẩm hot trên thị trường giúp cho người đi xe máy cảm thấy thoải mái, sạch sẽ, thoáng mát khi đội mũ bảo hiểm. 


Sản phẩm lót mũ bảo hiểm đan từ mây và viền vải

Hàng năm, từ tháng 6-9 là thời gian bận rộn nhất với chị vì là mùa xuất khẩu, chị tổ chức các chiến dịch mùa hè để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu. 

Làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, theo chị Hà cái khó nhất là ghép nối tốt để đảm bảo đủ số lượng cho lô hàng trước khi xuất đi. Vì để cho công ten nơ lên tàu đúng thời gian thì phải lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra: tăng cước, làm không đủ, dự phòng, thời tiết… Nếu làm thiếu số lượng thì số tiền rải trên chặng đường đó nhiều vô kể và bài toán kinh tế sẽ có vấn đề ngay. 

Thành công không nhất thiết là phải học đại học

Đối với chị Đàm Thu Hà, thành công có được ngày hôm nay đã giúp chị giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở các làng nghề địa phương. Chị thường làm việc vào ban đêm vì lệch múi giờ với khách hàng: “Công việc này chị không chia sẻ được với ai, không nói được với ai, chỉ có chị và 2 phương án “Được hoặc mất”. Lúc đó, linh giác tự nhiên xuất hiện trong tình huống chốt đơn hàng và tự mình phải quyết. Chị hiểu rằng khi quyết thì hàng nghìn người nông dân họ được hay mất phụ thuộc vào cái quyết của mình. Rồi khách hàng, nhà nhập khẩu…. Khi quyết một mình như vậy thì chị sẽ dám chịu. Mình dám chịu thì chả còn vấn đề gì nữa và mình chấp nhận cái xấu nhất xảy ra”. 

Ngoài việc chịu trách nhiệm với những quyết định, với chị Hà thì làm chủ doanh nghiệp phải học hỏi liên tục thì mới làm giàu được. Trong những lúc rảnh rỗi thay vì đi chơi, chị một mình với chiếc máy tính và chương trình tự học ngoại ngữ, đọc tin tức văn hóa, xã hội, giao lưu với các bạn trẻ thông qua mạng xã hội. Khi không biết cái gì thì mình phải tìm cách học bằng được: “Như chị ngày xưa không biết viết thư thương mại, lúc đầu cứ viết dài dòng kể lể sau  phải học cách viết mail cho đối tác cho ngắn gọn đủ ý và mạch lạc, dễ hiểu”. Chị Hà cho biết thêm: “Theo chị thì để thành công không nhất thiết phải qua  học Đại học vì đi học Đại học cũng chỉ  là một lựa chọn  để ra trường mình có một cái vốn rồi chọn một nghề để sống. Nói như thế không phải là chị không trân trọng những người học cao bởi vì họ thuộc về nơi đó, những giảng đường. Nhưng nếu bạn không thi đỗ Đại học không có nghĩa là bạn không thể làm giàu”. 

Tiếp xúc với chị Hà, tôi vỡ ra nhiều thứ từ công việc của chị. Cảm xúc của tôi về chị là cũng giống như khi người ta tự nhiên bị đặt trước một hoàn cảnh hóc búa, nhưng lại biết cách để giải quyết bài toán hóc búa đó bằng sự sáng tạo, tư duy liên tục. Phải chăng, đó cũng là một tố chất khác biệt của một người làm chủ với một người làm công. 

hoclamgiau.vn

Kiếm tiền tỉ từ…'đại học' làng

Không ít người trở thành những doanh nhân giàu có, thành đạt mà không có bằng đại học.
Nhiều người lấy thước đo cho sự thành công là phải tốt nghiệp đại học, điều đó đúng nhưng chưa đủ vì một thực tế là không ít người học nghề và họ trở thành những doanh nhân giàu có, thành đạt, Chắc chắn, con đường lập nghiệp cho những niềm đam mê luôn rộng mở, sáng lạn mà không nhất thiết phải vào đại học.

Kiếm tiền tỉ từ bánh đa gạo


Đến thăm cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh đa gạo Đăng Ruyện (thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình) mới thấu hiểu được những vất vả, khó khăn và tinh thần dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Ruyện.


Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2000, Ruyện trở về quê. Trong khi các bạn đồng lứa ào ạt thi đại học thì Ruyện lại chọn cho mình hướng đi khác. Với suy nghĩ tại sao không tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương là làng nghề truyền thống để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.


Với mong muốn thoát nghèo, làm giàu, được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và sự quan tâm tạo điều kiện của tổ chức Đoàn thanh niên cho vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách-xã hội, Ruyện đã đầu tư, mua máy tráng bánh đa đầu tiên về làng trước sự ngỡ ngàng đến nể phục của bà con trong thôn. Chiếc máy tráng bánh đầu tiên được anh Ruyện đưa về làng từ năm 2000.


"Lúc đó cả làng xì xào bàn tán, có người còn bảo tôi là "trẻ ranh" tinh tướng, bao đời nay đã chẳng ai làm được, mới tí tuổi đầu mà đã... Rồi cũng thất bại sớm" - anh Ruyện kể. Nhưng bằng ý chí và sự quyết tâm, anh vẫn âm thầm làm với sự giúp sức của bố mẹ.


Những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật. "Có những lần bánh tráng ra bị vữa, không thể thành hình, buộc phải bỏ đi mất hàng tấn gạo. Nhìn cảnh đó tôi buồn đến nghẹn lòng" - anh Ruyện nhớ lại. Làm nhiều lần đúc rút được nhiều kinh nghiệm, cuối cùng anh cũng thành công. Bánh đa gạo được tráng bằng máy của anh không chỉ có độ kết tinh cao hơn, bánh chín dẻo, dai hơn... mà lại có giá thành rẻ, năng suất gấp 20 lần so với làm thủ công.

Ông chủ trẻ thành công không bằng con đường đại học


Trung bình mỗi tháng lượng gạo cần cho sản xuất khoảng 6 tấn. Ngoài ra, anh còn nhận tráng bánh thuê cho từ 3- 4 hộ sản xuất thủ công trong thôn. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng, sản phẩm của anh đã được nhiều thương lái đến đặt hàng mua xuất bán vào thị trường các tỉnh miền. Hiện, cơ sở của anh đã tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 2,5- 3 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Làm công để học bí quyết trồng hoa


Ở Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) từng có thời gian thanh niên chán nản không còn muốn làm nghề cơ cực này. Thế nên mới có nghịch lý lao động khắp nơi đến Tây Tựu tìm việc làm nhiều đến mức có cả phiên chợ lao động, còn thanh niên trong xã có xu hướng đi tìm việc làm nơi khác. Đó cũng chính là lý do khiến chàng trai một thời ham chơi Nguyễn Tự Quyết dành toàn bộ tâm sức kiên nhẫn bước chân vào nghề trồng hoa với hy vọng sẽ gìn giữ, phát triển thương hiệu hoa Tây Tựu.


Người dân Tây Tựu trồng hoa rất giỏi. Mỗi người đều chọn cho mình loại hoa thế mạnh và thường giữ bí quyết riêng trong kỹ thuật chăm sóc, thế nên không dễ học nghề của họ. Chọn loài hoa hồng, Quyết chấp nhận làm nhân công thời vụ cho các hộ gia đình trồng hoa này với mục đích học việc. Thời gian đi làm thuê, Quyết "bí mật" quan sát, ghi nhớ từng động tác tách, ghép mắt cho hoa...


Chăm chỉ rèn luyện tay nghề, từ vị trí phụ việc, Quyết dần được chủ vườn tin tưởng "đôn" lên làm thợ chính. Đầu năm 2009, khi đã "cứng tay", Quyết dành 4 sào ruộng, dồn tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, cộng thêm vay mượn người thân gần 20 triệu đồng mua giống trồng vụ đầu tiên.


"Có trực tiếp làm nghề này mới hiểu được nỗi cơ cực của người trồng hoa", Quyết trải lòng. Một mình hì hụi ghép mắt hoa cho 4 sào ruộng, công việc tưởng chừng như êm xuôi, không may gặp đúng thời điểm nắng gắt, mắt hoa cứ héo dần gây thiệt hại đáng kể. Đến khi cây phát triển, Quyết liên tiếp đối mặt với khó khăn như sâu bệnh cắn phá.


Chưa có nhiều kinh nghiệm, Quyết tìm đến những ruộng hoa lâu năm cũng có bệnh tương tự rồi lặng lẽ bám theo họ đến cửa hàng mua thuốc bảo vệ thực vật. "Mình dặn trước chủ cửa hàng, họ mua thuốc gì thì mình cũng mua đúng loại thuốc ấy. Học "lỏm" theo cách này vừa nhanh lại cho hiệu quả tức thì", Quyết chia sẻ.


Để giúp các thanh niên trong làng lập nghiệp từ nghề truyền thống, từ cương vị Bí thư Chi đoàn thôn 3, Quyết nghĩ đủ cách thu hút thanh niên tham gia hoạt động. Khi thì thi đấu trò chơi dân gian, giao lưu kết bạn cho nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng, lúc lại cùng nhau thu dọn đường làng ngõ xóm... Chọn nòng cốt là thanh niên xuất ngũ về lại địa phương, Quyết vận động họ đầu tư trồng hoa, làm kinh tế.


Từng trải qua những khó khăn khi bước chân vào giới trồng hoa ở Tây Tựu, Quyết tận tình đeo bám, hỗ trợ miễn phí mắt hoa, hướng dẫn cấy ghép. Cứ thế, số thanh niên hứng thú với nghề trồng hoa mỗi năm lại tăng dần. Trong các sinh hoạt tập thể của đoàn, các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa ngày càng rôm rả và hữu ích. Bằng sự lao động cần cù, ham học hỏi, không chỉ Quyết mà nhiều thanh niên đang giàu lên từ chính nghề truyền thống này khi mỗi năm họ lãi hàng trăm triệu đồng từ bán hoa.


Xây biệt thự từ... may vá


Với đôi tay tài hoa và chiến lược kinh doanh đúng đắn, mỗi năm, anh Dương Văn Vịnh (sinh năm 1979), trú tại thôn Từ Thuận, Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội thu nhập 600 - 700 triệu đồng từ xưởng may com-le của mình.


Cũng như nhiều đứa trẻ trong làng, anh Vịnh bắt đầu cầm kim chỉ bắt chước người may quần áo từ những năm học cấp 2 trường làng. 18 tuổi, rất nhiều người khuyên anh thi vào đại học nhưng anh tự thấy học lực mình không cao, nghĩ ra trường khó xin việc làm.


Anh quyết định học tại "làng" và theo gót ông chú họ học hỏi nghề may mặc thủ công. Hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự anh Vịnh quay về làng tiếp tục rèn giũa tay nghề. Học và làm công thêm 2 năm, anh trở thành người thợ cả khéo léo đứng ra mở hiệu may riêng. Năm 2001 anh bắt đầu ra Thủ đô tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.


Ban đầu chỉ đủ vốn để mua những máy móc bình thường khoảng 3 - 4 triệu đồng, làm thủ công là chủ yếu nên cũng vất vả. Tuy nhiên, vốn dĩ xuất thân từ gia đình nông dân chân lấm tay bùn, quen với cái khổ nên mọi khó khăn đều có thể cố gắng vượt qua. Mãi một thời gian dài tích cóp được số vốn tương đối thì gia đình anh đầu tư mua máy công nghệ hiện đại đưa vào sử dụng. Anh mua máy ép thủy lực công nghệ cao, máy thùa khuyết điện tử, máy may hiện đại nhất...


Đến bây giờ tại nhà anh có 4 máy công nghệ cao với tổng số tiền đầu tư lên tới gần 800 triệu.


Mỗi năm may được trên 4 nghìn bộ com-lê, thu nhập lên tới 600 - 700 triệu đồng, gia đình anh giờ đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ các tiện nghi và một số cơ ngơi. Số tiền dư ra lên tới hàng tỷ đồng. Làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương, lại có thể giúp bà con trong làng xã có thêm công ăn việc làm thu nhập khá, mô hình kinh tế gia đình anh Vịnh đã góp phần phát triển và "giữ lửa" làng nghề may mặc của địa phương.


"Tôi chẳng phải học Đại học ở đâu xa mà học "đại học" ngay chính làng quê mình" - anh Vịnh hóm hỉnh chia sẻ bí quyết.
(Theo PLVN)
Flag Counter