Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

7 bệnh trong quản trị doanh nghiệp VN

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay không cho cấp dưới biết những thông tin về nguồn vốn, lời, lỗ...
Bệnh thứ nhất: Chiến lược

Bệnh này rất nhiều doanh nghiệp mắc phải, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thể hiện cụ thể là thiếu hoặc chưa tự đánh giá doanh nghiệp mình về 5 vấn đề lớn, gồm:
Thứ nhất là điểm mạnh, yếu (nội lực của doanh nghiệp) về quản trị, văn hóa doanh nghiệp, nguồn lực.
Thứ hai là những cơ hội và thách thức về kinh tế, công nghệ, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
Thứ ba là thiếu hoặc chưa tự đánh giá doanh nghiệp thường xuyên trong quá trình phát triển kinh doanh.
Thứ tư là thiếu hoặc chưa có chiến lược qua từng thời kỳ hoạt động.
Cuối cùng là thiếu hoặc chưa có sự chia sẻ giữa bộ máy lãnh đạo và bộ phận thừa hành.
 “Nhiều người giỏi làm việc không có tâm, chỉ quan tâm đến lương cao, hay “chảnh”, nhiều người dở nhưng lại không chịu làm và học hỏi”. Hiện không ít doanh nghiệp mà giám đốc độc quyền, không tin cấp dưới, không phân quyền nên suốt ngày nhận “trình, bẩm”, từ đó ra quyết định chậm, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Nhiều vị giám đốc bị động, không chủ động lên kế hoạch đối phó với những thách thức từ môi trường khách quan bên ngoài.
Thí dụ dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ thành đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh du lịch nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn bình chân như vại.
Bệnh thứ hai: Kỹ năng quản trị

Bệnh này thể hiện ở hoạt động dẫn dắt và hoạt động kiểm tra của lãnh đạo doanh nghiệp “có vấn đề”. Khi lãnh đạo doanh nghiệp giao việc cho cấp dưới thường giao một chiều, không hướng dẫn công việc, không động viên nhân viên, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với nhân viên, không giải quyết tốt những mâu thuẫn giữa người cũ và người mới trong doanh nghiệp.
Trong hoạt động kiểm tra, doanh nghiệp thiếu theo dõi hoạt động của nhân viên thường xuyên, không so sánh hiệu qủa công việc của nhân viên, khi nhận viên có sai sót thì đổ thừa, không giúp họ sửa sai.
Bệnh thứ ba: Kế toán - tài chính

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay không cho cấp dưới biết những thông tin về nguồn vốn, lời, lỗ (phân tích theo ngành hàng doanh nghiệp kinh doanh), dòng tiền với những phân tích thấu đáo nên nhân viên rất thiếu thông tin, hạn chế sự sáng tạo phấn đấu đưa doanh nghiệp phát triển.
Trong hoạt động kế toán - tài chính, nhiều doanh nghiệp không có số liệu thống kê liên tục qua các năm nên không thể hoạch định được kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Việc đối chiếu sổ sách, chứng từ, hoá đơn làm không đến nơi đến chốn, bộ phận kế toán tài chính không thường xuyên rà soát, phân tích và đề xuất những sáng kiến làm lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Bệnh thứ tư: Nhân sự

Ông Lê Phụng Hào, Trưởng ban đào tạo VMA chẩn căn bệnh này như sau: nhiều doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược nhân sự, không phân biệt được vai trò giữa quản trị nhân sự và quản trị nguồn nhân lực, nhầm lẫn giữa duy trì động lực và tạo động lực bên trong của đội ngũ nhân viên, không phát triển được lực lượng kế thừa (bệnh sống lâu lên lão làng) và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ doanh nghiệp.
Bệnh thứ năm: Marketing

Doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược marketing, thiếu định vị sản phẩm (nhắm tới đối tượng khách hàng là ai, tạo sự khác biệt sản phẩm của mình để cạnh tranh); xem việc phát triển thương hiệu như là làm quảng cáo mà không coi phát triển thương hiệu như phát triển một con người, không thiết lập được hệ thống phân phối hiệu qủa.
Bệnh thứ sáu: Sản xuất

Doanh nghiệp chưa xác định được chiến lược hoạt động sản xuất luôn phục vụ cho chiến lược kinh doanh, chưa thiết lập hệ thống quản lý chất lượng thực sự (lầm lẫn ISO là công cụ tiếp thị, trong khi ISO là công cụ quản lý nâng cao hiệu qủa kinh doanh của doanh nghiệp); chưa quản lý chi phí chất lượng (quên kiểm soát lãng phí vô hình - thường chiếm 20% chi chí của doanh nghiệp, mà chỉ chú ý chi phí hữu hình); chưa liên tục cải tiến chất lượng do chưa tạo được môi trường thúc đẩy sản xuất và sáng tạo trong doanh nghiệp.
Bệnh thứ bảy: Tâm lý sợ thay đổi

Bệnh này được ông Hào đúc rút thành một hình ảnh khái quát rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp: “Không sợ bệnh, chỉ sợ thấy bệnh mà không chữa, bệnh trở thành tật”, lúc đó vô phương cứu chữa.
(Theo VnEconomy)

Bước khởi đầu của các CEO nổi tiếng

CEO Rex Tillerson của Exxon Mobil từng là một người trông giữ trẻ. Còn vị chủ tịch của ngân hàng J.P Morgan Chase đã có thời là đầu bếp nấu món khoai tây chiên.
Trên thực tế, có rất nhiều những vị CEO giàu có và đầy quyền lực đã kiếm được những đồng tiền lương đầu tiên bằng những công việc như cắt cỏ, chuyển báo…
Dưới đây là 10 vị CEO với những công việc khởi đầu đầy thú vị.
1. Doug McMillon - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Wal-Mart

Doug McMillon hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của chuỗi các cửa hàng Wal-Mart. Wal-Mart là nơi đầu tiên Doug McMillon làm việc. Ông đã đến làm tại kho hàng Arkansas của tập đoàn này khi mới 17 tuổi với mức lương 6 đôla một giờ.
Ngày nay, mặc dù đã ngồi trên vị trí cao nhất của tập đoàn, Doug McMillon vẫn cho rằng những kỹ năng và kiến thức học được từ công việc đầu tiên tại kho hàng Wal-Mart vẫn được sử dụng rất hiệu quả cho công việc ở vị trí chủ tịch đầy quyền lực của ông hiện tại.
Ông nói: “Những thành công trong công việc nhóm và sự chăm chỉ sẽ được đền đáp. Nếu bạn không biết tận dụng thời gian, không phấn đấu nỗ lực làm việc chăm chỉ trên cả mong đợi của những nhà lãnh đạo thì bạn sẽ không bao giờ có thể thăng tiến được".
2. Michael Dell, Chủ tịch Công ty công nghệ Dell

Dell là một công ty về công nghệ được thành lập vào năm 1984 tại Austin, bang Texas, tên của công ty này được đặt theo tên của người sáng lập và cũng là giám đốc điều hành Michael Dell. Trong năm 2011, tạp chí Forbes đã bình chọn ông là một trong số những người giàu có nhất thế giới với tổng giá trị tài sản ước tính lên tới 15 tỷ USD. Và công ty Dell của ông xếp trong top 500 của tạp chí Fortune.
Michael Dell bắt đầu làm công việc giặt là vào lúc 12 tuổi tại một nhà hàng của Trung Quốc với mức lương chỉ 2,3 đôla một giờ. Sau đó ông tiếp tục đến làm việc tại một nhà hàng Mexico. Ông chính thức rời bỏ công việc tại những nhà hàng và đến với công việc tại một cửa hàng bán tem và những đồng xu hiếm. Sau đó, ông đến với công việc bán báo qua điện thoại cho đến lúc 16 tuổi.
3. John Dasburg, Giám đốc điều hành hãng hàng không ASTAR Air Cargo

ASTAR Air Cargo là một hãng hàng không có mặt tại hơn 40 sân bay và cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Giám đốc điều hành của công ty này ông John Dasburg, một người có tài năng rất đặc biệt.
Ngay từ khi 10 tuổi, Dasburg chứng tỏ tài năng của mình khi quyết định kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng công việc cắt cỏ thuê cho người hàng xóm. Tuy nhiên công việc thì quá nhiều, và ông nhận ra rằng ông không thể làm một mình. Ông đã giải quyết tình hình đó bằng cách chia sẻ bớt công việc cho những người bạn bè của mình và ăn phần trăm từ họ.
4. T.Boone Pickens, CEO BP Capital Mgmt

Theo tạp chí Forbes thì tài sản của Pickens lên tới 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên khi ông làm công viêc đầu tiên của mình với nghề phát báo ở Holdenville, Oklahoma, ông chỉ kiếm được 28 cent một ngày. Đó là lúc Pickens 12 tuổi.
Công việc đó đã cho Pickens cảm giác tự do đầu tiên, ông nói: “Từ đó tôi không cần tiền của bố mẹ nữa, tôi muốn tự mình kiếm chúng.”
Ông nói rằng việc kiếm tiền từ những khách hàng không muốn trả tiền cho ông đã dạy cho ông một bài học quý báu: “Bạn phải kiên định nếu bạn muốn đạt được mục đích của mình. Bạn sẽ không biết được công việc hằng ngày sẽ dẫn bạn tới điều gì, chính vì vậy hãy đặt mọi tâm trí của mình vào mọi việc.”
5. Terry Lundgren, CEO của Tập đoàn Macy

Công việc đầu tiên của ông bắt đầu sau khi ông tốt nghiệp đại học, đó là làm ở cửa hàng Federated. Tuy nhiên, là một sinh viên mới tốt nghiệp, Lundgren lúc đó chưa chắc chắn những gì ông muốn cho cuộc sống. Ông từng có ý định học thú y nhưng sau một năm lại chuyển sang học kinh doanh.
Lundgren làm tại cửa hàng Federated vào năm 1975 và làm cho chi nhánh của công ty Bullocks Wilshine ở Los Angeles. Đến năm 35 tuổi, ông đã làm trưởng chi nhánh đó. Năm 2005, ông tham gia vào thương vụ sát nhập hai cửa hàng Federated và May, đến năm 2007 hai công ty hợp nhất lại thành tập đoàn Macy và trở thành một nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hiện nay.
6. Clarence Otis, Jr., CEO của Chuỗi cửa hàng ăn Darden

Chuỗi cửa hàng ăn Darden ở bang Florida của Mỹ hoạt động như một cơ sở ăn uống giống Olive Garden và Red Lobster. Trong năm 2010, thời báo Orlando Sentinel xếp Clarence Otis vào 11 người quyền lực nhất miền trung Florida với lý do ông quản lý 1.800 cửa hàng ăn uống và 180.000 nhân công.
Khi Otis gia nhập công ty vào năm 1995 với chức danh thủ quỹ, ông đã có kinh nghiệm về kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ở tuổi 17, Otis làm nhân viên phục vụ tại cửa hàng ăn uống ở sân bay Los Angeles và kiếm được 3,5 USD một giờ. Ông nói rằng việc phục vụ một lượng lớn người ở mọi đẳng cấp đã giúp ông có một thái độ và tư tưởng tích cực.
7. Jack Schuessler, CEO của Wendy International

Tập đoàn Wendy International là công ty mẹ của Wendy, chuỗi cửa hàng hamburger lớn thứ 3 thế giới. Jack Schuessler đã làm cho công ty 30 năm và từ năm 2000 đến 2006 ông đã trở thành CEO.
Công việc đầu tiên của Schuessler là công việc khuân vác tại nhà máy ST. Louis với mức lương 2,45 USD một giờ. Ông cho rằng tính lặp đi lặp lại của công việc làm ông thấy nhàm chán trong suốt 8 tiếng làm việc.
Dù không thích công việc đó lắm, ông vẫn khẳng định nó đã dạy ông một bài học rất quan trọng: “Nếu bạn không làm việc, bạn sẽ không bao giờ được trả công”.
8. Bill Watkins, CEO của Seagate Technology

Seagate Technology là nhà sản xuất ổ cứng lớn nhất thế giới. Bill Watkins gia nhập công ty vào năm 1996 sau đó thăng tiến đến vị trí chủ tịch kiêm giám đốc điều hành vào năm 2004, và giữ vị trí đó đến năm 2009 khi ông nghỉ hưu.
Watkins đã có một cuộc đời rất đặc biệt trước khi đến được vị trí cấp cao đó. Khi ông tốt nghiệp trung học năm 1971, Watkins tham gia quân ngũ và phục vụ trong căn cứ Missouri với vai trò là một người cứu thương. Sau khi giải ngũ, ông làm ca đêm tại một bệnh viện tâm thần với nhiệm vụ kiềm chế bệnh nhân.
Sau đó ông từ bọ mọi thứ và đến bang California nơi mà ông làm việc với Xdex, nhà sản xuất đĩa mềm tại thung lũng Silicon. Từ đó ông làm trong lĩnh vực công nghệ cao.
9. Michael Morris, CEO của Công ty điện American Electric Power

American Electric Power là một trong số những nhà sản xuất điện lớn nhất nước Mỹ. Công ty này là nguồn cung cấp điện năng chính cho 38 bang của Mỹ và một phần của miền đông Canada.
Morris bắt đầu đi làm từ hồi 11 tuổi cho công ty Ohio’s Toledo Blade với việc phát báo và kiếm được 5 USD một ngày. Ông tin rằng công việc đó đã giúp ông có được một phong cách công nghiệp. Ngày nay, ông khuyến khích những nhân viên có những phẩm chất tương tự.
10. Susan Story, CEO của công ty Gulf Power

Công ty Gulf Power là một công ty điện có trụ sở ở Florida. Phục vụ hơn 400.000 khách hàng trải dài từ tây bắc Alabama, Florida đến vịnh Mexico.
Susan Story chính là CEO và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Gulf Power, 17 tuổi bà đã làm cho tờ báo Sand Mountain Reporter, một tờ báo của Alabama với lượng phát hành 20,000 bản. Story đã làm công việc đó với mức lương chỉ 2,85 USD một giờ.
Công việc của bà bao gồm viết quảng cáo, thông báo. Bà nói rằng công việc cho phép bà nhìn ra những cơ hội bên cạnh những trách nhiệm trong công việc của mình.
Nguồn vnexpress
Flag Counter